Mỹ thể hiện quan điểm khác trước về Trung Quốc ở Biển Đông

(PLVN) - Ngày 13/7 vừa qua, tại thủ đô Washington của Mỹ, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra tuyên bố về quan điểm lập trường mới này của Mỹ. Theo đó, phía Mỹ bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo.
Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo.

Từ nhiều tháng nay, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên đặc biệt sôi động. Thoả thuận thương mại mà hai bên đã đạt được và gọi là thoả thuận giai đoạn 1 chưa kịp được thực hiện thì giữa hai bên đã bùng phát nhiều mối bất hoà mới.

Chúng liên quan đến cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc đã không minh bạch trong việc cung cấp thông tin cho thế giới bên ngoài biết kịp thời và đầy đủ về sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra, về quá trình Trung Quốc ứng phó dịch bệnh và về vai trò của Tổ chức Y tế thế giới trong chuyện này. Chúng liên quan đến chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan, đối với người theo đạo Hồi ở khu vực Tân Cương và đối với Hong Kong.

Trong bối cảnh tình hình mối quan hệ song phương trở nên căng thẳng và gay cấn như thế, động thái mới nữa là việc Mỹ thể hiện quan điểm khác trước về Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Ngày 13/7 vừa qua, tại thủ đô Washington của Mỹ, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra tuyên bố về quan điểm lập trường mới này của Mỹ. Theo đó, phía Mỹ bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa chủ quyền của Việt Nam (ảnh Reuters chụp từ vệ tinh).
Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa chủ quyền của Việt Nam (ảnh Reuters chụp từ vệ tinh). 

Lời văn của tuyên bố ấy rất rõ ràng và không thể bị hiểu nhầm được: “Những yêu sách của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng là hoàn toàn phi pháp”. Cũng ở trong đấy, Mỹ thẳng thừng bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với các vùng biển ở quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia của Malaysia, vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và quần đảo Natuna của Indonesia.

Ông Pompeo khẳng định quan điểm của chính phủ hiện tại ở Mỹ là “thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi khu vực Biển Đông là đế chế trên biển của mình. Mỹ sát cánh cùng đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền của họ đối với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”.

Hai ngày sau đấy, tại một cuộc họp báo ở Washington, ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các nước bị Trung Quốc xâm hại chủ quyền ở khu vực Biển Đông, nhấn mạnh Mỹ sẽ làm việc này thông qua các diễn đàn đa phương và bằng các biện pháp pháp lý quốc tế.

Cả ở đây, thông điệp của ông Pompeo gửi tới Trung Quốc và thế giới bên ngoài cũng rất rõ ràng và cụ thể: “Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ sẵn có và chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các quốc gia trên toàn thế giới cho rằng Trung Quốc đã vi phạm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp của họ... Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ, dù tại các thể chế đa phương, tại Asean hay thông qua phản ứng pháp lý. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công vụ có thể”.

Việc phía Mỹ công khai chính thức bác bỏ gần như hoàn toàn mọi yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông gợi liên tưởng đến phán quyết với nội dung tương tự của Toà án trọng tài của Liên Hợp quốc về khiếu kiện của Philipin cách đây mấy năm. Chưa khi nào kể từ trước đến nay phía Mỹ thể hiện quan điểm chính sách cụ thể và rõ ràng đến như vậy về chính sách và hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. 

Bằng việc công khai coi những yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông là phi pháp và tuyên bố hỗ trợ các nước bị Trung Quốc xâm hại chủ quyền ở khu vực này, Mỹ lần đầu tiên công khác xác lập vị trí trong cuộc tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc với các bên liên quan tại khu vực Biển Đông.

Sự thể hiện quan điểm thái độ rõ ràng này của Mỹ tác động mạnh mẽ trực tiếp tới cục diện tình hình chính trị an ninh ở khu vực Biển Đông và tới các mối quan hệ giữa các bên có liên quan, đặc biệt tới mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Động thái mới này có lợi cho các bên hiện phải trực diện với những mưu tính và hành động của Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông.

Điều còn phải chờ đợi là Mỹ hành động trên thực tế như thế nào sau những tuyên bố chính sách mới này trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và với các bên ở khu vực Biển Đông, đặc biệt mỗi khi Trung Quốc có hành động mới từ nay ở khu vực Biển Đông.

Đọc thêm