La hán Hàng Long- Biểu tượng của sự dũng mãnh

(PLVN) - Ngài tên là Nan Đề Mật Đa La, Trung Hoa dịch Khánh Hữu, ra đời sau Phật diệt độ 800 năm, cư trú tại nước Sư Tử. Ngài là vị Đại La hán thần thông quảng đại, đạo hạnh trang nghiêm. Tương truyền có một lần cả đảo Sư Tử bị Long Vương dâng nước nhận chìm, Tôn giả ra tay hàng phục rồng và được tặng hiệu La hán Hàng Long.
Tượng La Hán Hàng Long ở chùa Linh Ứng - Đà Nẵng (ảnh: Phật pháp ứng dụng).
Tượng La Hán Hàng Long ở chùa Linh Ứng - Đà Nẵng (ảnh: Phật pháp ứng dụng).

Hình tượng La hán Hàng Long 

Mười sáu hoặc mười tám vị La Hán được tôn thờ trong các tự viện Phật giáo ở Trung Quốc là đều do ngài giới thiệu. Nhờ ngài mà chúng ta mới biết được danh tánh và trú xứ của mười sáu vị La Hán lưu lại nhân gian. Người đời vì thương nhớ ngài nên đưa ngài vào hàng mười tám vị La Hán. Ngài là biểu tượng của sự dũng mãnh, không sợ gian khó, sẵn sàng đối diện với mọi thử thách để vươn đến thành công.

Theo đó, khi Ngài sắp thị tịch, mọi người buồn thương lo sợ vì thế gian sẽ không còn bậc La Hán. Ngài cho biết có 16 vị La Hán vâng lệnh Phật lưu trụ cõi Ta Bà để ủng hộ Phật pháp. Lời dạy của Ngài được ghi chép lại thành bộ “Pháp Trụ ký”. 

Sau khi nói “Pháp trụ ký” xong, vì muốn cho mọi người thâm tín không còn nghi ngờ việc mười sáu vị La Hán lưu lại nhân gian nên ngài liền vận thần thông bay lên hư không hóa hiện vô số thần tích ngay trước mặt mọi người. Ai nấy cũng đều trầm trồ, khen ngợi là nhiệm quá. Tôn vinh ngài thần thông quảng đại. Một bậc đạo hạnh cao thâm, pháp thuật vô biên như thế thì lời của ngài nói chắc chắn không sai.

La hán Hàng Long.
La hán Hàng Long.  

Hiển thị thần thông xong, ngay trên không trung, ngài dùng chơn hỏa tam muội thiêu thân, Xá Lợi ngũ sắc rơi xuống dồn dập như mưa, mọi người tranh nhau lượm mang về nhà tôn thờ cúng dường. Tuy đã thiêu thân nhưng ngài không rời nước Sư Tử mà chỉ bay đến một động đá trên núi để tọa thiền. Thời gian trôi qua thoáng chốc mà ngài ngồi đó đã hơn bốn trăm năm. Khi ấy, đúng vào thời vương triều Quý Sương do vua Ca Nị Sắc Ca thống trị ở bắc Ấn Ðộ.

Khi xuất định, vì muốn điều hòa huyết mạch thân thể sau bao năm ngồi bất động, Ngài ôm bát xuống núi vào thành khất thực. Ngài nhẫm tính lại nhận ra mình đã tọa thiền hơn 400 năm bèn bật cười ha hả. Sau đó Ngài thường xuất hiện khắp nơi, khi thì trì bát, lúc thì giảng kinh… 

Chuyện Tôn giả Khánh Hữu tiếp tục lưu lại thế gian hiện còn ghi trong “Lịch sử Phật giáo Ấn Ðộ”. Ðây là tác phẩm do vị Cao tăng nổi tiếng Tháp Lạt Na Tháp viết, hoàn toàn không chút hư dối. Từ đó, Nan Đề Mật Đa La thường xuất hiện khắp nơi, khi thì trì bát, lúc thì giảng kinh, khi thì cỡi voi, lúc thì cỡi mây. Thế nên, mãi đến nay, mọi người vẫn còn tin rằng Tôn giả vĩnh viễn không rời thế gian mà luôn luôn cùng mười sáu vị La Hán kia tiếp tục lưu lại thế gian hoằng pháp độ sanh.

La hán Phục Hổ

Tên của Ngài là Đạt Ma Đa La, người ở núi Hạ Lan tỉnh Cam Túc. Thuở nhỏ Đạt Ma Đa La đến chùa, rất thích chiêm ngưỡng hình tượng 16 vị La Hán thờ trong điện. Sư phụ cũng hay kể cho cậu bé nghe những chuyện thần kỳ của các vị La Hán, dần dần trong tánh linh trẻ thơ in đậm hình ảnh các Ngài, thậm chí khi ngủ cũng mơ thấy.

Một hôm trong khi đang chiêm lễ, Đạt Ma Đa La bỗng thấy các hình tượng La Hán cử động, vị thì quơ tay, vị thì chớp mắt như người thật. Ngỡ mình hoa mắt, Đạt Ma Đa La định thần nhìn kỹ lại, lần này thấy rõ hơn, một số vị còn cười tươi tắn. Từ đó Đạt Ma Đa La càng thêm siêng năng lễ kỉnh, ngày nào cũng được chứng kiến các kỳ tích cảm ứng. Đạt Ma Đa La theo hỏi một vị La Hán cách tu tập để được trở thành La Hán. Ngài chỉ dạy cậu nên siêng năng tọa thiền, xem kinh, làm các việc thiện. Đạt Ma Đa La phát tâm tu hành, thực hiện lời dạy của bậc La Hán nên chẳng bao lâu chứng quả.

Tượng La hán Phục Hổ trong khuôn viên chùa Linh Ứng (Đà Nẵng).
 Tượng La hán Phục Hổ trong khuôn viên chùa Linh Ứng (Đà Nẵng).

Thành một A La Hán thần thông tự tại, Ngài thường du hóa trong nhân gian, giảng kinh thuyết pháp, gặp tai nạn liền ra tay cứu giúp. Tôn giả ba lần thu phục một con hổ dữ đem nó về núi cho tu, đi đâu thì dẫn theo. Bên cạnh hình tượng Ngài người ta vẽ thêm một con hổ, Ngài thành danh La Hán Phục Hổ.

Theo đó, một hôm, trên đường du hóa đến núi Hạ lan tỉnh Cam Túc, ngài ghé vào một gia đình nọ, đang định xin miếng nước uống thì không biết chuyện gì mà thấy gia đình này lại khóc lóc thảm thiết. Ngài hỏi ra thì được biết gần đây xuất hiện một con hổ dữ ăn thịt người, anh em của nhà nọ đều bị nó ăn thịt hết rồi. 

Nghe xong, ngài an ủi gia đình rồi hứa sẽ thu phục con hổ dữ. Ngay trên con đường nhỏ hổ thường ẩn hiện đi qua, ngài liền đào một cái bẫy, phía trên ngài lấy cỏ phủ kín lại, gần tối, con hổ dữ quả nhiên lại xuống núi rồi sa vào trong bẫy sâu. Hổ gầm rống vùng vẫy suốt hai ngày đêm trong bẫy, tiếng gầm càng lúc càng nhỏ, trông biết nó đã sức cùng lực kiệt, lúc này ngài mới đến đứng trên bẫy bảo: Nếu ngươi đồng ý không hại người nữa, ta sẽ cho ngươi con đường sống. Hổ gục đầu không nói, có vẻ ăn năn nên ngài thả nó đi.

Không ngờ một tuần sau nó lại xuất hiện, lần này càng hung tợn hơn, liên tiếp làm hại rất nhiều người. Sớm đã liệu trước nó sẽ không dễ sửa đổi như thế nên ngài ở lại trong một gia đình dưới núi chờ đợi. Lúc này, hung tánh của nó càng bộc phát dữ dội. 

Lần này, con hổ đã phát hiện ra ngài từ xa, nên đợi ngài đến gần một tảng đá, hổ thình lình xông ra. Tuy lách người qua được nhưng do không cẩn thận ngài bị trượt ngã. Hổ tiếp tục quay đầu tấn công. Thấy nó vồ tới mà chưa kịp đứng dậy, ngài vội ném bình bát ra, bình bát lập tức phát hào quang biến to ra, hổ vừa nhảy tới thì rơi gọn vào trong bát.

Liền khi ấy, bình bát từ từ thu nhỏ lại. Này nghiệt súc! Ðây là lần cuối cùng ta tha cho ngươi đi, lần sau nếu còn tiếp tục hại người nữa thì đừng trách ta. Nói xong, ngài thả hổ đi. Từ trong bát được thả ra, hổ trông rất nhỏ. Ngài lại niệm mấy câu thần chú cho nó trở lại nguyên hình. Trong tâm có vẻ vẫn không phục, nó liếc nhìn ngài một cái rồi uể oải bước đi. Ba ngày sau, gia đình gần đó lại đưa tin hổ hại người. Vì vậy, ngài lại phải một phen lên núi.

Nhưng lần này nó gọi thêm cả bầy mấy ngàn con cả lớn nhỏ đến. Khi ngài vừa đi tới lưng chừng núi thì bị bọn chúng bao vây, con nào cũng nhe nanh múa vuốt nhìn ngài với ánh mắt hung tợn. Bỗng con quái hổ giận dữ rống lên, lát sau mấy ngàn con kia cũng đồng thanh tương trợ. Tiếng gầm chấn động cả núi rừng, đá trên núi lăn xuống dồn dập.

Ngài không chút hoang mang, vẫn thản nhiên ngồi xuống tọa thiền, miệng niệm thần chú. Khi ấy, bỗng nhiên xuất hiện vòng lửa đỏ rực bao quanh Ngài. Hổ là loài sợ lửa nên đầu tiên những con nhát gan chạy trước, lát sau cả đám thấy không đủ sức cũng bỏ chạy theo, cuối cùng chỉ còn lại mình con quái hổ. Thấy không làm gì được ngài nên nó cũng chạy trốn, song bị túm đuối rồi khóa chặt, nó cố sức giãy giụa đủ cách nhưng không có cách gì thoát ra được.

Ðợi nó ngoan ngoãn, ngài vỗ đầu từ ái bảo: Ăn thịt người là không tốt, đời đời kiếp kiếp về sau sẽ không được đầu thai làm người. Ngươi nên cải tà quy chánh, theo làm thị giả về núi tu hành với ta, giúp ta hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sanh. Hiểu được tiếng người nên nó gật đầu vui vẻ đi theo ngài. Do đó, về sau bên cạnh Ðạt Ma Đa La, người ta thường vẽ thêm một con hổ nằm.

Đọc thêm