Vụ phạt, truy thu thuế Coca Cola Việt Nam: Lời cảnh tỉnh tới các doanh nghiệp FDI trốn thuế

(PLVN) - Sự việc Coca – Cola Việt Nam bị cơ quan thuế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế hơn 821 tỷ đồng khiến dư luận hài lòng. Bởi theo nhiều chuyên gia, hiện tại vẫn còn nhiều “ông lớn” FDI có chung tình trạng như Coca – Cola. Hành động quyết liệt của cơ quan chức năng đối với Coca Cola Việt Nam giống như lời cảnh tỉnh đối với các doanh nghiệp FDI khác đang hoạt động tại Việt Nam.
Vụ phạt, truy thu thuế Coca Cola Việt Nam: Lời cảnh tỉnh tới các doanh nghiệp FDI trốn thuế

821 tỷ đồng tiền xử phạt

Bên lề Hội nghị ngành Tài chính vừa diễn ra, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết, vừa qua thanh tra đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty TNHH nước giải khát Coca – Cola Việt Nam. Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp 821 tỉ đồng.

Theo ông Minh, hiện tại, Coca-Cola Việt Nam đã nộp số tiền thuế gốc hơn 471 tỉ đồng. Trong thời gian 10 ngày kể từ khi quyết định được ký, Coca-Cola Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ nộp số tiền bị truy thu, phạt theo quyết định của cơ quan thuế vào ngân sách nhà nước.

Trong đó, số thuế giá trị gia tăng (GTGT) bị truy thu là hơn 60 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỷ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỷ đồng… Cơ quan thuế cũng tính tiền chậm nộp hơn 288,6 tỷ đồng và lưu ý số tiền chậm nộp này mới tính đến hết ngày 16/12/2019. Theo Tổng cục Thuế, Coca - Cola phải có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp thuế kể từ sau ngày 16/12/2019 đến thời điểm nộp số thuế truy thu và phạt vào ngân sách nhà nước.

Coca-Cola Việt Nam bị phạt, truy thu thuế hơn 821 tỉ đồng (Ảnh minh họa)
Coca-Cola Việt Nam bị phạt, truy thu thuế hơn 821 tỉ đồng (Ảnh minh họa) 

Ngoài ra, qua thanh tra cơ quan thuế còn giảm số lỗ phát sinh trong niên độ thanh tra hơn 762 tỷ đồng, xác định số lỗ của giai đoạn trước (từ 2002-2006) không được chuyển lỗ là hơn 202,3 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ (tháng 12/2015) chuyển kỳ sau là hơn 72,8 tỷ đồng.

Theo quyết định, Tổng cục Thuế yêu cầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, Coca – Cola phải nộp số tiền trên vào ngân sách. Quá thời hạn trên, Coca – Cola5rfa sẽ bị cưỡng chế nếu không chấp hành. Coca – Cola có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định này.

Chỉ là những “sai sót nhỏ”

Liên quan đến sự việc, trao đổi với PLVN, đại diện Coca – Cola ông Peeyush Sharma, Tổng Giám đốc Coca - Cola cho biết, từ tháng 3/2017 - 12/2019, Tổng cục Thuế Việt Nam đã thực hiện một đợt thanh tra thuế tại Coca – Cola, thanh tra lượng hồ sơ trong suốt thời kỳ 9 năm hoạt động của công ty, từ năm 2007 – 2015. 

“Coca – Cola đã tích cực hợp tác với Tổng cục Thuế, cung cấp những thông tin được yêu cầu và các tài liệu cần thiết cho việc kiểm toán…”- ông Peeyush Sharma khẳng định.

Bên cạnh đó, lý giải về số thuế khai sai, đại diện Coca - Cola cho rằng, trong quá trình thanh tra, công ty nhận thấy rằng, trong 9 năm hoạt động từ 2007 - 2015 tại Việt Nam, đã có một số nhầm lẫn về diễn giải đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Coca – Cola.

Ông Peeyush Sharma cho rằng đó chỉ là những “sai sót nhỏ”, những “nhầm lẫn không đáng có” dẫn tới kết quả có một vài “thiếu sót” trong việc kê khai chứng từ thuế đối với các giao dịch không liên kết làm phát sinh số tiền thuế và tiền phạt phải nộp cho thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thuế nhà thầu nước ngoài.

Ông Peeyush Sharma cũng cho biết, Coca – Cola bắt đầu kinh doanh tại thị trường Việt Nam vào năm 1994, nhưng phải từ năm 2013 trở đi, Coca - Cola mới có lợi nhuận và công ty bắt đầu nộp thuế TNDN từ năm 2015 sau khi đã khấu trừ các khoản lỗ được kết chuyển theo luật Việt Nam.

Tổng Giám đốc CCBVL cũng xác nhận số tiền hơn 471 tỷ đã nộp cho cơ quan thuế nhưng đây là số tiền tạm nộp được ấn định trên các hạng mục chưa thống nhất với Tổng cục Thuế theo thời hạn 10 ngày dù Coca - Cola không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng cục Thuế.

“Coca - Cola giữ nguyên quan điểm của mình rằng hoạt động công ty hoàn toàn tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Quan điểm này được thể hiện rõ ràng trong tất cả các văn bản giải trình và tài liệu đã được nộp lên Tổng cục Thuế trong đợt thanh tra. Coca - Cola sẽ tiếp tục làm việc sâu sát cùng các cơ quan chính phủ có liên quan cho vấn đề này, để phù hợp với cam kết phát triển bền vững của công ty trong việc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với tinh thần minh bạch và tuyệt đối tuân thủ pháp luật Việt Nam…”- Tổng Giám đốc Coca – Cola nhấn mạnh.

Chiêu bài “chuyển giá”

Nhiều người tự hỏi, tại sao một doanh nghiệp FDI lớn như Coca – Cola có thể trốn thuế tại Việt Nam với một con số lớn như vậy trong quãng thời gian dài. Câu trả lời nằm ở việc, từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, trong nhiều năm liền công ty Coca - Cola Việt Nam đều khai báo lỗ. Nhiều nghi vấn cho rằng đây chính là chiêu bài “chuyển giá” hòng trốn khoản thuế khổng lồ của công ty này trong nhiều năm qua.

Đây là một vấn đề nhức nhối đối với ngành thuế Việt Nam, Coca – Cola từng ngày bòn rút đồng tiền từ người tiêu dùng để đổ về công ty mẹ ở nước ngoài mà không để lại một chút lợi nhuận nào cho Việt Nam.

Theo báo cáo hoạt động kinh doanh của công ty Coca- Cola tại cục thuế TP Hồ Chí Minh, trong nhiều năm có mặt tại thị trường Việt Nam công ty liên tục thua lỗ.

Theo đó, năm 2006 công ty này đạt doanh thu 1.026 tỉ đồng nhưng lỗ đến 253 tỉ đồng; năm 2007 lỗ 198 tỷ đồng; năm 2010 doanh thu lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng và năm 2011 mức lỗ là 39 tỷ đồng. Theo số lũy kế đến năm 2011 công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng. Như vậy trung bình mỗi năm công ty này lỗ100 tỷ đồng.

Nhà máy Coca-Cola trên xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức, TP.HCM (Ảnh: Tuổi trẻ)
Nhà máy Coca-Cola trên xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức, TP.HCM (Ảnh: Tuổi trẻ) 

Tình trạng này của Coca – Cola đã được cơ quan chức năng mà trực tiếp là Cục thuế TP Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đưa doanh nghiệp này vào danh sách công ty có nghi vấn về dấu hiệu “chuyển giá”.

Tại TP HCM, theo thông tin của Cục thuế, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực siêu thị, bán lẻ, nước giải khát đứng đầu danh sách các doanh nghiệp luôn báo lỗ. Một số báo cáo khác cho thấy có đến 90% số doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP HCM có báo cáo tài chính lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp nội địa hoạt động trong cùng ngành lại có lãi.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng điều này thật mâu thuẫn khi nhìn chung các doanh nghiệp nội địa thường được đánh giá có năng lực và lợi thế cạnh tranh thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI cùng ngành.

Trường hợp Pepsi Việt Nam cũng tương tự như Coca- Cola Việt Nam. Vào Việt Nam sớm hơn Coca-Cola (năm 1991) nhưng trong suốt gần 20 năm hoạt động, Pepsi Việt Nam cũng liên tục kê khai lỗ và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài lĩnh vực nước giải khát, lĩnh vực phân phối cũng đối diện với nghi án chuyển giá. Một trong những trường hợp điển hình có thể kể đến là Adidas. Adidas AG là một công ty đa quốc gia được thành lập vào năm 1948 tại Đức, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất dụng cụ thể thao.

Các sản phẩm của Adidas đã đến Việt Nam rất sớm từ năm 1993 và đến năm 2009 thì một công ty con của Adidas mới được thành lập ở Việt Nam. Từ cuối năm 2012, báo chí Việt Nam đã đăng một số bài báo nghi vấn về việc Adidas Việt Nam chuyển giá.

Ngoài ra, các công ty như Metro Việt Nam, Công ty Keangnam Vina, Công ty Chế biến trà Ô Long Jun Chow của Đài Loan… cũng nằm trong nghi vấn “chuyển giá” tại Việt Nam.

Đọc thêm