Thung lũng Ma Thiên Lãnh: Mãng xà khổng lồ xuống núi rượt chó, bắt gà khiến người dân sởn gai ốc

(PLVN) - Ngoài được mệnh danh là “lãnh địa của những hồn ma” và không giành cho những người yếu bóng vía, Ma Thiên Lãnh dưới chân núi Bà Đen còn được xem là thủ phủ của các loài bò sát, như rắn, thằn lằn, trong đó nổi tiếng với các loài rắn độc. 
Con đường dẫn vào thung lũng Ma Thiên Lãnh.
Con đường dẫn vào thung lũng Ma Thiên Lãnh.

Thủ phủ của các loài bò sát

Với vẻ ngoài hùng vỹ, Ma Thiên Lãnh ẩn chứa nhiều huyền bí mà nhiều người khao khát khám phá. Ngoài cảnh vật ngoạn mục, kỳ vỹ hiếm thấy, Ma Thiên Lãnh còn có nguồn động, thực vật khá đa dạng, vô cùng độc đáo. Từ xưa Ma Thiên Lãnh nổi tiếng là “thủ phủ” của các loài bò sát, là lãnh địa của những loài rắn độc. Ở cái nơi người ta có thể bỏ mạng trong giây lát này, lạ kỳ, lại là vựa dược liệu với nhiều cây thuốc quý giúp hóa giải bệnh tật.

Một số người dân địa phương am hiểu vùng đất này cho biết, chuyện lãnh địa ma quỷ thì chỉ nghe đồn, nhưng chuyện Ma Thiên Lãnh là lãnh địa của rắn độc, rắn khổng lồ thì không có gì phải bàn. Vào khoảng 15 – 20 năm về trước, ít ai dám vào thung lũng, nếu có vào cũng phải trang bị quần áo mưa, nai nịt kín mít, tay cầm theo chiếc gậy để xua rắn. Bởi lúc đó chúng bò lổm ngổm khắp nơi, trên cây, dưới mặt đất đều có, thậm chí, chúng còn chạy loăng quăng trước mặt người mà không hề sợ sệt. Vùng đất này còn có nhiều loài bò cạp, kích thước lớn dị thường.

“Vùng này rắn dữ thần lắm, con nào con nấy bự cành cành. Ngày trước tui đi rừng lỡ dẫm lên con hổ chúa khiến nó tức mình ngóc đầu phình mang với phần thân nhô lên khỏi mặt đất gần 2 m. Lúc đó dù sợ tái mình nhưng tôi cũng kịp trấn tĩnh nghĩ nếu mình bỏ chạy thì không thể nào nhanh bằng nó nên đành cố gắng đứng bất động, không dám thở mạnh”, ông Phụng, một người dân địa phương kể lại chuyện gặp rắn độc.

Miếu quan lớn Trà Vong ở thung lũng Ma Thiên Lãnh.
Miếu quan lớn Trà Vong ở thung lũng Ma Thiên Lãnh.  

Theo ông Phụng lý giải, kinh nghiệm nhiều năm đi rừng cho ông biết vào ban ngày rắn không thấy đường. Khi bị đe doạ, chúng tấn công đối phương thông qua chuyển động của họ. Nếu mình đứng yên nó sẽ nghĩ mình vô hại nên thường sẽ không manh động tấn công. Nhờ chiêu đối phó ấy mà ông Phụng có thể đứng đây nói chuyện như bây giờ.

Ai sống ở Ma Thiên Lãnh đều ít nhiều chạm trán với rắn khổng lồ, đó là điều mà hầu hết những người dân ở đây đều công nhận. Chẳng những đụng độ với rắn trong những chuyến đi rừng, khi phát dọn cày cuốc trên nương rẫy, người dân còn có khi va chạm với mãng xà trong chính căn nhà của mình. Có người đi soi cá soi dơi ban đêm chạm trán với loài rắn độc mà người dân địa phương gọi là rắn hổ khè, bị tấn công may mắn chạy kịp, một lần thoát chết ám ảnh tới già.

Có người đàn ông lúc nhổ cỏ trên rẫy chẳng may bị con hổ khè đớp trúng ngón giữa của bàn tay phải. Sợ chạy nọc, ông này liền dùng dao chặt đứt ngón tay ngay tại chỗ. Ngoài rắn hổ khè, Ma Thiên Lãnh còn có giống rắn hổ rừng to bự như trăn. Theo người dân địa phương, giống rắn hổ này rất hiếu chiến, khi cảm nhận sự nguy hiểm nó có chiêu phun nọc độc. Bị hổ rừng phun nọc độc trúng mắt thì ai đó nắm chắc vé bị mù lòa. Còn bị nó cắn thì sau 24 giờ da dẻ bị nứt rồi chảy nước vàng, sau đó thì thịt bị thối dẫn đến hoại tử vô phương cứu chữa.

Suối Vàng ở Ma Thiên Lãnh, nơi trước đây nhiều người dân bắt gặp rắn.
Suối Vàng ở Ma Thiên Lãnh, nơi trước đây nhiều người dân bắt gặp rắn.  

Ở rừng Ma Thiên Lãnh còn có giống bò sát máu lạnh gọi là con “nưa”. Con này rất giống trăn nhưng trăn chỉ có hai hốc mũi, còn “nưa” có chín lỗ mũi. Đây là giống trăn rừng cực kỳ hung dữ, còn gọi là trăn móc dấu vì đặc tính khi di chuyển để lại vết tích có hai lằn đất trên đường dịch chuyển. Tại rừng Ma Thiên Lãnh, có người từng gặp con nưa nặng gần 80 kg, bự đến độ chỉ sống một chỗ, chờ con thú hoang đi qua là siết rã xương rồi nuốt trọn.

Có lẽ cũng vì quá nhiều rắn, có quãng thời gian ở Ma Thiên Lãnh xuất hiện những lời đồn đại đại khái như rắn thần hiển linh, với những tình tiết ma mị huyền hoặc gây hoang mang, sợ hãi. Tuy nhiên, giống như những lưu truyền về lãnh địa hồn ma nơi trần thế, chuyện rắn thần cũng chỉ là những sản phẩm thêu dệt của trí tưởng tượng. Bởi thực tế thời điểm đó Ma Thiên Lãnh luôn có sự hiện diện của nhiều kẻ săn bắt rắn, lực lượng kiểm lâm bảo vệ ráo riết, ngăn chặn tình trạng trên.

Rắn khổng lồ vào nhà dân rượt chó, bắt gà

Ông Nguyễn Văn Tiến, người sống bên rìa thung lũng Ma Thiên Lãnh kể: “Tôi có hàng chục lần bạo gan xâm nhập vào thung lũng này nhưng cũng chỉ dám vào ban ngày thôi. Dây leo chằng chịt bám khắp người, muỗi ở thung lũng này con nào cũng to như hạt đậu ấy”. Ông Tiến lý giải, vào rừng ban đêm cực kỳ nguy hiểm nếu gặp phải rắn độc, bởi chúng đi săn mồi và quan sát rất tốt vào ban đêm.

Chị Nguyễn Thị Hà, người đàn bà bám Ma Thiên Lãnh bán quán cho khách tham quan và mấy thợ săn rắn, ốc núi, thằn lằn trong suốt 20 năm qua kể, năm đó, hai vợ chồng chị mới từ quê lên đây lập nghiệp, núi rừng còn hoang vu. Một hôm, vợ chồng chị đang phát cỏ làm rẫy thì phát hiện từ hang đá một con trăn khổng lồ trườn ra phía bờ suối, hai người không ai dám mở miệng, chỉ biết nín thở nhìn nhau.

Con trăn bò xuống suối rồi nhanh chóng rúc vào một bụi cây um tùm. Chị Hà chắc mẩm, những con rắn khổng lồ trong câu chuyện của người địa phương sống lâu năm ở đây đồn đại có lẽ là loài trăn mà hai vợ chồng chị nhìn thấy. Đó là loài trăn gấm có kích thước to vào hàng bậc nhất của loài bò sát, cơ thể có nhiều họa tiết lưới, có màu sẫm.

Ngoài tận mắt nhìn thấy trăn khổng lồ, chị Hà nhiều lần bắt gặp những mẩu da rắn đã khô vừa lột còn bỏ lại, to bằng bắp vế người lớn. “Rắn ở Ma Thiên Lãnh, tôi chưa thấy cắn chết người bao giờ nhưng chúng hay ăn gà vịt. Nhiều khi, rắn bò xuống nhà dân dưới chân núi bắt gà, chó ăn thịt, làm người dân hoang mang nhưng loài bò sát này chẳng bao giờ gây sự với con người nếu không bị tấn công trước”, chị Hà chia sẻ.

Bà Ngô Thị Lắm, 64 tuổi, sống trên thung lũng Ma Thiên Lãnh kể, rắn vào nhà bắt gà bắt vịt là chuyện bình thường. Có lần có một con rắn hổ dài 3 m vào nhà bà bắt đi con gà trống, gia đình phát hiện nhưng vì con rắn hành động quá nhanh nên mọi người không thể ngăn cản. “Ở đây rắn con nào con nấy bự tổ chảng, đến chó thấy còn cụp đuôi chạy có cờ. Rắn nhiều dữ lắm, rắn trú trong các hốc đá, rắn đánh đu trên thân cây, rắn lởn vởn quanh các nóc nhà, rắn trườn xào xạc trên cành lá hoai mục, rắn bò lúc nhúc ven triền con suối Vàng…”, bà Lắm kể.

Anh Phùng Văn Tám, 41 tuổi, làm rẫy trên đỉnh Ma Thiên Lãnh được 20 năm nên rất am tường chuyện rắn. Anh cho biết từng năm lần bảy lượt giáp mặt những con rắn dài xấp xỉ hoặc trên 3m. “Có bận khoảng 1 giờ đêm trời tháng chạp trăng sáng như ban ngày, đang nằm ngủ tui bỗng nghe trên mái tôn kêu ầm ầm dù rằng trời chẳng mưa gió gì. Lồm cồm xách đèn pin bước ra ngoài rọi lên, tui điếng hồn khi thấy tấm thân của một con mãng xà vắt dài như chiếc võng trên thân 2 nhánh cây xoài đung đưa quất qua quất lại. Con mực ngửi mùi là sủa sinh ỏi. Nghe động con rắn thu mình rồi quay đầu thè lưỡi với 2 con mắt đỏ lòm rồi theo nhành cây biến mất”, anh Tám kể.

Cũng vì quá thường xuyên thấy rắn, những thôn dân tá túc kiếm sống ở Ma Thiên Lãnh coi đó là chuyện thường. Nhiều người am hiểu từng ngõ ngách, thuộc làu những câu chuyện về rắn khổng lồ và rành rọt địa hình như lòng bàn tay, biết chỗ nào an toàn, chỗ nào nguy hiểm, chỗ nào có khe nước uống được và đường đi lối lại trong thung lũng. Hay như việc khi màn đêm buông xuống thì nhất định phải gác lại mọi việc để trở về nhà, bởi bị rắn cắn ở đây thì lành ít dữ nhiều.

Những người sống ở Ma Thiên Lãnh mà chúng tôi tiếp xúc, từ các hộ dân làm rẫy đến các cán bộ kiểm lâm ai nấy đều khẳng định Ma Thiên Lãnh là thủ phủ của các loài mãng xà khổng lồ sở hữu nọc độc chết người. Có một điều lạ là tuy rất nhiều và thường bị con người bắt gặp nhưng chúng chưa từng chủ động tấn công ai bao giờ. “Sống ở rừng nên bà con ai nấy đều tuân thủ luật rừng không dám kinh động hay tỏ ý coi thường mấy ổng, nhờ vậy nên mấy ổng cũng để cho mình yên ổn làm ăn. Mấy ổng chỉ phun nọc độc khi cảm nhận bị đe dọa mà thôi”, một số người dân tâm tình.

Cũng theo người dân nơi đây, bây giờ số lượng rắn đã giảm đi nhiều so với giai đoạn 15 - 20 năm trước. Bây giờ tần suất bắt gặp trăn, rắn của người dân ngày càng ít đi, dường như chúng ngày càng rút vào những đoạn rừng sâu, nơi ít bị con người làm phiền. Chẳng những rắn mà các động vật khác ở Ma Thiên Lãnh như ốc núi, dơi, thằn lằn, cheo, mễnh, beo, heo rừng… số lượng cũng giảm sút.

Đọc thêm