Huyền thoại trăm tuổi mang tên Cô Ba "ở ẩn" nơi nào?

(PLVN) - Theo thời gian, xà bông Cô Ba - thương hiệu vang bóng một thời của doanh nhân Trương Văn Bền và các con gần như bị lãng quên. Tuy không bị “khai tử” nhưng xà bông Cô Ba sống lay lắt và chỉ xuất hiện khiêm tốn trong một vài siêu thị.
Huyền thoại trăm tuổi mang tên Cô Ba "ở ẩn" nơi nào?

Từng cạnh tranh với thương hiệu xà bông nổi tiếng của Pháp

Năm 1930, sau khi lăn lộn trong các hoạt động kinh doanh lúc bấy giờ, doanh nhân Trương Văn Bền (18831956) muốn hoạt động trong một ngành có tính phục vụ đại chúng và ông chọn xà bông. Vì vậy, Công ty Trương Văn Bền và các con - Dầu và Xà bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils - Huilerie et Savonnerie Vietnam) (tiền thân của Công ty CP Sản xuất thương mại Phương Đông ngày nay) ra đời năm 1932, tọa lạc ngay tại đường Kim Biên, Chợ Lớn (quận 5, TP HCM).

Trước khi thành lập Công ty Trương Văn Bền và các con (gọi tắt là Công ty), ông Bền mở nhà máy ép dầu với máy ép dầu được mua từ Mỹ, sản xuất các loại dầu dừa và dầu ăn. Ông còn lập nhà máy xay lúa, cộng tác với Viện Nghiên cứu nông nghiệp Đông Dương khai thác và tái tạo rừng thông ở Đồng Nai Thượng; lập một đồn điền cao su nhỏ ở Thủ Đức...

Riêng với sản phẩm xà bông Cô Ba (xà phòng thơm đầu tiên của Việt Nam), Công ty đã trở thành doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn nhất khu Chợ Lớn thời bấy giờ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công, ông Bền đã nấu xà bông trong một căn phố nhỏ theo lối tiểu công nghệ. Để có đủ nguyên liệu sản xuất, ông đã xây dựng hợp tác xã có xã viên là những chủ vườn dừa ở Bến Tre và Mỹ Tho.

Thời đó, mỗi cục xà bông nhãn hiệu Xà bông Việt Nam (có hình biểu tượng là Cô Ba nên sau này người tiêu dùng quen gọi là xà bông Cô Ba) đều có in nổi hình đầu người phụ nữ. Xà bông Cô Ba được bán khắp ba nước Đông Dương, đủ sức cạnh tranh với xà bông Merseille của Pháp đang thống lĩnh thị trường khi ấy. Trong thập niên 1930, xà bông Cô Ba chỉ mới phân phối ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa.

Hiện tại nhãn hàng Xà bông Cô Ba chỉ khiêm tốn có mặt ở một vài siêu thị
Hiện tại nhãn hàng Xà bông Cô Ba chỉ khiêm tốn có mặt ở một vài siêu thị  

Đến năm 1959, Công ty thuê một đoàn võ thuật đi cổ động cho xà bông Cô Ba từ Sài Gòn ra đến tận Quảng Trị với ước muốn phân phối hàng chính hãng đến tận tay người tiêu dùng (không thông qua các đại lý). Không chỉ quảng cáo xà bông Cô Ba tại chợ, đoàn còn đi vào tận các làng xã xa xôi để biểu diễn võ thuật và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Nhờ vậy, tiếng tăm xà bông Cô Ba ngày càng lan xa.

Ăn nên làm ra, xưởng dầu của Công ty ở Chợ Lớn mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa, 600 tấn xà bông và 10 tấn glycerine trong các năm thuộc thập niên 1940-1950. Vào thời kỳ khó khăn do chiến tranh, Công ty Trương Văn Bền và các con là công ty hàng đầu sản xuất dầu và xà bông trên toàn cõi Đông Dương.

Ông Trương Văn Bền còn là một trong những doanh nhân Việt Nam đầu tiên kêu gọi người Việt Nam sử dụng hàng nội. Trên báo chí Việt Nam, từ khi xà bông nội địa của Công ty sản xuất vào năm 1932, mục quảng cáo xà bông Cô Ba thường chạy tít: “Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam”.

Doanh nhân Trương Văn Bền từng kể về “chiến lược PR” sản phẩm xà bông Cô Ba như sau: “Tôi phải làm quảng cáo dữ lắm cho thương hiệu xà bông Cô Ba. Một mặt phải kiếm thế ép mấy hàng tạp hóa mua xà bông Cô Ba về bán, vì tiệm tạp hóa hầu hết của khách trú, chúng xấu bụng không mấy khi chịu mua đồ của người Việt Nam chế tạo về bán.

Tôi bèn huy động một tốp người cứ lần lượt đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà bông Cô Ba bán không. Hễ có thì mua một hai xu, bằng không thì đi chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu: “Sao không mua xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà bông khác nhiều”. Làm riết rồi chủ tiệm cũng phải để ý, phải hỏi xà bông Cô Ba bán ở chỗ nào, thế là mua thử về bán.

Tôi còn tổ chức những tốp quảng bá thương hiệu. Tốp thì ôm đờn ca vọng cổ tán dương tính chất xà bông Cô Ba, tốp thì đi đánh võ rao hàng, rồi đá banh tôi cũng cho mặc áo thêu thương hiệu xà bông Cô Ba”.

Huyền thoại đang bị lãng quên

 Xà bông Cô Ba dù có thâm niên hàng đầu cũng trải qua những thăng trầm theo thời cuộc như nhiều thương hiệu Việt đình đám khác. Sau ngày thống nhất đất nước, Công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước với tên gọi Nhà máy Công tư hợp doanh xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Sau đó, Nhà máy đổi tên thành Công ty CP Sản xuất thương mại Phương Đông. Đây là kết quả của sự hợp tác, liên doanh giữa Bộ Công nghiệp nhẹ với Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với Unilever.

Công ty vẫn duy trì ngành sản xuất và thương mại với các loại hóa chất như mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, chế phẩm vệ sinh… Hiện nay xà bông Cô Ba dù không bị “khai tử” nhưng sống lay lắt và xuất hiện khiêm tốn trong một vài siêu thị.

Năm 2014, khi cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thoái hơn 50% vốn, Công ty CP Sản xuất thương mại Phương Đông (đơn vị sở hữu thương hiệu xà bông Cô Ba) bắt đầu tăng vốn liên tục từ 20 tỷ đồng lên gần 152 tỷ đồng với mong muốn hồi sinh xà bông Cô Ba. Song, thương hiệu này vẫn vô cùng mờ nhạt giữa thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Phương Đông tồn tại chủ yếu nhờ gia công cho đối thủ và cho thuê đất. Đến năm 2017, hy vọng hồi sinh xà bông Cô Ba lại được nhen nhóm khi có đại gia bất động sản tỏ ý muốn đầu tư vào sản phẩm huyền thoại này. Đó là Công ty CP Đầu tư thương mại - bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR). Một báo cáo kết quả kinh doanh cho biết An Dương Thảo Điền chi gần 214 tỷ đồng để sở hữu 30,88% vốn cổ phần và quyền biểu quyết tại xà bông Cô Ba. Khoản đầu tư này phát sinh từ cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng 16% trong cơ cấu tài sản của HAR.

Với giá trị của thương vụ, có thể nhận thấy doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng một thời được định giá khoảng gần 700 tỷ đồng. Cơ sở để doanh nghiệp sở hữu thương hiệu xà bông Cô Ba được định giá như trên là thông qua quỹ đất mà họ sở hữu. Cụ thể, trong quỹ đất của mình, Công ty Phương Đông đang sở hữu mảnh đất 2 mặt tiền Kim Biên - Gò Công tại trung tâm khu chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM), với diện tích gần 10.000 m2. Mảnh đất có vị trí rất đẹp đã được UBND quận 5 cấp phép xây dựng trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, lãnh đạo HAR chia sẻ, HAR vẫn chưa dám rót nhiều vốn cho xà bông Cô Ba vì không có nhiều vốn cho thị trường tiêu dùng nhanh. Bản thân HAR vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Kết quả kinh doanh èo uột nên HAR bị nhà đầu tư quay lưng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HAR giao dịch dưới mệnh giá từ rất lâu.

Khi “ông chủ mới” còn đang sống dở chết dở với nhiều dự án thì rất khó để hồi sinh xà bông Cô Ba. Như vậy là theo thời gian, xà bông Cô Ba - thương hiệu vang bóng một thời của ông Trương Văn Bền và các con gần như bị lãng quên. Thực ra, thương hiệu nào, dù huyền thoại đến mấy cũng chỉ có thể gắn với một giai đoạn lịch sử, xã hội nhất định.

Giới quan sát cũng cho rằng, vào những năm đầu thế kỷ XX, khi ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm thế giới chưa phát triển, các hóa phẩm và xà bông chưa “muôn hình vạn trạng” như hiện nay, thì “hương đồng cỏ nội” xà bông Cô Ba giữ “ngôi hậu” là điều hợp lý!

Đọc thêm