Nguy cơ rác thải từ xu hướng “bùng nổ” điện mặt trời tại Việt Nam

(PLVN) - Dù điện năng lượng mặt trời đang phát triển mạnh ở Việt Nam nhưng pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về xử lý rác thải pin mặt trời. 
Một bãi rác thải điện năng lượng mặt trời ở Úc. (Ảnh: Inside Waste)
Một bãi rác thải điện năng lượng mặt trời ở Úc. (Ảnh: Inside Waste)

Về xử lý các tấm pin mặt trời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay tất cả các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin quang điện. Trước phát biểu này, đại biểu Ksor Phước Hà (đoàn Gia Lai) từng khẳng định trước nghị trường Quốc hội rằng Bộ trưởng Bộ Công thương “không thể đổ thừa” cho địa phương hay chủ đầu tư có trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời. 

Bà Ksor Phước Hà cũng nhấn mạnh “cán bộ và nhân dân những địa phương có pin năng lượng rất hoang mang” về tính hiệu quả của năng lương mặt trời cũng như tác động của những pin năng lượng này khiến tăng nhiệt độ tại địa phương. Theo đó, nữ đại biểu đặt câu hỏi: “Sau này, pin đó dùng làm gì? Những tấm pin đó sẽ xử lý ở đâu? Đưa lên mặt trăng hay là dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng?”. 

Xu hướng “bùng nổ” điện mặt trời mái nhà

Điện mặt trời mái nhà “bùng nổ” ở Việt Nam trong khoảng hai năm gần đây. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống kê, tính đến đầu tháng 23/9/2020, cả nước đã có tổng cộng 51.769 hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) với tổng công suất là 1.355 MW được lắp đặt và đưa vào vận hành, hơn 60% người dùng là các hộ gia đình. 

Đến cuối năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành thị trường điện năng lượng mặt trời tiềm năng nhất ở Đông Nam Á. Cụ thể, công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie đã đưa ra ước tính tổng công suất từ hệ thống điện mặt trời ở Việt Nam chiếm 44% tổng công suất của điện mặt trời khu vực Đông Nam Á. Còn theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Việt Nam ước tính tạo ra khoảng 7.400 MW điện mặt trời trong năm 2020, trong khi đó Thái Lan chỉ tạo ra được khoảng 3.300 MW điện mặt trời. 

Theo EVN, ngoài số lượng hàng triệu mái nhà của các hộ gia đình thì mái nhà của các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, các trung tâm thương mại, nhà xưởng trong các khu công nghiệp... là những nơi có thể lắp đặt các hệ thống ĐMTMN trong thời gian tới.

Điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam đã bùng nổ trong hai năm nay (ảnh minh họa).
Điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam đã bùng nổ trong hai năm nay (ảnh minh họa).  

Công ty đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Shire Oak International (nguồn gốc từ Anh Quốc) hiện sở hữu một danh mục đầu tư gồm hơn 720 dự án ĐMTMN tại Việt Nam, với tổng giá trị 1,9 tỷ USD (khoảng 44 nghìn tỷ đồng).  Ông Sơn Bùi – Giám đốc Marketing & PR tại Shire Oak International cho biết: “Điện năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Trong vòng 30 năm, lợi ích khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 1 MW tương đương với việc trồng 120,000 cây xanh”. 

Ngoài ra, sử dụng điện mặt trời góp phần hạn chế sự phát triển của các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên. Phần mái được cách nhiệt bằng hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời còn giúp giảm nhiệt cho cơ sở được lắp đặt. Bên cạnh đó, phát triển điện mặt trời áp mái góp phần giảm áp lực lên phụ tải lưới điện, tiết kiệm chi phí phát triển đường dây truyền tải…

Hiểm hoạ rác thải điện mặt trời

Theo nghiên cứu về tái chế tấm pin điện mặt trời hết niên hạn của trường Đại học Prince of Songkia (Thái Lan), nhóm nghiên cứu của ông Chowdhury đã cảnh báo xu hướng bùng nổ điện mặt trời trên toàn thế giới đang tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng rác thải trong tương lai. Cụ thể, tổng công suất điện mặt trời từ các dự án đã hoàn thiện lắp đặt trên toàn cầu đã đạt 400GW và dự kiến sẽ tăng lên 4.500 GW vào năm 2050. Tuổi thọ trung bình của tấm pin mặt trời khoảng 25 năm, do đó đến năm 2030, khoảng 4% đến 14% số pin quang điện sẽ trở thành rác thải. Tỉ trọng số lượng rác thải này sẽ tăng lên 80%, tương đương khoảng 78 triệu tấn, vào năm 2050. Do đó, việc thải bỏ các tấm pin quang điện sẽ trở thành một vấn đề môi trường lớn trong thập kỷ tới. 

Thành phần cấu tạo nên một tấm pin năng lượng mặt trời bao gồm: 76% glass, 10% plastic, 8% aluminium, 5% silicon, 1% metal. Trên lý thuyết, những nguyên vật liệu này có thể tái chế hoàn toàn 100% và không gây hại đến môi trường. 

Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển điện mặt trời, vẫn chưa có những công ty chuyên tái chế pin năng lượng mặt trời hết niên hạn. So với các nước Châu Âu đang phát triển mạnh mẽ các công nghệ tái chế pin năng lượng mặt trời do nguồn nguyên liệu đầu vào lớn và ổn định, Việt Nam vẫn chưa thể “đón đầu” công nghệ bởi nguồn cung không ổn định cho một dây chuyền tái chế hiện đại.

Quả thực, rác thải điện năng lượng mặt trời đang trở thành vấn đề nghiêm trọng tại nhiều quốc gia phát triển hiện nay. Đơn cử, điện năng lượng mặt trời bắt đầu “bùng nổ” tại Úc từ năm 2009, đến nay nhiều tấm pin mặt trời đã ngừng hoạt động. Các chuyên gia môi trường tại nước này dự đoán rác thải ĐMTMN sẽ tăng mạnh kể từ năm 2025. Đến năm 2050, dự kiến lượng rác thải ĐMTMN ở nước này có thể đạt tới 1.500 nghìn tấn. Nói cách khác, các tấm pin điện mặt trời hết hạn sẽ tạo ra một “núi” chất thải nguy hại tại nước này trong vài thập kỷ tới, nếu không được xử lý sớm.

Tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê chính thức về lượng rác thải năng lượng mặt trời ở hiện tại và tương lai. Nhiều người vẫn tin rằng ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở trong nước vẫn còn sơ khai và các vấn đề xử lý các tấm pin mặt trời hết niên hạn chỉ xuất hiện sau khoảng 20 năm nữa. 

Hiện, các tấm pin năng lượng mặt trời thải loại được quản lý theo các quy định về quản lý chất thải. Theo đó, chủ nguồn thải có trách nhiệm phân định rác thải từ các tấm pin mặt trời theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại để quản lý cho phù hợp (QCVN 07:2009/BTNMT). Về điều này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Trên thực tế chỉ có 3% một số khoáng chất có thể liên quan đến môi trường thì các nhà cung cấp cho các tấm pin quang điện đều có những hợp đồng với các chủ đầu tư các dự án pin mặt trời, các dự án điện mặt trời để chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý các vi mạch điện”.

Đáng nói, pháp luật hiện hành vẫn thiếu các tiêu chuẩn, quy định cụ thể để xử lý rác thải điện năng lượng mặt trời, cũng như các chính sách hỗ trợ và sáng kiến để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp tái sử dụng, tân trang, tái chế các tấm pin mặt trời.  

TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (CEGR): “Từ 2018-2020, chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ dự án ĐMTMN vì lí do phân tán và cắt giảm phụ tải. Tuy nhiên, trên thực tế đã nhiều bất cập, một số địa phương, nhà đầu tư, cá nhân đã lạm dụng và làm méo mó chính sách này”. Do đó, việc tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn đối với rác thải điện năng lượng mặt trời sẽ cần sự cam kết mạnh mẽ hơn từ các nhà hoạch định chính sách, các nhà làm luật và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật. 

Về phía công ty Shire Oak International cũng cho biết đang đang phát triển đội ngũ nghiên cứu áp dụng công nghệ tái chế tiên tiến này tại Việt Nam. “Khi nhu cầu của thị trường đủ lớn, chắc chắn chúng tôi sẽ có nhà máy tái chế vì đây cũng là nguồn lợi khổng lồ”, ông Sơn Bùi chia sẻ thêm. 

Đầu năm nay, Thủ tướng đã quyết định giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn. 

Tuy nhiên, kể cả khi có những quy định hướng dẫn cụ thể về tái chế pin điện mặt trời hết hạn và xây dựng cơ sở hạ tầng để tái chế các tấm pin hết hạn, thì lại có một thách thức lớn khác. Đó là nếu các bãi chôn lấp rác vẫn chưa được xử lý triệt để thì việc vứt những tấm pin cũ, hỏng, hết hạn tới các bãi chôn lấp vẫn được nhà đầu tư ưu tiên hơn do chi phí thấp hơn.

Đọc thêm