Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo: Vị quan suốt đời vì nước vì dân

(PLVN) - Sau khi đỗ Trạng Nguyên, Nguyễn Đăng Đạo lấy được vợ đẹp như lời hẹn ước. Không chỉ thế, ông còn thể hiện tài năng nơi đất khách quê người, trở thành Lưỡng quốc Trạng Nguyên như Mạc Đĩnh Chi. Dù sau này làm quan to, nhưng Nguyễn Đăng Đạo luôn nghĩ tới cuộc sống của người dân, là một vị quan thanh liêm, chính trực.
Họa hình chân dung Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo.
Họa hình chân dung Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo.

Tài ứng đối nơi xứ người

Từ tháng 1 năm Đinh Sửu 1697 đến tháng 4 năm Mậu Dần 1698, Nguyễn Đăng Đạo đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc) đoàn sứ bộ ta do chánh sứ Nguyễn Đăng Đạo dẫn đầu, suốt mấy ngày ròng phải ăn ngủ ở công quán (nhà khách) vì nhà Thanh cố tình gây những chuyện khó dễ không cho vào triều yết kiến vua. 

Đêm hôm đó có trăng sáng, Đăng Đạo không ngủ được vì lo nghĩ đại sự chưa hoàn thành. Ông đi lại lại nơi tiền sảnh thì bỗng thấy một thiếu nữ xinh đẹp đến trước sảnh cắm một cái biển có đề chữ Nguyệt (trăng), vái ba vái rồi bỏ ra về. 

Đăng Đạo chưa hiểu ý tứ gì nhưng thấy cử chỉ của thiếu nữ dưới trăng có vẻ lạ nên tức cảnh sinh tình nghĩ luôn ra một bài thơ, một bài phú với đầu đề Vịnh trăng sáng và Bái nguyệt đình phú. 

Sáng hôm sau, sứ bộ ta được yết kiến vua Thanh. Buổi tiếp sứ này còn có cả sứ thần của các nước khác nữa. Vua Thanh ra cho các sứ thần một bài phú để thử tài, đề là Bái nguyệt đình phú. Thật trùng hợp, đề bài đúng với đề mà Đăng Đạo đã nghĩ đêm qua. 

Trong khi sứ các nước còn đang ngẫm nghĩ cân nhắc từng câu thì Đăng Đạo ung dung huơ bút viết những nét rồng bay phượng múa. Bài phú của Nguyễn Đăng Đạo làm xong trước nhất dâng lên. Vua quan triều Thanh đều hết sức kinh ngạc. 

Tài ứng đối thiên tài của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo khiến sứ thần Trung Hoa kinh ngạc và khâm phục.
Tài ứng đối thiên tài của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo khiến sứ thần Trung Hoa kinh ngạc và khâm phục.  

Sau đó, viên Hàn lâm nhà Thanh đến mời sứ thần Đại Việt đi vãn cảnh trong vườn thượng uyển thưởng trăng ngắm hoa cùng sứ thần các nước. Đăng Đạo đang cùng các sứ thần say sưa ngắm cảnh thì bỗng viên quan Hàn lâm viện nhà Thanh tức cảnh ra ngay một vế đối : 

"Xuân tiêu phong nguyệt, nguyệt thiêm hoa sắc, phong tống hoa hương hương sinh sắc, sắc sinh hương, hương hương sắc sắc mãn xuân tiêu, tương tư khách hứng tương tư khách. 

(Dịch nghĩa: Đêm xuân, trăng gió, trăng nhuốm sắc cho hoa, gió đưa hương hoa, hương theo sắc, sắc theo hương, hương hương sắc sắc tràn ngập đêm xuân, khách tương tư nhớ thương tương tư). 

Mọi người đều trầm trồ khen vế đối của viên quan nhà Thanh là âm điệp luyến láy đầy chất thơ bổng trầm đầy chất nhạc, khiến các sứ thần bối rối không biết đối ra sao. 

Sứ thần Cao Ly (Triều Tiên) lên tiếng đối trước: "Tùng viện trúc mai, mai sinh ngọc diệp, trúc hóa ngọc chỉ, chí tỷ diệp, diệp tỷ chỉ, chỉ chỉ diệp diệp liên tùng viên, hữu tình nhân thức hữu tình nhân 

(Dịch nghĩa: Mai trúc lầu tùng, mai nở là đẹp, trúc hóa cành đẹp, liền là, lá liền cành, cành cành lá tá sát lầu tùng, người hữu tình biết kẻ hữu tình) Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo đối tiếp rằng: "Hạ nhật cầm thi, thi ngụ ngã tình, cầm ngụ ngã tính, tính viện tình, tình viện tính, tính tính tình tình tình thư hạ nhật, trí âm nhân thức tri âm nhân. 

(Dịch nghĩa: Ngày hạ đàn thơ, thơ ngụ tình ta, đàn hòa tâm tính, tính nương tình, tình nhờ tính, tính tính tình tình ngày hè nhàn rỗi, người tri âm hiểu người tri âm) 

Nghe xong, viên Hàn lâm nhà Thanh nhận xét: "Sứ Cao Ly nói đến trúc mai cùng cành lá tươi tốt. Sực nức một nhà chắc đời sau cũng có công nghiệp lớn. Còn sứ thần nước Nam lấy đàn thơ nói đến chuyện đàn thơ cùng hòa nhã chung đúc tạo hóa vào cả ở thân mình, từng câu từng chỗ chọi nhau chan chát, tất đời sau sự nghiệp sẽ hiển vinh rực rỡ ngang trời. So với câu của sứ Cao Ly thì câu của sứ thần nước Nam mang sắc riêng biệt. Ôi! Quả là lời đẹp ý hay". 

 

Văn tài của Đăng Đạo đã làm cho vua Thanh cùng triều đình và sứ thần các nước thán phục. Chính nhờ vậy mà triều đình nhà Thanh đã thay đổi thái độ kẻ cả, trịnh thượng, việc luận bàn về biên giới được tra xét rõ ràng. Bằng sự kiên quyết và khéo léo, Nguyễn Đăng Đạo đòi lại ba động Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc xứ Tuyên Quang.

Nguyễn Đăng Đạo được nể trọng, vua Thanh quyết định phong cho ồng là Trạng nguyên của Bắc Triều, ban mũ áo võng lọng và cho ông vinh quy về nước. 

Đăng Đạo cùng đoàn sứ bộ hoàn thành nhiệm vụ trở về, xứng đáng với sứ mệnh vua giao. Đoàn sứ bộ nước ta khi qua các tỉnh của Trung Quốc, đi đến tỉnh nào tỉnh ấy cũng phải đón rước long trọng. 

Vị quan nghĩ đến dân làng

Làm tới chức Tể tướng Thượng thư nhưng Nguyễn Đăng Đạo không bao giờ quên rằng dân ta còn rất đói khổ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. 

Nguyễn Đăng Đạo đã thường xuyên quan tâm đến đời sống dân chúng. Những dịp từ triều đình về quê ông thăm hỏi khuyến khích việc cần lao, việc học hành của dân quanh vùng. Tôn trọng truyền thống tín ngưỡng của một vùng quê nhiều chùa chiền thờ thần, ông còn góp tiền cho xây dựng tu bổ đình đến miếu mạo ở quê hương, Chùa Bách Môn tương truyền là do ông cho tu bổ xây dựng lại trong thời kỳ này. 

Nhân dân làng Hoài Bão vẫn còn nhớ câu chuyện quan trọng chia ruộng vua ban cho dân xưa kia. Đấy là, do việc Nguyễn Đăng Đạo được triều đình ban cho ruộng lộc, vốn tính liêm khiết ông nhất mực từ chối không nhận. 

Vua và các triều thần nói mãi, ông Đăng Đạo bèn xin lĩnh khu ruộng bỏ hoang đầy lau lách và cỏ dại, xấu nhất gọi là cánh đồng cầu Vực. Sau đó, ông cho các gia đình nghèo khó ra đó phát cỏ, cải tạo đổ làm thành ruộng cày cấy được. Khi đã trở thành khoảnh ruộng tốt ông chia hẳn cho các gia đình... 

Nhân dân quanh vùng còn nhớ ơn ông Nguyễn Đăng Đạo cứu đói cho dân. Một năm kia, trời làm mất mùa, dân chúng quê ông đói khổ, làng xóm tiêu điều. Thấy vậy ông liền viết thư về khuyên phu nhân phát tiền gạo cứu giúp người nghèo đói, với lời lẽ cảm động và tình thương dân sầu nặng của vị quan đại thần : 

"Ta nhân danh làm quan đại thần coi việc triều đình không nỡ ngồi mà nhìn nhân dân ta đói mà không xót thương, phu nhân hãy đem tiền thóc của nhà ra mà cứu đói, cấp thóc cho dân gieo mạ cấy ổn định cuộc sống đỡ khốn khó". 

Nhờ đó mà dân địa phương qua được bước khó khăn, làm vụ sau bội thu. Dân chúng được no ấm, cảm ơn ân nghĩa và công đức của quan Trạng Đăng Dạo dã có lời ca truyền tụng: "Bất hữu Trạng nguyên tiền/ Ngô dân hà dĩ an/ Bất hữu Trạng nguyên túc/ Ngô dân hà dĩ dục/ Tướng công chỉ đức/ Lịch vạn thế nhỉ bất vong.

Nghĩa là: "Không có tiền quan Trạng, dân ta làm sao sống yên lành. Không có lúa của quan Trạng, dân ta làm sao nuôi nhau được. Đức của Tướng công. Công ơn của Tướng công. Trải muôn đời nhắc nhở khôn cùng".

Thấy dân đi từ làng Khắc Niệm ra chợ Bịu, phải lội qua một ngòi nước giữa đồng, đi lại rất khó khăn, Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo liền lấy tiền riêng của gia đình cho dân làm một chiếc cầu, có mái lợp để mọi người qua lại được thuận tiện và làm chỗ tránh mưa nắng. 

Tục gọi đó là "Cầu Còng", còn nhân dân địa phương thì yêu mến gọi đó là "Cầu vồng quan Trạng". Cũng xuất phát từ điển tích yêu thương, lo cho cuộc sống của người dân vùng này, mà Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo còn được dân gian gọi yêu thương là "Trạng Bịu", để dễ nhớ và dễ gọi tên ông.

Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo trải qua nhiều chức quan như Bồi tụng, Hộ bộ Hữu Thị lang, Lại bộ Hữu Thị lang, Ngự sử đài Đô ngự sử, Binh bộ Thượng thư,… sau được thăng Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, tước Thọ Lâm bá. 

Trong thời gian làm quan, ông hai lần được giữ chức Tri Cống cử trông coi việc tuyển dụng nhân tài cho đất nước ở kỳ thi Hội. Từng đi sứ lập được nhiều công trạng lớn.

Sau 35 năm phụng sự cho triều Lê Trung Hưng, ông về trí sĩ. Nguyễn Đăng Đạo mất năm Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719) thọ 69 tuổi. Khi mất, ông được phong tặng Lại bộ Thượng thư, tước Thọ Quận công, đồng thời được sắc phong làm Phúc thần phối thờ ở đình làng Hoài Bão.

Đọc thêm