Lo ngại xây khách sạn ở Đồi Dinh sẽ làm mất đặc trưng cảnh quan Đà Lạt

(PLVN) - Nhiều kiến trúc sư (KTS) không đồng tình với cả 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh (Dinh Tỉnh trưởng ở phường 1, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Hội KTS Việt Nam cũng cho rằng việc xây dựng công trình khách sạn ở đây là không phù hợp.
Dinh Tỉnh trưởng ở Đà Lạt.
Dinh Tỉnh trưởng ở Đà Lạt.

“Xẻ” dinh xây khách sạn

Hội KTS Việt Nam vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này về 3 phương án xây dựng khách sạn tại đồi Dinh.

Hội KTS Việt Nam nhận thấy ý kiến phản biện của nhiều KTS là có cơ sở, thể hiện đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội của KTS đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản kiến trúc Dinh Tỉnh trưởng và cảnh quan khu vực đồi Dinh - một đặc trưng đặc sắc và độc đáo của kiến trúc cảnh quan đô thị Đà Lạt, nhằm phục vụ nhu cầu cuộc sống đương đại của người dân Đà Lạt, Lâm Đồng và cả nước.

“Vì mục đích trân trọng và bảo vệ các di sản văn hóa, thiên nhiên để xây dựng thành phố di sản Đà Lạt, Hội KTS Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở Xây dựng tỉnh nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, KTS trên cả nước và không nên xây dựng công trình khách sạn trên đồi Dinh”, văn bản của Hội KTS Việt Nam nêu rõ.

Ngày 15/4/2019, Hội KTS Việt Nam cũng đã có công văn góp ý về đồ án quy hoạch này. Trong đó, công văn nhấn mạnh: “Giải pháp xây dựng khách sạn quy mô lớn ở đây (khu vực đồi Dinh) là không phù hợp. Nên giữ là đồi xanh có công trình Dinh Tỉnh trưởng để không làm mất đặc trưng cảnh quan đô thị của Đà Lạt”.

Với phương án 2, Dinh Tỉnh trưởng nằm lọt thỏm trong khách sạn cao tầng.

 Với phương án 2, Dinh Tỉnh trưởng nằm lọt thỏm trong khách sạn cao tầng.

Theo tìm hiểu, khu vực đồi Dinh thuộc quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vựa trung tâm Hòa Bình được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt năm 2019. Đồ án này nằm trong định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ ngày 14/8 - 14/9, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và UBND TP Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến người dân, các cơ quan, đoàn thể và giới chuyên môn đối với phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng về hình thức kiến trúc, giải pháp bảo tồn, sự phù hợp cảnh quan chung và phương án tối ưu.

Tại đây, ban tổ chức trưng bày, triển lãm 3 phương án, ý tưởng thiết kế kiến trúc các công trình thuộc khu vực đồi Dinh. Cả 3 phương án đều giữ lại công trình Dinh Tỉnh trưởng và đan cài một dự án khách sạn trong khu vực đồi Dinh.

Cụ thể, phương án 1, làm lộ rõ hơn nữa vị trí đồi Dinh và hướng đến một ngọn đồi mới thông qua việc đan cài một dự án khách sạn phía dưới công trình Dinh Tỉnh trưởng với vườn thực vật, không gian hội nghị, trung tâm sự kiện, thương mại, nhà hàng, lưu trú… Bảo tàng Lịch sử Đà Lạt trong kiến trúc Dinh Tỉnh trưởng được bảo tồn nguyên vẹn nhưng được nâng cao 28m so với vị trí hiện tại.

Phương án 2, giữ lại những mảng xanh hiện hữu, di dời công trình Dinh Tỉnh trưởng về phía Nam và xây các công trình kiến trúc mới, đồng thời mở ra một khu vườn theo phong cách Pháp. Khách sạn cao cấp 6 sao, 10 tầng sẽ được xây dựng với trung tâm hội nghị quốc tế và các không gian phụ trợ, khu vườn thiết kế theo phong cách vườn Pháp.

Với phương án 3, giữ lại 30% khoảng cây xanh Dinh Tỉnh trưởng, xây dựng tòa nhà lớn bên cạnh, cao hơn 2 lần Dinh Tỉnh trưởng. Ngoài ra, các khối nhà được làm bán hầm, phủ trên là cây xanh.

Theo hiện trạng quy hoạch, khu dự án nằm trên khu vực đồi Dinh cao hơn 1.500m so mực nước biển. Tại đây, còn có nhiều cây cổ thụ, là mảng xanh lớn nhất ở khu vực trung tâm TP Đà Lạt và công trình Dinh Tỉnh trưởng được người Pháp xây dựng trước năm 1910, theo kiến trúc cổ điển châu Âu.  

Cần chung tay bảo vệ thành phố mộng mơ

Theo PGS.TS Nguyên Hạnh Nguyên (Trường Đại học Kiến Trúc TP HCM, người từng thực hiện các tọa đàm về di sản khu Hòa Bình - Đà Lạt), cả 3 phương án nói trên đều cho thấy sự hạn chế của các bên tư vấn về nhận thức về di sản và bản sắc đô thị Đà Lạt. Họ không tư duy ở tỷ lệ lớn mà chỉ nhăm nhăm vào tác động trên tỷ lệ nhỏ, là một cái nhà cụ thể. Họ không tư duy sâu sắc cho bối cảnh Đà Lạt từ lịch sử tới tầm nhìn tương lai. Không thấy vai trò chính là nâng cao vị thế của chủ đầu tư và chính quyền địa phương thông qua tầm nhìn về di sản và bản sắc đô thị đặc thù mà chỉ tập trung sao cho thỏa mãn đề bài.

“Vai trò của đơn vị tư vấn thiết kế không phải là “gật đầu” và tìm cách hợp thức hóa mong muốn của chủ đầu tư. Đương nhiên, ở vị trí của chủ đầu tư, điều quan tâm nhất là vị trí đất vàng, hiệu suất kinh doanh, tổng diện tích sàn. Các KTS không thể “thỏa hiệp” nếu không thuyết phục được họ. Bản lĩnh của KTS là dám từ chối những công trình tầm cỡ như khách sạn đồi Dinh vì nó động đến đạo đức nghề nghiệp”, bà Nguyên cho biết.

Khi chính quyền địa phương đưa ra các phương án để xin ý kiến dân, nếu những người làm chuyên môn không quyết liệt bảo vệ quan điểm bảo tồn để phát triển thì trung tâm Đà Lạt sẽ mất, cấu trúc đô thị bị phá vỡ từ trong lõi bởi những hành động sinh thêm khối, chất tải lên khu Hòa Bình.

Bà Nguyên cho rằng, Đà Lạt cần những nhà chuyên môn tham gia hỗ trợ lãnh đạo tỉnh và thành phố vì Đà Lạt vượt quá tầm của bản thân đô thị, thành phố này không chỉ của Lâm Đồng mà còn là đô thị đặc biệt của cả nước.

“Phát triển đô thị hiện đại là nhu cầu chính đáng của người dân Đà Lạt nhưng phát triển ở đâu, quy hoạch như thế nào để Đà Lạt không mất đi giá trị cốt lõi, không mất tính hấp dẫn của một đô thị đặc thù và xứng đáng trở thành đô thị di sản như mong mỏi của thành phố? Đây là câu hỏi bắt buộc các phía tham gia trong câu chuyện này phải thận trọng nhìn nhận trước khi quyết định sinh mạng khu lõi đô thị này. Bởi sai lầm với quy hoạch và di sản thì sẽ không còn có cơ hội để sửa chữa”, bà Nguyên nói.

Trong khi đó, TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, cả 3 phương án nói trên chỉ chú trọng tô vẻ thêm bề ngoài và vẫn giữ nguyên đề xuất phá bỏ di sản để cao tầng hóa khu lịch sử phố Việt Hòa Bình của Đà Lạt, hoàn toàn phớt lờ các đề nghị bảo tồn khu Hòa Bình của cộng đồng, các cơ quan chức năng (Bộ Xây dựng, Hội KTS Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam…), các chuyên gia trong nước và ngoài nước.

Cả 3 phương án đều không ổn, vì bản chất muốn đưa một công trình khối tích lớn lên đỉnh đồi đã sai cơ bản về tiêu chí quy hoạch bảo tồn di sản, mà KTS cần có ý thức trách nhiệm để từ chối phục vụ cho nhà đầu tư. Dù che giấu dưới lớp diễn họa không gian đồi xanh quanh công trình như một phương án của KTS Pháp đi nữa thì ban đêm đèn của công trình vẫn phải chiếu sáng, tạo thành một khối ánh sáng khổng lồ, chưa kể đến việc phải điều hòa nhiệt độ cho toàn bộ công trình làm thay đổi khí hậu xung quanh và chặt hết rừng thông trên đồi…

“Khu Hòa Bình không chỉ là di sản của riêng Đà Lạt mà còn là một phần di sản quan trọng của kiến trúc đô thị Việt Nam, do nhiều thế hệ người Việt Nam tạo nên. Rất mong những người quan tâm hãy tiếp tục chung tay bảo vệ di sản này của Đà Lạt, khuyến nghị chủ đầu tư hãy xây dựng dự án ở rất nhiều khu đất trống khác của Lâm Đồng”, ông Sơn cho biết. 

Đọc thêm