Truyền thuyết về Thám Thủ La Hán vươn vai hít một hơi, thổi bay phiền não thế gian

(PLVN) - Bán Thác Già, hay còn gọi Bán Thác Ca Tôn Giả – Thám Thủ La Hán, là người sinh ra ở ven đường, sau khi tĩnh tọa xong thường vươn tay duỗi người nên gọi là Thám Thủ. Khi xuất gia, Ngài thích ngồi thiền bán già. Khi thức dậy, Ngài thường giơ tay lên và thở một hơi dài, thanh tịnh và sảng khoái nên được gọi là Thám Thủ La Hán, vị A La Hán giơ tay.
Tượng đá La Hán Thám Thủ.
Tượng đá La Hán Thám Thủ.

Thập bát La hán (18 vị La Hán) là danh xưng được dùng trong các giai thoại về các vị A-la-hán trong Phật giáo Đại thừa. Hình tượng 18 vị La hán là một chủ đề phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo, ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc và Việt Nam. Theo đó, 18 vị La hán thường được trình bày theo thứ tự dưới đây, không phân biệt theo thời điểm đắc đạo: Tọa Lộc, Khánh Hỷ, Cử Bát, Thác Tháp, Tĩnh Tọa, Quá Giang, Kị Tượng, Tiếu Sư, Khai Tâm, Tham Thủ, Trầm Tư, Khoái Nhĩ, Bố Đại, Ba Tiêu, Trường Mi, Kháng Môn, Hàng Long và Phục Hổ.  

Tại Việt Nam, ngoài chùa Tây Phương (Hà Nội) nổi tiếng với 18 pho tượng La Hán thể hiện đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc thì có rất nhiều ngôi chùa có vườn tượng La Hán hoặc tại các khu văn hóa tâm linh. 

La Hán Thám Thủ được hạ sinh bên đường

Ngài có khả năng giải thích những điều nghi ngờ khó khăn trong hàng Thanh Văn và có thần thông diệu dụng phi thường. Ngài có thể đi ngang qua các vật cứng, bay trên hư không, trên thân phát ra lửa hay nước tùy ý. Ngài có thể hóa thân nhỏ dần cho đến không còn gì nữa. Đôi khi đức Phật bảo Ngài dùng thần thông để điều phục và bắt các vua rồng dữ bỏ vào bình bát.

Theo kinh Tăng Nhất A Hàm 3, do sức ẩn hiện tự tại, Ngài được gọi là Tỳ Kheo Bàn Thố”. Tôn giả Bán Thác Ca là vị La Hán thứ mười và cũng chính là anh của Chú Trà Bán Thác Ca. Hiện tại, ngài đang cùng một ngàn ba trăm vị đệ tử trú tại cõi trời Ðao Lợi, nơi thân mẫu đức Phật ở. Vì ra đời ngay bên đường nên ngài được đặt tên là Bán Thác Ca, tên này tiếng Hán dịch là Ðại Lộ Biên Sanh, nghĩa là sinh ra bên đường lớn.

Nguyên nhân là do mẹ ngài vốn là một thiên kim tiểu thư, con nhà hào phú trong thành Vương xá ở Ấn Ðộ. Cô ta đem lòng yêu một người đầy tớ trong nhà mình, nhưng cha mẹ không đồng ý hôn sự của họ. Không còn cách nào hơn, cô bỏ nhà đi theo chàng đầy tớ đến nơi khác cưới nhau. Sau một thời gian sống bên nhau, mẹ ngài mang thai ngài.

Theo phong tục Ấn Ðộ đương thời thì người phụ nữ khi sanh nhất định phải về lại nhà mẹ mình. Nhưng vì bỏ nhà đi, về lại sợ cha mẹ mắng nên mẹ ngài không dám về. Không biết phải làm thế nào, vì chuyện này mà ngày nào mẹ ngài cũng sầu muộn lo âu. “Ðợi qua một tuần nữa hãy hay”! Lần nào cha ngài cũng trả lời như vậy.

 

Thật ra, ông ta cũng không biết phải làm sao. Thấy bụng ngày càng lớn, mẹ ngài sốt ruột lo lắng. Nhưng cách tính dây dưa kéo dài ngày này qua ngày kia ra thì họ không còn cách nào tốt hơn. Cuối cùng, cận kề ngày sinh, không thể nấn ná thêm nữa, mẹ ngài quyết định về lại nhà.

Nhưng khi vừa đi đến nửa đường thì sinh ngài, nên chẳng bao lâu họ quay về lại chỗ cũ. Năm năm sau, mẹ ngài tiếp tục mang thai, lần này chính là Châu Lợi Bàn Đà Già hay còn gọi là Trú Trà Bán Thác Ca, tức là La Hán Kháng Môn. Giống như anh mình, Châu Lợi Bàn Đà Già cũng được sanh giữa đường lúc mẹ về nhà ngoại.

Do đó, gia đình họ lại dọn về chỗ cũ, rốt cuộc không đến thành Vương-xá. Vì mưu sinh nơi tha phương khó khăn, sinh hoạt thường nhật vất vả, cha ngài không lo nổi cuộc sống cho gia đình, nên mẹ ngài quyết định đưa hai anh em ngài về nhà ông bà ngoại. Ông ngoại ngài nghe tin con gái về, bực tức trong lòng chưa nguôi nên cự tuyệt không cho vào nhà.

Tuy nhiên, ông đồng ý cho cô ta để lại hai đứa cháu và bằng lòng nuôi chúng tử tế. Như vậy, hai anh em ngài từ nhỏ đã theo sống với ông bà ngoại. Vì ông ngoại là một hào phú nên cuộc sống hai huynh đệ ngài rất sung túc thoải mái. Mặc dù là anh em ruột nhưng họ lại khác nhau rất xa. Bán Thác Ca thì thông minh lanh lợi, nhiều kinh sách chỉ xem qua một lần là thuộc lòng, không bao giờ quên.

Còn Châu Lợi Bàn Đà Già thì ngu đần ngốc nghếch ngay cả cây chổi cũng không nhớ. Năm tháng thắm thoát trôi qua, mới đó mà Bán Thác Ca đã là một thanh niên trí thức. Ngài thường theo ông ngoại đến nghe đức Phật thuyết pháp, rồi trong lòng ôm ấp ý định xuất gia. Một hôm, ngài quyết định thưa với ngoại rằng mình muốn xuất gia và xin phép ông ngoại bằng lòng. 

Dìu dắt em trai cùng chứng quả

Nghe vậy, ông ngoại hết lời khen ngợi: “Tốt lắm! Xuất gia tu hành được là phước báo nhiều kiếp, ông vui mừng không gì bằng, sao lại không đồng ý cơ chứ!”. Không ngờ mới nói qua một tiếng mà ông ngoại ngài liền chấp thuận. Sau khi xuất gia, nhờ tư chất thông minh cộng với sự dũng mãnh tinh tấn đêm ngày, nên không bao lâu ngài chứng quả A La Hán.

Sau khi chứng quả, ngài nhớ đến đứa em ngu dốt ở nhà, trong lòng nghĩ: “Nếu như Châu Lợi Bàn Đà Già cũng được xuất gia thì hay biết mấy nhỉ?”. Vì thế nên sau khi thưa thỉnh và được ông ngoại đồng ý, ngài dẫn Châu Lợi Bàn Đà Già đến Phật xin quy y xuất gia làm Sa môn. Mặc dù đã xuất gia nhưng vì quá tối trí nên đạo nghiệp Châu Lợi Bàn Đà Già vẫn không chút tiến triển.

Do đó, Bán Thác Ca khuyên ngài nên hoàn tục. Bán Thác Ca đối xử với em mình như thế cũng là vì tình thương và trách nhiệm sâu sắc. Huống gì sau này Châu Lợi Bàn Đà Già cũng chứng quả, công dẫn dắt ngài đầu tiên đến với Phật của Bán Thác Ca không phải không có. Có lần danh y thành Vương xá là Kỳ bà thỉnh đức Phật và các vị đã chứng quả A La Hán đến nhà thọ trai.

 

Bán Thác Ca được giao phụ trách việc kiểm số lượng xem có bao nhiêu vị La Hán tham gia buổi trai tăng này, còn Kỳ bà chỉ căn cứ vào danh sách mà Bán Thác Ca đưa ra để chuẩn bị chỗ ngồi. Lúc đó, Châu Lợi Bàn Đà Già vừa ngộ đạo nhờ pháp tu quét rác. Nhưng ngài không thích phô trương nên chẳng ai biết, ngay cả Bán Thác Ca cũng không hay. Do đó, khi lên danh sách, Bán Thác Ca không ghi tên em mình.

Vì vậy, đến ngày trai tăng chỉ có một mình Châu Lợi Bàn Đà Già ở lại tinh xá. Ðợi mọi người đều ngồi vào đại sảnh nhà Kỳ bà, khi chuẩn bị thọ trai thì đức Phật bảo: Chờ một chút, còn một vị La Hán chưa đến. Nghe đức Phật nói, Bán Thác Ca thấy lạ, đối chiếu danh sách cẩn thận một lần nữa thấy những người có tên đều đến đầy đủ, ngài cung kính bạch Phật rằng không sót một ai! Phật liền bảo ông về lại tinh xá xem còn vị La Hán nào chưa đến không.

Lúc này, Châu Lợi Bàn Đà Già biết trước anh mình sẽ về nên muốn bày trò đùa với anh và luôn tiện để cho anh biết sự bất ngờ rằng đứa em ngu ngốc cũng ngộ đạo. Do đó, ngài vận thần thông biến ra hơn một ngàn vị hòa thượng khác nhau, mỗi vị tọa thiền mỗi nơi. Khi trở về, Bán Thác Ca thấy ngạc nhiên, thầm nghĩ: “Sao lại có nhiều vị Hòa thượng đến thế này?”. Ngài liền tọa thiền nhập định dùng thiên nhãn quán xét tường tận thì mới vỡ lẽ. Bán Thác Ca vui mừng khôn xiết, liền xuất định đứng dậy ôm chầm lấy em xúc động chúc mừng em trai đã chứng quả.

Châu Lợi Bàn Đà Già cũng vui mừng ôm lấy anh xúc động cảm ơn người anh đã lân mẫn dẫn dắt, dạy bảo mình Khi hai anh em ngài cùng đến đại sảnh, cả pháp hội ai cũng cảm động, nhiệt liệt tán thán ngợi khen. Ngay lúc ấy, đức Phật bảo: Này Bán Thác Ca và Châu Lợi Bàn Đà Già! Thật khó ai được như hai anh em các ông vừa cùng xuất gia học đạo, vừa tận trừ tất cả phiền não lậu hoặc, chứng quả A La Hán, thọ hưởng pháp lạc thanh tịnh vô thượng, thật đáng mừng đáng quí.

Sau này, hai ông nên đồng tâm hiệp lực cùng nhau lưu lại nhân gian hoằng dương Phật pháp, tạm thời không được rời xa!. Khi đức Phật tuyên bố hai ngài được chọn vào hàng mười sáu vị La Hán lưu lại thế gian thì bầu không khí pháp hội càng trở nên tưng bừng hân hoan.

Đọc thêm