Những “người mẹ hiền” hết lòng săn sóc cho trẻ em khuyết tật, mồ côi

(PLVN) - Chọn nghề chăm sóc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật nặng là xác định chấp nhận một công việc vất vả, đòi hỏi phải có sức bền để vượt qua, gắn bó với sự đơn điệu, quẩn quanh trong một không gian nhỏ hẹp cùng những đứa trẻ ngờ nghệch, bệnh tật. Và, chỉ có tình thương mới đủ sức giữ họ với nghề.
Những “người mẹ hiền” hết lòng săn sóc cho trẻ em khuyết tật, mồ côi

Nghề gắn liền với tã bỉm, khóc cười vô thức

Đến nay đã 15 năm gắn bó, được Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định (gọi tắt là Trung tâm) ghi nhận là nhân viên giàu chuyên môn và tận tâm, mỗi khi có dịp mở đầu về nghề của mình, chị Lê Thị Mười lại tự trách, áy náy nhắc về nỗi “ám ảnh”, dự định bỏ cuộc ngay những ngày đầu tiếp cận công việc. 

Sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non, chị Mười tự tìm đến  Trung tâm xin việc. Với ngành nghề được đào tạo, chị chẳng lạ gì bao chuyện liên quan đến chăm sóc các em nhỏ. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với công việc thực tế ở Trung tâm, chị vẫn không khỏi “sốc”. 

“Tháng đầu tiên làm việc tại Trung tâm, tôi không thể nuốt nổi cơm, sụt mấy ký và nhiều lần khóc vì hụt hẫng. Tôi tự hỏi, công việc của mình là đây sao, suốt ngày vệ sinh, giặt giũ, đút trẻ bệnh, người già lẫn ăn, rồi dỗ dành tắm rửa… Nhưng nghĩ tới bỏ việc, đập vào mắt tôi là cảnh các cô, các chị cứ nhẹ nhàng, cần mẫn với công việc, tôi lại tự động viên mình bám trụ thêm, rồi tình thương, sự gắn bó cứ lớn dần, bền chặt theo. Cho đến khi tôi lập gia đình, làm mẹ, càng thấy thương những đứa trẻ thiếu hơi ấm gia đình và muốn bù đắp phần nào. Từ đó, tôi không mảy may thấy công việc này là khổ nhọc, dơ bẩn hay buồn tẻ nữa”, chị Mười chia sẻ.

Trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc 101 đối tượng, gồm: 13 trẻ, còn lại là người già và khuyết tật. Hơn trăm con người này đều do 10 nữ nhân viên chăm sóc trực tiếp. Lượng trẻ ít và “có duyên” ở với Trung tâm lâu dài nên tính nết từng trẻ, tất cả cán bộ, nhân viên ở đây đều nắm rõ, giúp thuận lợi trong chăm sóc, dạy dỗ. 

Nga bị down. Ngày vào Trung tâm, Nga liền chọn chị Đặng Thị Hồng Hoa (nhân viên chăm sóc) là “bồ”, chuyện này cả Trung tâm đều biết. Nga và “bồ” “chung thủy” từ đó đến giờ. “Bồ” không được đứng gần, giao tiếp với khách lạ nếu không Nga sẽ hờn, bỏ ăn. 

Ngoài ra, Nga chỉ thích ăn thịt và rau canh. Hôm nào có tôm, cá thì xem như những bạn cùng khu với Nga “trúng mánh” vì Nga sẽ gắp hết bỏ sang chén bạn, còn bạn đổi thịt cho Nga. Biết thói quen và sở thích của Nga nên đến bữa ăn, nhân viên chăm sóc phải đứng hồi lâu khuyên Nga để đảm bảo ăn đa dạng, đủ chất. 

Thư bị thiểu năng trí tuệ. Món đồ chơi, bầu bạn không thể thiếu của Thư là chú gấu bông. Người ngoài không biết tưởng Thư có vẻ giao tiếp tương đối, vậy nhưng cô bé còn không tự chủ đi tiêu đi tiểu. 

“Căng” nhất là Sưu, bị bại não và tăng động, vô thức nhổ nước bọt mọi lúc mọi nơi. Ngày ngày đút ăn hay thay đồ, vệ sinh, nhân viên luôn phải hồi hộp né hay bị “dính chưởng” là chuyện thường. 

Khá nhất là Chi, khuyết tật nặng ở chân, di chuyển bằng bò. So với những trẻ khuyết tật ở Trung tâm, đầu óc, ngôn ngữ của Chi sáng lán hơn cả. Cô bé như thay hết các bạn thể hiện tình cảm với mái ấm này. Chủ động bắt chuyện với chúng tôi, Thư ngây ngô khoe: “Con có mẹ Hiếu, mẹ Nga, mẹ Hoa… trẻ hơn thì con gọi cô Mười, cô Hường… Con tuy đi bằng hai đầu gối nhưng vẫn nhanh và hai tay bình thường. Khi các mẹ, các cô già, con sẽ chăm sóc họ”.

Lựa chọn và an nhiên gắn bó

Hôm chúng tôi đến Trung tâm, chị Dương Thị Hường (nhân viên chăm sóc) vừa đưa bé Trần Đình Phước đi tái khám trở về. Sau khi hỏi chuyện, mọi người ai cũng mừng vì mắt bé tiến triển tốt, hô hấp, tiêu hóa và cân nặng đều khả quan. 

Bé Phước là đứa trẻ bị bỏ rơi sau sinh non tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, được bàn giao cho Trung tâm nuôi dưỡng từ ngày 16/10. Từ khi đón Phước về Trung tâm, những nhân viên chăm sóc lại thêm bận rộn. Đáng lẽ, mỗi đêm khu trẻ em chỉ 2 người thay nhau trực, nay tăng lên 4, riêng Phước phải 2 người thay phiên. 

“Sao ban ngày con ngủ ngon mà ban đêm cứ ngọ ngoạy suốt vậy hả, cu em”, chị Hường nựng nịu Phước. Chị Hoa liền bênh: “Con vầy là ngoan rồi, các mẹ đang nói đùa con với anh Minh Trung á”. 

Trung Minh cũng là một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi được Trung tâm nuôi dưỡng. Tuy được một gia đình nhận làm con nuôi, rời Trung tâm đã nhiều năm nhưng luôn đọng trong ký ức, nỗi nhớ các nhân viên chăm sóc nơi đât, bởi “kỷ lục” khóc đêm, đòi bế hơn 6 tháng trời. 

“Hơn 6 tháng liên tiếp, đêm nào Minh Trung cũng khóc, đòi bế nên chúng tôi cũng thêm phần vất vả. Đến khi con đỡ quấy, mẹ con quen hơi, mến tay mến chân thì con được một gia đình nhận nuôi. Bây giờ, mỗi khi nhớ con, chị em chúng tôi xin gia đình đến thăm vài lần cho nguôi ngoai. Hiện nay, con dễ thương, kháu khỉnh lắm”, chị Hoa kể.

“Cu em” là cách mọi người ở đây gọi bé Phước. Thành viên mới nhất này về, các nhân viên chăm sóc ở Trung tâm thêm việc nhưng các anh chị lớn hơn Phước thì rất vui. Hàng ngày, Nga, Thư, Chi… cứ đi ngang là ghé vào ngắm em cười, rồi thích phụ các mẹ, các cô phơi đồ cho em, biết giữ trật tự để em ngủ. 

Bé Phước trong vòng tay mẹ Hoa.
 Bé Phước trong vòng tay mẹ Hoa.

“Tôi không ngờ cuộc đời mình lại gắn liền với nơi này. Cầm tấm bằng giáo dục mầm non, đi ngang Trung tâm, không để ý tên, thấy bên trong có nhà banh, cầu tuột, tôi tưởng nhà trẻ bình thường nên vô xin việc. Vào bên trong, tôi mới biết thì ra có những nơi chuyên cưu mang, chăm sóc những mảnh đời bất hạnh, bị bỏ rơi, lãng quên như thế này. Rồi chứng kiến nhiều người bình thản làm những công việc này như bao nghề nghiệp bình thường khác, tôi chọn bước vào”, chị Hường tâm sự. 

Tương tự mối duyên nghề của những nhân viên chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội ở Trung tâm, cũng xuất phát từ lòng trắc ẩn và tình yêu với trẻ con, 14 phụ nữ đơn thân đã chọn trở thành mẹ của những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi ở Làng trẻ em SOS Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Cùng với nuôi dạy trẻ lớn, chưa từng mang nặng đẻ đau, việc nuôi dưỡng những đứa trẻ sơ sinh với họ mới mẻ, lúng túng và khó khăn gấp bội. Thử thách đó cũng như môi trường làm việc đầy tạp âm, tạp mùi, bận rộn mà lặng lẽ như ở bất cứ cơ sở bảo trợ xã hội nào. Song, với tình thương, những bảo mẫu đã lựa chọn và an nhiên gắn bó.

Được chăm sóc, nuôi dưỡng toàn diện tại Trung tâm, nhiều trẻ em khuyết tật, mồ côi, trẻ mất nguồn nuôi dưỡng từng bước khôn lớn, trưởng thành. Tình yêu thương, sự quan tâm từ người mẹ thứ hai, những người đồng cảnh, các cơ quan chức năng và cộng đồng trở thành điểm tựa, niềm tin cho ước mơ của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt bay xa.

Thiết nghĩ, trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Dù được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm… vẫn cần lắm những tấm lòng vàng kết nối, hỗ trợ để họ những con người kém may mắn này thấy được tình yêu thương luôn hiện hữu và họ không bao giờ bị xã hội lãng quên.

Đọc thêm