COVID -19: Vì sao “test nhanh” âm tính nhưng xét nghiệm lại dương tính?

(PLVN) - Một số ý kiến cho rằng, cần sử dụng biện pháp test nhanh kháng nguyên thay vì test nhanh kháng thể để phát hiện ra virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, WHO lại không khuyến nghị trong việc sử dụng cả hai phương pháp này.
COVID -19: Vì sao “test nhanh” âm tính nhưng xét nghiệm lại dương tính?

Test nhanh kháng nguyên chứ không phải test nhanh kháng thể

Trước tình trạng dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lan nhanh, nhiều tỉnh thành đã sử dụng biện pháp test nhanh để kịp thời phát hiện, khoanh vùng cách ly người mang virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đã xuất hiện người có kết quả âm khi test nhanh, nhưng sau đó lại dương tính khi xét nghiệm bằng PCR như ở Hà Nội.

Mới đây, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã thông tin trên báo chí cho biết, rất cần có những xét nghiệm test nhanh virus SARS- CoV-2 để phát hiện sơ bộ những ca dương tính, đặc biệt khi cần ngăn chặn tình trạng dịch lan trong cộng đồng, khi đó cần sàng lọc cách ly số lượng nhiều người nghi ngờ có tiếp xúc với nguồn lây.

“Test nhanh này phải là test tìm kháng nguyên (thành phần của virus), tuy nhiên rất tiếc hiện nay test nhanh kháng nguyên ở Việt Nam lại chưa phổ biến, chủ yếu mới chỉ sử dụng test nhanh kháng thể”, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói, và cho biết, các test nhanh kháng thể chỉ cho phép phát hiện những người đã có kháng thể trong máu, đây có thể là những người đã mắc bệnh (thường kháng thể chỉ xuất hiện sau khi đã khởi bệnh một tuần hoặc lâu hơn).

Hình ảnh các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
Hình ảnh các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. 

Bởi vậy, bác sĩ Châu cho rằng, cần sử dụng biện pháp test nhanh để chặn đứng chuỗi lây truyền của COVID-19, nhưng là test nhanh kháng nguyên chứ không phải test nhanh kháng thể như chúng ta đang làm.

Chính vì vậy trong hướng dẫn chẩn đoán, cách ly điều trị hiện nay của Việt Nam vẫn là dùng xét nghiệm Realtime RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2, mà không sử dụng các xét nghiệm huyết thanh học (trong đó có test nhanh kháng thể).

Giá trị của test nhanh kháng nguyên (nếu với độ nhạy và đặc hiệu tốt) có thể thay thế PCR khi giải quyết các tình huống số lượng cần sàng lọc quá nhiều. Test nhanh kháng nguyên cũng rất hữu ích khi cần sàng lọc loại trừ COVID-19 cho các ca bệnh nặng cần xử trí cấp cứu nhưng có yếu tố dịch tễ đến từ vùng dịch tại các phòng sàng lọc của các bệnh viện.

Ở Việt Nam cho đến hiện nay do chưa có test nhanh tìm kháng nguyên, nên buộc phải sử dụng xét nghiệm Realtime RT-PCR để đạt mục tiêu khoanh vùng, dập dịch, không để virus phát tán ra cộng đồng.

Trước tình trạng âm giả của test nhanh có thể để lọt virus ra cộng đồng, có ý kiến cho rằng chỉ nên test nhanh trong khu cách ly hoặc tại các bệnh viện vì các môi trường này có thể kiểm soát được nguồn lây nhiễm. Nhưng thực tế là cả Hà Nội và TP.HCM đều đang có số lượng lớn những người về từ Đà Nẵng cần phải xét nghiệm để kiểm tra.

BS Châu cho rằng, trong khu cách ly vẫn cần xét nghiệm tìm virus bằng Realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên (có giá trị tương đương Realtime RT-PCR). Test nhanh kháng thể không có giá trị gì giúp kịp thời phát hiện ca dương tính để tiếp tục tìm các ca F1 (có tiếp xúc với ca dương để cách ly)!

Theo GS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, xét nghiệm bằng test nhanh - mà hiện tại một số nơi đang dùng - là phát hiện kháng thể của virus SARS-CoV-2.

GS Trí cho biết, việc sử dụng xét nghiệm này để phát hiện virus SARS-CoV-2 là không phù hợp vì những lý do sau: Dùng xét nghiệm phát hiện kháng thể mà đi tìm kháng nguyên là không đúng. Nếu có dương tính, thì coi như cũng là “vồ hụt”, vì không chắc người đó có còn kháng nguyên không? Và nếu trước đó có thì hậu quả gây lây lan virus đã xảy ra rồi. Bên cạnh đó, nếu chỉ định xét nghiệm sớm thì luôn âm tính, vì kháng thể bao giờ cũng xuất hiện muộn hơn.

Nếu có âm tính, thì không thể nào biết được người đó hiện tại có virus trong cơ thể hay không. Người nhận được kết quả âm tính test nhanh sẽ tưởng rằng mình không bị nhiễm virus, không còn mang virus nên nguy cơ cho cả hai phía: Bản thân họ thì chủ quan, dẫn đến họ chưa nhiễm thì sẽ bị nhiễm; hoặc nếu họ có mang virus SARS-CoV-2 trong cơ thể thì sẽ làm lây lan cho cộng đồng. Đây là vấn đề nguy hiểm nhất.

WHO nói gì về test nhanh kháng nguyên, kháng thể?

WHO mới đây đã chính thức khuyến cáo về việc sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán nhanh cho COVID-19. Theo WHO, đây là một loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh RDT (Rapid Diagnostic Test) giúp phát hiện sự hiện diện protein đặc hiệu của vi-rút (kháng nguyên) COVID-19 có trong một mẫu dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh.

Các xét nghiệm chẩn đoán nhanh dựa trên phát hiện kháng nguyên hoạt động tốt như thế nào còn tùy thuộc vào một số yếu tố, bao gồm thời gian từ khi phát bệnh, nồng độ vi-rút trong mẫu bệnh phẩm, chất lượng mẫu bệnh phẩm thu được và cách xử lý và công thức chính xác của thuốc thử trong que thử.

Kinh nghiệm triển khai xét nghiệm chẩn đoán nhanh RDT dựa trên kháng nguyên của WHO đối với các bệnh hô hấp khác như cúm, trong đó nồng độ vi-rút cúm tương đương trong các mẫu hô hấp như đã thấy trong COVID-19, độ nhạy của các xét nghiệm này có thể thay đổi từ 34% đến 80%.

Theo WHO, khoảng một nửa hoặc nhiều hơn bệnh nhân nhiễm COVID-19 có thể bị bỏ sót bởi các xét nghiệm chẩn đoán nhanh. Giả định này đưa ra một yêu cầu khẩn cấp cần nghiên cứu thêm về độ chính xác. Ngoài ra, kết quả dương tính giả có thể xảy ra nếu các kháng thể trên que thử cũng nhận ra các kháng nguyên của vi-rút khác (không phải kháng nguyên của COVID-19), chẳng hạn các corona virus ở người gây ra cảm cúm thông thường.

Tranh cổ động toàn dân chung sức chống dịch Covid-19.
 Tranh cổ động toàn dân chung sức chống dịch Covid-19. 

Ở thời điểm hiện tại, với dữ liệu hiện có, WHO không khuyến nghị sử dụng xét nghiệm phát hiện kháng nguyên để chẩn đoán nhanh trong công tác điều trị và chăm sóc người bệnh, mặc dù các công trình nghiên cứu về công năng và khả năng chẩn đoán của các loại hình xét nghiệm nhanh này rất được khuyến khích.

Về xét nghiệm chẩn đoán nhanh COVID-19 dựa trên phát hiện kháng thể, WHO cho biết đó là xét nghiệm phát hiện sự hiện diện của kháng thể trong máu của những người được cho là đã bị nhiễm COVID-19, kháng thể này được cơ thể sản xuất ra trong vài ngày đến vài tuần sau khi bị nhiễm vi-rút.

Sức mạnh của phản ứng kháng thể phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm tuổi tác, tình trạng dinh dưỡng, mức độ nghiêm trọng của bệnh và một số loại thuốc hoặc nhiễm trùng kèm theo như HIV làm ức chế hệ thống miễn dịch.

Thực tế, ở một số người mắc COVID-19, chẩn đoán bệnh được xác nhận bằng xét nghiệm phân tử (RT-PCR), ghi nhận có những trường hợp cho thấy phản ứng kháng thể yếu, muộn hoặc vắng mặt. Các nghiên cứu cho thấy phần lớn bệnh nhân chỉ phát triển đáp ứng kháng thể trong tuần thứ hai sau khi xuất hiện triệu chứng.

Theo WHO, điều này có nghĩa là chẩn đoán nhiễm COVID-19 dựa trên phản ứng kháng thể thường chỉ có thể trong giai đoạn phục hồi, tức là ứng dụng chẩn đoán ở thời điểm khi nhiều cơ hội can thiệp lâm sàng hoặc khả năng truyền bệnh đã qua.

Ngoài ra, các xét nghiệm phát hiện kháng thể COVID-19 cũng có thể phản ứng chéo với các tác nhân khác, bao gồm cả các coronavirus khác ở người và cho kết quả dương tính giả. Đã có cuộc thảo luận về việc liệu xét nghiệm chẩn đoán nhanh RDT phát hiện kháng thể có thể dự đoán một cá nhân có miễn dịch tái nhiễm vi rút COVID-19 hay không, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng trả lời cho câu hỏi này.

WHO cho rằng, các xét nghiệm phát hiện phản ứng kháng thể với COVID-19 trong dân số sẽ rất quan trọng. Tuy nhiên, ứng dụng đối với chẩn đoán lâm sàng, thì xét nghiệm chẩn đoán nhanh dựa trên phát hiện kháng thể không thể chẩn đoán nhanh nhiễm trùng cấp tính giúp có những hành động cần thiết trong công tác điều trị.

Dựa trên dữ liệu hiện tại, WHO không khuyến nghị sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán nhanh dựa trên phát hiện kháng thể trong công tác điều trị và chăm sóc người bệnh, nhưng khuyến khích sử dụng trong giám sát dịch bệnh và nghiên cứu dịch tễ học.

Đọc thêm