Có một Tràng Kênh hào sảng, huyền thoại

(PLVN) - Đến thành phố Hoa Phượng Đỏ, một trong những điểm di tích đặc biệt du khách không thể bỏ qua đó là cụm di tích đền Tràng Kênh (Thủy Nguyên, Hải Phòng) - vùng đất thiêng tái hiện ba lần chiến thắng quân Nam Hán, quân Tống, quân Nguyên Mông lừng lẫy Bạch Đằng Giang của cha ông từ hơn ngàn năm trước…
Khu Di tích đền Tràng Kênh là một địa điểm về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử.
Khu Di tích đền Tràng Kênh là một địa điểm về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử.

Vùng đất “phên dậu” nơi cửa biển

Xưa kia, đây là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc giữ gìn bờ cõi, chống giặc xâm lăng. Các nhà địa lý, lịch sử đời Nguyễn khi biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí từng nhận xét: “Nước ta chống người phương Bắc chỗ này là chỗ cổ họng”. Nguyễn Trãi nói một cách hình tượng rằng, đây là nơi quan ải do trời đặt ra thế hiểm yếu khiến hai người có thể chống được cả trăm người; là nơi lập công danh của các bậc hào kiệt.

 Theo người dân địa phương, trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, vùng đất này được coi là một phên dậu chống giặc ngoại xâm; nơi ghi dấu những trận thủy chiến ác liệt và những chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Cuối năm 938, Ngô Vương Quyền đánh bại quân Nam Hán tạo nên chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, kết thúc nghìn năm đô hộ của kẻ thù phương Bắc trên vùng non nước Bạch Đằng. Tiếp đó, năm 981, Lê Hoàn đánh bại giặc Tống ở Bạch Đằng giang.

Quảng trường Khu di tích Bạch Đằng giang uy nghi hướng ra biển cả.
Quảng trường Khu di tích Bạch Đằng giang uy nghi hướng ra biển cả.  

Hơn 300 năm sau, vùng đất thiêng này là nơi diễn ra những trận thủy chiến oai hùng của quân đội nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, đánh tan đội quân xâm lược Nguyên Mông. Bạch Đằng giang vì thế trở thành biểu tượng của những chiến thắng huyền thoại, niềm tự hào của dân tộc.

Bắt nguồn từ hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, sông Bạch Đằng hiểm yếu mà hùng vĩ chảy giữa hai huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và Yên Hưng (Quảng Ninh). Khi thuỷ triều lên, mặt sông ở vùng Tràng Kênh trải rộng hơn 1.200m. Theo sông Đá Bạc chảy xuống đến đầu bắc dãy núi Tràng Kênh, sông Bạch Đằng phình to hẳn ra. Đó là nơi tập trung của 5 con sông: sông Khoai, sông Xinh bên tả ngạn và sông Giá, sông Thái, sông Gia Đước bên hữu ngạn đổ ra cửa Nam Triệu.

Đặc điểm địa hình nổi bật của thượng lưu sông Bạch Đằng là sông núi nối tiếp liền nhau. Từng ngọn núi nhấp nhô của vùng núi đá Tràng Kênh ở phía đông huyện Thuỷ Nguyên kéo nhau chạy sát tới bờ sông. Ở đây có nhiều thung lũng nhỏ nằm gọn giữa những núi đá vôi nối liền với lạch nước ra tận bờ sông.

Những bức tượng trong Khu di tích Bạch Đằng giang.
Những bức tượng trong Khu di tích Bạch Đằng giang. 

Các con sông bên tả và hữu ngạn chạy theo các thung lũng, len qua các dãy núi là đường giao thông thuận lợi. Áng núi và lạch sông là nơi có thể tập trung quân thuỷ bộ với khối lượng lớn, giấu quân kín đáo, xuất kích bí mật và dễ dàng, nhanh chóng.

Kể từ cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, việc phát hiện ra các bãi cọc gỗ ở Yên Giang, Nam Hoà, Điền Công (Yên Hưng) đã làm sáng tỏ những ghi chép có phần sơ lược trong các tư liệu lịch sử cũ để lại. Và gần đây, bãi cọc mới phát lộ ngay trên mảnh đất này, gần khu vực Tràng Kênh đang được các nhà khoa học làm sáng tỏ, những nghiên cứu ban đầu cho thấy, những cọc gỗ lim rất có thể vào đời nhà Trần, thế kỷ 13. Chính từ các bãi cọc phát lộ mới đây, các nhà khoa học đang tìm một hướng đi mới, vẽ lại trận chiến Bạch Đằng Giang từ ngàn năm trước.

Bao thế kỷ qua, Bạch Đằng luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều bậc hoàng đế, danh nhân, thi sĩ tụng ca khi có dịp đi qua đây. Nhiều tác phẩm trong đó đã nổi tiếng như Bạch Đằng Giang phú của Trương Hán Siêu, Bạch Đằng hải khẩu của Nguyễn Trãi, Bạch Đằng Giang của vua Trần Minh Tông... Nhiều tỉnh thành trong cả nước đã lấy tên Bạch Đằng để đặt cho tên đường, trường, phường, cảng biển...

Vi diệu 3000 năm hoa Ưu đàm nở trên chuông cổ

 Nhiều người cho rằng đến Thủy Nguyên mà không ghé thăm khu di tích Tràng Kênh thì cũng coi như chưa đến tới Thủy Nguyên. “Tràng Kênh có núi U Bò/ Có sông Quán Đá có đò sang ngang”...

Trước khi có đại dịch Covid 19, vào dịp đầu năm, trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp đón hơn 2 vạn du khách đến thăm quan và trải nghiệm. Hàng năm, khu du tích tổ chức nhiều dịp lễ, ngoài lễ hội đầu xuân, lễ khai ấn đền Trần 14 tháng Giêng, ngày giỗ vua Lê Đại Hành 18 tháng Giêng, tính theo âm lịch tới đây còn có đại lễ Phật đản vào 15-4; lễ Vu Lan 15-7; ngày giỗ đại vương Trần Quốc Tuấn 20-8 âm lịch…

Có thể nói, Bạch Đằng Giang là một  khu Di tích chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử cổ đại. Ông Lê Văn Đức, Trưởng BQL khu Di tích Bạch Đằng Giang cho biết, khu di tích rộng 20 ha, nơi đây nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh, được Nhà nước công nhận năm 1962.

Chùa Lâm Tự Tràng Kênh linh thiêng dựa lưng vào vách núi, mặt hướng ra biển cả.
Chùa Lâm Tự Tràng Kênh linh thiêng dựa lưng vào vách núi, mặt hướng ra biển cả.  

Tại đây có ngôi miếu cổ thờ các vong linh tử sĩ chiến đấu, hy sinh trên sông Bạch Đằng. Sau đó, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã phát tâm bồ đề nâng cấp, tôn tạo từ năm 2008. Từ cổng vào, một vườn đá cuội và một trụ đá cao chừng 5m, mặt trước có 7 chữ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt trái, phải, sau khắc công lao và thần tích của vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo.

 Đi sâu vào trong là các dãy bonsai, cây cổ thụ. Ngôi đền đầu tiên trong di tích là Tràng Kênh Vọng Đế, thờ vua Lê Đại Hành. Tiếp đó, dọc theo con đường rợp bóng mát của những hàng cây lưu niệm là đền chính thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhà quân sự thiên tài góp công lớn trong ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông và tạo nên hào khí Đông A của triều Trần- triều đại anh hùng bậc nhất của lịch sử Việt Nam.

Nằm ở trong cùng là đền Tràng Kênh nơi thờ vị Tổ trung hưng của Việt Nam- Ngô Quyền năm 938. Khi vào với sân tế lễ chúng ta sẽ bắt gặp là hình ảnh của hai chú voi phục nằm hai bên được làm hoàn toàn bằng đá ong từ làng cổ Đường Lâm quê hương của Ngô Quyền. Việc tạo hình chú voi từ những nguyên liệu chuyển từ quê hương của Đức Vương cũng thể hiện sự tận tâm và tri ân của những người đã làm nên ngôi đền cũng như nhân dân vùng Tràng Kênh với công đức của Ngài.

Am thờ trong khu di tích.
Am thờ trong khu di tích.  

Cũng như 2 ngôi đền thờ đức Vua Lê Đại Hành và Đức thánh Trần đền thờ đức Vương Ngô Quyền cũng được thiết kế theo hình chữ Đinh gồm các khu: trong thờ tượng đồng của Ngài, trung đường thờ quan quân tướng sĩ, bên tả thờ chư vị quan văn, bên hữu thờ chư vị quan võ. Tất cả đều được chạm khắc, sơn son thiếp vàng vô cùng tinh tế- không gian thờ tự trang nghiêm nhưng cũng không kém phần lộng lẫy.

Điều đặc biệt, ở mỗi ngôi đền còn có kèm theo sơ đồ từng trận đánh khác nhau trên sông Bạch Đằng. Ở trận Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938 Ngô Quyền đã cho đóng cọc ngay sát bãi bồi dọc sông nhưng đến trận Bạch Đằng lần 2 năm 981 Lê Đại Hành lại chọn đóng cọc tận trên thượng nguồn và khi đánh quân Nguyên Hưng Đạo Vương còn kết hợp phục kích đánh nghi binh tại 2 khu vực sông Tranh và sông Giá buộc kẻ thù tiến vào bãi cọc Bạch Đằng.

Và nữa, khu di tích Bạch Đằng Giang còn có nơi thờ riêng mà nhân dân dành cho lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Dù Người không thực sự có mặt trong những cuộc chiến đã xảy ra trong quá khứ liên quan đến bãi cọc Bạch Đằng, nhưng Người là thế hệ của lịch sử cận đại đem lại bước ngoặt vĩ đại thay đổi cả một nền văn hóa tương lai, chấm dứt chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm và mở ra chương mới của đất nước.

Tượng "ông voi" trong khu di tích Bạch Đằng giang.
Tượng "ông voi" trong khu di tích Bạch Đằng giang.  

Ngoài tứ linh từ, khu di tích còn có đền thờ Thánh Mẫu, khu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng trong bể thủy tinh. Đặc biệt, từ ngôi chùa phỏng theo chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) xây trên núi Tràng Kênh, du khách thấy được vẻ đẹp hữu tình của cả vùng Tràng Kênh.

Một điểm nhấn lớn nhất của khu di tích này so với nhiều điểm văn hóa tâm linh khác là tôn chỉ “ba không”: không mất tiền gửi xe, không rác thải, không hàng quán, không dịch vụ thương mại. Ở mỗi khu vực đền chùa, quảng trường đều có khuôn viên ghế đá dừng chân, uống nước miễn phí…

Hết thảy đều thể hiện sự tận tâm, tỉ mỉ, yên ả và hào sảng đến nao lòng. Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh, một người đã đi gần hết các lễ hội, đình chùa ở miền Bắc, nhận xét: “Nơi đây có lẽ là di tích văn minh nhất trong số các di tích tương tự. Đặt chân vào đây, tôi mới cảm nhận đúng sự thanh tịnh, trang nghiêm cần có ở nơi di tích tâm linh”…

Hàng năm, khu di tích đã đón hàng trăm đoàn học sinh từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử dân tộc. Có thể nói, với nhiều hạng mục như Khu Nhà bảo tàng: trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng - nhân chứng lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng; sơ đồ diễn biến các trận Bạch Đằng; các di chỉ khảo cổ đồ gốm các thời kỳ Lê, Trần; Quảng trường Chiến thắng Bạch Đằng; Khu rừng lim, vườn tượng mô phỏng hoạt động chế tác cọc Bạch Đằng... nằm bên con sông lịch sử xuôi ngược, chúng ta như gặp quá khứ hào hùng và cuộc sống ngày thường đan xen.

Rừng lim, vườn tượng tưởng nhớ nơi chế tác cọc Bạch Đằng.
Rừng lim, vườn tượng tưởng nhớ nơi chế tác cọc Bạch Đằng. 

Bởi thế, khu vực gây cảm xúc mãnh liệt hơn cả chính là khuôn viên cuối của khu di tích Bạch Đằng Giang, nơi có bãi cọc giả định và ba bức tượng đài vô cùng lớn của ba vị anh hùng ghi dấu ấn trên dòng dòng sông Bạch Đằng, tạo nên một bức tranh vô cùng chân thực và cảm động. Ba vị anh hùng tiền nhân lồng lộng giữa mây trời, sóng nước nơi cửa biển, để chúng ta thêm tự hào, trân quý giá trị của hòa bình, của tinh thần dựng nước và giữ nước chảy mãi đến muôn đời…

Và cũng tại đây một điều kì diệu mà 3000 năm mới có, là hoa Ưu Đàm Bà La đã nở trên chuông đồng. Cũng như thật khó lý giải khi đi vào khu di tích, chúng ta bắt gặp những cây đại thụ xanh tốt như đã hàng ngàn năm tuổi, nhưng thực tế chúng mới được mang về trồng hơn 10 năm qua… Đến Tràng Kênh, bạn sẽ gặp những cảm xúc ngưỡng vọng lịch sử vĩ đại của cha ông, sự thanh khiết trong tâm hồn, như những ồn ào của cuộc sống hiện đại đã ở một nơi nào xa lắm…

Đọc thêm