Xây dựng nền dân chủ XHCN: Bảo đảm quyền làm chủ thực sự của nhân dân - nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài

(PLVN) - Nhận thức về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những thành tựu to lớn về lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển đường lối đổi mới của Đảng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đáp ứng được khát vọng của nhân dân, phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết nhân dân Hà Nội dịp Xuân Nhâm dần 2022).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết nhân dân Hà Nội dịp Xuân Nhâm dần 2022).

Quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc”

Tổng kết về vấn đề trên, bên cạnh việc khẳng định: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt: Xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”.

Thấm nhuần quan điểm “dân là chủ”, “dân làm chủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta không chỉ xác định vị thế, tư cách chủ thể xã hội là của nhân dân, “dân là gốc”, mà quan trọng hơn, bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là phải làm cho nhân dân được hưởng quyền làm chủ và có năng lực, phương pháp, bản lĩnh làm chủ trên thực tế... khi đó, dân chủ trở thành động lực để xây dựng, phát triển đất nước.

Đảng đã nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”.

Trước hết, về vai trò, trách nhiệm của Đảng, trong nhiều bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt và khẳng định, mọi thắng lợi của đường lối đổi mới, trong đó có đường lối về xây dựng nền dân chủ XHCN và phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân là do có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc”; “…thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Tổng kết 35 thực hiện đổi mới, Đảng đã “Ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân…, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước”. Đảng xác định khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, bởi vì đây là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.

Để xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân: “Chúng ta chủ trương… xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội”. Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có nhiều đổi mới và hoạt động càng hiệu lực, hiệu quả, “thúc đẩy việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền XHCN…”. Cải cách nền hành chính quốc gia trên cả bốn phương diện: thể chế hành chính, bộ máy hành chính, công chức hành chính và quản lý tài chính cũng đang được đẩy mạnh. Vì thế, một nền hành chính gần dân, thân dân, vì dân, chuyên nghiệp, theo hướng hiện đại đang được từng bước hình thành… “góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Với “vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ”, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Đó là phát huy vai trò tích cực, tự giác, sáng tạo của nhân dân, “đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Cần khắc phục một số tâm lý, nhận thức giản đơn, phiến diện

Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ để xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu đòi hỏi phải có “…một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”, “hướng tới các giá trị tiến bộ nhân văn, dựa trên lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát của nền dân chủ XHCN ở Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Theo Tổng Bí thư, đây là “mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích”, là một trong “mười mối quan hệ lớn” cần được tăng cường nắm vững và giải quyết hiện nay.

Lý luận và thực tiễn đã khẳng định, hiệu quả tiến bộ trong xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân phụ thuộc vào việc phát huy vai trò các chủ thể: Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Do vậy: “Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Theo đó, “Đảng và Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; khẳng định “vai trò, chủ thể, vị trí trung tâm” của nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đồng thời, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân là người chủ xã hội, cho nên nhân dân không chỉ có quyền, mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định, thi hành các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Xây dựng nền dân chủ XHCN, theo ý kiến của đồng chí Tổng Bí Thư, cần phải nhận thức là quá trình lâu dài của cách mạng Việt Nam. Như chúng ta đều biết, dân chủ là khát vọng hàng ngàn năm của tuyệt đại đa số nhân dân lao động, là thước đo quan trọng về trình độ giải phóng con người. Tuy nhiên, xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung, nền dân chủ XHCN nói riêng là thực tiễn chưa có tiền lệ. Hơn nữa, Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu lại bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, những tiền đề, điều kiện về dân chủ hết sức hạn chế. Do vậy, trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, sẽ rất khó khăn và cần một thời gian không ngắn và cần phải khắc phục một số tâm lý, nhận thức giản đơn, phiến diện như sau:

Trước hết, cần khắc phục các biểu hiện chủ quan duy ý chí nóng vội, cũng như tâm lý chán nản, dễ chấp nhận khiến cho quá trình dân chủ hóa trì trệ, bất cập với yêu cầu đổi mới.

Hai là, trong quá trình thúc đẩy thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, cần tránh các biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, dân chủ kiểu phương Tây, lợi dụng dân chủ - nhân quyền để gây mất ổn định, thực hiện cách mạng “sắc màu” hòng thay đổi chế độ XHCN.

Ba là, đặc biệt không được phiến diện trong nhận thức về mối quan hệ giữa “đa đảng”, “đa nguyên” với mức độ cao, thấp của dân chủ; khắc phục sự mơ hồ về thực chất và hình thức biểu hiện của nền dân chủ tư sản như đồng chí Tổng Bí thư đã nêu: “Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây quảng bá, áp đặt trên toàn thế giới không hề bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân hay vì nhân dân – yếu tố bản chất của dân chủ. Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ lợi ích cho các tập đoàn tư bản lớn”. Càng sai lầm nghiêm trọng hơn đối với những ai đang đồng nhất giữa dân chủ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với dân chủ trong xã hội xã hội chủ nghĩa đầy đủ như đã mắc phải thời kỳ trước đổi mới.

Năm là, cần phải khắc phục tính biệt lập trong xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy khác biệt về bản chất chính trị với dân chủ tư sản, nhưng điều đó không ngăn trở việc kế thừa, tiếp thu có chọn lọc các thành quả của nhân loại trong xây dựng nền dân chủ của Việt Nam.

Xây dựng chế độ dân chủ phải được coi là sự nghiệp cách mạng lâu dài, nhưng được coi là nhiệm vụ trọng yếu như khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư, bởi dân chủ XHCN là một trong những “giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang định, kiên trì theo đuổi”.

Qua 35 năm thực hiện đổi mới, một trong những kết quả quan trọng về phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, đó là ý thức dân chủ của công dân và của xã hội, trình độ và năng lực làm chủ của nhân dân từng bước được nâng lên. Những bảo đảm dân chủ về quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm của các chủ thể trong xã hội đã được luật hóa cụ thể hơn và thực hiện từng bước có kết quả. Người dân ngày càng tham gia tích cực góp phần xây dựng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Đảng ta chỉ rõ: “Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”, nguyên nhân của hạn chế này là do hoạt động của hệ thống chính trị chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả; các điều kiện để người dân làm chủ chưa đầy đủ; sự thiếu gương mẫu, đặc biệt là tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức, lối sống mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự thiếu ý thức dân chủ, lợi dụng dân chủ của một bộ phận nhân dân,… Những hạn chế và nguyên nhân này đã ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện mục tiêu, động lực của nền dân chủ XHCN nói riêng, mục tiêu tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam nói chung, cần được tập trung quan tâm, khắc phục.

Đọc thêm