Thăm bảo tàng của ông vua quạt cổ Việt Nam

(PLVN) - Ngôi nhà số 2 phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trưng bày hàng trăm chiếc quạt cổ, trông như một bảo tàng thu nhỏ. Chủ nhân của ngôi nhà không ai khác là kỷ lục gia Trần Công Phúc, người giữ kỷ lục sở hữu nhiều quạt cổ nhất Việt Nam.
Ông Phúc (phải) và anh Đức đang phục chế một cây quạt cổ. Ảnh tư liệu.
Ông Phúc (phải) và anh Đức đang phục chế một cây quạt cổ. Ảnh tư liệu.

Hồi sinh những chiếc quạt trăm năm tuổi

Từ những năm chín mươi của thế kỷ trước, ông Trần Công Phúc đã nổi tiếng khắp cả nước với khả năng thẩm định giá trị và phục chế những chiếc quạt cổ của mình. Tiếng đồn ngày càng xa, người này giới thiệu người kia nên quạt cổ “về” với ông ngày càng nhiều. Những chiếc quạt nhiều tuổi hơn một đời người, đã “chết” nằm im lìm một xó để bụi phủ qua tay ông lại một lần nữa “sống dậy” thổi mát cho đời. 

Năm 2012, ngôi nhà ở số 2 Tạ Hiện của ông đã có trên dưới 500 chiếc quạt cổ các loại. Ông Phúc được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người có bộ sưu tập quạt cổ nhiều nhất”. Ông Phúc mất năm 2016, ngôi nhà chứa bộ sưu tập bây giờ là nơi sinh sống của vợ và gia đình con trai ông.

Theo lời bà Chu Thị Khuê - vợ của ông Phúc, thì chồng bà vốn được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, ông lại yêu thích cải cổ xưa, vì vậy nên cũng sớm có ấn tượng với những đồ dùng kỹ thuật của Tây Phương. Ông Phúc cũng được gia đình cho học hành đầy đủ nên được tiếp xúc với kiến thức khoa học kỹ thuật, vì vậy mà sớm hình thành niềm đam mê cơ khí. 

Những năm kháng chiến chống Mỹ, khi đang học năm cuối khoa văn trường Đại học Tổng Hợp, ông Phúc được động viên vào miền Trung tham gia sửa chữa những đoạn đường sắt bị bom đánh phá. Hòa bình lập lại, ông Phúc trở về làm công nhân cơ khí của Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Chính tại đây, niềm đam mê cơ khí của ông Phúc có điều kiện phát huy. Kỹ thuật sửa chữa, phục hồi và phục chế những chiếc quạt điện được ông tích lũy trong quá trình sửa chữa những chiếc quạt trên tàu hỏa. Đến những năm tám mươi, ông mở thêm xưởng sửa chữa quạt ở nhà, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa tạo được niềm vui khi được tận tay “hồi sinh” những chiếc quạt cũ.

Một cây quạt cổ của ông Trần Công Phúc.
Một cây quạt cổ của ông Trần Công Phúc.  

Ông Phúc nghỉ hưu năm 1990, vừa có thời gian, kinh tế lại có chút dư giả, lúc này ông có điều kiện để bắt đầu sưu tầm những chiếc quạt cũ, quạt cổ, thỏa mãn đam mê của mình. Hầu hết những chiếc quạt mà ông sưu tầm được đều mang các thương hiệu nổi tiếng châu Âu như Marelli, Emi, Eole ….. Những chiếc quạt này thường được sản xuất vào đầu thế kỷ XX, có đặc trưng là cánh bằng gỗ hoặc đồng vàng, lồng quạt bằng đồng được gia công mềm mại thể hiện tính nghệ thuật rất cao.

Bà Khuê kể rằng, có những chiếc quạt ông Phúc phải đi nhiều ngày, vào đến Cần Thơ, Vũng Tàu, thuyết phục thì chủ cũ mới bán cho. Cũng có những chiếc quạt rất đặc biệt, mang về đến nhà là có người nằng nặc đòi mua lại. Quá trình sưu tầm quạt cổ của ông Phúc hầu hết là mua, tầm được đơn lẻ từng chiếc một, tuy nhiên cũng có vài lần may mắn mua được số lượng lớn mà không tốn quá nhiều công sức.

 “Hầu hết những chiếc quạt mua được là các bà đồng nát nhìn thấy nhà ai có rồi mách cho, rồi ông nhà tôi đến thuyết phục người ta bán. Thế nhưng có những lần như năm 1992, khách sạn Metropole thanh lý một số lượng quạt rất lớn mà toàn quạt cổ, mua về không tốn mấy tiền nhưng tân trang lại có thể bán được cả vài trăm đô la. Cách đây chừng 10 năm, ông nhà tôi có bán chiếc quạt hơi nước cũ không còn chạy được nữa nhưng được những 100 triệu đồng. Tiền hồi đấy có giá lắm, thế nhưng khách cứ nằng nặc đòi mua bằng được”, bà Khuê kể.

Giá trị đặc biệt của quạt cổ

Anh Trần Hồng Đức kế nghiệp cha mình, cũng kế thừa niềm đam mê sưu tầm và phục chế quạt cổ của ông Phúc. Hằng ngày, sau khi tan làm ở công sở, anh lại về cần mẫn lau, sửa, chỉnh để hồi sinh những “thần gió” đã ngủ yên. Cuối tuần hay những dịp rảnh rỗi, hoặc những lúc được ai đó giới thiệu nhà nào có quạt cổ thì anh lại cất công đi thương thuyết tầm về.

“Đam mê nhưng cũng phải nuôi được cuộc sống, sống tốt thì mình mới có điều kiện để theo đuổi đam mê. Những chiếc quạt mà bố tôi yêu thích, tâm huyết thì gia đình sẽ giữ gìn. Còn những chiếc quạt khác, dù bản thân tôi cũng yêu thích, cũng trân trọng nhưng có người mua thì vẫn bán. Mình bán cái này rồi mình lại mua cái khác, vừa thỏa mãn đam mê, vừa phục vụ được cuộc sống”, anh Đức chia sẻ.

Anh Đức cho biết giá trị của những chiếc quạt cổ nằm ở nhiều khía cạnh, về thời gian, về công năng, về tính mỹ thuật, sự đặc trưng hay đôi khi một không gian nào đó thì bắt buộc phải là chiếc quạt đó để vào mới hợp. Những chiếc quạt cổ đặc trưng bởi cánh bằng gỗ quý phái hoặc cánh bằng đồng vàng sáng bóng sang trọng. Gió từ những chiếc quạt cổ cũng có đặc trưng là thoang thoảng, mát dịu như gió tự nhiên.

Người chơi quạt cổ cũng có nhiều nhóm. Có những người chỉ thích chiếc quạt nguyên bản từ khi xuất xưởng, phai màu thời gian, có khi chiếc quạt không còn chạy được nữa người ta cũng thích. Có người mua vì đam mê sưu tầm, tâm đắc tính nghệ thuật của sản phẩm, họ muốn ngắm những đường nét tinh tế của phong cách phục hưng của châu Âu.

“Nhóm khách nhiều nhất là nhóm thích phong cách tân cổ điển. Họ muốn một chiếc quạt cổ nhưng phải đẹp như mới và phải chạy êm như mới. Thường những người này mua những chiếc quạt cổ về để đưa vào những tòa biệt thự phong cách Pháp, lúc này chiếc quạt sẽ kết hợp với những nội thật khác, kết hợp với kiến trúc tòa nhà tạo nên sự thống nhất không thể thay thế. Nói cách khác đã là nhà Tây, nhà Pháp thì phải dùng quạt cổ”, anh Đức nói.

Theo anh Đức, sở dĩ không có nhiều người có thể định giá, có thể phục hồi, phục chế được những chiếc quạt cổ vì công việc này đòi hỏi nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên là kỹ năng, kiến thức của người thợ, điều này có thể học được, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để học. Bố anh và anh đều có điều kiện tiếp xúc những chiếc quạt cổ từ bé, ngày nay những chiếc quạt này đã trở thành đồ hiếm nên không nhiều người được tiếp cận.

Yếu tố thứ hai có thể kể đến là vì những mẫu quạt cổ đều đã ngừng sản xuất, không còn phụ tùng trên thị trường. Muốn phục hồi một chiếc quạt cổ thì phải lấy linh kiện từ nhiều chiếc quạt cổ cùng mẫu, có khi phải rã mấy cái quạt mới phục chế được một cái hoàn chỉnh.

Cũng theo anh Đức, một yêu cầu bắt buộc đối với người làm nghề phục chế quạt cổ là phải yêu, phải trân trọng những giá trị của những chiếc quạt, phải có mắt nghệ thuật nhưng phải có đôi tay cực kỳ kỹ thuật. Nguyên tắc của nghề phục chế đồ cổ là khiến cho đồ vật vẫn giữ nguyên giá trị xưa cũ, tuy nhiên đối với quạt cổ, yêu cầu còn khó hơn đó là chiếc quạt dù cũ nhưng vẫn phải đảm bảo công năng, vẫn phải “chạy” chứ không như những đổ cổ khác chỉ nằm im một chỗ.

Hàng trăm chiếc quạt cổ vốn được sản xuất ở Châu Âu có niên đại trên dưới 100 năm tuổi, nhiều cái chưa kịp được phục chế, nằm ngổn ngang, phủ bụi. Đối với người không biết thì nhìn như đống sắt vụn, nhưng thực sự chúng lại rất đắt giá, riêng với gia đình anh Đức thì đó thực sự là một gia tài, là tâm huyết của một gia đình.

Đọc thêm