Kết quả thực hiện phong trào này tại Hải Phòng góp phần đáng kể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Phát huy giá trị văn hóa dân gian
Trường THPT Lê Quý Đôn vừa tổ chức chương trình Ngày hội văn hóa dân gian Việt
Học sinh nhà trường hào hứng tham gia ngày hội văn hóa dân gian. Trong khuôn viên nhà trường rộng hàng nghìn mét vuông, thầy, trò tái hiện hình ảnh phiên chợ quê với những hàng quà dân dã, những đồ dùng, con vật gắn bó với người nông dân từ bao đời nay như nong, nia, cuốc, xẻng, con chó, con mèo… Bên cạnh khu vực chợ quê là 6 góc văn hóa vùng miền Việt Nam với những cô cậu học trò xúng xính làm duyên trong những trang phục đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ. Một góc sân trường dành làm nơi để các nữ sinh thể hiện tài “nữ công gia chánh” như cắm hoa ngày Tết, làm những mâm cỗ Tết của người Việt. Ở giữa sân trường là các trò chơi dân gian sôi động như đập niêu cầu may, nhảy bao bố. Không khí vui tươi của lễ hội khiến mọi người có cảm giác Tết Canh Dần đến rất gần.
Hiệu trưởng nhà trường Lâm Tuyết Trinh cho biết: giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian là một trong những nội dung của phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Với học sinh nhà trường, văn hóa dân gian có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn, giúp các em hiểu hơn về bản sắc dân tộc
Thân thiện từ những công trình...phụ
Những ngày này, công trình nhà vệ sinh 3 tầng rộng hơn 150m2 với kinh phí xây dựng khoảng 800 triệu đồng của Trường THPT Trần Nguyên Hãn đang được hoàn thiện. Sau khi đưa vào sử dụng, đây sẽ là trường có khu nhà vệ sinh cho học sinh đẹp và hiện đại nhất tại thành phố. Nói về tầm quan trọng của công trình vệ sinh trong trường học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT dí dỏm “Trường học thân thiện thì nhà vệ sinh phải thân thiện. Nhà vệ sinh thân thiện là khi học sinh vào đó không phải bịt mũi..”.
Đến ngôi trường này, hầu như vị khách nào cũng ấn tượng với hình ảnh giờ ra chơi, nhiều học sinh ngồi quanh bờ hồ nhỏ mơ mộng ngắm hoa súng nở. Giáo viên nhà trường cho biết, hồ hoa súng là tài sản tinh thần quý giá, làm cho ngôi trường thêm đẹp đẽ và thân thiện. Sắp tới, bức tượng Trần Nguyên Hãn sẽ được đặt ở đây, có tác dụng giáo dục truyền thống cho học sinh.
Trang bị kiến thức đi đôi với giáo dục kỹ năng sống
Thầy giáo Trần Anh Quang dạy môn vật lý Trường THPT Nguyễn Trãi được nhiều thế hệ học sinh yêu quý, kính trọng bởi thầy là người biết tạo hứng thú học tập cho học sinh. Trong mối quan hệ với học trò, thầy Quang luôn thân thiện, gần gũi, không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà còn hướng dẫn học sinh biết cách tiếp cận với tri thức và rèn luyện kỹ năng sống. Học sinh lớp thầy Quang làm chủ nhiệm thường đỗ đại học cao. Kỳ thi đại học, cao đẳng 2009, có 3 học sinh đạt điểm 10 môn vật lý.
Nhà giáo Nguyễn Thị Mai, hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long luôn tâm đắc và dành nhiều thời gian nghiên cứu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Từ lần chứng kiến sự hoảng loạn của học sinh khi thấy một bạn bị choáng ngất trong lớp, chị đã thực hiện đề tài nghiên cứu về vấn đề này. Theo chị, học sinh không chỉ cần kiến thức mà cần được trang bị kỹ năng ứng xử, đối phó với những vấn đề của cuộc sống. Có kỹ năng sống, các em sẽ tự tin hơn khi hội nhập với khu vực và thế giới. Đây là cơ sở các em làm nên thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp sau này.
Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định: Xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” là phong trào thi đua toàn diện, tác động trực tiếp, làm thay đổi chất lượng giáo dục. Đến nay, 235 trường học tại thành phố được đánh giá, xếp loại xuất sắc, 310 trường được xếp loại tốt, 104 trường xếp loại khá khi triển khai phong trào này. Năm học 2008-2009, Hải Phòng đạt thành tích cao trong sự nghiệp GD-ĐT, nhất là thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, dẫn đầu cả nước về kết quả học sinh giỏi quốc tế. Phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” với 5 nội dung thiết thực, góp phần tích cực làm nên thành tích này của ngành GD-ĐT thành phố.
Bích Hạnh