Đời người như bóng câu qua cửa

(PLVN) - Đời người như bóng câu qua cửa. Xét cho cùng, trần gian cũng chỉ là quán trọ thôi. Lúc chúng ta cất tiếng khóc chào đời, trên người không một mảnh vải che thân. Đến khi nhắm mắt lìa đời, dẫu tiền muôn bạc vạn, siêu xe đắt tiền, nhà lầu, vợ đẹp cũng bỏ lại tất cả để về với hư không...
Đời người như bóng câu qua cửa

“Cõi vĩnh hằng, vô cùng thương tiếc"

 Những hình ảnh trong buổi họp lớp của những ông già, bà lão, tóc bạc da mồi sau 50 năm ra trường được chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người xúc động. 

Tài khoản facebook T.T chia sẻ câu chuyện trên mạng xã hội như sau: “Họp lớp 50 năm sẽ như này đây ạ! Khâm phục các ông và bà quá. Có người đã mất, có người thất lạc và giờ còn nhiêu đây. Dran Đơn Dương, Lâm Đồng 08/10/2019. Lớp Đệ Tứ đến Đệ Thất 1966, trường Trung học Đơn Dương cũ”.

Kèm theo đó là hình ảnh chụp lại bản danh sách ghi tên và nơi ở của các thành viên trong lớp, như một cách để các cô cậu học trò ngày xưa kiểm lại sĩ số của lớp. Thế nhưng, đáng chú ý hơn cả chính là cột ghi địa chỉ của 5 thành viên trong lớp. Bởi nó chẳng phải là một tỉnh thành hay đất nước nào xa xôi mà là dòng chữ “Cõi vĩnh hằng, bạn cùng lớp vô cùng thương tiếc”.

Những dòng chữ tưởng nhớ những người bạn học năm nào nay đã yên nghỉ trong lòng đất khiến chúng ta thật sự xúc động nhưng nó cũng nhắc nhở mỗi người rằng: rồi cũng sẽ tới lượt chúng ta khuất núi, “từ cát bụi lại trở về với bụi tro”. Bánh xe thời gian vốn chẳng chừa một ai. 

Khi nào thì cái chết bắt đầu?

Cơ thể con người được cấu tạo từ hàng tỉ tỉ tế bào phân chia hàng ngày để đảm bảo cho sự phát triển. Tuy nhiên sự phân chia tế bào như vậy bị chậm lại và ngừng hẳn ở một thời điểm nào đó.

Quá trình lão hóa thường chấm dứt khi một số bộ phận trong cơ thể không còn hoạt động: đó là hệ tim mạch, hai lá phổi và bộ não. Ban đầu, các bộ phận cơ thể vẫn tiếp tục sống được trong tình trạng thiếu ô xi và các dưỡng chất. Nhưng dần dần, khi sự phân chia tế bào ngừng hẳn thì các tế bào chết đi. Nếu có quá nhiều tế bào chết đi thì các bộ phận không hoạt động nữa. 

Phản ứng sớm nhất xảy ra là ở não, các tế bào não chết sau từ 3 – 5 phút. Tim vẫn có thể còn đập đến nửa giờ cho đến 1 giờ sau. Ngay khi máu ngừng tuần hoàn, máu đông lại và tạo thành các “điểm chết”. Các điểm này là dấu hiệu để các bác sĩ pháp y dựa vào đó có thể xác định nguyên nhân và địa điểm của cái chết.

 

Sau 2 giờ đồng hồ, cơ thể cứng lại do không sản xuất adenosine triphosphate (ATP). ATP là nguồn năng lượng thiết yếu cho tế bào, không có ATP, các cơ bắp sẽ cứng lại. Sau vài ngày, tình trạng co cứng giảm bớt. Và đến lúc này thì ống tiêu hóa mới chết, các vi khuẩn trong ống tiêu hóa bắt đầu làm phân hủy, thối rữa cơ thể. Toàn bộ quá trình phân hủy cơ thể sau khi chết phải mất đến 30 năm.

Đó là cái chết về mặt sinh học mà phàm là con người, ai rồi cũng sẽ phải trải qua. Chúng ta cũng như vạn vật cây cỏ muông thú trên trái đất này, đều có quá trình sinh diệt, chẳng ai có thể đi thoát vòng sinh tử. 

Sự sống dài bao lâu?

Một ngày nọ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trầm tĩnh hỏi các đệ tử: “Các con hãy cho ta biết, sinh mệnh của con người thọ được bao lâu?”. Một vị đệ tử nhanh nhảu trả lời trước: “Thưa Sư phụ, sinh mệnh của một người thông thường kéo dài mấy chục năm ạ!”. Phật Thích Ca Mâu Ni lắc đầu và nói: “Con hoàn toàn chưa hiểu được đạo lý này rồi!”.

Một vị đệ tử khác thấy vậy liền trả lời: “Thưa Sư phụ, sinh mệnh con người giống như cỏ cây, mùa xuân nảy lộc đâm chồi, mùa đông khô héo, hoá thành cát bụi”. Phật Thích Ca Mâu Ni mỉm cười rồi nói: “Con đã có thể xét đến sự ngắn ngủi của sinh mệnh, nhưng cũng vẫn chưa minh tỏ!”.

Lát sau, một đệ tử khác lại nói: “Thưa Sư phụ, sinh mệnh giống như loài phù du, sớm sinh tối diệt, cùng lắm chỉ dài bằng một đêm thôi ạ!”. Phật Thích Ca Mâu Ni nghe xong, nói: “Con đã có cái nhìn sâu hơn đối với hiện tượng sớm nở tối tàn của sinh mệnh, nhưng đó vẫn chưa phải là thấu tỏ chân lý!”

 

Chúng đệ tử ngày càng tranh luận sôi nổi không ngớt. Bỗng một đệ tử nói: “Thưa Sư phụ, con cho rằng sinh mệnh của con người chỉ dài bằng thời gian của một hơi thở mà thôi”. Vị đệ tử ấy vừa dứt lời, mọi người đều kinh ngạc và im lặng chờ sự khai thị của Sư phụ. 

Phật Thích Ca Mâu Ni mỉm cười và nói: “Con nói đúng rồi! Tuổi thọ của sinh mệnh chỉ dài như một hơi thở. Không còn thở nữa thì đã là sang đời sau rồi. Chỉ có nhận thức như vậy mới thực sự trải nghiệm được sự tinh tuý của sinh mệnh. Các đệ tử! Các con chớ nên thảnh thơi lười biếng, cho rằng đời người rất dài giống như kiếp phù du, như cỏ hoa, hay dài đến mấy chục năm. Nhưng tuổi thọ của con người chỉ như một hơi thở mà thôi, vậy nên phải trân trọng mỗi phút giây của sinh mệnh!”.

Chết đến với tất cả mọi người và là một phần của cái vòng sinh tử. Người chết trẻ, kẻ chết già, chẳng ai không chết. Chẳng ai mời chúng ta đến thế giới này, và cũng chẳng ai bảo chúng ta từ giã. Tôi không tránh được cái chết, và mọi người, mọi cỏ cây, mọi hình thức, mọi chúng sanh đều theo con đường đó. Thu về, lá rụng. Đó là quy luật, là định mệnh không thể thay đổi.

Chỉ có Tình yêu ở lại

Trên hành trình cuộc sống, đa số mọi người đều mang bên mình quá nhiều hành lý, đó là những ham muốn về giàu có, quyền lực, danh tiếng… Khi có càng nhiều thì lại càng dễ bị mắc cạn giữa lưng chừng đường, họ mãi mãi không thể chạm được tới vạch đích cuối cùng, để rồi khi bừng tỉnh mới ân hận xót xa mà thốt lên rằng: “Giá như…”.

“Cái giường nào đắt giá nhất trên đời? Đó là giường bệnh viện, vì nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xế lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn. Mất tài sản mình có thể tìm lại được, có một cái khi đã mất thì không thể tìm lại được: sự sống. Dù đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời, cuối cùng, tất cả phải đối diện khi bức màn sự sống kéo xuống.

Làm ơn hãy nâng niu và nhận thức được giá trị tình yêu gia đình, tình yêu bạn đời và tình yêu bạn hữu, gìn giữ sức khỏe cho bạn và chăm sóc đồng bào của bạn.”, Steve Jobs, người đã thổi hồn vào những chiếc điện thoại iPhone, máy nghe nhạc iPod, máy tính bảng iPad và máy tính Macbook, đưa chúng trở thành những món hàng công nghệ được săn đón nhất thế giới đã viết những lời trăng trối như vậy.

 

Các tác giả Nguyễn Thượng Chánh & Nguyễn Ngọc Lan chia sẻ trong bài viết: “Chết có thật đáng sợ không?”: Trên cõi đời nầy, chỗ duy nhất, nơi mà con người thật sự được hoàn toàn bình an, không còn thù hận nhau nữa, không bao giờ biết hơn thua, phân biệt đố kỵ với nhau nữa, đó là chỗ nghĩa địa an giấc ngàn thu. 

Cuộc đời thật vô thường, vậy phải biết trân quý sự sống. Thù hận, tranh đua, phân biệt, cố chấp, ganh tị, suy bì, hơn thua nhau từng tiếng, từng lời, từng chút một rồi cuối cùng cũng phải chết mà thôi. Đến lúc đó thì ăn năn hối cải, than khóc, kể lể, luyến tiếc làm chi cho mất công, muộn màng rồi bạn ơi. Tại sao hồi còn sống không biết sống cho hòa thuận, thương yêu nhau, giao hảo nhau trong tình người, biết tha thứ nhau?

 

Nghĩ cho cùng cái chết chỉ là một giai đoạn của cái sống. Có chết đi thì mới có được một cái sống mới khác tiếp nối theo được. Vậy hãy trân quý cuộc sống ngày hôm nay. Không nên để tâm trạng sợ chết trở thành một nỗi ám ảnh thường xuyên làm ô nhiễm cuộc sống của chúng ta. Hãy quên sự chết đi để mà sống. Chừng nào chết thì chết. Chết thì dễ, là việc đương nhiên rồi. Sống sao cho đáng sống mới là việc khó. 

Chúng ta, sau bài học quý giá mà Steve Jobs để lại, hãy cùng chiêm nghiệm lời cảm ơn cuộc đời…Sáng hôm nay thức giấc, bỗng dưng tôi muốn nói: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày mới để yêu thương”…

Đọc thêm