Lệ làm luật mơ hồ

(PLVN) - Tình trạng luật cụ thể nhưng lệ mơ hồ và lệ “mơ hồ hoá” luật này trong mối quan hệ giữa EU nói chung và một số thành viên EU nói riêng với Liên bang Nga không phải mới mà tồn tại đã từ lâu rồi. 
Ông Alexeij Navalny chụp tại Nga tháng 7/2019.
Ông Alexeij Navalny chụp tại Nga tháng 7/2019.

Liên quan đến vụ việc nhân vật Alexeij Navalny mà Liên minh châu Âu (EU) cho là đã bị chính quyền Nga chủ mưu đầu độc, EU đã quyết định trừng phạt Nga. Trong mối quan hệ của EU với Nga cho đến nay, EU đã nhiều lần quyết định trừng phạt Nga vì nhiều lý do và trong nhiều chuyện khác nhau. Trừng phạt là công cụ và phương cách được EU thường xuyên áp dụng không chỉ đối với Nga mà còn đối với cả một số đối tác khác.

Sau khi xảy ra vụ việc cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh mà EU cáo buộc chính quyền Nga chủ mưu, EU ban hành hẳn một bộ luật về trừng phạt kẻ thủ phạm. Như thế có nghĩa là việc trừng phạt đã được EU hợp pháp hóa chính thức bằng luật.

Vấn đề ở đây là không có luật nào có thể trừng phạt nhà nước quốc gia. Luật chỉ có thể trừng phạt cá nhân hay tổ chức mà lại phải với 2 điều kiện là phải có chứng cứ rõ ràng và cá nhân hay tổ chức phải được xác định cụ thể. Tất cả phải cụ thể chứ không được mơ hồ.

 

Trong trường hợp ông Navalny mà EU cáo buộc Nga chủ trương đầu độc, EU quyết định trừng phạt Nga nhưng không công khai bất cứ bằng chứng cụ thể nào. EU lập luận rằng ông Navalny bị đầu độc bằng novichok - một thứ chất độc hoá học chỉ được sản xuất tại Liên Xô trước đây và bị cấm trên toàn thế giới.

Các chuyên gia y tế và hóa học của Đức và EU tuyên bố đã xét nghiệm và chứng thực là ông Navalny bị đầu độc bằng loại chất độc ấy nhưng cũng chỉ tuyên bố vậy thôi chứ không công khai bằng chứng để buộc phía Nga phải công nhận một cách tâm phục, khẩu phục. 

Phía Đức và EU cũng không chỉ ra được cá nhân cụ thể nào ở Nga chủ mưu hay trực tiếp tiến hành đầu độc ông Navalny. Tức là phía EU cho đến thời điểm hiện tại không đáp ứng được những điều kiện cần và đủ để có thể thực thi cái luật nói trên.

Không phải phía Đức và EU không nhận biết điều ấy. Nhưng mục đích và lợi ích chính trị của EU trong chuyện trừng phạt Nga còn lớn hơn, cấp thiết hơn và vì thế quyết định hơn cả đòi hỏi về đảm bảo tính hợp pháp của việc thực thi luật.

Cái lệ ở đây đối với EU và phía Đức là mọi chuyện liên quan đến các nhân vật bất đồng chính kiến ở Nga hoặc các cá nhân bị chính quyền Nga coi là phản bội đều phải được nhìn nhận là có liên quan trực tiếp đến chính quyền Nga, đều có thể trở thành công cụ và vũ khí đắc dụng cho họ trong xử lý các mối quan hệ của họ với Nga. Tức là đều có thể được tận dụng để gây khó dễ cho Nga, gia tăng áp lực buộc Nga phải nhượng bộ trong những chuyện khác, làm tổn hại đến uy tín quốc tế và thể diện của Nga... 

Trong những chuyện như thế này, EU nói chung và một số thành viên nói riêng đâu có để ý nhiều đến cơ sở pháp lý quốc tế để quyết sách có được tính hợp pháp cần thiết. Những khi lệ được coi là quan trọng và quyết định hơn thì luật bị bất chấp nếu thấy không thuận, hoặc bị buộc phải phục vụ cho lệ nếu thấy có thể lợi dụng và lạm dụng được luật. 

Tình trạng luật cụ thể nhưng lệ mơ hồ và lệ “mơ hồ hoá” luật này trong mối quan hệ giữa EU nói chung và một số thành viên EU nói riêng với Nga không phải mới mà tồn tại đã từ lâu rồi. Khi luật được tạo thành thì lệ gần như không đóng vai trò gì. Nhưng khi luật được vận dụng hoặc được viện dẫn để biện luận cho quyết sách thì lệ mới là động cơ chính của hành vi và lệ mới chi phối tất cả.

Vụ việc với ông Navalny không phải là vụ việc đầu tiên và chắc chắn cũng sẽ không phải vụ việc cuối cùng trong các cặp quan hệ nói trên mà có thể thấy lệ luôn có thể mơ hồ hoá luật vào bất cứ thời điểm nào.

Đọc thêm