Xây dựng, thực thi pháp luật là một nghệ thuật

 Trong nền văn hóa pháp lý Việt Nam, bộ Quốc triều hình luật (thường được gọi là Bộ luật Hồng Đức) ra đời trong thời gian trị vì của vua Lê Thánh Tông được đánh giá là một công trình văn hóa mà bên trong ẩn chứa rất nhiều báu vật. Với Bộ luật Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông xứng đáng là bậc thầy trong nghệ thuật sử dụng vũ khí pháp luật để trị nước an dân - một bài học còn vẹn nguyên giá trị cho hậu thế ngày nay.

Trong nền văn hóa pháp lý Việt Nam, bộ Quốc triều hình luật (thường được gọi là Bộ luật Hồng Đức) ra đời trong thời gian trị vì của vua Lê Thánh Tông được đánh giá là một công trình văn hóa mà bên trong ẩn chứa rất nhiều báu vật. Với Bộ luật Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông xứng đáng là bậc thầy trong nghệ thuật sử dụng vũ khí pháp luật để trị nước an dân - một bài học còn vẹn nguyên giá trị cho hậu thế ngày nay.

a
Bộ luật Hồng Đức cũng là bộ luật được xây dựng theo kỹ thuật hệ thống hóa và pháp điển hóa song lại vô cùng dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tuân theo, kể cả đối với người dân ít học. Ảnh minh họa

Tồn tại trong hơn 3 thế kỷ

Lên ngôi vào năm 1460 và trị vì đất nước Đại Việt trong vòng 38 năm, vua Lê Thánh Tông đã tiến hành những cách tân sâu sắc và toàn diện trên nhiều mặt từ quốc phòng, hành chính, giáo dục đến tiền tệ, nông nghiệp, thương nghiệp.

Trong số đó, cách tân luật  pháp là một trong những cách tân mang tính mẫu mực, có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, của xã hội. Và Bộ luật Hồng Đức chính là văn bản tiêu biểu nhất cho những nội dung cách tân luật pháp của Lê Thánh Tông.

Bộ luật Hồng Đức chỉ với 13 Chương, 722 Điều nhưng đã tồn tại suốt 360 năm của triều đại Hậu Lê. Thậm chí, dưới thời nhà Nguyễn và thời kỳ nước ta bị giặc Pháp đô hộ, các quan xử án không ít lần phải viện dẫn Bộ luật Hồng Đức để xét xử, đặc biệt là trong lĩnh vực tranh chấp thừa kế, hôn nhân gia đình.

Các chuyên gia trong nước và nhiều chuyên gia nước ngoài như Camerlinck (Pháp), Olivier Oldman (Hoa Kỳ) đều nhận định, chưa có bộ luật nào trong lịch sử lập pháp Việt Nam lại có sức sống lâu dài, mang tính ổn định cao, phát huy tác dụng nhiều mặt trong cuộc sống như Bộ luật Hồng Đức.

“Trị nước phải có pháp luật”

Quan điểm “trị nước phải có pháp luật” là một trong những quan điểm lớn được Lê Thánh Tông bắt tay thực hiện ngay từ những ngày đầu được tôn lên ngôi báu bằng cách ra lệnh sưu tầm và ban hành Lê Triều quan chế.

Các chính sách, biện pháp thực thi quan điểm “trị nước phải có pháp luật” được ông chỉ đạo tiến hành mang tính tổng hợp, đa dạng, giàu sáng tạo và với thái độ kiên trì, kiên định hiếm thấy. Bộ luật Hồng Đức là công trình thể hiện một cách cô đúc nhất, sáng tạo nhất quan điểm và nghệ thuật sử dụng vũ khí pháp luật trong trị nước an dân của vị vua anh minh này.

Bộ luật Hồng Đức cũng là bộ luật được xây dựng theo kỹ thuật hệ thống hóa và pháp điển hóa song lại vô cùng dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tuân theo, kể cả đối với người dân ít học. Nó chứa đựng những giá trị lớn lao cho nền pháp luật hiện nay của nước nhà và phù hợp với những quan điểm tiến bộ về pháp luật dân sự, về quyền con người của nền pháp luật đương đại của nhân loại.

 Các nhà nghiên cứu luật học nước ngoài rất ngạc nhiên và khâm phục những điều luật của Bộ luật Hồng Đức – một bộ luật của Việt Nam thời phong kiến nhưng đã mang đậm tính nhân văn của thời đại văn minh ngày nay. Đó là những điều luật liên quan đến thực hiện chính sách nhân đạo, bảo vệ phụ nữ và những người yếu thế trong xã hội.


Thục Quyên

Đọc thêm