Chiêm ngưỡng những nét đẹp thanh tú bức tượng Tu sĩ Chăm Pa nghìn năm tuổi

(PLVN) - Dù đã không còn tồn tại từ lâu, nhưng vương quốc cổ Chăm – Pa đã để lại trên dải đất đồng bằng ven biển miền Trung nước ta nhiều di sản tượng cổ đặc sắc. Trong số đó phải kể đến bức tượng Tu sĩ Chăm – Pa với phiên bản độc nhất vô nhị. Trải qua nhiều biến cố, cuối cùng bức tượng đã trở về nguyên vẹn trong tay những nhà bảo tồn và đại diện cho một thời kỳ văn hóa Chăm – Pa hưng thịnh. 
Hình tượng thần Siva trong Ấn Độ giáo.
Hình tượng thần Siva trong Ấn Độ giáo.

Trở về từ tay tội phạm buôn cổ vật

Năm 1994, bức tượng Tu sĩ Chăm – Pa được Công an thu giữ từ một đường dây buôn bán cổ vật trái phép. Sau đó, bức tượng được giao lại cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi nhập kho từ khi đó. Sau 13 năm “nằm im” trong bóng tối, năm 2007, bức tượng này đã được đưa ra trưng bày và tìm hiểu kỹ hơn tại khu trưng bày của bảo tàng. Đó là những lời do ông Lê Hồng Khánh, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi kể lại. 

Khi bức tượng được trưng bày tại đây, nhiều người dân đến xem không khỏi tò mò trước vẻ đẹp của bức tượng. Vị tu sĩ dường như đang chìm đắm vào vũ trụ vô tận, sâu thẳm. Dù được điêu khắc từ một khối đá khô cằn, cứng và thô ráp nhưng bức tượng giờ đây mang trong mình nhiều nét mềm mại, đặc trưng của một phong cách nghệ thuật tinh hoa của truyền thống tạc tượng Chăm – Pa.  

Tượng tu sĩ Phú Hưng được tạo tác dưới dạng tượng tròn trong tư thế ngồi tĩnh tọa trên bệ đá hình gần vuông và dựa lưng vào tấm tựa phía sau cách điệu đền tháp Champa, đầu có hào quang hình búp sen, mô tả vị thầy thông thái của người Cham Pa với khuôn mặt hiền từ, thanh tú, toát lên vẻ thần thái, đôn hậu.  

Đầu tượng đội Kirita-mukuta hình chóp nón cụt nhưng để lộ rõ phần chân tóc với vầng trán rộng, tai dài, đôi mắt lớn và đuôi mắt dài, mí lộ rõ nằm dưới hàng chân mày rậm hình vòng cung, mũi thẳng, cánh mũi nở. Miệng rộng, đôi môi dày thanh nhã với hàng ria mép rậm, cằm thể hiện bộ râu dài, thẳng, chóp nhọn, đặc tả từng sợi râu li ti, quang cổ trang sức chuỗi hạt.

Tháp Chăm là một biểu tượng kiến trúc thiên niên kỷ của một thời kỳ đất nước Chăm – Pa thịnh vượng.

Tháp Chăm là một biểu tượng kiến trúc thiên niên kỷ của một thời kỳ đất nước Chăm – Pa thịnh vượng. 

Thân tượng ở dạng khỏa thân vô tính, mặc trang phục Sampot (trang phục truyền thống của người Campuchia – PV) lộ rõ ba đường gấp với phần trên là thấy rõ, còn phần bên dưới thì có thân dài, thòng xuống gót chân phải và vắt qua hông phải, chân tay đầy đặn, bụng to lộ rõ lỗ rốn. Tượng ở tư thế ngồi thiền với chân phải gác lên chân trái, lòng bàn chân để ngửa lộ rõ các ngón chân, đồng thời hai bàn tay đặt lên hai đầu gối, tay phải cầm chuỗi hạt, tay trái cầm hoa sen.

Toàn bộ thân tượng, tấm tựa phía trên và bệ đá phía dưới được tạc từ nguyên một khối đá. Bệ tượng là một khối hình vuông được tạc theo kiểu thắt đáy tạo thành một khối hình vuông mỏng ở giữa. Tấm tựa được tạo tác giống hình dáng cửa vòm đền tháp Chăm - Pa gồm hai phần, phần dưới có thân hình vuông được tạo bởi hai cột ốp hai bên và ô cửa giả, còn phần trên có dạng hình vòm cung được tạo hình bảy búp hoa lửa mềm mại, ở trên đầu pho tượng tạo vầng hào quang hình búp sen, những mô típ hoa và lá lại giống như những vầng lửa.

Đây là pho tượng thần Shiva thể hiện dưới dạng một tu sĩ được đặc tả khá sống động với khuôn mặt đôn hậu, thanh thoát và trong sáng giống như khuôn mặt thật, bộc lộ những nét nhân chủng của người Chăm.

Niên đại bức tượng này được xác định là vào khoảng thế kỷ thứ IX-X, có nguồn gốc từ phế tích Phú Hưng ở Núi Thành (Quảng Nam). Phế tích Phú Hưng tọa lạc trên một ngọn đồi thấp diện tích khoảng 600m2 dấu vết còn lại rất rõ nét với gạch Chăm vương vãi nhiều. Tại đây, trong những năm 90 của thế kỷ trước, người dân đã đào tìm được rất nhiều hiện vật như tympan chạm thần Visnu, tượng nữ thần Lakshmi, tượng voi…

Theo các nhà nghiên cứu, tuợng Tu sĩ là tác phẩm nghệ thuật độc nhất hiện biết ở Việt Nam mà cho đến nay ở các đền tháp Chăm của miền Trung cũng như trong các khu di tích Chăm - Pa lớn như Mỹ Sơn, Trà Kiệu và các Bảo tàng trong nước cũng không có tiêu bản thứ hai. Bởi vì tượng tu sĩ Phú Hưng có kích thước lớn hơn hẳn (cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi) các tượng cùng loại của Mỹ Sơn và Trà Kiệu. 

Pho tượng này cũng là tượng thần Shiva duy nhất thể hiện dưới dạng thầy tu có những nét đặc trưng riêng như: thân hình khá to lớn, bộ râu rậm nhọn đầu, và cầm hai vật biểu trưng là tràng hạt ở tay phải và một đồ châu báu hình hoa sen ở tay trái mà ở các tượng thần Shiva cùng loại cũng không thể hiện nét đặc trưng này.

Tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật Chăm – Pa

Theo nhiều nhà nghiên cứu, tượng tu sĩ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị thẩm mỹ đặc sắc tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Trà Kiệu, là sự kết tinh tinh hoa nghệ thuật của truyền thống tạc tượng Chăm – Pa nói chung và là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng tu sĩ nói riêng.

Về phong cách Trà Kiệu, đây được xem là kinh đô của tiểu quốc Amaravati Chăm - Pa (Chiêm Thành), tên là Sihapura hay Thành phố Sư Tử được đề cập trong văn khắc trên đá của Chăm - Pa từ thế kỷ XI trở đi. Là một kinh đô lớn, Trà Kiệu có nhiều đền tháp, thành quách và nhiều tác phẩm điêu khắc đá của người Chămpa và đã định hình nên phong cách Trà Kiệu - một phong cách tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc Chăm - Pa. Cho đến nay, có khá nhiều tác phẩm điêu khắc Chăm xuất phát từ kinh thành Trà Kiệu được phát hiện, lưu giữ, trưng bày tại các bảo tàng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, ông Lê Hồng Khánh cũng đề cập, tên gọi của bức tượng vẫn còn nhiều bàn thảo và cá nhân ông tới giờ này vẫn cảm thấy tên gọi tượng Tu sĩ Chăm - Pa cũng cần phải xem xét kỹ. Ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà chuyên sưu tập tượng cổ về đức Phật Thích ca Mâu ni bằng sa thạch và các cổ vật Chăm, sau khi xem bức tượng Tu sĩ Chăm – Pa đã chia sẻ, có thể gọi tên chính xác của bức tượng này là Siva Mahaguru. Siva hàm nghĩa là người thầy vĩ đại; maha là lớn, vĩ đại và guru là người thầy, ông thầy. Bức tượng này là biểu trưng của thần Siva và có vẻ như là một nhà tiên tri, trong Bà La Môn, Phạn ngữ gọi là Siva Mahaguru.

Bức tượng Tu sĩ Chăm – Pa Phú Hưng.
Bức tượng Tu sĩ Chăm – Pa Phú Hưng.  

Siva là một vị thần quan trọng của Ấn Độ giáo, và một khía cạnh của Tam thần Ấn giáo. Phái Shaiva của Ấn Độ giáo (một trong ba giáo phái có ảnh hưởng nhất trong Ấn Độ giáo đương đại) xem Siva là vị Thượng đế tối cao. Siva là hiện thân của tất cả: sáng tạo và một sự khởi đầu mới cũng như bảo quản và tiêu hủy. Ở cấp độ cao nhất, Siva được xem như vô hạn, siêu việt, bất biến và vô tướng vô hình. Siva có rất nhiều hình thức vừa nhân từ vừa gây kinh sợ. Thần Siva còn được gọi bằng rất nhiều tên và danh hiệu khác nhau

Bức tượng đem đến cho người xem sự tò mò về lịch sử tôn giáo Chăm – Pa trên dải đất Việt. Đó là đạo Bà La Môn từ ngàn năm trước đã được truyền bá cho dân tộc Chăm qua đường bộ và đường biển. Đường bộ đi từ Atxxam qua Myanmar rồi vào đồng bằng sông Cửu Long; đường biển thì qua vịnh Bengal, thông qua eo biển Malacca rồi đến khu vực miền Trung dải đất hình chữ S.

Bởi vậy, văn hóa Chăm - Pa chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Java đã từng phát triển rực rỡ với những đỉnh cao nghệ thuật là phong cách Đồng Dương và phong cách Mỹ Sơn A1 mà nhiều di tích đền tháp và các công trình điêu khắc đá. Đặc biệt, các hiện vật có hình linga vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay cho thấy ảnh hưởng của Ấn giáo và Phật giáo là hai tôn giáo chính của chủ nhân vương quốc Chăm - Pa xưa. 

Đọc thêm