Xung quanh “tranh cãi” bản quyền phim Trạng Tí: Cần phân biệt rõ quyền tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả

(PLVN) - Mới đây, khi trailer bộ phim Trạng Tí được tung ra, bên cạnh những lời khen về kỹ xảo, dấu ấn văn hóa Việt và dàn diễn viên nhí, có rất nhiều bình luận lên tiếng “đòi công bằng” cho họa sĩ Lê Linh - tác giả của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Một số bên liên quan đã lên tiếng và các chuyên gia pháp lý cũng bình luận về diễn biến của vụ việc này.
Xung quanh “tranh cãi” bản quyền phim Trạng Tí: Cần phân biệt rõ quyền tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả

Ngô Thanh Vân: “Tố tôi ăn cắp là không đúng”

Một bộ phận khán giả cho rằng đơn vị sản xuất phim vi phạm quyền tác giả của họa sĩ Lê Linh khi chỉ ký hợp đồng với Công ty Phan Thị và kêu gọi tẩy chay phim. Trước làn sóng dư luận, Ngô Thanh Vân và Hãng Studio68 - đơn vị sản xuất phim, đã chính thức lên tiếng.

Ngô Thanh Vân khẳng định: “Trạng Tí là nội dung chúng tôi có mua và trả tiền theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ nên việc tố tôi ăn cắp là không đúng. Tôi đã làm việc với bên Phan Thị hết 2 năm để có thể mua được bản quyền, lúc đó là năm 2016. Đến 2018, giữa hai bên mới đi đến thỏa thuận cho chúng tôi mua 5 tập truyện để làm phim. Là nhà sản xuất phim, việc tôi mua tác quyền từ người sở hữu bộ truyện và nội dung câu chuyện trong thời gian đó là hoàn toàn hợp lý và đúng pháp luật.

Nếu có lỗi thì đó là do tôi đã không nắm rõ thông tin về sự thưa kiện giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị. Sau khi biết thông tin, tôi đã chủ động tìm đến họa sĩ Lê Linh để tìm cách xử lý nhưng anh từ chối mọi đề nghị về quyền lợi để tập trung vào vụ kiện. Tôi không còn cách nào hơn là tôn trọng anh và vẫn ngồi chờ những đề nghị từ phía anh Lê Linh”.

Ngô Thanh Vân trong quá trình sản xuất phim Trạng Tí
 Ngô Thanh Vân trong quá trình sản xuất phim Trạng Tí

Hãng Studio68 cho biết thêm: “Năm 2019, phim Trạng Tí bấm máy. Đến ngày 3/9/2020, vụ kiện của họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ 4 hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt đã ngã ngũ. Được biết, họa sĩ Lê Linh được công nhận quyền tác giả của bộ truyện còn Phan Thị chỉ giữ quyền sở hữu tài sản và có quyền thực hiện các tác phẩm phái sinh. Trạng Tí mất 2 năm để sản xuất, cộng thêm 1 năm vì dịch Covid-19 phải hoãn ra rạp và bây giờ đang đi đến giai đoạn quan trọng nhất là giới thiệu bộ phim đến khán giả để hoàn vốn (chiếu vào mùng 1 Tết Nguyên đán 2021, nhằm ngày 12/2/2021). Bộ phim không có lỗi khi nó được tạo ra đúng quy định pháp luật ngay tại thời điểm đó”.

Phản hồi trên báo chí, họa sĩ Lê Linh cho biết, Ngô Thanh Vân có tìm gặp nhưng ông từ chối mọi quyền lợi từ hãng phim đưa ra ở thời điểm ông đang khởi kiện Phan Thị. “Tuy tên tôi được ghi rất rõ trên truyện cũng như trên giấy tờ pháp lý của Phan Thị, nhưng mãi sau này Ngô Thanh Vân mới liên hệ. Theo tôi, việc đó chỉ mang tính thủ tục, đối phó công luận... nên làm việc với Ngô Thanh Vân cũng chẳng có ý nghĩa gì”, ông chia sẻ thêm.

Luật sư: Làm tác phẩm phái sinh phải đảm bảo quyền nhân thân của tác giả

Đối với vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân mua bản quyền từ Công ty Phan Thị là đúng với quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Theo bản án sơ thẩm năm 2019 về tranh chấp quyền tác giả liên quan đến bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, họa sĩ Lê Linh được xác định là tác giả (người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm), là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Công ty Phan Thị được xác định là chủ sở hữu quyền tác giả.

 

Tại Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung 2019 quy định về quyền của chủ sở hữu tác giả là tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả sẽ có quyền tài sản và một phần quyền nhân thân đối với tác phẩm nếu các bên không có thỏa thuận nào khác. Trong đó có nêu rõ trường hợp các cá nhân, tổ chức khác khi khai thác, sử dụng một hoặc toàn bộ quyền tài sản sẽ phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Từ đó có thể thấy, họa sĩ Lê Linh với tư cách là tác giả sẽ có các quyền lợi về nhân thân để bản thân được tôn vinh, được nhớ đến với vai trò là người đã sáng tạo ra tác phẩm. Công ty Phan Thị với tư cách là chủ sở hữu quyền tác giả sẽ có các quyền lợi về tài sản để khai thác tác phẩm vào các mục đích thương mại hoặc phi thương mại. Làm tác phẩm phái sinh như phim Trạng Tí chính là một cách khai thác mà chủ sở hữu quyền tác giả có độc quyền thực hiện theo quy định. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn (khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ).

Căn cứ Khoản 2 Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ, quyền chuyển thể có thể do Công ty Phan Thị tự thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Do vậy, Công ty Phan Thị có đầy đủ quyền để cho phép nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thực hiện chuyển thể tác phẩm. Việc Ngô Thanh Vân tìm đến Công ty Phan Thị để ký kết hợp đồng là đúng chủ thể.

Tuy nhiên, theo Luật sư Tuấn, một trong các quyền nhân thân của tác giả được quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ là “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Hình tượng nhân vật Trạng Tí vốn dĩ quen thuộc là hình ảnh chú bé có mái tóc trái đào, luôn mặc chiếc áo xanh có hình chữ S màu đỏ – biểu tượng của nước Việt Nam trước ngực. Đây là hình ảnh rất ý nghĩa, thể hiện trái tim cũng như tấm lòng yêu nước của nhân vật Tí nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Nhưng qua đoạn quảng cáo phim do nhà sản xuất phát hành trên các kênh truyền thông thì chi tiết hình chữ S màu đỏ – biểu tượng của nước Việt Nam trước ngực đã bị hay thế bởi hoa văn khác.

Do vậy, để sản xuất bộ phim Trạng Tí bảo đảm đúng quyền của tác giả, quyền của chủ sở hữu quyền tác giả theo đúng quy định Luật Sở hữu trí tuệ, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn nên điều chỉnh lại tạo hình các nhân vật. Được biết về vụ tranh chấp của họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã liên hệ với ông Lê Linh để thương lượng thì cũng đã thể hiện động thái tôn trọng tác giả và có thành ý. Hành động này của Ngô Thanh Vân có thể là cách thức để đảm bảo rằng bộ phim Trạng Tí không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Tóm lại, “theo quy định của pháp luật, tuân thủ nghiêm ngặt phán quyết của Tòa án, việc nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thực hiện bộ phim Trạng Tí đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật”, Luật sư Tuấn nhận định.

Năm 2018, vụ kiện giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị được đưa ra xét xử lần đầu, gây xôn xao dư luận. Tháng 9/2019, TAND TP HCM công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong Thần đồng đất Việt. Họa sĩ Lê Linh là tác giả hình thức thể hiện gốc, còn Công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm, được sử dụng 4 hình tượng nhân vật này vào sản xuất kinh doanh nhưng phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả. 
 

Đọc thêm