Về Lam Kinh nghe chuyện trung thần - Kỳ 2: Huyền thoại bà chúa Dầu

(PLVN) - Góp phần làm nên chiến thắng cuộc kháng chiến chống quân Minh, không chỉ có những trung thần, nghĩa sĩ mà cả những người dân thường cũng dũng cảm phi thường, sau này được phong thần, được người đời sau truyền tụng. Đơn cử như câu chuyện huyền thoại về bà chúa Dầu. 
Một góc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Một góc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Ở Lam Kinh có ngọn núi Dầu là một trong những vị trí rất quan trọng làm hậu chẩm cho toàn bộ khu trung tâm điện miếu, từng đi vào áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Ta đây- núi Lam Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình”.

Núi Lam Sơn - nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nay còn được gọi với cái tên khác là núi Dầu. Truyền thuyết kể rằng: Khi Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa, ông đã tìm ngọn núi ở gần vùng đất Lam Sơn, cho quân đêm đêm đốt đèn trên núi để chiêu quân. Đèn thắp đêm này qua đêm khác để cho nghĩa sĩ bốn phương biết hướng tìm về Lam Sơn tụ nghĩa.

Toàn cảnh Thành điện Lam Kinh chụp từ trên cao.
Toàn cảnh Thành điện Lam Kinh chụp từ trên cao. 

Dầu thắp đèn cần dùng rất nhiều nên phải có người thường xuyên tiếp tế. Do quân Minh bao vây, chặn các ngả đường nên việc tiếp tế dầu thắp, quân lương gặp nhiều khó khăn, hao tổn không biết bao xương máu. Tương truyền, quân Minh gặp bất kì một người đàn ông nào ngược núi đều nghi là người của nghĩa quân và đem sát hại, giết nhầm hơn bỏ sót.

Trong hoàn cảnh đó, có một người đàn bà ở dưới xuôi liều mình lên núi đem dầu bán cho trại chủ Lam Sơn. Không ai biết tên bà là gì, chỉ biết bà bán dầu nên quen gọi là bà Dầu. Để giữ  bí mật, Lê Lợi cho quân chỉ mua dầu của người đàn bà ấy.

Bà hàng dầu ngày ngày gánh dầu cùng nhu yếu phẩm lên tiếp tế cho nghĩa quân, quân Minh dò biết được nên đã đón đường bắt được bà. Chúng dùng đủ cực hình tra khảo nhưng bà không tiết lộ bí mật, cuối cùng chúng đã giết bà. 

Họa hình Lê Lợi lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn.
 Họa hình Lê Lợi lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn.

Sau khi bà hàng dầu bị giết, có một thời gian quân không đủ dầu thắp, ngọn đèn trên núi không còn le lói như xưa. Lê Lợi biết tin cảm động về lòng yêu nước của bà hàng dầu, nhớ ơn bà, vị chủ tướng sai nghĩa quân đem thi hài của bà về núi Lam Sơn để an táng, đặt tên cho ngọn núi ấy là núi Dầu.

Hiện núi Dầu cách khu di tích Lam Kinh 2km, trên núi có một miếu nhỏ thờ bà chúa Dầu, khách thập phương hành hương đến Lam Kinh thắp hương cho bà Dầu vừa để tưởng nhớ tấm lòng trung trinh của người liệt nữ, vừa để cầu cho bản thân và gia đình giàu có, thịnh vượng. Với người dân xứ Thanh, miếu bà Dầu tương tự như đền bà chúa Kho, được người dân đến xin tài lộc, ngân khố.

(Đón đọc: Đền Ngọc Lan - trạm chiêu binh của nghĩa quân Lam Sơn) 

Đọc thêm