Sâm Ngọc Linh huyền thoại và sự thực (Kỳ 3): “Thánh địa” sâm quý

(PLVN) - Vì săn lùng gắt gao nên đến nay, sâm Ngọc Linh tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Trái lại, với sự chung tay của cộng đồng, chính quyền nên diện tích sâm Ngọc Linh trồng ngày càng mở rộng. Tại tỉnh Kon Tum, việc trồng loại sâm quý này đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm hộ dân, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. 
Sâm Ngọc Linh huyền thoại và sự thực (Kỳ 3): “Thánh địa” sâm quý
LTS: Sâm Ngọc Linh là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới và chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Loại sâm này đặc biệt quý hiếm, nó hơn cả sâm Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ và được xem là “thần dược” đối với sức khỏe con người. Hiện tại, sâm Ngọc Linh có giá từ 70 - 150 triệu đồng/kg, nhiều củ sâm lớn có giá lên đến vài trăm triệu đồng/kg.

Về “thánh địa” sâm quý

Hơn 40 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới do những tính chất đặc biệt nổi trội và trồng ở vùng địa lý đặc thù. Vùng địa lý sâm Ngọc Linh nằm trên núi cùng tên thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, mật độ che phủ rừng trên 70%, có nhiều thung lũng hẹp và sâu. 

Đây cũng là vùng có cả khí hậu nhiệt đới ẩm và khí hậu á nhiệt đới vùng núi cao, rất phù hợp với sự phát triển của cây sâm. Sâm Ngọc Linh được trồng duy nhất trên nhóm đất xám, hình thành tại chỗ, phân bố trên nhiều dạng địa hình. 

Theo Quyết định 2465/QĐ-SHTT ngày 30/7/2018 của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tại tỉnh Kon Tum vùng chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh từ các xã ban đầu được công nhận năm 2016 là Ngọc Lây và Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), nay được mở rộng thêm các xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đăk Glei), Đăk Na, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông). 

Đối với tỉnh Quảng Nam, từ xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) được công nhận năm 2016, nay mở rộng thêm các xã: Trà Nam, Trà Cang, Trà Dơn, Trà Don, Trà Leng, Trà Lập (huyện Nam Trà My). Hiện nay, diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh này lên đến gần 1.300ha.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tỉnh Kon Tum có 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, trong đó cây dược liệu hết sức phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại có giá trị kinh tế rất cao như: đảng sâm, ngủ vị tử, đương quy, lan kim tuyến… Nhưng đặc biệt hơn hết là sâm Ngọc Linh. 

Đến nay, tỉnh Kon Tum đã phát triển trên 550ha sâm Ngọc Linh, trong đó Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum có gần 500ha (gọi tắt là Cty Ngọc Linh), Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô (gọi tắt là Cty Đăk Tô) khoảng 17ha, còn lại là diện tích của người dân trồng.

Ở đây, sâm chủ yếu được trồng dưới những cánh rừng cổ thụ trên đỉnh núi. Trên diện tích đất tương đối bằng phẳng, chúng tôi cảm nhận được cái mát lạnh của không khí trong lành dưới tán rừng. Những luống sâm cong hình mu rùa, rộng 0,8 - 1,0m, cao 0,2 - 0,3m, dài không quá 10m theo hướng đường đồng mức để hạn chế xói mòn. 

Anh A Nhâm ( ngụ thôn Long Láy, xã Măng Ri) cho biết, vườn sâm Ngọc Linh có diện tích 3 sào với 400 gốc sâm, được 4 gia đình trong họ hàng cùng trồng từ năm 2016. “Cây sâm Ngọc Linh có giá trị cao, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng nên gắn với nghiệp trồng sâm thì phải chịu thương, chịu khó, ăn ngủ cùng với sâm”, anh Nhâm cho biết.

Theo ông A Sinh - Trưởng thôn Pu Tá (xã Măng Ri), thôn có hơn 60 hộ, tất cả đều trồng sâm, hộ ít cũng 100 cây, hộ nhiều thì trên 3.000 cây. Diện tích rừng để trồng sâm trên địa bàn còn rất nhiều, dân cũng mong muốn trồng sâm để đổi đời nhưng ngặt nỗi không có cây giống nên trồng cầm chừng. Cây nào cho quả thì dân chờ chín hái, sau đó tự ươm rồi lấy cây giống để trồng.

Siêu lợi nhuận

Không chỉ người dân khát khao có cây giống để trồng, mà Cty Đăk Tô dù có vườn ươm cây giống nhưng cũng không đủ cung ứng. Với vườn sâm khoảng 17ha, trung bình mỗi năm, Cty này cho thu khoảng 100.000 hạt sâm. Sau khi lấy hạt ươm, tỷ lệ đậu khoảng 70%, chưa đủ nhu cầu sử dụng của Cty nên chưa thể cung cấp giống cho dân, dù người dân rất cần. 

Vườn sâm Ngọc Linh của Cty Ngọc Linh nằm chót vót trên độ cao hơn 2.000m ở vùng núi Ngọc Linh thuộc các xã Tê Xăng và Măng Ri. Hiện tại, Cty này hình thành được gần chục khu vườn với hàng trăm công nhân lao động đang chăm sóc, bảo vệ sâm Ngọc Linh. 

Theo anh A Sỹ (người được Cty Ngọc Linh giao quản lý vườn sâm), công việc trồng sâm nhẹ nhàng, vì cây sâm sinh trưởng phát triển hoàn toàn theo tự nhiên, ít chăm bón, chỉ tốn công nhổ cỏ, ủ mùn, phòng kẻ gian, chuột, chim phá hoại sâm, rất phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào nơi đây. 

Người trồng sâm phải phát dọn cây con, đào chặt gốc rễ cây, dọn sạch mặt đất, xẻ luống dọc theo sườn núi rồi bóc lớp mùn phủ lên từng luống một để tăng độ phì nhiêu cho đất. Những chỗ độ mùn thấp, công nhân phải leo lên đỉnh núi hốt mùn từ lớp lá cây, gỗ mục mang về trồng sâm.

Việc bảo vệ sâm khỏi sự nhòm ngó của kẻ trộm và của các loài động vật gặm nhấm mới thực sự nan giải với những công nhân nơi đây. Các công nhân ở đây cho biết, tại các khu vườn sâm đều được dựng các chòi canh và được phân người theo tổ, nhóm chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ thay nhau trực 24/24h để bảo vệ, ngăn ngừa trộm cắp.

Tuy nhiên, đó là với con người, còn các loại động vật tới ăn sâm nhiều vô kể. Mùa sâm ra hoa và hạt chính là thời điểm lũ chuột rừng kéo ra rất nhiều, đi hàng đàn để đột nhập các vườn sâm. Lũ chuột không cắn phá cây sâm mà chỉ mê hạt sâm.

“Công nhân thường trắng đêm canh chuột, không cho chúng phá vườn sâm. Ban ngày thì họ ngủ buổi sáng, buổi chiều đi làm bẫy, hái lá thông và cắt các bao ni lông để bọc trái sâm chống chuột trộm. Thế nhưng, sáng chế này chỉ hạn chế phần nào, bởi lũ chuột tinh ranh nên lần sau sẽ tránh ngay. Đó là chưa kể các loài chim cũng tìm đến để ăn sâm”, anh Sỹ cho biết.

Ông Chung bên vườn sâm Ngọc Linh của Cty Đăk Tô.
 Ông Chung bên vườn sâm Ngọc Linh của Cty Đăk Tô.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, sâm Ngọc Linh chỉ vài trăm ngàn đồng/kg. Biết đây là loại sâm quý, đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh nên Cty Ngọc Linh đã thu gom của người dân và gây trồng. 

Sau khi mua được sâm Ngọc Linh tươi, Cty cắt đầu mầm để cấy trực tiếp dưới những tán rừng. Sau khi triển khai, phương pháp này cho kết quả tốt, chỉ 2 năm sau, cây sâm đã ra hoa, cho hạt. Qua nhiều năm, những gốc mầm này đã tạo ra được cả một vườn đầy sâm rộng lớn. Qua thời gian, quy trình nhân giống sâm bằng hạt từ cây đầu mầm và gieo ươm, chăm sóc sâm Ngọc Linh cũng được hoàn thiện.

Năm 2010, UBND tỉnh Kon Tum đã chấp thuận cho Cty Ngọc Linh trồng cây dược liệu và sâm Ngọc Linh dưới tán rừng kết hợp bảo vệ, phát triển rừng với diện tích 5.000ha. 

Đến nay, Cty Ngọc Linh đã trồng gần 500ha, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 300 người dân tại huyện Tu Mơ Rông. Tất cả họ đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài việc được nhận lương hàng tháng, hàng trăm công nhân này còn nhận 50.000 cây giống, vật liệu để trồng, phát triển trên quỹ đất của Cty. Khi thu hoạch, họ sẽ hưởng 100% giá trị sản phẩm.

Trong khi đó, Cty Đăk Tô hiện đang trả lương hơn 80 lao động biên chế và hợp đồng. Họ là những người vừa khỏe mạnh, vừa trung thực rất phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ sâm. 

“Tính khiêm tốn, 1ha sâm trồng 10 năm cho thu hoạch trung bình cỡ 7 tạ củ, trong khi giá sâm ngày càng tăng. Vậy nên, về lý thuyết, nơi nào trồng được sâm Ngọc Linh mà bảo vệ tốt, nơi đó thu hoạch siêu lợi nhuận”, ông Chung cho biết.

Đọc thêm