Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam: Nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật

(PLVN) - Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.
GS. TS Hoàng Thị Kim Quế
GS. TS Hoàng Thị Kim Quế

Đây là một nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định trong Chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Dễ phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực thi hành pháp luật

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật về đảm bảo hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật (TCTHPL). Hiến pháp năm 2013 đã quy định: TCTHPL là trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) tại các Điều 98, 99, 100, 112, 114. Ngày 26/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác TCTHPL giai đoạn năm 2018 - 2022”, giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, xây dựng đề xuất chính sách về xây dựng Luật TCTHPL. Như vậy, xét về nội dung và đòi hỏi của thực tiễn, về phương diện pháp luật chúng ta vẫn còn thiếu một cơ sở pháp lý ở cấp độ văn bản luật để làm cơ sở thực hiện, kiểm soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả TCTHPL.

TCTHPL có nội dung rất rộng, không chỉ là việc thực hiện trực tiếp các chức năng, nhiệm vụ chính trị - pháp lý của các cơ quan nhà nước mà còn đảm bảo thực hiện pháp luật của các cá nhân, tổ chức. Theo nghĩa rộng, TCTHPL là chức năng, nhiệm vụ của tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Theo nghĩa hẹp hơn và có sự gắn kết, liên quan trực tiếp hàng ngày, hàng giờ đến mọi cá nhân, tổ chức và trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội thì TCTHPL trước hết và chủ yếu là thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của các CQHCNN xuất phát từ đặc thù hoạt động của các cơ quan này. TCTHPL của các CQHCNN là các loại hình hoạt động nhằm tạo lập và thực hiện các điều kiện đảm bảo THPL nhằm hiện thực hóa các yêu cầu của pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Nội dung của TCTHPL của các CQHCNN bao gồm một chuỗi các hoạt động kế tiếp nhau, quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, hoạt động trước là tiền đề, là điều kiện quyết định cho hoạt động sau. Về tổng thể, nội dung TCTHPL bao gồm các hoạt động cơ bản là: xây dựng chương trình, kế hoạch thi hành văn bản pháp luật; phổ biến chương trình, kế hoạch thi hành văn bản pháp luật; công khai văn bản pháp luật; phổ biến nội dung, mục đích, ý nghĩa, cách thức thực hiện các văn bản pháp luật, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng trực tiếp phải thi hành; theo dõi THPL; kiểm tra, giám sát tổ chức thi hành văn bản pháp luật; xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật; phân công cho cá nhân, tổ chức đảm nhận trách nhiệm THPL đối với từng văn bản nhất định; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ THPL; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp trong THPL; phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật; tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức; giải trình về việc THPL; sơ, tổng kết, đánh giá TCTHPL.

TCTHPL của các cơ quan nhà nước có vai trò, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không những là đưa các quy định pháp luật vào cuộc sống mà còn đối với việc đưa cuộc sống vào pháp luật. Tình trạng pháp luật không được thực hiện, hay thực hiện không nghiêm minh, không kịp thời, không minh bạch, công bằng trong thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với ý thức và hành vi hợp pháp của con người. Việc thiếu niềm tin vào tính công bằng, bình đẳng và nghiêm minh của pháp luật là một trong những yếu tố làm tăng thêm chi phí tổ chức thực hiện của pháp luật. Tính hiện thực của các quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, vai trò chủ thể, trung tâm của người dân trên thực tế phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động TCTHPL của các CQHCNN. TCTHPL mang đến nhiều lợi ích kép đối với mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội. Trong hoạt động TCTHPL của các CQHCNN mang tính thường xuyên, liên tục, chủ động trong mọi lĩnh vực đời sống, mọi địa bàn khác nhau, vừa phải tuân thủ các nguyên tắc chung của quản trị nhà nước, vừa phải có sự chủ động, phản ứng nhanh trong những tình huống khẩn cấp, bất thường và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước. Sự phối hợp trong hệ thống cơ quan hành chính có nhiều đặc thù so với sự phối hợp của các cơ quan dân cử, cơ quan tư pháp. Vì thế, cần luật hóa rõ ràng, nhất quán về cơ chế, trách nhiệm phối hợp và chế tài hợp lý khi vi phạm.

Trong hoạt động TCTHPL, các cơ quan hành chính có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn THPL, trong đó có thủ tục, quy trình, các điều kiện về giấy phép… Thực tế cho thấy, đây là lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, thậm chí đôi khi vô cảm bởi những thủ tục hành chính rắc rối, chồng chéo, mâu thuẫn, những loại giấy phép con… gây tốn kém, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp thực hiện pháp luật.

Giải pháp bảo đảm hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật

Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả TCTHPL thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đơn cử một số giải pháp cơ bản như sau.

Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý về TCTHPL

Cần khẩn trương xây dựng Luật TCTHPL. Đồng thời, thực hiện việc rà soát các quy định pháp luật hiện hành về TCTHPL để chọn lọc, kế thừa những điểm hợp lý, bổ sung hoàn thiện.

Hoàn thiện pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả TCTHPL góp phần tạo lập văn hóa thượng tôn pháp luật với hệ thống thủ tục pháp lý đơn giản, minh bạch, thuận tiện nhất cho cá nhân, tổ chức. Thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch, tiết kiệm, hiện đại là một cách giảm chi phí THPL đối với mọi chủ thể, nhất là đối với doanh nghiệp. Trong nội hàm của TCTHPL có nhiệm vụ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn THPL của các CQHCNN, hoạt động này cần được theo dõi, kiểm soát. Hoàn thiện pháp luật TCTHPL để có cơ sở pháp lý thống nhất, toàn diện về kiểm soát, đánh giá, đo lường hoạt động của các cơ quan nhà nước, đảm bảo quyền, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân trong giám sát, kiểm sát TCTHPL của các CQHCNN.

Luật TCTHPL sẽ đóng vai trò là khung pháp lý đầy đủ, ổn định, có hiệu lực pháp lý cao, xác định nội dung, các điều kiện đảm bảo, chế độ trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, trách nhiệm trong cơ chế phối hợp, trong xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh. Điều này cho phép tránh được tính hình thức của việc báo cáo truyền thống và tính hình thức của giải trình. Về tên gọi văn bản luật này thì cần nghiên cứu sao cho hợp lý, có thể đặt tên là “Luật Kiểm soát, theo dõi THPL của các CQHCNN”. Tuy vấn đề này hiện nay đang có các quan điểm khác nhau, nhưng theo quan điểm chung, xây dựng Luật TCTHPL của các CQHCNN là rất cấp thiết bởi chính tầm quan trọng của lĩnh vực này.

Vai trò, mục đích, nhiệm vụ của Luật TCTHPL là thiết lập cơ sở pháp lý có hiệu lực pháp lý tầm văn bản luật để xác định và giao nhiệm vụ một cách thống nhất cho các cơ quan hành chính TCTHPL, là cơ sở cho kiểm tra, đánh giá, phản biện, kiểm soát pháp lý và xã hội; cơ sở để thực hiện các hoạt động chỉ đạo, điều hành, chấp hành trong hệ thống hành chính/nền quản trị quốc gia, quản trị địa phương; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Với ý nghĩa đó, Luật TCTHPL không nên xem chỉ là một sự tập hợp cơ học các quy định rải rác, tản mạn lâu nay trong nhiều văn bản pháp luật.

Thứ hai, xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả THPL của các CQHCNN

Bộ chỉ số này cần được xây dựng trên cơ sở nội dung cơ bản, các hợp phần cơ bản của hoạt động TCTHPL của các CQHCNN. Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả THPL của các CQHCNN được cấu thành từ 6 chỉ số thành phần chính là: chỉ số về hiệu quả xây dựng văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, chỉ số về hiệu quả hoạt động xây dựng kế hoạch TCTHPL; chỉ số về hiệu quả hoạt động của bộ máy, nhân sự, nguồn lực để TCTHPL; chỉ số hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; chỉ số hiệu quả hoạt động cấp các loại giấy phép…; chỉ số hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ ba, xây dựng, kiểm soát việc thực thi trách nhiệm và đạo đức công vụ

Hiệu lực, hiệu quả THPL phụ thuộc trực tiếp vào ý thức, hành vi tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền, lợi ích cá nhân, tổ chức của các cơ quan, nhân viên nhà nước. Trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ luôn gắn liền với công khai, minh bạch và quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với các hoạt động của công chức và bộ máy nhà nước. Tạo lập văn hóa kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ. Tăng cường phổ biến, giáo dục để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về xung đột lợi ích, kết hợp lồng ghép tình huống xung đột lợi ích và hướng dẫn về phát hiện, phòng ngừa, ứng phó các tình huống xung đột lợi ích...

Thứ tư, đảm bảo sự tham gia của người dân, các tổ chức xã hội vào hoạt động TCTHPL

Sự tham gia của xã hội vào hoạt động TCTHPL là điều kiện, giải pháp bền vững đảm bảo hiệu lực, hiệu quả THPL, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Không chỉ là quyền tham gia của người dân mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phải tạo lập những điều kiện cần thiết về pháp lý, nguồn lực, văn hóa, kinh tế, kỹ thuật đảm bảo cho người dân có thể tham gia một cách có chất lượng, hiệu quả. Người dân, tổ chức xã hội phải có quyền thực hiện sự đánh giá về mức độ hài lòng đối với chính quyền, cơ quan, đơn vị về việc đảm bảo quyền tham gia của xã hội vào quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia góp ý chính sách, pháp luật mà còn phải đảm bảo quyền của họ về góp ý, phản biện, đánh giá về TCTHPL của các CQHCNN. Giám sát, đánh giá TCTHPL cũng là công cụ để thu thập thông tin phản hồi từ các cá nhân, tổ chức về thực trạng và đề xuất kiến nghị, biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả THPL của các CQHCNN.

Đọc thêm