Xác định "Ngày pháp luật Việt Nam"

 Để khẳng định rõ vai trò của công tác phổ biến giáo dục pháp luật PBGDPL “là khâu đầu tiên rất quan trọng trong hoạt động thực thi pháp luật”, dự thảo Luật (PBGDPL) vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ. Sáng qua, Ban Soạn thảo và Tổ biên tập dự án luật này có cuộc thảo luận sôi nổi.

Để khẳng định rõ vai trò của công tác phổ biến giáo dục pháp luật PBGDPL “là khâu đầu tiên rất quan trọng trong hoạt động thực thi pháp luật”, dự thảo Luật (PBGDPL) vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ. Sáng qua, Ban Soạn thảo và Tổ biên tập dự án luật này có cuộc thảo luận sôi nổi.

Đảm bảo hiệu quả cho PBGDPL

Trong điều kiện pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, nội dung đa dạng, phức tạp, điều chỉnh nhiều loại quan hệ xã hội phục vụ tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, hoạt động PBGDPL tuy đã được thực hiện nhiều năm nhưng “chưa thực sự đáp ứng yêu cầu bức thiết của tình hình mới”. Thậm chí đã có tình trạng “có tiền thì phổ biến tốt, không có thì dở”.

Xác định "Ngày pháp luật Việt Nam" ảnh 1
 
Do vậy, theo ông Nguyễn Hữu Lợi – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), trong các nguyên tắc của dự thảo Luật PBGDPL cần quan tâm đến nguyên tắc “đảm bảo hiệu quả” của công tác PBGDPL, phải coi đó là mục tiêu chính của Luật chứ không chỉ đơn thuần chỉ quan tâm đến các hoạt động nghiệp vụ của công tác này.

Việc huy động nguồn lực tạo điều kiện cho công tác PBGDPL chưa được tiến hành đồng bộ, rộng khắp, còn nhiều “khoảng trống” trong công tác PBGDPL nhưng chưa có biện pháp để khắc phục. Cùng với đó sự thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở nhiều nơi, đặc biệt là ở cơ sở.

Khắc phục thực tế này không dễ nếu đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vẫn chỉ được hoạt động “bán chuyên trách” trong khi chưa có cơ chế rõ ràng để quản lý, sử dụng và ưu đãi nhân lực. Vì thế, dự thảo Luật đã có qui định cụ thể về báo cáo viên pháp luật “là người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo qui định của pháp luật ra quyết định công nhận để thực hiện nhiệm vụ PBGDPL”.

Cùng với đội ngũ báo cáo viên “chuyên nghiệp” là những cộng tác viên (bao gồm cả các luật sư, trợ giúp viên pháp lý, hòa giải viên). Có ý kiến cũng đề nghị bổ sung cả công chứng viên, chấp hành viên THADS vào đội ngũ cộng tác viên PBGDPL bởi công việc chuyên môn của họ có “dính dáng” đến pháp luật.

Ông Phạm Tuấn Khải – Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) quan tâm đến việc nên đưa qui định PBGDPL cho người lao động đi lao động nước ngoài, song song với việc PBGDPL cho người lao động ở khu chế xuất, khu công nghiệp.

Ngày Pháp luật không đơn thuần để PBGDPL

Qui định về Ngày Pháp luật Việt Nam là ngày 9/11 theo hướng xác định ngày Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1946 để tôn vinh pháp luật cũng nhận được nhiều ý kiến. Theo nhiều chuyên gia, nếu xác định Ngày Pháp luật Việt Nam chỉ để học tập, tuyên truyền pháp luật thì chưa đủ, mà Ngày Pháp luật Việt Nam phải hiểu theo nghĩa rộng với nhiều nội dung.

Hiện Ngày Pháp luật đang được một số địa phương triển khai theo kiểu “tùy nghi”, chủ yếu để cán bộ, công chức tổ chức học tập, nghiên cứu văn bản pháp luật. Từ đó, không chỉ đơn thuần qui định chọn một ngày làm Ngày Pháp luật Việt Nam trong dự thảo Luật mà cần qui định rõ hơn các hoạt động trong Ngày Pháp luật, không để lúng túng như hiện nay.

Dự thảo Luật sẽ được lấy ý kiến Bộ, ngành để kịp hoàn thiện chuẩn bị để trình Chính phủ vào tháng 4.

Huy Anh

Đọc thêm