La Hán Kháng Môn – Dùng cây chổi Phật Pháp quét sạch uế trược trong tâm hồn

(PLVN) - Truyền thuyết Phật giáo nhắc đến Ngài như một tấm gương cần cù nhẫn nại. Vì không thông minh như anh nên khi xuất gia Ngài không tiếp thu được Phật pháp, kể cả xếp chân ngồi thiền cũng không xong. Về sau được sự chỉ dạy lân mẫn của Thế Tôn, Ngài thực hành pháp môn quét rác với cây chổi trên tay. Nhờ sự kiên trì, dốc tâm thực hành lời dạy của Phật, quét sạch mọi cấu uế bên trong lẫn bên ngoài, Ngài đã chứng Thánh quả.
Tượng La hán Kháng Môn trong vườn tượng chùa Linh Ứng (Đà Nẵng).
Tượng La hán Kháng Môn trong vườn tượng chùa Linh Ứng (Đà Nẵng).

Bản tính chậm chạp

Tôn giả Chú Trà Bán Thác Ca là vị La Hán thứ mười sáu. Hiện tại, ngài cùng một ngàn sáu trăm vị đệ tử trú tại núi Trì Trục. Tên vị La Hán này rất lạ bởi dịch tiếng Hán là Lộ Biên Sanh. Trong kinh A Di Ðà tên ngài là Châu Lợi Bàn Đà Già. 

Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, theo phong tục Ấn Ðộ đương thời, người phụ nữ mang thai sắp đến ngày “mãn nguyệt khai hoa” đều phải về lại nhà mẹ mình để sanh. Có một sự trùng hợp đặc biệt là Châu Lợi Bàn Đà Già và anh ngài đều sanh giữa đường lúc mẹ chưa kịp về đến nhà ngoại. Do đó, người đời sau gọi ngài là Tiểu Lộ Biên Sanh, sinh bên đường nhỏ và gọi anh Ngài là Ðại Lộ Biên Sanh, sinh bên đường lớn.

Anh Ngài tên Bán Thác Ca tư chất thông minh, xuất gia theo Phật rất sớm, đạt nhiều thành tựu trong tu tập. Lớn lên, ngài cũng theo anh xuất gia. Mặc dù đã xuất gia nhưng ngài tối dạ không ai bằng, trí nhớ kém, thường mặc đồ trái, mang dép trái, sư phụ bảo đi lấy kinh thì ngài lại đi lấy mõ. Vì vậy, Ngài thường bị chúng điệu mắng là đồ ngốc.

La hán Kháng Môn.
La hán Kháng Môn.  

Bán Thác Ca thấy em mình như vậy, trong lòng rất cảm thông muốn giúp đỡ nhưng cũng không biết làm cách nào hơn. Nhiều năm trôi qua vậy mà chỉ một danh hiệu Phật, ngài niệm không xong, một câu kinh cũng nhớ không nổi. Thậm chí khi đại chúng ngồi thiền, cả đến ngồi xếp bằng, ngài làm cũng không được.

Một hôm, Bán Thác Ca bảo: Em à! Em quả thật quá ngu. Tu tập ngoài ý chí nghị lực còn cần có trí tuệ thông minh mẫn tiệp. Em đã khờ khạo thế này thì dứt khoát nên về nhà cuốc đất làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm đi, chứ theo Phật mà như thế này chỉ uổng phí công phu, sẽ không có kết quả. Thưa anh, em không muốn xa đức Thế Tôn, em cũng không muốn xa anh, xin cho em tiếp tục ở đây đi. Châu Lợi Bàn Đà Già khẩn khoản xin.

Không được! Em ở đây chỉ gây nhiều phiền phức cho mọi người. Em không biết tụng kinh, không biết tọa thiền, không biết niệm Phật, em nên về nhà đi! Bán Thác Ca vẫn không đồng ý.

Thấy anh kiên quyết không chấp thuận, ngài vô cùng đau khổ. Tuy không muốn về nhưng lại không dám trái lời anh nên ngài đành phải thu dọn đồ đạc rời vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc, nơi chúng Tăng ở và cũng là nơi đức Phật thường giảng kinh thuyết pháp.

Rời khỏi vườn, Châu Lợi Bàn Đà Già vừa đi vừa khóc. Khóc xong, ngài đến ngồi dưới gốc cây Bồ Đề suy tư tự hỏi: Sao mình lại ngu thế này? Sao mình không thông minh như anh nhỉ? Mình không nên xa đức Thế Tôn, mình không nên về nhà. Nghĩ đến cảnh bị đuổi về, ngài tủi thân òa khóc sướt mướt.

Sự tình lúc đó may sao gặp đức Phật ra ngoài vừa về. Nghe trong rừng có người đang khóc, ngài bảo một vị đệ tử đến đó xem thử mới biết là Châu Lợi Bàn Đà Già nên cho gọi ông đến. 

Châu Lợi Bàn Đà Già đến bên Phật như đứa trẻ thơ được về bên cha. Khi ấy, những uẩn khúc trong lòng chợt hiện lên, ngài lại khóc nức nở thuật lại mọi chuyện. Ðức Phật nghe xong cười rồi an ủi: Châu Lợi Bàn Đà Già này! Thật ra ông đâu có ngu chút nào đâu!

Thấy đức Phật nói mình không ngu, Châu Lợi Bàn Đà Già thấy vui hẳn lên. Ðương nhiên là thật rồi. Ðức Phật nói nghiêm nghị, nét mặt không chút trêu đùa. Ðức Phật từ ái bảo ông cứ tạm thời ông cứ ở lại đây, sau này dức Phật sẽ đích thân đến dạy ông tu tập! 

Châu Lợi Bàn Đà Già vội sụp lạy đức Phật, bày tỏ niềm biết ơn vô hạn. Ngày đầu đến dạy, đức Phật cầm theo một cây chổi, hỏi Châu Lợi Bàn Đà Già: Này Châu Lợi Bàn Đà Già, ông biết đây là cái gì không?

Chứng quả nhờ cần cù

Dạ đây là... là...  Không ngờ ngay cả chổi mà ngài nói cũng không ra, còn luống cuống đến toát mồ hôi trán, hết quên chữ đầu lại chữ cuối. Nhưng đức Phật ra sức khích lệ, rồi giảng giải cho ông về tác dụng của cây chổi. 

Nghe đức Thế Tôn khen, còn nói mình không ngu, Châu Lợi Bàn Đà Già vui mừng khôn xiết, tín tâm đã mất cũng được khôi phục lại. Trước kia, Bán Thác Ca tuy thường đích thân dạy ngài nhưng nội dung giảng quá cao siêu phức tạp, nghĩa lý lại thâm áo, do đó, ngài nghe không hiểu, dù có tâm tha thiết muốn học đi nữa cũng không thể nào học vô. Còn lần này, đức Phật đích thân đến dạy, ngài chỉ yêu cầu nhớ hai chữ “cây chổi” và hiểu công dụng của nó dùng để quét rác là được rồi.

Thì ra cầu học đâu có khó! Châu Lợi Bàn Đà Già tự nhủ. Lần thứ hai vào học, đức Phật hỏi lại: Này Châu Lợi Bàn Đà Già, dùng chổi có thể quét sạch rác được không? Dạ được, bạch Thế Tôn. Châu Lợi Bàn Đà Già trả lời rất chắc chắn vì công việc mỗi ngày của ngài làm là quét dọn.

Vậy ông có biết trong tâm chúng ta cũng có rất nhiều thứ cấu bẩn không? Ðức Phật hỏi. Châu Lợi Bàn Đà Già không rõ, ngài nghĩ đi nghĩ lại, một lát sau mới nói: Bạch Thế Tôn! Dạ có phải tham, sân, si, mạn, nghi, phẫn hận, tật đố... khiến tâm chúng ta bất an không?

Ðúng rồi! Ông trả lời rất tốt, những thứ đó giống như bụi trần làm ô nhiễm bản tâm vốn thanh tịnh sáng suốt của chúng ta. Ðức Phật kiên nhẫn giảng dạy. Dạ, sao không trừ bỏ chúng? Châu Lợi Bàn Đà Già hỏi. Ðức Phật dạy: Mục đích của ta chính là muốn dạy ông phương pháp trừ bỏ chúng. Này Châu Lợi Bàn Đà Già! Dùng chổi có thể quét sạch những thứ cấu bẩn trên đất, cũng vậy, nếu như ông biết dùng “cây chổi Phật pháp” để quét sạch những uế trược trong tâm thì một ngày kia tâm ông cũng sẽ sáng suốt thanh tịnh như gương sáng.

Biện tài của đức Phật thật hiếm thấy ở đời, ví dụ ngài nêu vừa rõ ràng đơn giản vừa thiết thực gần gũi với cuộc sống nên người khác nghe rất dễ hiểu. À, bạch đức Thế Tôn! Con hiểu ý Ngài rồi, có phải Ngài muốn dạy con trong công việc quét dọn không nên chỉ quét rác suông mà phải luôn chánh niệm tỉnh giác tịnh hóa nội tâm nữa phải không?

Sau khi được đức Phật tận tình chỉ dạy, thoáng chốc Châu Lợi Bàn Đà Già thông minh hẳn lên. Ðúng vậy, Châu Lợi Bàn Đà Già! Ðó chính là lý do ta bảo ông quét rác, chỉ cần ông kiên tâm trì chí, dụng tâm nỗ lực tinh tấn thì có ngày ông sẽ ngẩng đầu lên theo kịp với chúng bạn, không còn bị người khác chê cười khinh khi. Ðức Phật tiếp tục khích lệ.

Từ đó, Châu Lợi Bàn Đà Già dốc sức chuyên tâm tu tập theo pháp môn quét rác, quét vườn Kỳ thọ Cấp Vô Độc. Bất kể gió mưa nóng lạnh, ngày nào ngài cũng làm việc rất siêng năng. Thật là ông trời không phụ người khổ công, cuối cùng ngài cũng chứng quả A La Hán. Câu chuyện của Tôn giả Châu Lợi Bàn Đà Già chứng tỏ câu “cần cù bù thông minh” thật chẳng ngoa chút nào.

Vốn là một người ngu đần ngốc nghếch ai trông cũng thấy chán, ngay cả cây chổi cũng không biết. Thế mà dưới sự chỉ dạy của đức Phật, dựa vào ý chí nghị lực và lòng kiên trì, Tôn giả đã khắc phục cái ngu bẩm sinh, trở thành vị đại đệ tử, được đức Phật chọn vào trong số mười các vị La Hán lưu lại thế gian hoằng dương Phật pháp.

Đọc thêm