Chùa thiêng trên đống ngọc có 3000 chữ Vạn

(PLVN) - Chữ "Vạn" trong Phật giáo là thể hiện cho quyền năng, biểu tượng sức mạnh, trí tuệ, hào quang cũng như sự từ bi, lòng từ bi thương của nhà Phật. Chùa Cương Xá (Quỳnh Khâu tự) ở xã Tân Hải, TP Hải Dương) tương truyền là ngôi chùa cổ được dựng trên đống ngọc, là ngôi chùa xác lập kỷ lục chùa có nhiều chữ Vạn nhất Việt Nam với 3000 chữ Vạn bằng đá khắc trên tường.
Cổng chính chùa Cương Xá
Cổng chính chùa Cương Xá

"Chùa thiêng trên đống ngọc"

Chùa Cương Xá có tên gọi là Quỳnh Khâu tự nằm trên một gò đất cao về phía tây nam của làng. Chùa có từ khoảng thế kỷ I -III, được trùng tu lần đầu vào thời Lê Vĩnh Tộ năm thứ 9 (1619 – 1628). Lần trùng tu thứ 2 vào những năm 1946. Tương truyền sau đợt trùng tu lần thứ 2, chùa không có sư trụ trì. 

Sau 49 năm vắng bóng sư thầy, ngày 18/3/1996, Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương) bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thanh Cường về đảm nhiệm trụ trì. Năm 2009, Thượng tọa Cường xin phép các cấp chính quyền, được UBND tỉnh Hải Dương cấp phép trùng tu tôn tạo chùa trên nền tự viện cũ. Vào lần trùng tu tôn tạo lần thứ 3 và diện tích được mở rộng hơn 360m2. Khi động thổ đã phát hiện các dấu tích quý giá về niên đại xây dựng chùa. 

Ngôi chùa đạt kỷ lục với gần 3000 chữ Vạn
Ngôi chùa đạt kỷ lục với gần 3000 chữ Vạn  

“Khi trùng tu chùa đã phát hiện vết tích nền móng của ngồi chùa cổ, lúc đó Chùa mời các nhà sử học đến thẩm định. Sau khi kiểm tra, nghiên cứu, nhà sử học Tăng Bá Hoành và nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định ngôi chùa Cương Xá có từ thế kỷ I - III. Theo đó chùa Cương Xá còn có tên gọi là Quỳnh Khâu tự (tức chùa Gò Ngọc). Trong dân gian còn có câu ca là: "Thứ nhất đống da/ Thứ nhì đống gạo/ Thứ ba đống chùa". Vì vậy chùa có tên là Quỳnh Khâu tự, Khâu tự là đống ngọc, chùa Khâu tự là chùa trên đống Ngọc”.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Cường, trong quá trình xây dựng tôn tạo, nhà chùa phát hiện dưới lòng đất có dấu tích gạch từ đời Đông Hán; có 3 ngôi mộ cổ niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ II Tây lịch (niên đại khoảng trên 2.000 năm). Khi khai quật lên, ngôi mộ đã mất chỉ còn 3 vòm cuốn có thể chứa hàng chục người chui vào được. Do nhiều lý do khác nhau, cho nên nhà chùa cho san lấp để đảm bảo mỹ quan. Sau gần 7 năm trùng tu tôn tạo, chùa được khánh thành vào tháng 8/2016.

Ngôi chùa có cảnh quan đẹp, độc đáo

Được biết, toàn bộ đá xây chùa được lấy núi Nhồi (Thanh Hóa). Đặc biệt hơn, với 2.988 chữ Vạn được nhà chùa thuê thợ đục nhám mặt ngoài và xây từ hàng thứ 4 từ dưới lên với tổng diện tích các bức tường 420m2 đã tạo nên sự riêng biệt, độc đáo cho cổ tự có bề dầy lịch sử.

Cùng với hệ thống cây cổ thụ xanh mát, hoa cảnh quanh năm đua sắc, tại chùa Cương Xá còn có cây đại cổ thụ hơn 500 tuổi với dáng thác đổ hình rồng, dưới tán có pho Phật bà Quan Thế âm Bồ Tát.

Những chữ Vạn biểu tượng của Phật giáo được khắc trên đá rất cầu kỳ, tinh xảo
Những chữ Vạn biểu tượng của Phật giáo được khắc trên đá rất cầu kỳ, tinh xảo  

Ngoài gần 3.000 chữ Vạn được khắc trên tường, chùa Cương Xá còn nhiều pho tượng quý như tượng Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật được tạc bằng đá trắng nặng 6,6 tấn; 5 pho tượng bằng gỗ dâu để tạc lên Kim thân Phật tượng và nhiều cổ vật xưa như còn được lưu giữ như văn bia cổ, chuông niên đại thời Lê; 2 đôi câu đối, tượng cổ. Được biết, vào tháng 7 âm lịch năm nay, chùa sẽ đúc quả chuông nặng 1.080kg tượng trưng cho 108 phiền não của Phật giáo.

Pho tượng Phật bà Quan Âm dưới tán đại cổ thụ trên 500 năm tuổi
Pho tượng Phật bà Quan Âm dưới tán đại cổ thụ trên 500 năm tuổi  

Mặc dù có bề dầy lịch sử nhưng hiện chùa Cương Xá ngoài xếp bằng Kỷ lục quốc gia về ngôi chùa có nhiều chữ Vạn nhất Việt Nam thì chùa chưa được xếp hạng di tích văn hóa. Theo vị sư trụ trì chùa, nhà chùa đang cùng chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị ngành văn hóa xếp hạng chùa Cương Xá là Di tích lịch sử cấp tỉnh cùng với cụm di tích đình, nghè, chùa của tỉnh Hải Dương. 

Đọc thêm