Dành trọn đam mê với nghệ thuật múa bóng rỗi Nam Bộ

(PLVN) - Chấp nhận đòn roi của người thân, chấp nhận hàng trăm lời dị nghị, dè bỉu, ánh mắt coi thường… nghệ nhân Lê Minh Hùng (tỉnh Long An) vẫn quyết tâm theo đuổi nghề múa bóng rỗi Nam Bộ. Trước nhiều biến động của lịch sử, nghề múa bóng rỗi tưởng chừng đã biến mất,nhưngnhờ những giá trị văn hóa nghệ thuật cao mà nghề bóng rỗi đã được đón nhận trở lại.
Nghệ nhân ưu tú Lê Minh Hùng đã dành hơn 40 năm cuộc đời để theo đổi nghề múa bóng rỗi.
Nghệ nhân ưu tú Lê Minh Hùng đã dành hơn 40 năm cuộc đời để theo đổi nghề múa bóng rỗi.

Nghệ thuật diễn xướng múa bóng rỗi đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước thường nhấn mạnh cái thiêng trong múa như các tác giả: Cuisinier, Maria Gabriele- Wosien… hay tạp chí “Người đưa tin UNESCO” lấy tên là “Múa- ngọn lửa thiêng”; còn với Lambersy: “Nhảy múa không chỉ là biểu hiện của lòng khao khát được thoát ra khỏi kiềm chế của các quy luật trọng lực, mà hơn thế nữa, là biểu hiện của ước vọng được hòa mình vào với sự hài hòa của vũ trụ”.

Nghệ thuật dân gian mang đậm yếu tố Chăm - Việt

Múa bóng rỗi thường gắn liền với các nghi lễ cúng Bà (Bà Chúa Xứ, Hỏa, Ngũ Hành nương nương). Hàng năm, ở những ngôi đình Nam Bộ, nhất là những ngôi đình có miếu Bà Chúa Xứ thì múa bóng rỗi là một tiết mục không thể thiếu và thu hút đông đảo người dân từ các nơi tới thưởng thức. 

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức biên soạn vào đầu thế kỷ XIX cho biết: ở Nam Bộ “hay dùng cô bóng múa hát, lấy làm vui thích”, như vậy trước thế kỷ XIX ở Nam Bộ, đã có tục thờ Bà và hát bóng rỗi,trong đó có Tiền Giang.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ thuật múa bóng rỗi liên quan chặt chẽ đến tục thờ Mẫu ở Việt Nam nói chung và ở Nam bộ nói riêng. Các vị nữ thần được thờ ở Nam bộ là kết quả của quá trình giao lưu, hỗn dung văn hóa của nhiều lớp cư dân người Khmer, người Việt, người Chăm, người Hoa.

Chẳng hạn, bà Chúa Ngọc vốn gốc là vị nữ thần Pô I Nư - Nagar - Bà mẹ xứ sở của người Chăm đã được Việt hóa. Khi người Việt đặt chân vào Trung và Nam Trung bộ, theo truyền thống thờ Mẫu sẵn có từ quê nhà, người xưa đã Việt hóa vị thần Chăm này bằng tên Thánh Mẫu Thiên Y Ana, mà dân gian gọi ngắn gọn là Bà Chúa Ngọc. 

Nghệ nhân ưu tú Lê Minh Hùng trong một tiết mục tạp kỹ (Ảnh: Tuổi trẻ).
Nghệ nhân ưu tú Lê Minh Hùng trong một tiết mục tạp kỹ (Ảnh: Tuổi trẻ).  

Từ tâm thức thờ Mẫu ở Bắc và Trung bộ, người Việt khi tiến chân vào Nam Bộ đã bắt gặp tục thờ nữ thần của người Khmer là bà Neang Khmau – nữ thần Đất, sự giao thoa này đã tạo nên hình tượng Bà Chúa Xứ và Linh Sơn Thánh Mẫu. Tín ngưỡng thờ tự Bà Chúa Xứ len lỏi và ăn sâu trong đời sống tâm linh từng vùng, làng tới gia đình của người dân Nam Bộ. Còn Bà Thiên Hậu thì khắp Nam bộ nơi nào cũng có chùa, miễu, cung thờ. Vị nữ thần này do những người Hoa di cư mang tới hồi thế kỷ XVII.

Để thể hiện sự tôn kính đối với những vị nữ thần này, nghệ thuật múa bóng rỗi đã ra đời trở thành một phương tiện để những người dân Nam Bộ thể hiện sự giao tiếp với thần linh. Và lẽ đương nhiên, nghệ thuật múa bóng rỗi cũng là kết quả của sự giao lưu văn hóa Chăm – Việt.

Cụ thể, người dân Nam Bộ đã Việt hóa điệu múa pajao của các bà bóng người Chăm để tạo ra múa bóng. Nghi thức múa bóng của người Chăm quy định người múa bóng phải là thiếu nữ đồng trinh hoặc người phụ nữ đẹp. Còn ở Nam bộ, những người hành nghề múa bóng đều có cả nam và nữ. Những người này cho rằng việc hành nghề của họ là do có căn, có số, hay còn gọi là căn đồng. Các bà bóng nếu gốc là nam thì đều ăn mặc, đi đứng, nói năng, cư xử như một phụ nữ.

Càng vào sâu phía Nam Bộ, nghệ thuật múa bóng càng mang đậm yếu tố Chăm và Việt, điều này được thể hiện rõ nhất là kỹ thuật múa thăng bằng được cải biên trong múa bóng. Các bà bóng Chăm (tức các Mư Pajao) khi múa lễ và dâng lễ vật ở các tháp Chăm đội các lễ vật trên đầu từ ngoài vào đến bệ thờ mà không được phép đổ thì nghệ nhân múa bóng Việt cũng tuân thủ nguyên tắc này. Điệu múa này xuất phát từ đời sống của người phụ nữ Chăm thường xuyên đội các bò, bình đựng nước nên khi múa đội các lễ vật này hoàn toàn không khó đối với họ. 

Nghệ nhân Lê Minh Hùng từng bị cười chê với tạo hình của mình trước khi tham gia tiết mục biểu diễn múa bóng rỗi trong mỗi lễ hội.
 Nghệ nhân Lê Minh Hùng từng bị cười chê với tạo hình của mình trước khi tham gia tiết mục biểu diễn múa bóng rỗi trong mỗi lễ hội. 

Múa bóng rỗi có hai bộ phận là múa bóng và hát rỗi. Múa là động tác dâng lễ vật lên thần linh, chẳng hạn như múa dâng bông, dâng mâm (mâm vàng), dâng lộc (mâm trầu cau) Các động tác múa phần lớn chỉ sử dụng đầu, cổ và trán như đội mâm, đội bông nhằm thể hiện sự tôn kính ơn trên. 

Bóng rỗi thiên về ca xang, múa hát, chúc tụng và tôn vinh những nhân vật có công với nước, với làng. Hát rỗi tức hát mời, ca tụng nữ thần. Những người múa và hát rỗi đều trang phục cầu kỳ, đầy đủ áo mão, đeo nữ trang và son phấn lộng lẫy như một đào hát. Họ đứng trước bàn thờ Bà, tay cầm trống nhỏ gọi là trống rỗi vừa gõ nhịp, đánh trống vừa hát mời Bà về chứng giám cảnh hân hoan đón tiếp của dân làng.

Trước khi múa hát các nghệ sĩ thành kính khấn vái Vạn bang ngũ hành, Cửu huyền thất tổ, Chiến sĩ trận vong, Thổ địa thổ công… về chứng giám: “Liệt vị đồng chứng minh, Tiêu trừ bệnh hoạn, uế trược”. Tiếp theo là phần rỗi: “Lịnh Bà ơi! Vui đâu chẳng bằng vui đây. Con cháu mời các lịnh Bà giáng độ chúng sanh”.

Người hát rỗi thường dựa vào điệu thức thang âm đã có sẵn và sử dụng làn hơi nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng thật vui tươi, hồ hởi. Có khi rỗi theo tuồng tích, có khi theo điệu thức riêng biệt. Trong trường hợp múa bóng có nhạc công đệm đàn, các nghệ nhân diễn xuất bằng cảm xúc và cảm hứng nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người xem. Theo Ths. Nguyễn Thị Hải Phượng, người rỗi bóng sử dụng làn hơi chủ yếu là hơi “Xuân” với nét nhạc trang nghiêm thư thái.

Sau phần múa rỗi là phần biểu diễn nghệ thuật dân gian, còn gọi là trò tạp kỹ như múa lu, múa khạp, múa ghế, múa dao, múa gậy, múa bông huệ… với những động tác gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Đặc sắc nhất là phần biểu diễn rót rượu hoặc phun lửa, tung hứng vừa thuần thục, vừa nhuần nhuyễn.     

Đây là phần lúc nào cũng được mọi người quan tâm chờ đón. Một số bà bóng chịu khó tập luyện nên trình diễn những động tác múa khá điêu luyện, khéo léo như làm xiếc, khiến người xem lúc nào cũng hồi hộp, tò mò chờ đợi. Để có thể trở thành một người bóng rỗi chuyên nghiệp, có nhiều tiết mục hay và đặc sắc thì đòi hỏi mỗi “cô bóng” phải thực sự yêu nghề và rèn luyện nghiêm túc, trải qua nhiều đau đớn, thách thức của nghề. 

Bất chấp nỗi đau để trở thành “cô bóng”

Suốt hơn 40 năm nay, Nghệ nhân ưu tú Lê Minh Hùng (62 tuổi) (ngụ TP. Tân An, tỉnh Long An) vừa làm đủ nghề từ bán trứng, hát đám ma, đám cưới… để nuôi dưỡng niềm đam mê và gìn giữ nghề múa bóng rỗi mà ông đã trót“say” từ thời niên thiếu. 

Ông nhớ lại, vào năm 13 tuổi, tình cờ thấy ở miếu Bà Thiên Hậu gần nhà có các “bà bóng” đến múa và đọc những câu văn cầu an, cầu phúc cho quốc thái dân an… sự tài tình, điêu luyện của các nghệ nhân múa bóng đã khiến cậu bé Hùng bắt đầu lân la tìm hiểu. “Càng tìm hiểu, tôi thấy càng thích thú rồi tự làm dụng cụ để bắt chước các bà biểu diễn. Do bản thân có năng khiếu múa cùng với sự chịu khó đã giúp tôi nhanh chóng thạo nghề”, ông Hùng cho hay. 

Đến năm 17 tuổi, ông Hùng quyết định công khai gắn bó đời mình với nghề múa bóng rỗi. Cũng chính từ đây, chàng trai mới lớn phải đối mặt với biết bao lời dị nghị, chê bai từ người đời. Ông Hùng nghẹn ngào: “Người ta nói con trai gì mà thích mặc áo dài lòe loẹt, trang điểm như đàn bà, bộ không biết mắc cỡ hay sao. Có người còn ác ý nói tôi giả “bà bóng” để đi lừa gạt, nghe buồn lắm”. 

Không chỉ hứng chịu lời nói, ánh mắt miệt thị từ xã hội, ông Hùng còn phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình. Hồi đó, ba mẹ và mấy người anh chị của ông Hùng không cho ông theo nghề vì không muốn con trai trở thành “cô bóng”, “bà bóng”. “Họ đánh tôi dữ lắm, đến nỗi tôi xỉu lên, xỉu xuống nhưng quyết không bỏ nghề. Thấy vậy, mấy anh chị giao đứa cháu nhỏ cho tôi giữ để vướng bận tay chân không đi diễn được nhưng hễ biết ở đâu có mời múa bóng rỗi là tôi ẵm đứa cháu trốn nhà đi tham gia. Có lần bị anh chị phát hiện, đánh một trận tưởng chết”, ông Hùng cay đắng kể lại. 

Múa bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật dân gian hết sức độc đáo của người Nam bộ.
Múa bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật dân gian hết sức độc đáo của người Nam bộ.  

Trải qua nhiều năm ròng gánh chịu đòn roi, thấy ông Hùng không từ bỏ với nghề múa bóng, ba má ông đành chấp nhận cho ông sống với nghề. Ông Hùng kể: “Má nói, em của tụi bây mê nghề này quá rồi, nói cỡ nào cũng không từ bỏ thì thôi để nó theo đi, có lẽ đó là duyên nghiệp. Từ đó anh chị không cho tôi “ăn roi” nữa và cũng từ mặt tôi suốt một thời gian dài”. 

Để có thể nuôi được niềm đam mê theo đuổi nghề múa bóng rỗi, ông Hùng không ngại ngần đi hát nhạc Tây, biểu diễn múa tạp kỹ trong các đám hiếu. Lúc không có đám để biểu diễn, ông phụ vợ và con gái bán trứng ở cửa hàng của gia đình. Tuy nhiên, dù cần tiền trang trải cuộc sống nhưng ông Hùng quyết không bỏ múa bóng. 

“Có hôm đi múa bóng ở xa, phải bỏ 2 - 3 lời mời biểu diễn ở đám hiếu, số tiền cả triệu bạc mỗi đám, tiếc lắm nhưng phải chịu thôi, vì mỗi năm chỉ có mấy dịp đi vía Bà hát bóng, cũng là dịp để thầy trò luyện lại ngón nghề nên đâu thể vì tiền bạc mà bỏ bê cái nghiệp này", ông Hùng bộc bạch.

Để chứng minh cho gia đình thấy được sự lựa chọn của bản thân là không sai, trong suốt hơn 40 năm qua ông Hùng chưa bao giờ ngừng tập luyện, trao dồi chuyên môn nghề nghiệp. Ông thuộc nằm lòng, nắm rõ những kỹ thuật biểu diễn thông qua nhiều điệu múa khác nhau như: múa lộc bình, múa lu, múa dâng hoa, múa dao, múa ghế, múa lông công, múa mâm vàng, múa rắn…

Tuy nhiên, để có thể thành thục những kỹ năng đó, bản thân ông Hùng đã trải qua cường độ tập luyện cao và đối mặt với nguy hiểm. Năm 27 tuổi, trong lúc múa dao vía Bà ở một ngôi miếu, do nghe bà con cổ vũ nhiệt tình quá, ông Hùng sơ ý để trượt dao khi đang múa tạp kỹ với 6 cây dao cân trên ngọn trúc. Cây dao rơi xuống, ghim vào kẽ răng khiến ông ớn lạnh nhưng không khiến ông bỏ nghề. Từ đó về sau ông càng quyết tâm tập luyện các ngón nghề, tạp kỹ sao cho thật thuần thục trong múa bóng rỗi. 

Theo ông Hùng, biểu diễn tạp kỹ là tiết mục không thể thiếu trong múa bóng rỗi. Bóng biểu diễn tạp kỹ không khác gì những nghệ sỹ xiếc với các tiết mục khiến người xem phải tròn mắt, vỗ tay: dùng đầu, trán, mũi, nhân trung nâng giữ các vật nặng, vật phức tạp như ghế, xe đạp, dao, nhánh bông huệ, khạp da bò, lông công... Trong khi giữ thăng bằng những vật đó người nghệ nhân phải vừa di chuyển thành vũ điệu uyển chuyển theo điệu nhạc lúc nhanh lúc chậm. 

Trong khi biểu diễn bóng rỗi có nhiều tiết mục tạp kỹ khiến người xem không khỏi thích thú và thán phục, trình độ kỹ xảo không kém các tiết mục xiếc chuyên nghiệp. Điển hình như việc có tiết mục múa với rắn hổ mang, nuốt rắn và quấn rắn quanh cổ. Để có thể theo nghề bóng rỗi, những người nghệ nhân như ông Hùng đã phải trải qua một quá trình tập luyện đầy gian khổ có cả máu và nước mắt, nhưng khi đã trót yêu nghề rồi thì chẳng ai có thể từ bỏ được. 

Ươm mầm cho nghệ thuật bóng rỗi

Cách đây vài chục năm, một thời gian khá dài, múa bóng rỗi bị đánh đồng với các hủ tục đồng bóng như: bóng cốt, bóng xá… nên bị chính quyền nhiều địa phương ngăn cấm. Những nghệ nhân như ông Hùng cũng như một sốđồng môn khác phải tạm thời phải “gác nghề. Mãi sau này, khi nghệ thuật múa bóng được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian phân tích, chỉ ra cái hay, cái đẹp của loại hình diễn xướng dân gian độc đáo này, ông Hùng và các nghệ nhân khác mới tái xuất trở lại. 

Thời điểm nghệ nhân Hùng “sống được nhất” vào từ khoảng tháng giêng cho đến tháng tư âm lịch. Người ta thường gọi đây là mùa giao xuân nên thường mời các “bà bóng” về cúng bái cầu an. 

“Gọi là sống được với nghề nhưng thực chất làm nghề múa bóng rỗi đâu có tiền bạc gì. Có khi múa đổ mồ hôi hột chỉ được vài trăm ngàn, chia tam chia tứ còn lại có bao nhiêu đâu. Do đó phải ráng đi làm thêm để phụ vợ, con lo gia đình. Tuy vậy tôi vẫn xem nghề múa bóng là chính, lúc nào được mời đi biểu diễn là tôi sẵn sàng khăn gói lên đường để làm công việc mà mình đam mê. Có khi lâu quá không được đi múa bóng rỗi, đến lúc được mời, tôi vui đến mất ngủ, chỉ trông chờ đến ngày để đi”, ông Hùng tâm sự.

Mặc dù khó khăn về tài chính nhưng hễ ai có nhu cầu học múa bóng rỗi là ông Hùng vui vẻ nhận lời dạy miễn phí, thậm chí bao luôn chi phí ăn uống.Cái gọi là “sống được nhất” của ông Hùng có lẽ chỉ là có cơ hội được biểu diễn, được người xem tán thưởng và vẫn được nhiều người mong chờ, đón nhận. 

Tính đến nay, có hàng chục “cô bóng” thạo nghề từ sự chỉ dạy và giúp đỡ của ông Hùng. Ông Hùng tâm sự, bản thân ông chẳng sợ lời gièm pha của thiên hạ, chỉ sợ mai này mình già yếu rồi, không còn được múa bóng rỗi nữa thì lấy ai mà tiếp nối bộ môn nghệ thuật dân gian này. “Chính vì vậy bây giờ còn sức, còn cơ hội thì tôi sẵn sàng truyền nghề. Tôi không muốn bộ môn này dần mai một”, ông bộc bạch. 

Theo ông Hùng, múa bóng rỗi không chỉ cần đam mê mà còn phải kiên trì và quyết tâm. Học hát rỗi, học múa tạp kỹ... toàn những môn không dễ dàng. Ông Hùng tiết lộ: “Cũng không ít học trò học được giữa chừng lại nghỉ ngang vì cuộc sống mưu sinh. Lúc đó tôi phải khuyên răn, thậm chí đến tận nhà năn nỉ để các em học lại. Đa số học trò tôi dạy đều là nam. Nữ học cũng được nhưng rất hiếm, vì không có sức khỏe như các em nam. Tỉ lệ nữ học múa bóng thành công là rất thấp”. 

Tình cờ xem được các video về nghệ nhân Lê Minh Hùng, anh Trần Văn Thịnh (28 tuổi, ở TP Tân An) đã quyết tâm học và theo nghề. Bản thân anh Thịnh cũng như người thầy của mình cũng đã phải vượt qua nhiều thử thách như bị người đời dèm pha, chọc ghẹo khi khoác lên người bộ áo dài, “bôi son, trát phấn” lên mặt.

“Nhưng cũng có người hiểu biết về bộ môn này ủng hộ. Nhất là khi nghe kể quá trình gian nan hơn 30 năm đeo đuổi và gìn giữ nghề của thầy tôi càng đồng cảm và quyết tâm. Tôi chỉ mong bộ môn bóng rỗi dân gian này được gìn giữ, lưu truyền”, Thịnh nói.

Nhưng điều khiến các nghệ nhân và những người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật dân gian này lo lắng hơn cả là sự biến tướng đáng ngại của múa bóng rỗi. Nhiều nhóm đồng tính nam tự giới thiệu là nhóm múa bóng rỗi, nhưng lại không hề am hiểu về bộ môn này. Họ nhận hát đám ma, đám cưới, vốn là điều tối kỵ của nghệ thuật múa bóng rỗi, phần hát rỗi sơ sài, cẩu thả, thậm chí chỉ diễn xiếc tạp kỹ mà bỏ qua phần hát rỗi.Có nhóm lợi dụng sự mê tín của một bộ phận công chúng để trục lợi, phát ngôn bừa bãi, làm công chúng hiểu lầm về múa bóng rỗi, thậm chí tạo nên sự kỳ thị đối với những nghệ nhân múa bóng rỗi thực thụ.

Các bà bóng có một câu châm ngôn: “Bà vui thì dân vui. Dân vui thì bà vui”. Với ý nghĩa đó, múa bóng rỗi là một phong tục thờ cúng tốt đẹp, đồng thời cũng là một nghệ thuật diễn xướng đặc sắc. Tiếc rằng, khi hầu đồng ở miền Bắc đã được công nhận ở tầm quốc tế thì múa bóng rỗi ở Nam Bộ vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm.

Đọc thêm