Huyền bí xá lợi Phật của các bậc chân tu nước Việt - Kỳ 8: Xá lợi toàn thân của Thiền sư Viên Chiếu

(PLVN) - Phật giáo xứ Trầm Hương (tỉnh Khánh Hòa) không chỉ là nơi phát tích của Bồ tát Thích Quảng Đức (1897-1963) với huyền thoại xá lợi trái tim bất tử, mà nơi đây hiện còn lưu dấu hai pho tượng nhục thân Xá lợi của Tổ Pháp Thân - Đạo Minh (1684-1803) ở linh địa Núi Đất (xã Ninh Hà, huyện Ninh Hòa) và nhục thân Xá lợi của Thiền sư Viên Chiếu - Như Cự (1892-1943) trên núi thiêng Hòn Lớn (xã Ninh Hưng, huyện Ninh Hòa). 
Bảo tháp đơn sơ tôn trí nhục thân Thiền sư Viên Chiếu trên núi thiêng Hòn Lớn (xã Ninh Hưng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa)
Bảo tháp đơn sơ tôn trí nhục thân Thiền sư Viên Chiếu trên núi thiêng Hòn Lớn (xã Ninh Hưng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa)

Bài viết này xin giới thiệu về xá lợi nhục thân của Thiền sư Viên Chiếu - một trong những bậc cao tăng tài giỏi, đắc đạo trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. 

Xuất gia học đạo

Theo sách Nơi Bồ tát ẩn tu (Thích Như Hoằng, Nxb.Tôn Giáo, 2006), Thiền sư Viên Chiếu, thế danh là Lê Văn Cự, người huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lúc chưa xuất gia, ngài cùng với gia đình sống trong hoàng cung triều Nguyễn với phận sự may thêu truyền thống phục vụ cung đình. 

Năm 1935, sau khi mẹ mất, Ngài quyết định lánh đời phàm tục, sắp xếp chuyện gia đình rồi quyết chí xuất gia học đạo.

 

Từ kinh thành Huế, ngài băng rừng lội suối vào đến tận Sài Gòn. Đầu trần chân trụi, Ngài vượt qua muôn dặm đường dài, vừa đi vừa khất thực đồng thời cũng vừa mong tìm được minh sư. Đến Sài Gòn, ngài lại tiếp tục du hành sang Campuchia và đến tận Thái Lan để tầm sư học đạo. 

Đến năm 1937, ngài quay về Sài Gòn, nuôi ý định sang Tây Tạng cầu pháp. Duyên may cùng thời gian ấy, Hòa thượng Lạt ma Chơn Phổ - Nhẫn Tế du học Tây Tạng vừa trở về Bình Dương. Ngài Như Cự cùng với hai huynh đệ Như Thượng, Như Trạm (cùng quê Thừa Thiên - Huế) đến đảnh lễ Hòa thượng Chơn Phổ - Nhẫn Tế cầu pháp. 

Sau gần bốn năm tu học với Thubten Osall Lama (pháp danh Hòa thượng Nhẫn Tế được Lạt ma quốc vương Tây Tạng ban vào năm 1936) tại chùa Thiên Chơn (chùa Tây Tạng hiện nay), ngài và các huynh đệ đã đắc pháp và được ban hiệu Như Cự (Viên Chiếu), Như Thượng (Thường Chiếu), Như Trạm (Tịch Chiếu) vào năm 1941.

Núi thiêng Hòn Lớn (xã Ninh Hưng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) - nơi lưu giữ xá lợi nhục thân Thiền sư Viên Chiếu
Núi thiêng Hòn Lớn (xã Ninh Hưng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) - nơi lưu giữ xá lợi nhục thân Thiền sư Viên Chiếu 

Cuối năm 1941, Thiền sư Viên Chiếu xin phép rời Bình Dương trở lại Khánh Hòa gặp Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Tổ đình Linh Sơn (huyện Vạn Ninh). Sau khi hội kiến với Hòa thượng Thích Quảng Đức, hai vị đến chùa Hội Phước, chuẩn bị hành trang lên núi thiêng Hòn Lớn, khu vực Suối Cát để chuyên tu thiền định. Hòa thượng Thích Quảng Đức và Thiền sư Viên Chiếu đã cùng tu tập và trợ duyên với nhau một thời gian. 

Sau đó Hòa thượng Quảng Đức xuống núi hành đạo cứu đời, còn Thiền sư Viên Chiếu ẩn tu thiền định trên núi Hòn Lớn cho đến ngày viên tịch.

Kỳ diệu nhục thân bất hoại

Những ngày tháng ẩn tu thiền định trên núi Hòn Lớn, người dân thỉnh thoảng thấy có một đôi lần Thiền sư Viên Chiếu xuống núi khất thực. 

Những người dân địa phương (chủ yếu là người đi tìm trầm) đôi lần được Thiền sư cho thuốc chữa bệnh. cũng đôi lần thăm viếng và cung cấp ít thực phẩm khô cho ngài. Còn lại, Thiền sư sống khổ hạnh với rau rừng, quả núi và chuyên tâm thiền định. 

Cho đến một ngày gần cuối năm 1943, tình cờ có người lên núi phát hiện ra Thiền sư Viên Chiếu đã viên tịch tự lúc nào. Thiền sư ngồi dưới vách đá thâu thần thị tịch trong tư thế kiết già tọa thiền rất vững chãi. Dân làng vô cùng kính phục đức hạnh cao cả của ngài, phải là bậc cao tăng tu hành đắc đạo hiếm có thì sau khi viên tịch Ngài mới hóa xá lợi toàn thân như vậy. Sau khi lễ bái, người dân đã gom đá núi xếp chồng lên quanh nhục thân làm thành bảo tháp.

Thời gian tiếp theo, đất nước rơi vào chiến tranh, gần mấy chục năm trời người dân không ai được phép lên núi. Sau năm 1975, người dân lên núi chặt cây, đào củ kiếm sống nhưng vật đổi sao dời không ai còn nhớ rõ hang Tổ ở chốn nào.

Thời gian sau, chư tăng và Phật tử Ninh Hòa đã phát động một cuộc tìm kiếm quy mô trên Hòn Lớn và tìm được nhục thân của Thiền sư Viên Chiếu. Điều kỳ diệu là xương cốt Ngài vẫn còn nguyên vẹn trong tư thế ngồi kiết già như mấy chục năm về trước. Sau đó các chư tăng, Phật tử phát tâm xây bảo tháp tôn trí nhục thân ngài như hiện nay.

Xin được cúi đầu chiêm bái trước anh linh Thiền sư Viên Chiếu - một trong những vị cao tăng tài giỏi, đắc đạo hiếm hoi trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Đọc thêm