Về Lam Kinh nghe chuyện trung thần - Kỳ cuối: Bà chúa Chầm - người nuôi giấu nghĩa quân Lam Sơn hóa Thánh

(PLVN) - Nằm cách Khu di tích Lam Kinh 6km, đền bà Chúa Chầm tọa lạc ở làng Chầm, xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá. Ngôi đền thiêng là nơi thờ bà chúa Chầm - người phụ nữ khi sống kiên trung có công với nước với dân, khi mất hóa Thánh nữ che chở, bảo vệ dân làng. 
Mái vẩy đại điện Lam Kinh.
Mái vẩy đại điện Lam Kinh.

Từ khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (tỉnh Thanh Hóa) xuôi theo đường Hồ Chí Minh hướng đi Ngọc Lặc khoảng 6 km đến ngã ba Si, rẽ trái khoảng 10 km là đến Khu di tích đền thờ bà chúa Chầm. 

Theo câu chuyện truyền ngôn của nhân dân quanh vùng còn lưu giữ, bà chúa Chầm là một người con gái hiền lành, phúc hậu, sống đơn thân nhà một mẹ một con. Không ai biết tên thật của người phụ nữ này, chỉ biết bà ở làng Chầm nên sau này gọi là bà Chầm, rồi bà chúa Chầm.

Hoàn cảnh bà Chầm éo le, cơ cực là thế nhưng bà là người có chí khí, tiết nghĩa, kiên trung. Trong 10 năm gian khổ chống giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn từng đi vào thi ca, sử sách như trong Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi có viết: "Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Khi Khôi huyện quân không một đội".

Cặp voi đá niên đại hàng trăm năm tuổi trước lăng mộ vua Lê Thái Tổ trong Khu di tích Lam Kinh (ảnh: Báo ảnh Việt Nam).
Cặp voi đá niên đại hàng trăm năm tuổi trước lăng mộ vua Lê Thái Tổ trong Khu di tích Lam Kinh (ảnh: Báo ảnh Việt Nam). 

Tương truyền, do bị giặc vây hãm, nhiều lần nghĩa quân Lam Sơn đã phải rút lên vùng núi phía Tây, một trong những lần đóng quân ở đây, Bình Định Vương Lê Lợi đã gặp mẹ con bà Chầm, được hai mẹ con bà giúp đỡ rất nhiều.

Không chỉ bà Chầm có tấm lòng vì nước, vì dân, hết lòng giúp đỡ quân sĩ, làng Chầm cũng là địa phương tham gia, đóng góp nhiều công sức cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thắng lợi.

Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, đóng đô ở Đông Kinh (kinh thành Thăng Long), nhà vua cho đón bà ra hoàng cung ở, cũng như những cung phi khác. Tương truyền, trong một lần về thăm quê làm giỗ mẹ, thuyền chở bà cùng cả đoàn theo dòng sông Âm đến đoạn sông Hón Vắng (Xa Vắng), nay thuộc đại phận xã Phùng Giáo, thì bỗng nhiên trời nổi bão, thuyền bị chìm, bà rơi xuống dòng Hón Vắng và bị nước cuốn trôi. Thi hài của bà sau đó được an táng trên đồi cao (Đồi Lăng).

Để tưởng nhớ đến công lao của bà, nhân dân địa phương đã lập đền thờ tại làng để thờ, tên đền thờ cũng là tên của làng, đó là làng Chầm và đền thờ bà chúa Chầm. Dân gian truyền rằng ngồi đền này nổi tiếng linh thiêng, người thành tâm cầu gì được nấy. Dân gian quen gọi là đền thờ bà chúa Chầm, tôn bà là vị Thánh nữ che chở, bảo vệ cho dân làng.

Năm Đại Bảo thứ 9 (1934), triều đình đã ban sắc phong Mỹ tự cho bà là: Trinh Uyển tôn thần (vị thần có tấm lòng trung trinh). Nội dung Sắc phong ghi: "Chòm Chầm, xã Phùng Giáo, tổng Vân Am, châu Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá, thờ phụng vị cung phi tiên bà Tôn Thần, là vị thần đã bảo vệ đất nước, che chở cho nhân dân rất là linh thiêng.

Nay xét thấy, công đức của thần (tức bà chúa Chầm) mà phong cho thần là Trinh Uyển tôn thần và cho phép chòm Chầm thờ phụng chu đáo để mong được vị thần bảo vệ cho đất nước, che chở cho nhân dân. Kính cẩn thay! Ngày 27 thánh 07 năm Đại Bảo thứ 9 (1934). (người dịch sắc phong là ông Trịnh Ngữ (nguyên trưởng Ban Quản lý Khu di tích Lam Kinh).

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, đền thờ bà chúa Chầm được xây dựng vào thế kỷ XVI - XVII. Đến những năm 1958 - 1960, trong phong trào bài trừ mê tín dị đoan, người dân đã phá dỡ ngôi đền cổ, đem chân tảng làm những công trình phúc lợi. Hiện nay vết tích đền cũ chỉ còn lại một số chân tảng bằng đá, cùng với một số hiện vật là đồ thờ.

Để tưởng nhớ công lao của bà, năm 1997 nhân dân địa phương cùng dòng họ Lê đã đứng ra quyên góp tiền của để dựng lại ngôi đền mới trên nền đất cũ để thờ phụng bà. Ngày nay đền bà chúa Chầm là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương và du khách. 

Đọc thêm