Ngành Giáo dục Tiền Giang vượt khó, nâng cao chất lượng dạy và học

(PLVN) - Với ngành Giáo dục cả nước, thời gian qua là giai đoạn khó khăn khi vừa đảm bảo chất lượng học tập, vừa đảm bảo sức khoẻ cho giáo viên và học sinh trong mùa dịch. Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục Tiền Giang đã nỗ lực vượt khó, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học. 
Trường Tiểu học Song Bình (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) được đầu tư cho năm học mới.
Trường Tiểu học Song Bình (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) được đầu tư cho năm học mới.

Năm học vừa qua là năm nhiều thách thức với ngành giáo dục nước nhà nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Tuy nhiên, toàn nghành đã hoàn thành những mục tiêu đề ra và đạt được những kết quả nổi bật. Trong năm học 2020 – 2021, ngànhh giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục phát huy và khắc phục những khó khăn gặp phải.

Ngành giáo dục vượt khó – đảm bảo chất lượng dạy và học năm học 2019 - 2020

Tổng kết năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả xuất sắc khi thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản trong toàn ngành. Cụ thể, về thành tích học tập, tỷ lệ đậu tốt nghiệp Trung học phổ thông trên toàn tỉnh Tiền Giang đạt 99,36% và đoạt 8 giải học sinh giỏi cấp quốc gia. Về cơ sở vật chất tỉnh có 9.420 phòng học ở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó có 7.345 phòng học kiên cố chiếm tỷ lệ 78,4% trên tổng số phòng học đang sử dụng.

Trong năm vừa qua, tỉnh đã đầu tư 2.516 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất trường học. Trong đó, tỷ lệ phòng học đạt chuẩn ở cấp tiểu học tại các huyện, thành, thị đạt trên 89%. Đảm bảo được 100% học sinh được học 2 buổi/ngày theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy vậy, tại một số địa phương vẫn còn phòng học xuống cấp, chưa được xây mới, một số điểm trường thiếu phòng học. Đây là vấn đề tồn đọng cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Những năm qua, chất lượng giáo dục của tỉnh Tiền Giang không ngừng được nâng cao.
Những năm qua, chất lượng giáo dục của tỉnh Tiền Giang không ngừng được nâng cao. 

Bên cạnh đó thiếu giáo viên mầm non đang là vấn đề gây không ít khó khăn mà ngành giáo dục tỉnh đang phải đối mặt. Toàn ngành hiện có 19.240 cán bộ, giáo viên, nhân viên, còn thiếu 447 giáo viên bậc mầm non so với chỉ tiêu.

Tuy thiếu về số lượng nhưng về chất lượng được chú trọng với 100% giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, đảm bảo yêu cầu của việc dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Đón đầu - khắc phục khó khăn trong năm học 2020 – 2021

Năm học 2020 – 2021 có thể nói là năm nhiều thách thức đối với ngành giáo dục nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng khi dịch Covid 19 vẫn còn hoành hành, đòi hỏi công tác phòng chống dịch cần được đảm bảo bên cạnh việc phân bố phù hợp nhằm đảm bảo lộ trình đào tạo.

Toàn tỉnh Tiền Giang có 186 trường mầm non, mẫu giáo; 184 trường tiểu học, 124 trường THCS (trong đó có 7 trường tiểu học và THCS); 38 trường THPT; 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 6 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; 3 khoa giáo dục thường xuyên trong các trường trung cấp và 172 trung tâm học tập cộng đồng. Đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho trên 55.000 trẻ mẫu giáo và mầm non, trên 130.000 học sinh tiểu học, gần 100.000 học sinh THCS và khoảng 45 ngàn học sinh THPT.

Trong thời gian tới, toàn tỉnh sẽ tập trung các giải pháp thực hiện nhiều chỉ tiêu quan trọng đề ra. Cụ thể sẽ huy động 16% trẻ nhà trẻ, 85,5% trẻ mẫu giáo, 100% trẻ 5 tuổi ra lớp. Huy động trẻ từ 6 đến 10 tuổi ra lớp học tiểu học đạt 100%, THCS đạt 99%, THPT và tương đương 81%. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc học mầm non 52,1%, tiểu học 75,3%, THCS 52,4%  và THPT 52,6%. Đây cũng là năm học mang tính chất quan trọng bởi toàn ngành giáo dục sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở khối lớp 1.

Để giải quyết toàn diện khó khăn đang gặp phải và nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang đã đề ra 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp chủ yếu trong năm học mới 2020 - 2021. Bên cạnh đó, đề cao giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”  đóng góp vào sự phát triển chung của ngành giáo dục địa phương và cả nước trong thời gian tới. 

Đọc thêm