Hành thiện tích đức để đẩy lùi mầm họa

(PLVN) - Người xưa có câu: “Có đức mặc sức mà ăn”, học được cách tích đức, tức là ta đã học được cách cải biến số phận của mình, mang lại phước lộc dồi dào. Vậy làm thế nào để tích đức ngay cả khi không có điều kiện vật chất?
Hành thiện tích đức để đẩy lùi mầm họa

Gốc của vạn vật là ở Đức

Chữ “đức” (德) là chữ Hán. Vậy “nhất” (一) ở trong đó có nghĩa như thế nào? “Duy sơ thái cực, đạo lập ô nhất, tạo phân thiên địa, hóa thành vạn vật” (tạm dịch: Thái cực, Đạo tối nguyên sơ được sinh ta từ “nhất”, sau đó tạo nên trời đất, sinh thành vạn vật). 

Vậy nên chữ “nhất” này nó là thủy tổ của vạn vật, là thủy tổ và bản nguyên của hết thảy mọi thứ. Từ “nhất” sinh ra âm dương, tạo ra trời đất. Vậy nên một nét ngang này thực tế chính là tách biệt trời đất, bên trên là trời, bên dưới là đất, còn “thập” (số 10) chính là “thế giới mười phương, bốn mặt tám phương”.

Vậy nên mọi người sẽ thấy chữ “đức” này rất có ý nghĩa, “thập mục” (十目) bên trên chữ “nhất” (一) chính là ý nói khắp trời đều là những con mắt. Chữ “tâm” (心) bên dưới chữ “nhất” đương nhiên chính là chỉ nhân tâm, vậy nên con mắt của khắp trời đều đang nhìn vào cái tâm của con người.

Có câu nói “trên đầu ba thước có thần linh”, “làm chuyện trái với lương tâm dù ở trong phòng tối, mắt thần vẫn thấy rõ như giữa ánh điện”. Từ đây có thể thấy người xưa cho rằng cái gì là “đức”? Chính là không kể có người đang dõi nhìn bạn hay không, có pháp luật truy cứu bạn hay không, hành vi của bạn nếu phù hợp với đạo trời, thì mới là “đức” thật sự.

Phúc đức là gốc của vạn vật
 Phúc đức là gốc của vạn vật 

Có thể nói chữ “đức” quyết định hết thảy mọi thứ của con người, sâu cạn nhiều ít của đức hạnh quyết định phúc phận và vận mệnh của con người. Cát hung họa phúc của con người có liên quan chặt chẽ với đức, có đức là phúc, không có đức chính là họa, đây chính là “thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý rằng trời không thiên vị, thường giúp người lành.

Làm việc thiện tức là gieo cái nhân “thiện”, tất sẽ ra quả “phúc”. Khi nhắc đến làm từ thiện nhiều người nghĩ ngay rằng đó là việc những người nhiều tiền. Phải có tiền mới làm được từ thiện. Kỳ thực, quan niệm trên hoàn toàn sai lầm vì phạm vi làm từ thiện tương đối rộng. Có người bỏ tiền xây bệnh viện, trường học, cầu cống, viện dưỡng lão, trẻ mồ côi…

Những người không có tiền thì có thể bỏ sức: hiến máu, giúp người khác giải oan ức, hóa giải thù hận, tranh chấp, tha thứ lỗi lầm của người khác, tiện tay nhặt những viên đá cản trở trên đường đi, những túi rác gây mất mỹ quan, nhường ghế cho phụ nữ có thai và người già, tôn kính người lớn tuổi, yêu thương trẻ nhỏ, làm việc tình nguyện ở bệnh viện, nhà dưỡng lão, cứu người… Trên đây đều là những cách làm việc thiện mà không cần dùng đến tiền.

Muốn làm việc thiện phải có thiện tâm

Làm việc thiện để tích phước đức là điều ai cũng biết, nhưng nếu làm việc thiện mà tâm bất thiện thì kết quả lại trái ngược hoàn toàn.

Có câu chuyện kể rằng: Một ngày, các nho sinh đến gặp vị thiền sư và thỉnh ngài giảng về thiện và ác, thiền sư bèn yêu cầu mỗi người hãy đưa ra ví dụ về những việc thiện ác mà họ biết. Một người trong đó nói, mắng chửi đánh đập người là ác, tôn kính lễ phép với người là thiện. Thiền sư nói rằng, không nhất định là như vậy. Một người khác cho là tham lam lấy tài vật của người là ác, gìn giữ sự thanh bạch liêm khiết là thiện. Thiền sư cũng nói rằng, không nhất định là như vậy. 

Mọi người đều lần lượt đưa ra các ví dụ khác nhau về thiện và ác, nhưng vị thiền sư đều lắc đầu rằng, không nhất định là như vậy. Thấy khó hiểu, các nho sinh bèn thỉnh thiền sư hãy giảng giải cho mình. Lúc này vị thiền sư mới từ tốn nói: “Giúp ích cho người gọi là thiện, chỉ vì ích kỷ lợi thân gọi là ác”. Vì giúp ích người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì ích lợi cho bản thân nên dù có kính trọng người cũng gọi là ác.

Lại nữa, làm việc thiện mà xuất phát từ tấm lòng thành là “chân thiện”, còn hời hợt chiếu lệ mà làm là “giả thiện”. Ví như, nếu tâm không thiện thì dù có vung tiền của cứu giúp hàng ngàn người cũng không có nghĩa lý gì; ngược lại, tâm chân thiện, thì dù không có một đồng làm từ thiện, nhưng một nụ cười hay một cái nắm tay chân thành cũng đủ để tích phúc đức rồi.

Nếu biết hành thiện tích đức, có thể phúc chưa kịp đến nhưng chắc chắn họa đã lùi xa
Nếu biết hành thiện tích đức, có thể phúc chưa kịp đến nhưng chắc chắn họa đã lùi xa  

Cũng nói, làm việc thiện rồi cầu được báo đáp thì là vị tư bất thiện. Chỉ có làm việc thiện một cách lặng lẽ âm thầm, không phô trương, không cầu báo đáp, mới thật sự tích được âm đức. Âm tức là tiềm ẩn, là lòng tốt âm thầm. Chúng ta đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức thì không cầu người khác biết, cũng không mong được người tán thán hay cầu sự trả ơn.

Âm đức dù không được ai biết đến, không được ai biểu dương, nhưng phúc báo lớn, tích được lâu dài. Đừng sợ làm việc tốt thì sẽ phải chịu thiệt. Hành thiện sẽ tích đức, đức ấy vĩnh viễn là của bạn, người khác không thể trộm được, không thể cướp được. Tự mình tu đức thì tự mình được phúc báo, vì đức là một loại năng lượng. Tuy đức nhìn không thấy, sờ không được, nhưng không lúc nào và không nơi nào là không tồn tại.

Phúc Âm Matthew 6 viết: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.

Đọc thêm