Pho tượng chân thực hiếm có về vẻ đẹp của Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc

(PLVN) - Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Phật giáo Việt Nam sẽ không ngạc nhiên khi thấy hình ảnh một nhân vật như Thái Hậu, Hoàng hậu, Công chúa… được tạc tượng và thờ cúng trong các ngôi chùa. Trong số đó phải kể tới bức tượng khắc họa hình tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc của chùa Mật Sơn (Thanh Hóa) được các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung người Việt thế kỷ 17. 
Chùa Mật Sơn (Thanh Hóa).
Chùa Mật Sơn (Thanh Hóa).

Bức tượng 300 tuổi

Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 - 1660) là con gái Thanh đô vương Trịnh Tráng. Năm 1630, Vua Lê Thần Tông bị ép lấy con gái của Trịnh Tráng là Trịnh Thị Ngọc Trúc làm Hoàng hậu đầu tiên của vị vua này. Bà là một trong sáu bà vợ của Vua Lê Thần Tông được tạc tượng thờ ở chùa Mật Sơn. 

Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì chùa Mật được dựng vào thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Tuy nhiên, căn cứ tư liệu thác bản văn bia tại chùa Mật Sơn tên chữ là Đại Bi (TP Thanh Hóa) thì Vua Lê Huyền Tông (1663-1671) mới là người cho dựng chùa để thờ vua cha cùng Thánh mẫu và các phi tần của cha. 

Đây là ngôi chùa hiếm có tại Việt Nam cùng thờ vua Lê Thần Tông và 6 bà Hoàng hậu, Phi tần của ông. Nổi bật trong số đó là bức tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được chuyển về Viện Viễn Đông Bắc Cổ, nay được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Pho tượng có kích thước cao 111cm, khuôn mặt 19cm, ngang vai 43cm, ngang hai đầu gối 67cm, dày thân tượng 45 cm. Tượng được tạc bằng gỗ mít phủ sơn son thếp vàng, hoa văn trang trí cầu kỳ, tinh xảo và rõ nét.

Pho tượng được tạc nguyên khối mô tả hình ảnh Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc trong tư thế chân xếp bằng kiểu Kiết Già toàn phần. Tay phải của bà giơ ngang ngực kết ấn Vô Úy, thế tay này tượng trưng cho sự phổ độ chúng sinh, đồng thời thể hiện tâm Phật của nhân vật được tạc. Tay trái đặt trong lòng đùi kết ấn cam lồ, biểu tượng sự kiên định của Phật pháp, cầu mong ban phát cho chúng sinh cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cùng tận hưởng niềm giải thoát.

Đầu tượng đội vương miện, có dải tóc kẹp thả sau lưng, vương miện được chạm khắc tỷ mỷ với nhiều lớp khác nhau: Vành dưới ôm sát đầu chạm vân xoắn; Vành thứ hai chạm các cụm sen nổi cao; Vành trên cùng chạm thủng hình hoa sen và vân lửa rất đặc trưng cho điêu khắc thế kỷ XVII. Phía trước trán, đỉnh của vành mũ được chạm hình vòng cung, trong có tượng Adida ngồi tọa thiền. Đây là biểu tượng thường thấy trên các pho tượng Quan Âm và là dấu hiệu đặc trưng cho việc bà Trịnh Thị Ngọc Trúc là người qui y Phật pháp. 

Bên trong vành mũ chạm lối vấn tóc cao trên đỉnh đầu và một tấm che tóc cũng chạm rất cầu kì tương tự như các tượng Quan Âm TK XVII. Từ dưới mũ là hai dải mũ được chạm vắt mềm mại ra phía trước vai.

Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc hiện được lưu giữ tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc hiện được lưu giữ tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).  

Pho tượng khoác trên mình bộ triều phục nổi bật của các tác phẩm điêu khác tượng Hậu thế kỷ XVII với 3 lớp áp trong và một áo vân kiên khoác ngoài. Riêng tấm áo choàng vân kiên này được đánh giá là một trong những tấm áo được chạm đẹp nhất với mô típ Lưỡng long triều phụng – Đôi rồng chầu phượng trước ngực. Áo phía dưới có 3 lớp đính ngọc châu tỷ mỷ. Cổ bà đeo chuỗi hạt rủ mềm xuống lòng đùi.

Điểm nhấn đặc sắc nhất của pho tượng chính là gương mặt của bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tươi sáng rạng rỡ, phúc hậu, chân thực với dái tai dài, cổ cao ba ngấn. Pho tượng này được đánh giá là tác phẩm đẹp nhất, đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung người Việt thế kỷ XVII bởi mang đầy đủ 3 giá trị lịch sử, thẩm mỹ, văn hóa. 

Cụ thể, rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đã đánh giá rằng, Giá trị lịch sử của ác phẩm là điêu khắc nguyên gốc có niên đại thế kỷ XVII và là pho tượng chân dung chân thực hiếm có về một nhân vật lừng lẫy về nhân đức và học thức uyên thâm trong lịch sử phong kiến Việt Nam – bà hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. 

Giá trị thẩm mỹ của hiện vật này là đại diện xuất sắc cho phong cách nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung hậu Phật Việt Nam. Kỹ thuật chạm khắc, kỹ thuật sơn thếp của pho tượng này dường như qua nhiều thế kỷ vẫn lưu giữ được vẻ đẹp tươi mới. Đây là tâm điểm đáng chú ý đối với các nhà nghiên cứu mỹ thuật.

Cuộc đời của bà chúa Kim Cương

Về Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, đương thời, bà nổi tiếng là một người uyên bác và sùng đạo, thường chú tâm nghiên cứu bộ Kim cang, sùng đạo Phật, được dân chúng xưng tụng là Bà chúa Kim Cương.

Tương truyền, bà thông minh từ nhỏ, rất hiếu học. Mới 9, 10 tuổi đã đọc thông, viết thạo cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Bà có khả năng đọc làu kinh sử, giỏi văn thơ, sùng đạo Phật, chú tâm kinh kệ, miệt mài nghiên cứu bộ Kim cang. Bà có dáng người thanh tú, dịu hiền. Bản tính hoà nhã càng tôn vẻ đẹp sẵn có của bà. Trong phủ chúa, ai nấy đều kính nể.

Có thời bà đã làm lễ qui y tại Ninh Phúc tự còn gọi là chùa Bút Tháp tại xã Đình Tổ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Bà chúa được thiền sư Chuyết Chuyết ban cho bà pháp danh là Pháp Tánh. Từ đó bà vừa tu luyện vừa được dịp học hỏi nghiên cứu sâu xa thêm về kinh điển của nhà Phật.

Chồng bà là Cường quận công Lê Trụ, thuộc dòng hoàng tộc Lê triều. Sau vì ông phạm tội nặng, bị giam ngục rồi mất. Bà trở thành góa phụ. Đến năm bà 36 tuổi (1630) chúa Trịnh Tráng lại gả bà cho Lê Thần Tông, được tấn phong làm Hoàng hậu. Lê Thần Tông khi lấy bà Ngọc Trúc, cả triều đình đều can, thì ông gạt đi và nói: “Đã trót rồi, lấy gượng vậy. Từ đó trời mưa dầm không ngớt”, theo Đại Việt sử ký toàn thư.

Đương thời, bà là bạn thơ với Trạng nguyên lễ sư Nguyễn Thị Duệ, sử chép rằng hai bà thường cùng bàn luận về thơ văn, Phật Pháp trong khắp các chùa chiền vùng Kinh Bắc lúc bấy giờ. Thời điểm chùa Ninh Phúc tổ chức khuyến hoá thập phương để trùng tu tôn tạo, dịp này bà hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đã đóng góp công đức rất nhiều. Hưởng ứng việc làm với bà, cả nhà vua và công chúa cũng hiến ruộng vào chùa làm công quả.

Năm Phúc Thái thứ nhất (1643), Lê Thần Tông truyền ngôi cho Lê Chân Tông. Thần Tông được tôn làm Thái thượng hoàng, còn bà trở thành Hoàng thái hậu. Bà không có người con nào với Thần Tông, chỉ có người con gái với quận công Lê Trụ là Lê Thị Ngọc Duyên, được ban phong hiệu Công chúa, cũng là người giỏi văn thơ chữ nghĩa.

Sau khi vua Lê Thần Tông thoái vị, Trịnh Thái hậu cùng Công chúa đến tu và ở hẳn chùa Bút Tháp, bà lấy pháp hiệu Diệu Viên, còn Công chúa có pháp danh Diệu Tuệ. Năm Vĩnh Thọ thứ 3 (1660), Diệu Viên viên tịch tại đây chùa Bút Tháp, bà thọ 65 tuổi. Khi bà tạ thế, chùa Ninh Phúc đặt ngai vị thờ bà.

Về sự nghiệp văn chương của nhà nữ học giả Trịnh Thị Ngọc Trúc, không những chỉ sáng tác thơ phú, mà bà còn công phu biên khảo thành bộ từ điển Hán - Nôm đề “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa”. Toàn bộ sách, tác giả diễn giải bằng văn vần, thể lục bát, dài trên 3000 câu, tổng số cả Hán lẫn Nôm có 24 ngàn chữ. Được bà chia làm 40 chương. Đủ cả thiên văn, địa lý, nhân luận, cách trí, lục phủ ngũ tạng… cho đến những vật dụng gia đình cùng binh khí, nhạc cụ, điển lễ…

Đây được đánh giá là bộ từ điển song ngữ Hán-Nôm được chuyển giải theo tính cách Bách khoa toàn thư đầu tiên có ở nước ta và học giả Trịnh Thị Ngọc Trúc là người phụ nữ đầu tiên soạn từ điển Hán-Nôm. 

Bộ sách mang tầm cỡ chấn hưng văn hoá nước nhà, nêu cao nền kinh tế phát triển ở Đàng Ngoài. Cùng sự phồn thịnh ở Phố Hiến, nơi trung tâm thương mại từ miền Bắc với các nước Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… Quyển từ điển của bà còn cho ta biết vào thời đó, ngay ở Thăng Long đã có thương nhân Hà Lan. Tác phẩm lại còn chỉ rõ về tình hình chính trị của đất nước dưới thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nhất là thời vua Lê chúa Trịnh ở miền Bắc.

Đọc thêm