Lễ hội Katê - Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận

(PLVN) - Lễ hội Katê là một trong những lễ hội dân gian độc đáo, đặc trưng, đậm chất truyền thống gắn liền với đời sống tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và lao động sản xuất của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở tỉnh Ninh Thuận.
Lễ hội Katê là minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hóa dân tộc.
Lễ hội Katê là minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hóa dân tộc.

Đặc sắc lễ hội văn hóa lớn của người Chăm

Dân tộc Chăm có lịch riêng. Theo Chăm lịch, đầu tháng 7 (khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch) là vào Lễ hội Katê - lễ cúng tế trời đất, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và các vị anh hùng dân tộc đã được nhân dân thần hóa. Năm nay, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn sẽ diễn ra từ ngày 15 - 18/10. 

Lễ hội Katê năm 2020 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở tỉnh Ninh Thuận diễn ra tại 3 địa điểm là tháp Po Klong Garai (ở phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm), tháp Po Rome và đền Po Ina Nagar (cùng ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước). Lễ hội diễn ra trang trọng, chu đáo, theo đúng nghi thức tín ngưỡng truyền thống của đồng bào.

Chiều 15/10, lễ đón rước y phục của nữ thần Po Ina Nagar - Thần Mẹ xứ sở sẽ được diễn ra ở thôn Hữu Đức. Y phục của nữ thần Po Ina Nagar do dân tộc Raglai ở trên vùng núi cao xã Phước Hà (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) cất giữ, khi đến ngày thì mang xuống thôn Hữu Đức để trao cho đồng bào Chăm theo nghi thức của lễ hội. 

Trước khi rước y phục lên tháp Po Rome, đoàn người Raglai tập trung đông đủ, ông Camanei (ông từ giữ đền) dâng cúng lễ vật, gồm: trứng, rượu, trầu cau và xin phép thần được rước y phục về tháp. Sau đó, người Chăm ở thôn Hữu Đức làm lễ đón y phục do người Raglai chuyển lại và để y phục vào đền Po Ina Nagar.

Lễ hội Katê là lễ hội văn hóa lớn của người Chăm.
Lễ hội Katê là lễ hội văn hóa lớn của người Chăm. 

Theo các nhà nghiên cứu, người Chăm theo đạo Bà-la-môn và người Raglai có mối quan hệ về tộc người. Nói về quan hệ xã hội, quan hệ tộc người, dân tộc Chăm có câu: “Chăm saai, Raglai aday”. Câu này có ý nghĩa là người Chăm là anh (hay chị) và người Raglai là em. Với vị thế là em út của người Chăm, người Raglai có vai trò quan trọng trong Lễ hội Katê. Mối quan hệ này đã chi phối mọi hoạt động văn hóa - xã hội của dân tộc Chăm. Người Chăm quan niệm, trang phục của vua chúa Chăm được dâng lên ở tất cả các đền, tháp cổ đều do người Raglai bảo vệ. 

Theo quan niệm truyền thống của người Chăm theo đạo Bà-la-môn, nếu người Raglai không xuống cúng lễ thì họ không được phép mở cửa tháp để tiến hành các nghi thức của Lễ hội Katê. Điều này cho thấy, sự xuất hiện của người Raglai quyết định sự thành công của Lễ hội Katê.

Ngày 16/10 là ngày mùng 1/7 theo lịch Chăm, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục cho tượng thần lần lượt diễn ra cùng lúc tại hai nơi là tháp Po Klong Garai và tháp Po Rome.

Lễ mở cửa tháp do một vị cả sư và ông từ trông coi tháp điều hành. Lễ vật gồm có rượu, trứng, trầu cau, nước tắm thần có pha trầm hương… Trong không khí trang nghiêm, vị cả sư đọc mấy câu thơ trong kinh hành lễ: “Chúng con lấy nước từ sông lớn/ Chúng con đội về tháp tắm thần/ Thần là thần của trời đất/ Chúng con lấy những tấm khăn đẹp nhất/ Lau mồ hôi trên mình, tay chân của thần...”. Ông từ cầm lọ nước tắm thần tạt lên tượng phù điêu thần Siva trên vòm cửa chính của tháp. 

Tiếp đó, thầy kéo đàn Kanhi (giống đàn nhị của người Việt) và bà bóng tiến đến trước cửa tháp chính, ngồi bên tượng bò thần Nađin để hát lễ xin mở cửa tháp: “Hãy xông hương trầm bằng lửa thiêng/ Hương trầm của người trần dâng lễ/ Hương trầm bay tỏa ngát không gian/ Chúng con xin mở cửa tháp cúng thần”. Sau đó, bà bóng và ông từ bắt đầu mở cửa tháp trong khói hương trầm nghi ngút trước sự chăm chú của mọi người. 

Tưng bừng Lễ hội Katê tại Ninh Thuận.
Tưng bừng Lễ hội Katê tại Ninh Thuận. 

Tiếp theo là lễ tắm tượng thần, lễ này được diễn ra bên trong tháp. Lễ tắm tượng thần là một thủ tục linh thiêng do ông cả sư, thầy cò ke, bà bóng, ông từ và một số tín đồ nhiệt thành thực hiện. Sau khi đọc các đoạn trong kinh hành lễ, ông từ cầm lọ nước tắm vẩy lên pho tượng đá, mọi người có mặt cùng tắm cho thần. Trong khi tắm, những tín đồ nhiệt thành lấy nước trên thân tượng thần bôi lên đầu, lên thân thể mình để cầu tài lộc, sức khỏe, may mắn... 

Tắm cho tượng thần xong là thực hiện lễ mặc y phục cho tượng thần. Khi tượng thần đã mặc trên mình bộ xiêm bào lộng lẫy, các lễ vật dâng cúng được bày trước bệ thờ. Phía ngoài chung quanh tháp, hàng nghìn đồng bào Chăm tề tựu cùng nhau dâng nhiều sản vật quý được làm và thu hoạch trong năm cũ để dâng lên các vị thần. Chủ trì buổi lễ và ban cúng lễ cùng hát lời mời các vị thần về dự lễ. Thầy cả sư đọc kinh cầu nguyện xin các thần về hưởng lễ và phù hộ độ trì cho con cháu làm ăn phát đạt trong năm mới.

Sau khi kết thúc nghi lễ, bên ngoài tháp bắt đầu mở hội với rộn ràng trống Ginăng, kèn Saranai. Các chàng trai, cô gái Chăm trong vũ điệu truyền thống đầy màu sắc hấp dẫn, thôi thúc mọi người.

Minh chứng về sự phong phú trong kho tàng văn hóa dân tộc

Kết thúc Lễ hội Katê là các hoạt động tín ngưỡng diễn ra tại các làng và gia đình được chủ trì bởi già làng uy tín, am hiểu phong tục tập quán, cầu nguyện với thần linh phù hộ độ trì cho dân làng sức khỏe bình an, được mùa màng, thịnh vượng. Sau khi làng cúng xong, các gia đình mới tổ chức cúng trong nhà. Vào ngày lễ này mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ cầu mong tổ tiên, thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Về dự Lễ hội Katê, du khách sẽ được trải nghiệm, thưởng thức các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, hội thi văn hóa, văn nghệ dân gian Chăm; tìm hiểu nét văn hóa dân tộc Chăm qua những hình ảnh, hiện vật tại khu trưng bày tháp Po Klong Garai, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm, Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận; thưởng thức những món ăn đặc trưng mang đậm nét văn hóa ẩm thực của đồng bào Chăm.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, cộng đồng người Chăm trên lãnh thổ Việt Nam coi trọng, tôn thờ những vị anh hùng dân tộc, kết hợp hài hòa giữa cái xưa và cái nay, cái quá khứ và cái hiện tại. Vì vậy mà các đền, tháp Chăm, nơi tổ chức Lễ hội Katê đều gắn liền với tên của một vị có nhiều công lao với thần dân, được mọi người phong thành thần và tên tháp thờ mang tên vị đó. Đó chính là một điểm mấu chốt để nền văn hóa Chăm luôn được bảo tồn. Lễ hội Katê là minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Ông Lê Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh về đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói chung và đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh nói riêng đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống đồng bào, diện mạo vùng quê ngày càng khởi sắc. Về công tác dân tộc, tôn giáo, cấp ủy và chính quyền các cấp ở tỉnh Ninh Thuận luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào thực hiện tín ngưỡng thờ tự, đúng với giá trị truyền thống của dân tộc.

Lễ hội Katê đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017. Đó là sự đóng góp của đồng bào Chăm, của văn hóa Chăm vào nền văn hóa Việt Nam; là cơ hội để văn hóa Chăm, văn hóa Ninh Thuận quảng bá hình ảnh của địa phương đến du khách, đến các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Đọc thêm