Xây dựng ngôi nhà, trường học và cộng đồng an toàn

Bên cạnh trường hợp bị bỏng, trẻ còn dễ bị hóc dị vật, đuối nước do bơi ở ao hồ, tai nạn do leo trèo, điện giật. Ngoài những tai nạn điện do những đồ dùng bằng điện trong nhà gây nên phải kể đến tai nạn điện cao thế.

Con trẻ bị tai nạn do bất cẩn của cha mẹ

 

Ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Bình, ở khu dân cư Phú Hải, phường Anh Dũng (quận Dương Kinh) tổ chức liên hoan lẩu gà. Khi cả nhà đang  ăn uống, chuyện trò vui vẻ thì bé Giang,  3 tuổi, con gái anh Bình chạy nhảy đùa nghịch với mấy đứa trẻ chung quanh. Không may bé vấp, ngã vào nồi lẩu đang sôi bị bỏng nặng. Vết thương của bé Giang rồi sẽ liền sẹo nhưng sự ân hận vì bất cẩn của bố mẹ bé Giang chắc sẽ đeo đẳng mãi mỗi khi nhìn những vết sẹo bỏng xấu xí trên người bé…

 

Theo báo cáo của Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm nước ta có gần 13.000 trẻ em bị đuối nước.

 

Bên cạnh trường hợp bị bỏng, trẻ còn dễ bị hóc dị vật, đuối nước do bơi ở ao hồ, tai nạn do leo trèo, điện giật. Ngoài những tai nạn điện do những đồ dùng bằng điện trong nhà gây nên phải kể đến tai nạn điện cao thế. Loại tai nạn này rất hay gặp ở trẻ em nông thôn. Các em đi thả diều, khi diều bị vướng vào dây điện thì không ngần ngại leo lên cột điện để lấy diều. Tai nạn do điện cao thế hầu như hè năm nào cũng xảy ra. Một số tai nạn thương tích khác trẻ em thường gặp là súc vật, côn trùng cắn và tai nạn giao thông, đuối nước. Tuỳ từng độ tuổi dẫn đến nguy cơ về tai nạn thương tích khác nhau. Những tai nạn này hoàn toàn có thể tránh được nếu người lớn cẩn trọng hơn và trẻ được dạy cách nhận biết những nguy cơ gây tai nạn cho mình. Nhiều bậc phụ huynh chỉ chú trọng chăm lo đầu tư cho con em mình  học hành, sức khoẻ và dinh dưỡng mà quên việc chăm lo sự an toàn cho các em, trong khi đó, trẻ em rất hiếu động, thích mày mò, khám phá nhưng lại ít được trang bị những kỹ năng cần thiết để phòng ngừa tai nạn....

 

Xây dựng ngôi nhà an toàn

 

Đôi khi chính trong căn nhà của mỗi gia đình lại là một môi trường không an toàn cho trẻ vì có quá nhiều đồ đạc, vật dụng cá nhân, đồ điện, phích nước sôi. Thực tế cho thấy, nhà ở là nơi hay xảy ra tai nạn thương tích, nhất là với trẻ  2 - 3 tuổi, dù có người lớn trông vẫn có nguy cơ bị tai nạn. Nhằm giảm tỷ lệ tử vong, tàn tật cho trẻ em do tai nạn thương tích gây ra, Hải Phòng xây dựng chương trình hành động cụ thể nhân Tháng hành động vì trẻ em, trong đó chú trọng nội dung phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em. Công tác truyền thông, giáo dục và thực hiện mô hình “xã, phường phù hợp với trẻ em” được ưu tiên thực hiện. Ngoài ra, mô hình “ngôi nhà an toàn” cho trẻ em tiếp tục được triển khai nhằm giúp gia đình nhận biết các mối hiểm họa chung quanh và trong nhà có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ, từ đó giảm thiểu các nguy cơ tai nạn có thể đến với các em như phòng ngừa ngã, đuối nước, tai nạn do vật sắc nhọn, phòng ngừa bỏng, điện giật, hóc sặc, ngộ độc, súc vật cắn, tai nạn giao thông.

 

Tiêu chuẩn “ngôi nhà an toàn” cho trẻ em:

-Cha mẹ, người chăm sóc trẻ được tuyên truyền về phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em và tham gia cải tạo hoặc loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích trong gia đình.

-80% các yếu tố nguy cơ trong bảng kiểm định ngôi nhà an toàn được đánh giá đạt.

-Trong năm không có trẻ bị tai nạn thương tích tại nhà.         

 

Theo bà Nguyễn Thị Tâm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, để phòng tránh tai nạn thương tích, cần xây dựng một cộng đồng an toàn cho trẻ từ gia đình đến khu dân cư, thôn, xã, phường, trường học… Các cơ quan chức năng, địa phương chú trọng đến các chương trình an toàn cho trẻ tại gia đình và cộng đồng. Cán bộ y tế địa phương có trách nhiệm tuyên truyền cho người dân, các bậc phụ huynh về các biện pháp chăm sóc và hướng dẫn trẻ trong những ngày được nghỉ học. Gia đình cần kiểm soát chặt chẽ thời gian sinh hoạt của trẻ, bố trí, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, khoa học. Đồ điện, phích nước nóng để trên giá cao, ngoài tầm với của trẻ; thường xuyên  nhắc trẻ không  leo trèo, bơi lội ở ao, hồ khi không có người lớn quản lý.

 

Thanh Thủy

Đọc thêm