Huyền thoại Trà Mã cổ đạo - (Kỳ 8): Núi thiêng Mai Lý và con đường của những tu viện

(PLVN) - Ngày nay, đứng trên những vết tích còn lại của con đường này, bạn vẫn có thể nhìn rõ những vết hằn sâu 70cm trên những phiến đá do vó ngựa liên tục nện xuống qua nhiều thế kỷ mà hình thành.Dọc bên đường là những bàn thờ cổ được khắc đủ loại kinh sách và phương châm tôn giáo.
Vùng núi tuyết linh thiêng Mai Lý.
Vùng núi tuyết linh thiêng Mai Lý.

Núi tuyết linh thiêng

Nhiều năm trở lại đây, con đường huyền thoại có hàng nghìn năm tuổi Trà mã cổ đạo đã trở thành nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan. Đến với tuyến đường này ngày nay, du khách có thể hành hương đến ngọn núi tuyết linh thiêng Mai Lý của người Tây Tạng. 

Ngọn núi với hơn 20 đỉnh núi với tuyết bao phủ quanh năm, trong đó có 6 đỉnh cao trên 6.000m. Kawagebo là điểm cao nhất với độ cao 6.700m, là ngọn núi cao nhất tại tỉnh Vân Nam. Đây cũng là một trong những đỉnh núi thiêng nhất trong thế giới Tây Tạng và thường được gọi là Nyainqenkawagarbo để thể hiện sự linh thiêng và tránh sự mơ hồ với những ngọn núi khác cùng tên. 

Trà Mã cổ đạo (茶馬古道) là một con đường mòn huyền thoại nằm sâu trong những dãy núi ở Tứ Xuyên vốn dùng để vận chuyển trà và ngựa liên thông Trung Quốc với Tây Tạng. Đây là con đường thông thương buôn bán cổ nhất nhì châu Á, ẩn chứa những giá trị văn hóa, lịch sử chờ được khám phá. 

Ngọn núi này được cho là ngôi nhà tâm linh của một vị thần cùng tên. Mỗi năm có tới hơn 20.000 người từ khắp thế giới Tây Tạng hành hương đến Kawagebo. Nhiều người hành hương suốt một chặng đường dài 240 km vòng quanh đỉnh núi.

Người Tây Tạng tin rằng vị thần bảo vệ họ sẽ rời bỏ họ nếu con người đặt chân lên đỉnh Kawakarpo, khiến mặt đất trở thành nơi xấu xa. Thảm họa sẽ ập đến khi họ mất đi sự bảo vệ của thần. Người Tây Tạng cũng đã thiết lập một vùng địa lý linh thiêng hàng thế kỷ xung quanh đỉnh núi, được những người đứng đầu các tu viện địa phương duy trì trong nhiều năm. 

Núi tuyết Mai Lý là ước mơ của các nhà leo núi mạo hiểm vì với họ, đây là nơi chưa ai chinh phục được. Các cuộc thám hiểm đầu tiên diễn ra vào năm 1987, 1990, 1991, 1996 nhưng không thành công. Năm 1991, thảm họa tuyết lở đã vùi lấp 17 thành viên của đoàn thám hiểm đại học Kyoto Nhật Bản và là tai nạn leo núi có số người tử nạn cao nhất.

Con đường của những tu viện.
Con đường của những tu viện.  

Các cuộc thám hiểm của người Mỹ diễn ra vào các năm 1988, 1989, 1992 và 1993 cũng không thành công. Hiện nay, chính quyền địa phương đã thi hành việc cấm leo núi tuyết Mai Lý vì tôn giáo và tín ngưỡng của người Tây Tạng không cho phép mạo phạm thần thánh của họ đồng thời việc lên núi cũng quá nguy hiểm cho người leo núi. 

Ngoài đỉnh núi trên, hồ Ranwu (hay còn gọi là Rawok) cũng là một chốn dừng chân lý tưởng khi đến với Trà mã cổ đạo. Được lấy theo tên của một thị trấn nhỏ ở tỉnh Nyingchi, hồ Ranwu có diện tích 22 km2, cao 3.850m. Điểm đáng chú ý của hồ nước ngọt này là mặt hồ bị đóng băng vào mùa đông và có màu xanh tuyệt đẹp vào những tháng mùa hè. 

Một số ngôi làng xinh đẹp gắn với lịch sử của con đường cũng vẫn còn đó, điển hình là Lushi. Đây là một ngôi làng đẹp và được bảo tồn tốt dọc theo Trà mã cổ đạo. Xưa kia, các đoàn xe ngựa thường chở lá trà được sản xuất tại nơi này đến những nơi khác trên tuyến đường để trao đổi. 

Trong khi đó, thị trấn Lệ Giang cổ kính được liệt kê trong danh sách các di sản UNESCO và là một địa điểm du lịch rất nổi tiếng. Tuy nhiên, sự phát triển của các hoạt động du lịch quy mô lớn được coi là một yếu tố làm hỏng bầu không khí yên bình cổ kính của nơi này.

Nói đến dấu tích Trà mã cổ đạo ngày nay, ngoài những khúc cua hiểm trở, những cảnh đẹp có thể nhìn thấy trên cung đường, nhiều người còn thích thú với các lễ hội được duy trì, trong đó có lễ hội Nagqu do người Tây Tạng tổ chức nhằm thể hiện sự tự hào của mình về con đường cổ về trà và ngựa chiến quê hương. Qua hàng ngàn năm, những con ngựa tốt nhất được gọi là các Nangchen. Chúng là giống nhỏ người nhưng cứng cáp, thiện chiến, thích nghi tốt với tình trạng thiếu oxy trên cao và là dòng ngựa mơ ước thời xưa khi đổi trà của người Trung Quốc.

Lễ hội ngựa Nagqu là một trong số ít sự kiện còn sót lại gắn liền với di sản cưỡi ngựa của Tây Tạng. Trước kia, sự kiện kéo dài một tuần này được tổ chức trên vùng đồng bằng trống trải. Song, cách đây 10 năm, một sân vận động đã được xây dựng. Vào dịp lễ hội, người Tây Tạng xếp hàng trên khán đài, bao gồm từ đàn ông tới phụ nữ và trẻ em.

Trên sân, những chú ngựa được huấn luyện thành thục dưới sự điều khiển của những tay đua phi nước đại lao về đích. Không khí ganh đua vô cùng lôi cuốn. Ngày nay, Nagqu nằm trên Quốc lộ 317 hiện đại, xưa kia là nhánh phía bắc của Trà mã cổ đạo. Ở nơi này hiện nay, các dấu hiệu của con đường ngày trước gần như không còn nhiều.

Con đường của những tu viện

Cách Nagqu chỉ một ngày lái xe về phía Đông Nam là dãy núi Nyainqentanglha - nơi con đường Trà mã cổ đạo ban đầu từng đi qua. Đoạn đường này rất hẻo lánh, hiểm trở, khắc nghiệt và đã bị bỏ hoang cách đây nhiều thập kỷ. Toàn bộ khu vực hiện đã đóng cửa cho khách du lịch. Thế nhưng, ở đây vẫn còn dấu vết của con đường mòn. Tại nơi này, trong những thung lũng sâu, người Tây Tạng vẫn cưỡi những con ngựa không biết mệt mỏi của họ dọc theo con đường ban đầu. Thậm chí, họ vẫn còn buôn bán dọc con đường.

Tu viện Drepung nằm ở cuối phía tây của tuyến đường này, cách Lhasa chưa đầy một ngày đi ngựa. Được xây dựng vào năm 1416, tu viện này có một nhà bếp trà hình một cái hang. Bảy chiếc vạc sắt lớn được đặt trước một lò sưởi khổng lồ bằng đá. Đứng trên một cái vạc, ông Phuntsok Drakpa vừa cắt những miếng bơ yak cho vào trà đang bốc khói vừa kể: “Đã từng có 7.700 nhà sư ở đây uống trà hai lần một ngày. Hơn một trăm nhà sư đã làm việc trong bếp trà này”. 

Khoác lên mình chiếc áo choàng màu hạt dẻ, Drakpa đã là bậc thầy về pha trà trong tu viện được 14 năm. “Đối với các nhà sư Tây Tạng, trà là cuộc sống”, ông nói. Ngày nay chỉ có 400 tu sĩ cư trú trong tu viện và chỉ có hai chiếc vạc nhỏ đang được sử dụng. “Trong một cái vạc nhỏ sẽ cho 25 bánh trà, 70 kg bơ yak, 3 kg muối. Với cái vạc lớn nhất, chúng tôi sử dụng gấp bảy lần số nguyên liệu đó”, ông hào hứng cho biết thêm.

Ngoài ra, trên con đường này, hiện nay, du khách vẫn thường ghé tu viện Tagong nằm ở thị trấn nhỏ xinh đẹp Tagong phía bắc của đường cao tốc Tứ Xuyên. Tu viện Tagong rất được tôn kính đối với người Tây Tạng. Tại đây, du khách vẫn có thể thưởng thức loại trà đặc biệt được làm từ bơ yak. 

Theo thời gian, giờ đây Trà Mã cổ đạo không còn vị thế độc tôn của mình nữa. Con đường cổ thật sự giờ chỉ còn là dấu tích nhưng nó vẫn là một minh chứng lịch sử quan trọng, một địa điểm du lịch thú vị cho những ai đam mê khám phá. Và nơi đây vẫn mãi là điều hấp dẫn chờ bất kỳ ai đến thưởng lãm, du ngoạn.

Đọc thêm