Khoái Nhĩ La Hán - Vị La Hán duy nhất có kinh sách lưu truyền

(PLVN) - Na Già Tê Na Tôn Giả, hay Khoái Nhĩ La Hán, ở sườn núi non rộng rãi, tai lớn để nghe mọi chuyện, giữ lòng thanh tịnh. Tranh tượng của Ngài mô tả vị La Hán đang ngoáy tay một cách thú vị. Mọi âm thanh vào tai đều giúp cho tánh nghe hiển lộ, rất thường trụ và rất lợi ích. Từ nhĩ căn viên thông phát triển thiệt căn viên thông, trở lại dùng âm thanh thuyết pháp đưa người vào đạo, đó là ý nghĩa hình tượng của tôn giả Na Tiên.
Tượng La Hán Khoái Nhĩ.
Tượng La Hán Khoái Nhĩ.

Giúp vua trở thành vị quốc vương anh minh

Tôn giả Na Già Tê Na là vị La Hán thứ mười hai trong mười tám vị La Hán. Hiện tại, ngài đang cùng một ngàn hai trăm vị đệ tử trú tại núi Bán Độ Ba. Trong kinh, tên ngài được gọi tắt là Na Tiên. Thật ra hai tên này chỉ là một nhưng do phiên âm khác nhau. Tôn giả sinh ra và lớn lên ở phía bắc Ấn Ðộ, nhằm thời vua Di Lan cai trị.

Vua Di Lan là người Hy Lạp thâm tín Phật pháp. Do đó, vua thường lui tới Na Tiên thỉnh vấn Phật pháp. Là một người bác học đa văn, bản thân lại khắc khổ tu tập nên Tôn giả chứng quả A La Hán rất sớm.

Có lần, vua Di Lan hỏi: Thưa tôn giả! Ngài là bậc thánh xuất gia chứng quả, vậy còn hàng Phật tử chúng tôi không xuất gia rốt cuộc có thể đắc quả A la Hán không? Na Tiên không do dự đáp, đương nhiên là có thể. Bất kỳ người nào chỉ cần chịu nghiên cứu nghĩa lý Phật pháp, tinh tấn tu hành trang nghiêm, lâu ngày đạo hạnh ắt tự cao thâm, lúc đó lo gì mà không chứng quả! Vua bán tín bán nghi hỏi lại xem có thật vậy hay không bởi vua thấy các bậc A La Hán hầu như toàn bộ đều là người xuất gia.

Na Tiên đáp, vì người xuất gia tu hành ít bị các tạp niệm thế gian chi phối nên dễ thành tựu hơn. Vua Di Lan nghe nói, đối với người lúc sắp lâm chung chỉ cần chí thành niệm Phật sẽ được vãng sanh cực lạc, không bị đọa địa ngục thì cảm thấy nghi ngờ nên không tin pháp môn niệm Phật.

 

Na Tiên liền giảng giải, giả sử có người lấy một viên đá ném xuống nước, viên đá đương nhiên sẽ chìm! Còn nếu đem viên đá thả trong thuyền thì đá sẽ không chìm. Đóa là vì đã có thuyền chở! Đức Phật A Di Ðà từng phát đại nguyện làm thuyền từ cứu độ chúng sanh. Do đó, nếu chúng ta nhất tâm niệm danh hiệu Ngài thì Ngài sẽ phóng quang tiếp dẫn về thế giới Tây phương cực lạc không còn bị trầm luân trong biển khổ.

Vua Di Lan ngộ ra ý nghĩa, cảm phục ví dụ của ngài, nó đã giúp vua hiểu được pháp môn niệm Phật thật thù thắng vi diệu, là chỗ dựa vững chắc không chút hư dối. Cách mấy ngày sau, vua lại đến thăm và hỏi một vấn đề khác: Thưa tôn giả! Ngài chưa chứng Niết Bàn sao biết Niết Bàn là cảnh giới an lạc giải thoát. Tôn giả thưa rằng, tuy tôi chưa chứng Niết Bàn nhưng chư Phật quá khứ đều nói Niết Bàn là cảnh giới an lạc giải thoát nên tôi biết.

Ðiều đó liệu có đáng tin không? Ðáng lắm chứ đại vương! Tôi xin hỏi đại vương, chặt tay chân có đau không? Vua đáp, đương nhiên sẽ đau. Từ trước tới giờ ngài chưa bị chặt tay chân sao biết chặt tay chân là đau? Vì trẫm thấy người bị chặt tay, chặt chân họ ngã nhào xuống đất kêu la rên xiết thống thiết nên trẫm biết. Cũng vậy đó, đại vương! Ðức Phật là bậc đã thành Phật. Ngài nói Niết Bàn rất an lạc, tất nhiên là đáng tin lắm chứ.

Vua Di Lan cười liễu ngộ và càng cảm phục sự đa tài bác học của Na Tiên. Vì thế, họ trở thành đôi bạn chí thân. Cuối cùng vua xin qui y làm đệ tử Na Tiên. Vào một buổi chiều xuân ấm áp, hoa nở ngát hương, vua lại đến thỉnh giáo Na Tiên. Họ ngồi dưới gốc tùng đàm đạo với nhau rất vui vẻ tâm đầu ý hợp.

Bộ tượng 18 vị La Hán.
Bộ tượng 18 vị La Hán.  

Vua nói mình luôn thắc mắc không hiểu vì sao cũng là người mà có kẻ sống lâu, người chết yểu, kẻ đẹp, người xấu, kẻ giàu, người nghèo, kẻ thông minh, người ngu dốt? Tôn giả đáp, ngài xem cũng là nho nhưng lại có trái ngọt, trái chua, trái to, trái nhỏ, trái tròn, trái méo, trái đen, trái hồng, nguyên nhân là do hạt giống khác nhau.

Cũng vậy, con người vì chỗ tạo nghiệp lành dữ sai khác nên quả báo chiêu cảm không giống nhau. Vua Di Lan nghe xong vội sụp lạy để tỏ niềm tôn kính. Nội dung đàm luận Phật pháp giữa Na Tiên và vua Di Lan được người đời sau kết tập, viết thành quyển kinh gọi là “Kinh Na Tiên tỳ kheo”.

Ðây là vị La Hán duy nhất trong mười tám vị La Hán có kinh sách lưu truyền đến đời sau. Nhờ sự chỉ dạy của Na Tiên mà cuối cùng vua Di Lan trở thành một quân vương anh minh, dốc lòng ủng hộ Phật pháp, khiến Phật giáo ngày càng huy hoàng rực rỡ.

 Bố Đại La Hán 

Yết Đà Tôn Giả, hay Bố Đại La Hán, ngụ ở hang núi rộng rãi, trên vai thường cõng một chiếc túi vải, thường mở miệng cười lớn. Ngài là vị La Hán thứ mười ba. Hiện tại, ngài cùng một ngàn ba trăm vị đệ tử trú trong núi Quảng Hiếp. Tiền kiếp ngài là một con dơi sống trong hang núi.

Một hôm, có đoàn lái buôn đi ngang qua núi, vì bên ngoài gió rét gào thét, tuyết bay đầy trời nên họ vào hang nhen lửa sưởi ấm. Trong đoàn buôn này có một người thâm tín Phật pháp, dù ở trong hang núi nhưng vẫn gõ mõ tụng kinh, niệm Phật, âm thanh du dương trang nghiêm khiến dơi vô cùng thích thú. Ðêm càng khuya, khí trời càng lạnh, người lái buôn bỏ thêm nhiều củi vào để đủ ấm.

Do đó, thoáng chốc củi khô hết sạch, ông ta đành ra ngoài chặt ít củi tươi mang vào để châm thêm lửa. Vì củi tươi khó cháy nên kết quả bốc lên một đám khói đen nghịt. Dơi trong hang bị khói xông lên hít thở khó khăn, nhưng vì thích nghe tiếng tụng kinh nên không muốn bay đi. Cuối cùng, do hít quá nhiều khói nên dơi trúng độc chết ngay trong hang. Sau khi chết, Yết Đà chuyển kiếp đầu thai làm người, được xuất gia tu hành theo Phật và chứng quả A La Hán.

Có lần, có một người ở nước Ô Trượng Na muốn tạc tượng Bồ tát Di Lặc, nhưng vì chưa từng thấy diện mạo của Bồ tát nên chần chừ không dám làm. Một hôm, ông ta lập một hương án trong vườn hoa chí thành cầu nguyện: Kính bạch chư hiền thánh! Con nghe nói khi đức Thế Tôn sắp niết bàn, ngài đã phó chúc cho các vị La Hán vĩnh viễn lưu lại thế gian hoằng dương Phật pháp, sao giờ đây con muốn tạc tượng Bồ tát Di Lặc mà không có vị nào đến giúp con?

Ông ta vừa nói xong, thì có một vị La Hán xuất hiện nói: Ta đến giúp ông đây! Thưa, ngài là ai? Ta là Yết Đà có ý đến đưa ông lên cõi trời Ðâu suất để gặp Bồ tát Di Lặc, để ông chiêm ngưỡng pháp tướng trang nghiêm của Bồ tát, trước sau cả thảy ba lần rồi biến mất. Tượng Bồ tát Di Lặc này được bảo tồn tại Ðạt Lệ La môn nước Ô Trượng Na.

Nơi đây, trước kia là thủ đô của cả nước. Sức ăn của Yết Đà tôn giả rất mạnh. Nghe nói mỗi bữa, ngài ăn gấp ba lần voi mà vẫn không no. Khi ngài du hóa đến nước Thấp Di La, vì không biết ngài là La Hán nên mọi người chế giễu: Mỗi ngày chỉ biết ăn, sống vậy có ích gì chứ?

Nghe vậy, ngài nói: Này các vị, bởi kiếp trước tôi là một con dơi, kiếp trước nữa là một con voi, ưa ăn, biếng làm, do đó đời này ăn rất nhiều mà cũng không thấy no. Mọi người cho rằng ngài nói khoác lác nên cười ồ lên: Ha ha, chúng tôi không nghe ông bào chữa bậy đâu. Nếu các vị không tin thì cứ tự nghiệm đi, Phật pháp không bao giờ dối gạt ai cả.

Hy vọng các vị luôn luôn làm một Phật tử chân chính. Nói xong, ngài bay lên không trung dùng chân hỏa tam muội thiêu thân. Xá Lợi ngũ sắc rơi xuống dồn dập. Lúc này, mọi người mới tin ngài là một vị đại A La Hán. A La Hán là bậc bất sinh bất diệt, đến đi tự tại. Vì vậy, sau đó không lâu mọi người lại thấy ngài ở nước Kiếp Tỷ Tha theo đức Phật lên cung trời Ðao Lợi thuyết pháp cho hoàng hậu Ma Đa, ba tháng sau mới trở về.

Đọc thêm