Con đường làm giàu từ quan lộ của Tổng đốc Phương - đại phú hào Sài Gòn

(PLVN) - Trong tứ đại phú hào nức danh miền Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thì Tổng đốc Phương đứng thứ nhì. Không chỉ làm giàu bằng con đường quan lộ, phú hào Phương còn làm do thám cho chính quyền thực dân đàn áp lực lượng khởi nghĩa chống Pháp. Cuối đời, có lẽ do ăn năn, sám hối về những việc làm bất nghĩa của mình với đồng bào, Đỗ Hữu Phương đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện xây nhiều trường học, xây cầu, chùa chiền miếu mạo quanh vùng... 
Dinh thự của gia đình Tổng đốc Phương ở quận 3 Sài Gòn xưa.
Dinh thự của gia đình Tổng đốc Phương ở quận 3 Sài Gòn xưa.

Con trai của đại địa chủ

Nhì Phương là tên gọi của Đỗ Hữu Phương (1841 - 1914) con trai đại địa chủ Nam Kỳ thời bấy giờ là Bá Hộ Khiêm. Ông sinh tại Chợ Đũi (Sài Gòn) gốc người Minh Hương. Nhờ người cha giàu có nên ngay khi mới sinh ra, ông Đỗ Hữu Phương thuộc vận mệnh sinh ra đã “ngậm thìa vàng”, cuộc sống nhung lụa giàu sang và nghiễm nhiên có trong tay cả một cơ ngơi, địa vị khủng mà hiếm địa chủ nào cùng thời có được.

Trong thời kỳ thực dân Pháp chưa vào chiếm đóng, gia đình ông Phương cai quản cả một vùng rộng lớn về phía bắc Sài Gòn. Từ đất cát, ruộng đồng, những mảnh vườn cây trái bạt ngàn cho đến hàng trăm những cửa hàng, nhà ở trong nội đô để cho tiểu thương thuê.

Không những gia sản ruộng vườn rộng lớn, bá hộ Khiêm - cha ông Phương còn được biết đến là một trong những người thức thời, khi biết làm ăn buôn bán với người ngoại quốc từ sớm. Từ việc mua bán các mặt hàng nông sản cho đến việc thôn tính các cơ sở kinh doanh tại Sài Gòn. Rồi sau này ông Phương kế nghiệp gia sản đó và đã phát triển ngày càng tăng lên, nhiều đến mức người ta còn nói vui rằng, nếu để một người ngồi đếm tiền của nhà ông Phương thì có lẽ ngồi đếm cả đời cũng không hết.

Bá hộ Khiêm dạy con khá nghiêm khắc, ông Phương được cha cho học tiếng Hán từ nhỏ, sau này biết thêm cả tiếng Pháp và là một thanh niên có tầm hiểu biết, giỏi ngoại ngữ, có kiến thức văn hóa, chứ không phải chỉ biết tiêu tiền như những công tử con nhà bá hộ khác. Vì vậy, ông Phương cưới được một người vợ xinh đẹp nết na, lại có gia đình quyền thế, là con một vị Lang trung Bộ Bình, chức quan khá lớn trong triều đình phong kiến nhà Nguyễn.

Hình ảnh Tổng đốc Phương trên con tem Đông Dương.
Hình ảnh Tổng đốc Phương trên con tem Đông Dương.

Thời điểm sau khi lấy vợ cũng là lúc ông dần được mọi người gọi là Bá hộ Phương, khi ông sinh sống trong căn nhà lớn nhất nhì Sài Gòn. Hai vợ chồng ông thừa hưởng khối tài sản khổng lồ sau khi Bá hộ Khiêm qua đời. Gia đìnhh ông đã kết nối với các tiểu thương ở khắp nơi, xây dựng hệ thống buôn bán riêng biệt, chi phối một phần giao dịch thông thương ở Sài Gòn.

Ông gia nhập quốc tịch Pháp năm 1881, đưa các con sang Pháp du học, còn bản thân ông vẫn sinh sống tại Sài Gòn cho đến khi mất. Gia đình ông có tám người con, năm trai ba gái. Năm người con trai của Đỗ Hữu Phương đều thành đạt nhưng sống và làm việc chủ yếu tại Pháp. Ba cô con gái đều được gả cho các gia đình danh giá tại Việt Nam. Hiện ở Việt Nam gia đình Đỗ Hữu Phương chỉ còn nhà thờ dòng tộc được đặt tại một hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (quận 3).

Từng làm do thám cho Pháp, nợ máu cách mạng

Khác với những phú hào giàu lên bằng con đường làm ăn khá chân chính thì Tổng đốc Phương làm giàu nhờ con đường chính trị. Năm 1861, qua lời giới thiệu của cai tổng Đỗ Kiến Phước, ông Phương được người Pháp trọng dụng. Sài Gòn - Chợ Lớn thời đó được chia làm 20 hộ, Đỗ Hữu Phương được chính quyền cho làm hộ trưởng, rồi từ đó ngày một thăng tiến với nhiều chức vụ khác nhau.

Những năm 1866-1868, Đỗ Hữu Phương chỉ huy hoạt động do thám phong trào chống đối Pháp và tham gia dẹp nhiều cuộc khởi nghĩa ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và lân cận. Đỗ Hữu Phương hợp tác với người Pháp vây bắt một số thủ lĩnh quân nổi dậy chống Pháp như Trương Quyền, Phan Tôn, Phan Liêm, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân.

Về sau, vào những năm cuối đời, có lẽ do ăn năn, sám hối về những việc làm bất nghĩa của mình với đồng bào, Đỗ Hữu Phương đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Ông là một trong những người đề xướng và đã bỏ tiền ra xây trường Trường Collège de Jeunes Filles Indigènes vào năm 1915, tức Trường Nữ Trung học Sài Gòn, người dân thường gọi là trường Áo Tím, trường Gia Long (nay có tên là trường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3). Ngoài ra, ông cũng bỏ nhiều tiền xây dựng cầu Ông Lớn tại Chợ Lớn, tu bổ rất nhiều chùa chiền, miếu mạo quanh vùng.

Đọc thêm