Cơ duyên bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cưỡi Độc giác long với xử sở hoa Anh Đào

(PLVN) - Hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát cưỡi Độc giác long (rồng một sừng) cầm viên Định hải châu được lưu giữ tại Bảo tàng Văn hóa Phật Giáo (tại chùa Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) được coi là “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam. Bức tượng còn được một hạ nghị sĩ Nhật Bản mượn đưa về nước để gửi mong ước có thể trị thủy, ngăn chặn những thảm họa sóng thần xảy ra tại quốc gia này. 
Bên trong Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại chùa Quán Thế Âm.
Bên trong Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại chùa Quán Thế Âm.

Quốc bảo nằm sâu dưới mảnh ruộng Quảng Nam

Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm kể, khoảng giữa năm 2011, một cụ bà sống tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam) khi làm ruộng bất ngờ phát hiện bức tượng Quan Âm cưỡi Độc giác long nằm dưới lớp đất sâu. Biết tin các sư thầy chùa Quán Thế Âm sưu tầm cổ vật Phật giáo, cụ bà lặn lội ra Đà Nẵng hiến tặng. Sau đó, bức tượng độc đáo này được đặt trang trọng trong tủ kính cùng nhiều cổ vật được cho là quý giá nhất tại bảo tàng Văn hóa Phật giáo.

Bức tượng bằng đồng, nặng khoảng 7 kg, cao 45 cm và rộng gần 30 cm, được đánh mã số 95/KL.69. Bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi trên bệ là lưng của một con cá hóa rồng với một chiếc sừng ở trên đầu. Trên đầu đức Bồ Tát độ mũ Quan Âm có tượng Phật A Di Đà nổi trên lá đề và hoa. Cổ đức Phật có đeo trang sức, thân mặc pháp y được gấp nhiều nếp. Tay phải của Ngài cầm Định hải châu, tay trái đặt trên lưng rồng. Chân trái đạp trên sóng nước, chân phải xếp bằng. Theo phiếu giám định cổ vật, bức tượng có xuất xứ tại Việt Nam với niên đại khoảng cuối thế kỷ 19.

Nhiều du khách khi nhìn thấy bức tượng đều có chung nhận xét, tượng Bồ tát Quan Âm ngự trên lưng rồng với hình hài đầu rồng mà mình cá đều là lần đầu tiên được chiêm ngưỡng. Hình ảnh con rồng khác hẳn với bộ tứ linh long, ly, quy phụng của nhiều nước phương Đông. “Nói đến sóng to gió lớn ở biển cả thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam thường hay gặp phải thiên tai này. Hình ảnh đức Quan Âm ngự là tượng trưng cho sự che chở”, Thượng tọa Thích Huệ Vinh nói. 

Trong bộ kinh cầu an Pháp hoa, phẩm Phổ môn có nhắc đến hình tượng đức Bồ tát chế ngự con vật hóa rồng hung dữ như sau: Long ngư chư quỷ nạn/Niệm bỉ Quán âm lực/Ba lãng bất năng một. Tạm dịch là nơi biển lớn có con cá hóa rồng gây nên sóng dữ thì niệm cho thấu Quan Âm sẽ được phù hộ cho lặng sóng. Thần công lực của ngài hiển linh chế ngự con rồng để giúp vượt qua sóng gió.

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tất cưỡi Độc giác long tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại chùa Quán Thế Âm (TP Đà Nẵng).

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tất cưỡi Độc giác long tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại chùa Quán Thế Âm (TP Đà Nẵng). 

“Trong truyền thuyết, viên Định hải châu cũng cầu cho sóng yên bể lặng. Thế nhưng, các bức tượng thường là đức Quan Âm cưỡi rồng chứ chưa nhắc đến chuyện Quan Âm cầm Định hải châu. Do vậy, chưa bao giờ tôi thấy có đầy đủ của cả hai yếu tố này trên một bức tượng nào khác”, thầy Thích Huệ Vinh cho hay. 

Bức tượng Quan Thế Âm cưỡi Độc giác long được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá khách quan, về mặt niên đại bức tượng còn khá ít tuổi nhưng về mặt nghệ thuật, bức tượng có giá trị thẩm mỹ rất cao do được đúc tinh xảo. Đặc biệt, giá trị tâm linh mà bức tượng mang đến là không thể đong đếm. 

Cầu an cho xứ sở mặt trời mọc

Tháng 3/2011, đất nước Nhật Bản phải oằn mình trải qua thảm họa thiên nhiên động đất kèm sóng thần đi qua nhiều thành phố nằm dọc bờ biển. Thảm họa này đã khiến cho hàng ngàn người dân Nhật Bản chết và mất tích, mất hết tài sản, gia đình... Sau đó chỉ vài tháng, bức tượng Quan Thế Âm cưỡi Độc giác long xuất hiện và được gửi tặng Bảo tàng Văn hóa Phật giáo. 

Cùng chung tay với nhiều nước trên thế giới và hàng triệu người Việt Nam, để giúp đất nước Nhật Bản đi qua nỗi đau, chùa Quán Thế Âm đã phát động một buổi lễ tưởng niệm và gây quỹ. Ngay khi đó, nhà chùa Quán Thế Âm đã có ý định tạc một bức tượng tặng cho một ngôi chùa nằm ven biển nước bạn để cầu an. 

Không lâu sau, ông Tomioka Tsutomu, hạ nghị sĩ Nhật Bản sang Đà Nẵng để hợp tác xây dựng Trung tâm giao lưu văn hóa Việt - Nhật. “Khi gặp ngài hạ nghị sĩ, tôi đã trình bày tâm niệm, tấm lòng của nhà chùa về việc tặng một phiên bản tượng bằng đá cho nước Nhật. Nghe xong, ngài hạ nghị sĩ đã xin mượn bức tượng về nước”, Thượng tọa Thích Huệ Vinh tiếp lời. 

Ngay ngày hôm sau, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng, chùa đã trao bức tượng cho phía Nhật Bản theo lời đề nghị. Và bức tượng đã được đưa sang Nhật Bản để bắt đầu hành trình làm tượng mẫu cho nhiều chùa ven biển trong vòng 3 tháng.

Theo Thượng tọa Thích Hệu Vinh, Nhật Bản có một khu trưng bày đến 1.001 tượng Phật (nhiều tượng có niên đại 700 - 800 năm) nhưng không có bức tượng Quan Âm cưỡi Độc giác long, tay cầm Định hải châu. Do vậy, khi mượn bức tượng của chùa, ông hạ nghị sĩ Nhật Bản đã khuyến khích các chùa, đặc biệt là các chùa ven biển, tạc nguyên mẫu bức tượng này để người dân cầu an, khấn nguyện tránh nạn sóng thần.

“Đó là cơ duyên khó lý giải, khi bức tượng xuất hiện sau thảm họa sóng thần chỉ vài tháng và số phận lại đẩy đưa bức tượng gặp được vị hạ nghị sĩ”, sư thầy nói và cho biết, khi trở lại Đà Nẵng, hạ nghị sĩ cùng Tỉnh trưởng Nagasaki đã đến thăm chùa và tặng 3 cây long não. Đây là loại cây sống sót sau thảm họa bom nguyên tử ở tỉnh Nagasaki. Bức tượng như chiếc cầu nối thắt chặt mối quan hệ, giao lưu của hai nước Việt - Nhật. 

Lý giải cho việc tại sao người Nhật Bản lại dành tình cảm và niềm tin đặc biệt cho bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cưỡi Độc giác long thì cần hiểu về tín ngưỡng Phật giáo tại quốc gia này. Nhật Bản là quốc gia có số lượng Phật tử chiếm 34,9% dân số, có khoảng 377,000 tăng sĩ (2014). Có ngôi chùa gỗ cổ nhất thế giới Hōryūji (Pháp Long Tự).

Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc và Triều Tiên ưới dạng món quà của vương quốc thân hữu Triều Tiên Kudara vào thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên. Trong khi Phật giáo được giới quý tộc cai trị ủng hộ, lúc đầu nó lại không phổ biến trong giới thường dân vì những lý thuyết phức tạp của nó. Tín ngưỡng Phật giáo tại Nhật Bản đã trải qua những thăng trầm cùng với lịch sử nhiều biến cố tại đất nước mặt trời mọc. 

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, ngày 28/12/1945, Pháp lệnh Pháp nhân Tôn giáo được ban hành và thực thi, những định chế đối với các đoàn thể tôn giáo bị bãi bỏ. Năm 1951, Pháp lệnh Pháp nhân Tôn giáo cũng bị bãi bỏ, thay vào đó là Luật Pháp nhân Tôn giáo với chế độ chứng nhận tư cách. Nhân sự kiện đánh hơi độc hệ thống điện ngầm của Giáo phái Aum vào năm 1995, Luật Pháp nhân Tôn giáo được cải chính lại một phần.

Bảo tàng Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng, chính thức khánh thành vào ngày 24/12/2015. Bảo tàng nằm trong khuôn viên 700m2 của Chùa Quan Thế Âm, Quận Ngũ Hành Sơn, Tp Đà Nẵng. Đây là nơi hiện đang lưu giữ hàng trăm hiện vật cổ về Phật Giáo và trở thành một điểm tham quan mới trong chuyến hành trình Khám phá Ngũ Hành Sơn kể từ tháng 1/2016. Đây là bảo tàng về văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 9189 (tháng 12/2014) của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Bảo tàng hiện mở cửa miễn phí cho khách tham quan. 

Trong đó, không gian trưng bày có diện tích 500m2, thuộc danh thắng quốc gia Ngũ Hành Sơn. Hiện Bảo tàng trưng bày khoảng hơn 200 hiện vật kết tinh những giá trị văn hoá độc đáo gồm: Tượng Bồ tát Quan âm tống tử, Bổ tát Quan âm cưỡi long ngư, nhiều bộ linh tượng cổ như Thích Ca, Dược Sư, Di Lặc, Phật Bồ Tát Mật Tông, Quán Âm, Chămpa, Di Đà, các chuông đồng, Bộ trượng tám thế… Bên cạnh đó, hiện Chùa cũng đang lưu giữ nhiều hiện vật là những tượng Phật, mộc bản kinh Phật, Lư đồng thời xa xưa, đồ thờ cúng, … có niên đại từ thế kỷ VII, đến cuối thế kỷ XIX, XX. 

Đọc thêm