Thị trường phân phối bán lẻ chuyển mình theo xu hướng đa kênh, trực tuyến

(PLVN) - Để thu hút người tiêu dùng, ngoài việc cạnh tranh tại điểm bán, ngành bán lẻ còn đang chạy đua ngành dịch vụ thương mại điện tử.
Xu hướng người tiêu dùng hiện nay đang chuyển dần sang mua sắm tiện tích, trực tuyến
Xu hướng người tiêu dùng hiện nay đang chuyển dần sang mua sắm tiện tích, trực tuyến

Xu hướng đa kênh, trực tuyến

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã tác động lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó ngành bán lẻ Việt Nam.

Nếu như trước đây người tiêu dùng Việt Nam chỉ có thể mua sắm ở các cửa hàng, sạp hàng hiện hữu tại kênh bán lẻ truyền thống cũng như bán lẻ hiện đại thì ngày nay, người tiêu dùng hoàn toàn có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mình qua các cửa hàng hiện hữu, đa kênh và trực tuyến. Chính vì vậy, xu hướng TMĐT tiếp tục có vai trò ngày càng tăng trong ngành bán lẻ.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, hiện nay ở Việt Nam, hệ thống phân phối và ngành bán lẻ nội địa đã đóng góp khoảng 15% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu người, với một thị trường rộng lớn, gần 100 triệu dân, tổng mức tiêu dùng đạt khoảng 70%/năm. 50% dân số là người trẻ, thị trường nông thôn còn trống vắng, kênh bán hàng hiện đại mới chiếm khoảng 25% thị phần...

Biểu hiện dễ thấy về cơ hội cho ngành này là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nhiều năm gần đây đều đạt tăng trưởng hai con số; thị trường bán lẻ online tuy mới chiếm 5% doanh số chung nhưng triển vọng sáng sủa. Đặc biệt, trên thị trường hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, các thành phần kinh tế đều có mặt trong hệ thống phân phối nội địa. Vì vậy, sự cạnh tranh trong giai đoạn này ngày càng mạnh mẽ. 

Mua sắm trực tuyến đang là xu hướng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn
Mua sắm trực tuyến đang là xu hướng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn  

Trước thực tế đó, ông Phú dự báo, sự cạnh tranh gay gắt sẽ dẫn đến 4 xu thế phát triển chính của hệ thống phân phối - bán lẻ Việt Nam. Thứ nhất, xu hướng tích tụ dưới hình thức mua bán sáp nhập liên doanh, liên kết hình thành những tập đoàn bán lẻ mạnh như: Central Groups và TTC của Thái Lan đối với Metro, Big C, Nguyễn Kim; Vingroup đối với Fivimart và Shop & Go, Saigon Coop với Auchan…

Thứ hai, xu hướng tạo trải nghiệm đa dạng, phong phú cho khách hàng hình thành những trung tâm mua sắm, giải trí dịch vụ… sử dụng nền tảng công nghệ kỹ thuật số và thiết bị di động của người sử dụng để phục vụ. Điển hình như các trung tâm Vincom Mega Mall, Aeonmall… đã xuất hiện càng nhiều trên thị trường tiêu dùng. Những siêu thị, trung tâm thương mại hàng hóa đơn điệu, phục vụ riêng một số khách hàng, không có các dịch vụ đa dạng kèm theo như Parkson, Auchan đã lần lượt phải đóng cửa.

Thứ ba, xu hướng xây dựng các trung tâm thu mua hàng hóa nông sản thực phẩm ở các vùng miền được các tập đoàn bán lẻ nhắm tới vừa quản lý được chất lượng đầu vào, vừa giảm chi phí vận chuyển tạo đầu ra với giá cả cạnh tranh…

Một xu hướng nữa đó là bán hàng đa kênh, 70% dân số Việt Nam sử dụng các thiết bị di động, với sự phát triển như vũ bão của cộng nghệ số và trí tuệ nhân tạo Al, Bi Data… việc bán hàng qua mạng trở nên dễ dàng, phổ biến với các đơn vị bán lẻ và người tiêu dùng.

Liên quan tới vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, cuộc CMCN 4.0 sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hình thành và phát triển của nhiều hình thức thương mại mới (TMĐT, bán lẻ trực tuyến…) cũng như sự ra đời và phát triển của nhiều phương thức thanh toán (thanh toán điện tử), hỗ trợ cho hoạt động thương mại.

Bên cạnh đó, sự thay đổi về phương thức, quy trình, tổ chức trong sản xuất sẽ tạo ra những thay đổi về phương thức kinh doanh, thay đổi chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong nước. Tạo cơ hội cho cac DN thương mại có thể linh hoạt hơn trong việc tiếp cận mở rộng khả năng phát triên.

Tuy nhiên, theo bà Nga cuộc CMCN 4.0 sẽ đặt ra nhiều thách thức: làm ra tăng tỷ lệ thất nghiệp, nhất là lao động giản đơn ở những công việc có tính chất lặp lại. “CMCN 4.0 diễn ra với tốc độ vô cùng nhanh, điều này sẽ đặt các DN thương mại trong nước trước nguy cơ tụt hậu trong quá trình phát triển so với khu vực, thế giới” – bà Nga nói.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp? 

Muốn phát triển bền vững trong hệ thống phân phối trong xu thế phát triển của CMCN 4.0, ông Vũ Vinh Phú chỉ ra rằng, hệ thống phân phối cần phải có quy hoạch phát triển mạng lưới, điều kiện hạ tầng; Tổ chức những vùng sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất nông sản thực phẩm để cung ứng một cách đều đặn, có chất lượng và hiệu quả cho hệ thống phân phối cả nước…

Bên cạnh đó, cần giảm bớt trung gian vô lý, chi phí vô lý và những đợt “giải cứu hàng hóa” đã xảy ra thời gian vừa qua.

“Phải kiểm soát thị trường bán lẻ và quá trình vận động hàng hóa của hệ thống phân phối một cách công khai, lạnh mạnh, không phiền hà, tiêu cực. Biểu dương những chuỗi phân phối làm ăn tử tế, có trách nhiệm với nhà nước và người tiêu dùng. Nhắc nhở và xử lý những cách làm ăn chụp giật, chèn ép vô lý của những DN có thế mạnh, vi phạm pháp luật, trốn thuế, giản giá, sản xuất và kinh doanh hàng giả…”, ông Phú đề xuất. 

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam cho rằng, các DN bán lẻ trong hệ thống cần bắt tay nhau, đi cùng nhau. Đặc biệt, DN cần phải quan tâm đến thái độ và ý kiến của người tiêu dùng, sự khác biệt giữa các vùng miền để thu hút người tiêu dùng. Đặc biệt, TMĐT sẽ là chìa khóa quan trọng để tiếp cận người tiêu dùng trong cuộc CMCN 4.0 hiện nay.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Lê Việt Nga cho rằng, cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý, tạo môi trường phát triển và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại và hỗ trợ phát triển các hình thức kinh doanh mới (khởi nghiệp, phát triển DN và sản phẩm sáng tạo…).

Đọc thêm