Sâm Ngọc Linh - “Thần dược” đối với sức khỏe con người (Kỳ 2): Những cuộc tìm kiếm đánh cược bằng mạng sống và tạo vật vô giá của đất trời

(PLVN) - Sau khi sâm Ngọc Linh được biết đến là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới, từng đoàn người đổ xô lên núi Ngọc Linh săn lùng sâm, bất chấp nguy cơ có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào. Và sự thật là nhiều người đã tử nạn trên đường đi tìm sâm quý, thậm chí xương cốt của nhiều người cũng vĩnh viễn nằm lại rừng xanh. 
Sâm Ngọc Linh - “Thần dược” đối với sức khỏe con người (Kỳ 2): Những cuộc tìm kiếm đánh cược bằng mạng sống và tạo vật vô giá của đất trời
LTS: Sâm Ngọc Linh là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới và chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Loại sâm này đặc biệt quý hiếm, nó hơn cả sâm Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ và được xem là “thần dược” đối với sức khỏe con người.

Vì săn lùng gắt gao nên đến nay, sâm Ngọc Linh tự nhiên gần như bị cạn kiệt. Dù vậy, những năm gần đây, vẫn có người tìm được những củ sâm tự nhiên “khủng”, có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đánh cược mạng sống đi tìm sâm

Từ xa xưa, sâm Ngọc Linh đã được đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Xê Đăng sử dụng. Thế nhưng, mãi đến năm 1973, loại sâm này mới được một nhóm công tác thuộc khu Y tế Trung Trung bộ do dược sĩ Đào Kim Long làm trưởng đoàn phát hiện và đặt tên là sâm Ngọc Linh. Sau khi được các nhà khoa học nghiên cứu, khảo nghiệm kỹ càng, xác định đây là một trong những loại nhân sâm tốt nhất thế giới thì nó được săn lùng gắt gao. Từng đoàn người đổ xô lên núi Ngọc Linh săn sâm, bất chấp nguy cơ có thể bỏ mạng.

Chính dược sĩ Đào Kim Long cũng từng khẳng định, nguy cơ khi đi tìm sâm Ngọc Linh. Hồi năm 1973, nhóm công tác đi tìm loại sâm quý này đến làng Đăk Rơ Man (thuộc huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) thì được trưởng bản ở đây mời uống rượu và kết nghĩa anh em. 

Sau đó, nhóm công tác do dược sĩ Long dẫn đầu tiếp tục đến một ngôi làng khác và ngỏ lời nhờ dân địa phương dẫn đường nhưng bị từ chối. Lý do họ từ chối là vì họ từng cõng người Pháp lên núi nhưng bắt gặp rất nhiều bò tót hung dữ. Họ còn tin rằng Ngọc Linh là núi thiêng, ai lên đó sẽ chết. Dù dược sĩ Long đã thuyết phục rằng nhóm công tác là người Việt Nam, không phải người Pháp và khi đi cũng trang bị phương tiện tốt hơn, nhưng người dân vẫn lắc đầu.

Đường lên đỉnh Ngọc Linh hiểm trở, núi cao dựng ngược, nhóm công tác cứ thế lần mò trong rừng với người dẫn đường là bản đồ pháo binh. Họ phải cẩn thận với các nhóm biệt kích, các tộc người sẵn sàng vây bắt và rất nhiều thú rừng.

Sau khi tìm kiếm được sâm Ngọc Linh và sắp hoàn thành chuyến công tác, một lần dược sĩ Long cùng một người trong đoàn đi dọc suối tìm dược liệu thì một cô gái dân tộc Xê Đăng bắt gặp nên hỏi rằng đi đâu. Muốn bí mật việc đi tìm loại sâm quý nên dược sĩ Long bảo rằng đi bắn chim. Cô gái liền chỉ tay về phía trước bảo rằng ở đó nhiều chim, rồi chạy đi. Một lúc sau, 2 người bị cả trăm người với súng ống, cung nỏ bao vây và bắt giữ. 

Họ cho rằng 2 người là biệt kích nên đưa về bản, trói đứng giữa khoảng sân rộng chờ trưởng bản đến phán quyết. Trong lúc tưởng chừng cái chết đã cận kề thì thì một tiếng nói vang lên: “2 người này ta biết, họ lên núi tìm cây thuốc chứ không phải biệt kích”. Vậy là dược sĩ Long và người đi cùng được thả. Vị trưởng bản đó không ai khác chính là vị trưởng bản làng Đăk Rơ Man.

Hành trình trở về của nhóm công tác gặp đầy khó khăn. Đoàn nhiều lần bị địch phục kích nhưng may mắn thoát. Có lần, khi về đến sông Tranh (thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), dược sĩ Long bị sốt rét. Lúc mò cá ở sông Tranh, ông bị dòng nước cuốn đi, may mắn không sao nhưng sức khỏe giảm sút. 

Càng vào sâu, núi Ngọc Linh càng cao, càng nguy hiểm.
 Càng vào sâu, núi Ngọc Linh càng cao, càng nguy hiểm.

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, khi cây sâm Ngọc Linh ra lá, trổ hoa, người dân các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam sống quanh núi Ngọc Linh khăn gói gùi lương thực, thực phẩm lên núi Ngọc Linh tìm sâm. Mỗi chuyến đi kéo dài vài ngày đến cả tuần, hành lý là gạo, muối trắng... Mỗi tốp đi ít nhất 2 người, vừa đi vừa chặt vỏ cây đánh dấu đường về. Nhưng núi rừng Ngọc Linh toàn cây cổ thụ dày đặc, lối đi cây dây leo giăng kín nên chuyện lạc đường không tránh khỏi.

Khi đêm xuống, họ thường chọn nơi gần khe suối, người lấy nước nấu cơm, người chặt lá cây trải ngủ cho đỡ lạnh. Giữa núi rừng, tiếng hổ gầm, gấu kêu liên hồi nên phải đốt lửa rồi cắt cử người thức canh.

Những năm ấy, sâm Ngọc Linh tự nhiên rất nhiều nên mỗi chuyến đi họ đều có thu hoạch. Dù vậy, giá sâm rất rẻ, 1kg sâm có khi chỉ bán được vài ngàn đồng.

Mãi đến những năm 2000 trở lại đây, sâm Ngọc Linh tự nhiên ngày càng hiếm, trong khi đó nhu cầu người dùng ngày càng nhiều nên loại sâm này trở nên đắt hơn vàng. Cũng vì vậy mà người người, nhà nhà đều vào rừng sâu, Vượt thác ghềnh nguy hiểm, họ phải bám rễ cây leo lên. Nếu sơ sẩy một bước chân là rơi xuống vực sâu, bỏ mạng giữa đại ngàn heo hút.

Những củ sâm hiếm hoi

Vì săn lùng gắt gao nên đến nay, sâm Ngọc Linh tự nhiên gần như bị cạn kiệt. Dù vậy, những năm gần đây, vẫn có người tìm được những củ sâm tự nhiên “khủng”, có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Giữa năm 2016, cha con ông Hồ Văn Hạnh và con trai là Hồ Văn Chiêu (ngụ xã Trà Linh) trúng củ sâm tự nhiên nặng gần 1kg, tuổi đời hơn 100 năm. Đây là một trong những củ sâm Ngọc Linh lâu năm nhất được tìm thấy trên vùng núi Ngọc Linh. Hồi đó, thông tin về củ sâm Ngọc Linh quý hiếm của cha con anh Chiêu đã tạo cơn sốt trong giới săn dược liệu cũng như giới thượng lưu. 

Theo anh Chiêu, hôm đó là ngày 20/6/2016, cha con anh đi bộ từ nhà vượt núi mất hơn 7 giờ. Anh đi trước nhưng không phát hiện, người cha đi sau thấy cây sâm mọc trên thân gỗ mục nát. Ban đầu, 2 cha con nghĩ là củ sâm nhỏ, càng đào thấy có 3 nhánh, dài hơn 50cm, có hơn 100 đốt.

“Nhiều người cứ nghĩ cha con tôi bán được củ sâm đó mấy trăm triệu nhưng thật ra thì chỉ 90 triệu đồng. Tôi bán cho chị N.T.T. (ngụ xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) là mối quen thường xuyên mua sâm do tôi đào từ rừng núi mang về. Sau đó, chị T. bán cho một đại gia ở TP Hồ Chí Minh với giá 200 triệu đồng”, anh Chiêu cho biết.

Anh Chiêu bên củ sâm Ngọc Linh tìm được năm 2016 (Ảnh tư liệu)
 Anh Chiêu bên củ sâm Ngọc Linh tìm được  năm 2016 (Ảnh tư liệu)

Anh Chiêu bảo rằng, cha con anh không hối tiếc khi mình là người vất vả, lặn lội vào rừng nhưng chỉ thu được 90 triệu đồng, trong khi đó, chị T. chỉ mua đi bán lại nhưng lại thu lợi cả trăm triệu. Bởi những lần trước đó, cha con anh đi tìm sâm toàn về tay không và chính chị T. là người động viên quay trở lại khu rừng ấy để tìm sâm. Tìm được sâm là cái duyên cũng là phần thưởng thần núi và Yàng (ông trời) ban tặng nên cha con anh hưởng chừng ấy là được rồi. 

Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, hồi đó vừa nghe tin cha con anh Chiêu đào được củ sâm Ngọc Linh quý, ông liền cử người về kiểm tra. 

“Anh em tới nơi quay phim mang về, tôi xem thì nhận định 100% là sâm Ngọc Linh. Củ sâm đó nặng gần 1kg và có hơn 100 đốt, theo cách tính toán thì nó chắc chắn trên 100 năm chứ không ít”, ông Bửu khẳng định.

Trong phiên chợ sâm Ngọc Linh vào tháng 3/2018 tại huyện Nam Trà My, bà Ngô Thị Minh Thùy (thị trấn Trà Mai, huyện Nam Trà My) đã bán củ sâm có trọng lượng 1,1kg với giá 540 triệu đồng cho một vị khách đến từ tỉnh Hà Tĩnh. Đây là củ sâm rừng được bà My mua lại của một người dân ở xã Trà Linh cách đó vài tháng. Người này may mắn tìm được của sâm trên núi Ngọc Linh, những người trồng sâm chuyên nghiệp tại huyện Nam Trà My cho rằng củ sâm này có tuổi đời hơn 100 năm. 

(Còn nữa)

Đọc thêm