Tài hùng biện xuất chúng của Tôn giả Sư Tử

(PLVN) - Tổ Sư Tử (Aryasimha), sinh sau Đức Phật nhập Niết bàn 880 năm. Thuở nhỏ Ngài rất thông minh, tài hùng biện xuất chúng, thường tranh luận với các vị Thầy Bà La Môn về nhân sinh và vũ trụ khiến họ đều phục.
Tài hùng biện xuất chúng của Tôn giả Sư Tử

Hành trình ngộ thiền 

Tổ Hạc Lạc Na nghe tiếng tìm đến hỏi: Ta nghe ông có một lý luận thật vững chắc, vậy ta hỏi ông, bàn tay ta có mấy ngón? Ngài cười và nói với Tổ: Ngài giỡn với tôi đó phải không, ai không biết là có 5 ngón. Tổ hỏi Ngài: Sao ông biết có 5 ngón? Ngài trả lời: “Vì tôi thấy”. Tổ lại hỏi: Ông nói “tôi thấy”, vậy ông đem cái “tôi” cho ta xem thử?”.

Ngài không biết đáp lại thế nào, đành thưa với Tổ: “Chỗ Thầy hỏi là chỗ cao xa, con thật không biết đến!”. Tổ liền nói tiếp: “Cái ông tranh luận chỉ là lời nói đầu môi, chứ lời nói chân thật ông không biết được, nếu ông muốn học chỗ cao sâu, hãy theo làm môn đồ, ta sẽ dạy cho”.

Ngài theo học với Tổ được 3 năm, một hôm Tổ hỏi Ngài: Con theo ta học đạo Thiền tông của Phật Thích Ca có khác gì với đạo Bà La Môn không? Ngài liền trình cho Tổ bằng 44 câu kệ: Bà La Môn dạy tu thiền/ Phải nhìn sâu tận nơi miền xa xăm; Lúc nào tâm phải chăm chăm/ Kiên trì như vậy, thì Thần hiện ra. Chúng sanh trong cõi Ta bà/ Thực hiện được vậy, Thần Thê Ra giúp mình;

Khi thấy Thần hiện thì mừng/ Ngài liền cứu giúp mình đừng lãng quên. Nhiều năm kính lạy ơn trên/ Cầu mong khẩn lạy, Thần trên không về; Theo Thầy chỉ học một đề/ “Thôi, Dừng hay Dứt” không hề dụng công. Chỉ có mấy chữ đã xong/ Luân hồi sinh tử là không theo mình; Không cần cầu khẩn thần linh/ Rơi vào Bể tánh, một mình biết thôi. Tổ ơi, con nay đã “Thôi”/ Những chuyện sinh tử, con thôi không tìm; Thiền tông, thanh tịnh là yên/ Chính chỗ thanh tịnh nhận liền tánh Nghe.

 

Tánh Nghe tánh Thấy không che/ Tánh Thấy thanh tịnh, không che thứ gì; Khi Nghe thanh tịnh một khi/ Nếu Nghe thanh tịnh, cái gì cũng thông. Thiền tông không phải ngóng trông/ Mà chỉ thanh tịnh ở trong Tánh mình; Con thường nhận được lặng thinh/ Sống với Phật tánh, khắp trùm muôn phương. Con nay đã nhận tỏ tường/ Ở trong thanh tịnh là thường an vui;

Trong Tánh không có chữ “Tôi”/ Chỉ có Phật tánh, an vui không lường. Thiền tông Đức Phật dạy thường/ Thường sống thanh tịnh là đường siêu sâu; Thiền tông không cần khẩn cầu/ Vào trong Phật tánh không cầu thứ chi. Không cầu mà đủ không nghì/ Lục căn sáu thứ cái gì cũng thông; Nhìn về khoảng trống trời không/ Lúc nào cũng nhớ công ơn của Thầy.

Con xin kính nguyện tại đây/ Thiền tông con nguyện, tại đây lưu truyền; Thiền tông tuyệt diệu rất thiêng/ Đưa người sinh tử về miền an vui. Tổ Hạc Lạc Na nghe Ngài trình 44 câu kệ, biết Ngài đã được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”, nên nói với Ngài: Trong Huyền ký của Đức Phật có dạy, ông là Tổ sư Thiền tông đời thứ 24. Vậy ông hãy chuẩn bị trong 10 ngày nữa ta sẽ truyền “Bí mật Thiền tông” lại cho ông. Đúng 10 ngày sau, tại chánh điện Thiền tông chùa Thiền tông Nhật Quang buổi lễ truyền “Bí mật Thiền tông” được thực hiện. 

Biệt tài giáo hóa truyền thiền 

Sau khi được truyền thiền, Ngài sang nước Kế Tân hoằng hóa. Trong nước này trước có vị Sa môn tên Bà Lợi Ca chuyên tập  thiền quán  Tiểu thừa. Môn đồ của Bà Lợi Ca sau lại chia làm 5 phái là Thiền định, Tri kiến, Chấp tướng, Xã tướng, Tịnh khẩu. Họ tranh nhau dành phần hơn.

Ngài đến các phái ấy, dùng biện tài vô ngại thuyết phục được 4 phái. Duy phái Thiền định người cầm đầu là Đạt Ma Đạt hay tin này tức giận tìm đến so tài cao thấp với Ngài.  Vừa gặp Ngài, Đạt Ma Đạt nói: Muốn  gặp nhau  vấn nạn  mới đến đây. Ngài hỏi: Nhân giả tập định sao lại đến đây? Nếu có đến đây thì đâu phải thường tập định? Ma Đạt nói: Tôi đến chỗ này mà tâm cũng không loạn, định tùy người tập đâu phải tại nơi chốn.

Ngài hỏi: Nhân giả lại đây thì cái tập kia cũng đến. Đã không phải chỗ nơi thì đâu tại người tập? Ma Đạt nói: Vì định tập người, chẳng phải người tập định. Tuy tôi có đi lại mà cái định ấy vẫn thường tập. Ngài hỏi: Người chẳng tập định, vì định tập người. Vậy chính khi người đi lại, thì cái định ấy tập ai ? Ma Đạt nói: Như hạt minh châu sạch, trong ngoài không bị che, nếu định được  thông đạt  cũng lại như thế. Ngài bảo: Nếu định  thông đạt  giống như hạt  minh châu.

Nay thấy nhân giả không thể sánh được với hạt  minh châu. Ma Đạt nói: Hạt châu kia sáng suốt trong ngoài đều định. Tâm tôi không loạn ví như hạt châu ấy. Ngài bảo: Châu kia không có trong ngoài, nhân giả làm sao hay định? Vật nhơ chẳng giao động, định này chẳng phải sạch. Đạt Ma Đạt biết lý mình bị bẻ gãy, càng kính phục, đành lễ bạch Ngài: Con học đạo còn sơ suyển, nếu không  được lời chỉ dạy của Tôn giả làm sao biết được chỗ tốt.

Cúi xin Tôn giả thương xót nhận con làm học trò. Ngài dạy thêm: Thiền định của chư Phật không có sở đắc. Giác đạo của chư Phật không có sở chứng. Không đắc không chứng là chân  giải thoát. Đền nhân  trả quả  là  nghiệp báo  của  thế gian, ở trong pháp này ắt chẳng như thế. Ngươi nếu tập định nên tập như vậy. Đạt Ma Đạt  vui vẻ  vâng lời dạy. Một hôm, có ông trưởng giả dẫn đứa con đến yết kiến Ngài.

Trưởng giả thưa: Con tôi tên là Tư Đa, từ khi sanh ra cho đến giờ 20 tuổi mà bàn tay trái vẫn nắm chặt lại chưa từng mở ra. Xin Tôn giả từ bi nói rõ nhân đời trước của nó cho con hiểu. Ngài nhìn thẳng vào mặt Tư Đa, rồi đưa tay bảo: Trả hạt châu lại cho ta! Tư Đa liền xòe tay dâng hạt châu cho Ngài. Ông trưởng giả và  đồ chúng  thấy thế đều  ngạc nhiên.

Ngài giải thích: Thuở quá khứ Ta làm vị Tỳ kheo thường được Long Vương thỉnh xuống Long cung tụng kinh, khi ấy, Tư Đa cũng theo ta xuất gia, tên Bà Xá. Một hôm, Long Vương thỉnh ta đi tụng kinh, Bà Xá theo làm thị giả. Tụng kinh xong, Long Vương cúng hạt châu đáp lễ. Ta nhận trao cho  thị giả  giữ trong tay. Ta tịch, sanh nơi đây, vì  nhân duyên  thầy trò chưa hết nên lại  gặp nhau. Ông  trưởng giả  nghe được  tiền duyên  của con mình,  hoan hỷ  cho Tư Đa theo Ngài xuất gia.

Ngài xét duyên xưa và nay nên hợp hai tên lại đặt là Bà Xá Tư Đa. Nhận Bà Xá Tư Đa rồi, Ngài  triệu tập thánh chúng làm lễ truyền giới. Sau đó, Ngài gọi Bà Xá Tư Đa lại bảo: Nơi nước này sắp có  tai nạn  đến cho ta, nhưng tuổi ta đã già yếu đâu mong lánh thoát làm gì. Ta đã được truyền đại pháp nhãn tạng của Như Lai, nay ta trao lại cho ngươi, ngươi nên phụng trì, ngươi mau đi khỏi, lấy sự giáo hóa làm nhiệm vụ.

Nếu có người  nghi ngờ  nên trình cái y tăng già lê của ta đây làm tin. Bà Xá Tư Đa nhận lãnh tuân hành, ngay hôm ấy đi  nơi khác.  Lúc ấy, trong nước Kế Tân có 2 người ngoại đạo  giỏi pháp huyền thuật mưu đồ ám sát nhà vua. Nhưng còn ngại bại lộ cơ mưu, nên chúng đổi hình Tỳ kheo đi làm việc gian ác ấy. Quả nhiên bị quân quan bắt được. Vua Di La Quật hay việc, nổi cơn phẫn nộ, ra lệnh triệt hạ chùa chiền, bắt nhốt tăng chúng.

Vua trách: Lâu nay ta  sùng kính  Phật giáo,  quý trọng Tỳ kheo mà nay họ lại manh tâm sát hại ta, vậy còn  đạo đức  chỗ nào? Bởi sự tức giận ấy, nhà vua đích thân cầm gươm đến chỗ Ngài Sư Tử hỏi: Thầy được không tướng chưa? Ngài đáp: Đã được. Đã được, thì còn sợ sống chết chăng? Đã lìa  sống chết  thì đâu có sợ. Chẳng sợ có thể cho ta cái đầu chăng? Thân chẳng phải cái của ta, huống nữa là đầu.

Vua liền chặt đầu Ngài rơi xuống đất. Nơi cổ phun lên giọt sữa trắng cao chừng một trượng. Cánh tay mặt của vua Di La Quật cũng đứt lìa. Bảy ngày sau vua băng hà. Thái tử Quang Thủ  lên ngôi, lo  mai táng  phụ hoàng và thỉnh chúng tăng cúng dường sám hối. Tăng chúng lo xây tháp thờ Ngài.

Đọc thêm