Xâm nhập đường dây buôn bán lao động như “mớ rau con cá“ xuyên tỉnh (kỳ 2)

Nhân viên “tư vấn lao động” ở Sài Gòn thì mặc quần đùi tiếp người xin việc. Ở Lâm Đồng thì “đơn giản” hơn, cởi trần ngồi thương lượng với khách thuê lao động. Hai địa điểm trên cùng giống nhau ở chỗ có rất nhiều đối tượng luôn lượn lờ bên ngoài “canh gác”. Để vượt qua được nhưng con mắt soi mói của các đối tượng, nhóm phóng viên báo Xa lộ Pháp luật đã không ít lần gặp nguy hiểm trong quá trình xâm nhập vào những địa điểm trên.

[links()]Nhân viên “tư vấn lao động” ở Sài Gòn thì mặc quần đùi tiếp người xin việc. Ở Lâm Đồng thì “đơn giản” hơn, cởi trần ngồi thương lượng với khách thuê lao động. Hai địa điểm trên cùng giống nhau ở chỗ có rất nhiều đối tượng luôn lượn lờ bên ngoài “canh gác”. Để vượt qua được nhưng con mắt soi mói của các đối tượng, nhóm phóng viên báo Xa lộ Pháp luật đã không ít lần gặp nguy hiểm trong quá trình xâm nhập vào những địa điểm trên.

Tuyển lao động như đi chợ mua người

Thông tin của nạn nhân Tú, người đã được giải cứu trong số báo kỳ trước cho hay em bị giam ở Đức Trọng, không rõ xã nào, chỉ biết địa danh “thôn N' Hạ”. Săm soi từng cm bản đồ huyện, không thấy thôn nào có cái tên như vậy, chỉ có xã N'Thol Hạ nằm trên đường đi từ Đức Trọng về Lâm Hà, đúng như nhân chứng miêu tả. Nạn nhân cho biết thêm, công ty có tên Tuấn Sơn, nằm gần trụ sở UBND xã.

Trung tâm môi giới lao động
Trung tâm môi giới lao động

Trưa ngày 13/5, trong vai cặp vợ chồng "doanh nhân" chuyên thu mua cà phê, đến tuyển người bốc vác, nhóm phóng viên tìm cách tiếp cận "đại bản doanh".

Chưa kịp đỗ xe, đã thấy hai người đàn ông chạy ra cổng hỏi xởi lởi: "Anh chị cần người giúp việc à?". Phòng khách của ngôi nhà có một bàn làm việc, một máy tính. Ngồi sau bàn là một người đàn ông trẻ, tóc húi cua, cởi trần phô diễn rất nhiều "cơ bắp" đang tư vấn cho hai người khách cần thuê lao động khác. Ngồi ở ghế, hai người đàn ông khác mặc áo rằn ri, dáng cao lớn nhìn chúng tôi bằng cặp mắt thăm dò.

Phía góc nhà, sáu thanh niên trẻ ngồi xếp thành một hàng chờ "xem mặt". Sau khi thống nhất giá cả, hai thanh niên được tuyển nhanh chóng lên xe đi với những người chủ mới. Lúc này đến lượt chúng tôi “tuyển người”. Người đàn ông cởi trần đon đả: "Anh chị cần người làm việc gì? Cần bao nhiêu người, ở đâu?".

Nữ phóng viên trong vai “vợ doanh nhân” nở nụ cười nói nhà mình ở ngã ba Finom (Đức Trọng), chuyên thu mua và chế biến cà phê thô, hiện cần thuê 6 - 7 thanh niên khỏe mạnh để bốc vác. Nghe xong, người đàn ông cởi trần quay sang bốn thanh niên ngồi góc phòng hất hàm: "Ê, chúng mày đi bốc vác nhé". Ba người đồng ý.

Theo quan sát, chỉ có cậu thanh niên người Hà Tiên (Kiên Giang) là có "chiều cao, cân nặng" phù hợp với công việc bốc vác. Chàng trai xứ Tháp Chàm (Ninh Thuận) cao chưa tới 1,55 m nhưng nhìn khá rắn rỏi, nếu "nhân nhượng" thì vẫn còn thể nhận được. Người trẻ nhất là cậu thanh niên người Đồng Tháp, vừa thấp bé, lại yếu ớt thư sinh, khó có thể làm công việc bốc vác.

Nữ phóng viên nhập vai thông báo sẽ trả lương 2,8 triệu/tháng bao ăn ở. Công việc hàng ngày là có xe về thì vác những bao cà phê đã đóng sẵn từ kho lên xe. Đoạn đường khoảng 50m, một bao nặng 50kg, mỗi ngày định mức của một người khoảng 5 tấn. Nếu làm thêm thì cứ một tấn, sẽ trả thêm 30 ngàn. Khi không có xe, người lao động làm những việc như xúc cà phê vô bao, cân, đóng bao...

Con người bị “ra giá” như món hàng

Nghe qua về công việc, nam thanh niên người Đồng Tháp tái mặt: "Em không vác được nhiều như thế, anh chị cho em đóng bao được không". "Bà chủ" đi thuê tỏ ra lạnh lùng: "Chị cần thuê người làm việc nặng, còn việc nhẹ thì nhà chị có người làm hết rồi".

 Người đàn ông cởi trần lừ mắt, hai thanh niên mặt áo rằn ri cũng liếc sang, cậu thanh niên thay đổi thái độ, sợ hãi rối rít:

"Chị cứ nhận em, ở quê em vác lúa mỗi ngày cả mấy trăm bao, em làm đươc mà". Nam phóng viên đóng vai “ông chủ rẫy cà phê" nãy giờ ngồi quan sát, giờ lên tiếng: "Chú mày gầy yếu thế, vác gãy xương ra, ai mà đền nổi. Thôi ở đây xem có ai thuê làm cỏ rẫy, hái su su thì đi theo người ta cho nhàn".

Cậu thanh niên vẫn cố gắng năn nỉ: "Anh chị cứ cho em đi theo. Trả lương em 2 triệu cũng được". Người thanh niên người Đồng Tháp này chính là bạn của Tú, người mới được chuộc về trước đó. Cậu cũng chính là người đã quỳ xuống xin những người giam giữ thả mình ra nhưng không được, bị lôi ra phía sau, đưa vào phòng.

Nữ phóng viên nhập vai quay sang “ông trùm” khoe cơ bắp hỏi tiền dịch vụ mình sẽ phải trả. Người này chỉ vào thanh niên dáng khỏe mạnh người Kiên Giang: "Thằng này chị cho 2,05 triệu". Chỉ cậu bé người Ninh Thuận, đối tượng ra giá: "Thằng này 1,65 triệu". Thanh niên bị chê yếu ớt có giá rẻ nhất: 1,35 triệu.

Khi được hỏi đó là tiền gì, “ông trùm” giải thích: "Đó là tiền tàu xe mỗi thằng lên đến đây, cộng thêm 700 ngàn chị phải trả tiền dịch vụ". Khi nam phóng viên nhập vai thắc mắc: "Sao người rẻ, người đắt?", “ông trùm” cười: "Có thằng đi thẳng lên trên này thì không mất tiền dịch vụ, thằng nào đi qua 1 - 2 “cầu” thì tiền nó dội lên, cao hơn".  

Hỏi đến giấy tờ, đối tượng cho hay: "Ba thằng này đều có chứng minh nhân dân. Em lựa cho anh chị là ok. Cứ yên tâm đi, mấy thằng này nhìn nhỏ con như vậy nhưng chúng nó khỏe lắm đấy".

“Ông trùm” còn đưa ra “chế độ bảo hành": "Cứ đóng tiền ở đây, em cho anh chị mượn người trong vòng một tuần. Nếu thấy thằng nào không làm được, cứ trả, em trả lại tiền. Thế là đảm bảo quá còn gì".

Ông trùm còn “vẽ đường cho hươu chạy”: "Số tiền anh chị bỏ ra trả tiền dịch vụ, sau này anh chị cứ trừ vào lương của bọn nó, hoặc cho nó thì tùy".

Đối tượng cũng cho biết thêm: "Đây là cơ sở kinh doanh của bà chị, em chỉ quản lý bọn này giúp, chứ mọi giao dịch là do bả thực hiện".

Nhóm phóng viên “nháy” nhau ra bàn bạc, lấy cớ là cơ sở ít người, lại toàn những người không đủ tiêu chuẩn, hẹn sáng mai sẽ quay lại. “Ông trùm” tỏ vẻ khó chịu ra mặt: "Mai anh chị quay lại thì em không đảm bảo giữ người đâu, tối nay lỡ có người đến chọn, chúng nó đi theo người ta thì anh chị ráng chịu. Hay anh chị đặt cọc cho em một ít tiền, em giữ người cho".

Nam phóng viên đóng vai “chủ rẫy cà phê” lên giọng kẻ cả: "Mấy thằng này anh không ưng, đây anh để lại số điện thoại, mai chú gom đủ cho anh bảy thằng to khỏe, alo rồi anh đến nhận người".

Cặp “vợ chồng” đứng dậy định đi về, bất chợt thanh niên người Đồng Tháp níu áo, rơm rớm nước mắt: "Anh chị cứ cho em đi, giá của em có hơn 1 triệu thôi mà".

Đối tượng đầu húi cua quát lớn: "Mày làm cái gì thế". Hai đối tượng mặc áo rằn ri ngồi góc phòng cũng bật dậy như lò xo, thiếu niên sợ hãi buông tay...

Vài tiếng đồng hồ sau đó, tại Tp.HCM, một nhóm phóng viên khác quyết định thâm nhập địa điểm là đầu “vào” của đường dây. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi trên Xa lộ pháp luật để  chứng kiến những sự thật khó tin về một tụ điểm buôn bán người lao động.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm