Giai thoại về Trạng nguyên Lương Thế Vinh- (Bài 1): Khám phá phương pháp học và chơi của “thần đồng” đất Việt

(PLVN) - Học mà chơi, chơi mà học, bản tính ham học nhưng cũng ham chơi của một thần đồng đã khiến ông từ nhỏ sớm nổi bật. Là người đặt nền móng cho Toán học nước nhà, người ta còn gọi Trạng Nguyên Lương Thế Vinh là Trạng Lường.
Hình ảnh trên bộ truyện tranh giai thoại về Lương Thế Vinh.
Hình ảnh trên bộ truyện tranh giai thoại về Lương Thế Vinh.

Học mà chơi, chơi mà học

Trạng Nguyên Lương Thế Vinh tên tự là Cảnh Nghị, tên hiệu là Thụy Hiên. Ông sinh năm 1411 tại Cao Hương, huyện Thiên Bản (ngày nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). 

Từ bé, Lương Thế Vinh đã nổi tiếng trong việc học, việc chơi. Được mệnh danh là cậu bé học rất mau thuộc mau hiểu, mà chơi cũng rất tài tình. Cậu rất thích thả diều, câu cá, bẫy chim cùng với các trẻ chăn trâu trong làng. Chơi hay học, cậu đều nổi bật hơn hẳn đám bạn cùng trang lứa.

Khi thả diều, diều của Vinh thường vẫn lên cao hơn, có hình dáng khác lạ. Không hẳn "cánh thoi" mà cũng chẳng giống "cánh tiên". Vinh cắt một khúc dày mướp đã già cỗi, chẻ và vót mỏng thành một cái mang rồi căng trên một thanh tre mảnh uốn cong hình chữ U thành một cái "ve". Buộc chiếc ve này lên diều rồi thả lên trời. Gió thổi, màng rung lên kêu ve ve nghe rất thích. Cậu còn làm hai, ba cái "ve" to nhỏ khác nhau buộc thành một bộ. Khi thả diều, tiếng trầm xen tiếng bổng rất du dương vui tai, người lớn cũng say mê lắng nghe.

Cùng đi câu cá với bạn bè, bao giờ cậu cũng được nhiều cá hơn, cá to hơn. Chỉ cần nhìn chiếc bẫy người lớn bẫy chuột, cậu liền nghĩ ra chiếc bẫy nhỏ xúi để bẫy chim trĩ khá tinh vi làm người lớn phải ngạc nhiên, thán phục. 

Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh ở huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định).
 Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh ở huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định). 

Người thời đó gọi cậu là "thần đồng", tiếng dùng để chỉ những người giỏi như "thần" ở tuổi nhi đồng. Nhưng bọn trẻ chả hiểu "thần đồng" là gì. Chúng ngỡ Lương Thế Vinh hay câu cá, thả diều, bẫy chim, chăn trâu ngoài đồng nên người ta gọi là "thần" ở ngoài "đồng". 

Hôm đó cậu đem một trái bưởi ra bãi tha ma (chỗ bạn bè thả trâu) làm quả bóng để các bạn cùng chơi. Bồng quả bưởi lăn xuống một trong những cái hố bến mép bãi người ta đào để ngăn trâu bò khỏi phá lúa. 

Cái hố rất hẹp lại rất sâu không xuống mà cũng không với tay lấy lên được. Bọn trẻ tưởng thế là mất đồ chơi. Nhưng Lương Thế Vinh nghĩ một lát, rồi hớn hở rủ bạn ra chỗ nong nước bên ngòi mượn vài chiếc gầu dai đi múc nước đổ xuống hố. 

Bọn trẻ không hiểu Vinh làm thế để làm gì. Nhưng lát sau, thấy Vinh cúi xuống cầm quả bưởi lên, chúng rất sửng sốt phục tài Vinh. Từ đó, trẻ con trong làng truyền nhau rằng Lương Thế vinh là thần, có một câu "thần chú" hay lắm, có thể gọi được những vật vô tri như quả bưởi lại với mình. 

Thực ra thì khi Vinh trèo cây hái bưởi bên bờ ao, chẳng may lỡ tay, cậu làm rơi quả bưởi xuống nước tưởng mất. Nhưng khi nhìn thấy bưởi nổi lên trên mặt ao. Vinh đã lấy cành tre khều vào và đem ra bãi chơi. Lúc quả bưởi lăn xuống hố, cậu đã chợt nhớ lại và nghĩ ra cách lấy nước đổ xuống cho bưởi nổi lên. Vốn thích thơ, ca hò, vè. Khi cúi xuống chờ bưởi nổi, cậu vui miệng ứng khẩu đọc lẩm nhẩm: "Bưởi ơi bưởi/ Nghe tao gọi/ Lên đi nào. Đừng quên lối/ Đừng bỏ tao..." Bọn trẻ nghe vậy nghĩ rằng Vinh đọc "thần chú". 

Tự sáng tạo đồ chơi

Vinh và lũ trẻ trong làng từng nghe chuyện Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc, các cậu mê voi lắm. Một hôm có mấy người cưỡi một con voi qua làng. Các cậu rất khoái, theo đi xem đến tận làng bên. Hôm sau Lương Thế Vinh liền tổ chức một cuộc thi nặn voi. Bọn trẻ nặn được chín mười con voi hình thù rất lạ kỳ. Con thì chỉ giống voi thật ở cái vòi, con chỉ giống ở bốn cái chân, còn đầu lại giống đầu trâu. 

Bọn trẻ cười chảy cả nước mắt. Rồi bọn chúng nhớ ra và hỏi: "Voi của Vinh đâu?" "Voi ở đây"! Vinh chạy trước, dẫn bọn trẻ theo sau đến một chỗ úp chiếc nón lá, Vinh vừa hé chiếc nón lá, vừa hồ: "Voi, ra đi". Tức thì voi lững thững đi ra. Cái vòi co vào ra, hai tai vẫy vẫy. Bọn trẻ hơi hoảng sợ, nhưng sau lại thích thú reo hò: "Thích quá ! Tài quá! Tài quá!" 

Tiếng vỗ tay, tiếng la hét ầm ầm. 

Bỗng chú voi ngã lăn kềnh, gẫy cả chân. Có mấy con cua chạy ào ra tứ phía. Thì ra Vinh nặn voi rồi đặt bốn chân lên bốn con cua; lấy con đỉa làm cái vòi; hái con bướm ghim vào đầu voi bằng hai cái gai để làm tai. Quả thực Lương Thế Vinh rất có tài quan sát. Con voi của Vinh thật sống động. 

Mãi về sau trong làng Vinh và các làng bôn, bọn trẻ còn hát bài đồng dao, không biết của người lớn hay chính Vinh đặt ra để tả con voi của mình. 

Con vỏi, con voi/ Cái vòi bằng con đỉa/ Bốn chân bệ vệ/ Trên bốn cua càng Cái đuôi thằn lằn/Nhóc nha nhóc nhách/Hạt cườm, làm mắt/Cánh bướm làm tai Con vỏi, con vòi/ Cái vòi bằng con đỉa 

Phương pháp thực nghiệm của Lương Thế Vinh

Lương Thế Vinh là người biết kết hợp rất khéo giữa chơi và học, nên từ nhỏ, Vinh học rất thoải mái mà lại đat kết quả cao. Khác với những người khác "dùi mài kinh sử", học như con vẹt chỉ biết thuộc nhiều:"Thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi", không cần hiểu, không cần sáng tạo. 

Vinh học đến đâu, có đào sâu hiểu rộng. Học một mà biết mười. Khi đã ngồi học thì tập trung tư tưởng rất cao. Nhưng không vì lo học mà Vinh bỏ việc vui chơi. Ngược lại, Vinh luôn muốn thực nghiệm những điều đã học vào đời sống. 

 

Trong khi vui chơi như câu cá, thả diều, bẫy chim, Vinh luôn kết hợp với việc học. Lúc thả diều, Vinh rung dây diều để tính toán, ước lượng chiều dài, chiều cao. Khi câu cá, Vinh tìm hiểu đời sống các sinh vật, ước tính đo lường chiều sâu ao hồ, chiều rộng sông ngòi... và kiểm tra lại bằng thực nghiệm. Vinh nghĩ ra cách đo bóng cây mà suy ra chiều dài của cây. 

Người đời còn lưu truyện về Trạng Nguyên Lương Thế Vinh như sau: Dạo đó, Lương Thế Vinh và Quách Đình Bảo là hai người nổi tiềng vùng Sơn Nam (Thái Bình và Hà Nam bây giờ) về thông minh, học giỏi. Một hôm, sắp đến kỳ thi, Lương Thế Vinh tìm sang làng Phúc Khô bên Sơn Nam Hạ để thăm Quách Đình Bảo, toan bàn chuyện cùng lên Kinh đô ứng thí. 

Đến làng, Vinh ghé một quán nước nghỉ chân. Tại đây Vinh nghe người ta nói là Quách Đình Bảo đang ngày đem dùi mài kinh sử quên ngủ, quên ăn. Chắc chắn kỳ này Bảo phải đứng đều bảng vàng. Thấy vậy, Vinh cười nói: "Kỳ thi đến nơi mà còn chúi đầu vào quyển sách, cố tụng niệm thêm vài chữ. Vậy cũng gọi là biết học ư (?). Ta có vào cũng chẳng có gì mà bàn bạc". Vinh nói thế rồi bỏ ra về. 

Quách Đình Bảo nghe được chuyện trên, gật gù: "Người đó hẳn là Lương Thế Vinh ! Ta phải đi tìm mới được !". Thế là Bảo chuẩn bị khăn gói, tìm đến Cao Hương thăm Vinh. Chắc mẩm đến nhà sẽ gặp ngay Vinh đang đọc sách. Nhưng Vinh đi vắng, người nhà Vinh bảo: "Vinh đang chơi ngoài bãi". Quách Đình Bảo ra bãi tìm, quả thấy Vinh đang thả diều, chạy chơi cùng bạn bè, rất ung dung thư thái. Bảo phục lắm, tự nói với mình: "Người này khôi ngô tuấn tú, phong thái ung dung. Ta có học mấy cũng không thể theo kịp". 

Quả nhiên sau đó, khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ tư, đời vua Lê Thánh tông (1463), Lương Thế Vinh đỗ Trạng Nguyên (đỗ đầu), Quách Đình Bảo đỗ Thám Hoa (đỗ thứ ba). Năm ấy Lương Thế Vinh mới hai mươi hai tuổi. 

Người làng ông còn truyền tai nhau câu chuyện rằng, khi Vinh "vinh quy bái tổ", võng lọng về làng, bọn Lý dịch mũ áo chỉnh tề ra lộ chính để đón. Nhưng Lương Thế Vinh lại bảo mọi người rẽ qua đường tắt, đi qua bãi chăn trâu, nơi có bầy trẻ chăn trâu rất thân quý ông, thường được ông chỉ cho cách câu cá, bẫy chim và cùng chơi thả diều.

Thế là đoàn người gồm cả võng lọng xa giá lẫn trẻ cưỡi trâu bò về làng vô cùng hoan hỉ và thân tình. Chẳng rõ chuyện có thực không, hay do quý mến Lương Thế Vinh mà người ta nói ra thế. Chỉ biết rằng ông là người làm quan to nhưng rất gần gũi, qúy mến nhân dân nhất là con trẻ. 

Đọc thêm