Hoạt động nhập khẩu ô tô: Thở dài vì Thông tư... quá chặt

(PLO) - Khi Nghị định 116 được ban hành, các hãng nhập khẩu ô tô cũng như Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) hy vọng thông tư hướng dẫn sẽ khiến họ dễ thở hơn trong hoạt động nhập khẩu ô tô. Vậy nhưng…
Ford đã ngừng sản xuất các dòng xe cho thị trường Việt Nam ở 2 nhà máy trên thế giới
Ford đã ngừng sản xuất các dòng xe cho thị trường Việt Nam ở 2 nhà máy trên thế giới

Thông tư chặt hơn Nghị định!

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 03/2018/TT-BGTVT hướng thực hiện các quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2018. Về cơ bản, TT 03 chỉ làm rõ hơn các khái niệm nêu trong NĐ 116 và quy định chi tiết hơn các yêu cầu, thủ tục… đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu chứ không “nới lỏng” theo đề xuất trước đó của nhiều DN kinh doanh ôtô. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng TT 03 còn khắt khe hơn cả NĐ 116 khi tại Mục 2, Điều 4 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định: Hồ sơ đăng ký kiểm tra đối với ô tô nhập khẩu chưa qua sử dụng còn “thêm” nhiều… chi tiết hơn so với NĐ 116. Điều này khiến các DN nhập khẩu ô tô đứng ngồi không yên và đã có những phản hồi đến Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thương mại Nhật Bản cũng đã đưa vấn đề này ra trong một cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và đề nghị có tiếng nói để quyền lợi của các DN Nhật Bản ở Việt Nam được đảm bảo. 

Trước đấy, VAMA đã 4 lần gửi thư đến Chính phủ và các bên liên quan vấn đề nhập khẩu ô tô về những yêu cầu được quy định trong NĐ 116. Thậm chí, có thể nói, VAMA đã cố gắng… gỡ vướng mắc cho các DN hội viên bằng cách đề xuất lùi thời hạn thực thi chính sách khoảng 6 tháng. Hoặc đề nghị, Chính phủ cho phép các DN được thông quan theo các quy định cũ đối với các đơn hàng đã đặt trước khi ban hành NĐ 116. 

Nhưng những nỗ lực của VAMA cũng như hy vọng của các nhà nhập khẩu ô tô đã tan tành, khi thông tư hướng dẫn chỉ cho thời hạn thực thi các quy định mới trong khoảng hơn một tháng với điều khoản thông tư chính thức có hiệu lực từ 01/3/2018. 

Không chỉ có vậy, TT 03 còn có những điều kiện nhập khẩu được quy định còn “khủng” hơn NĐ. Cụ thể, ngoài điều khoản các xe ô tô chưa qua sử dụng muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải cung cấp Bản sao giấy Chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài thì TT này còn yêu cầu, hồ sơ phải bao gồm thêm: Bản sao giấy Chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Bản sao tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.

Dừng mọi hoạt động sản xuất liên quan đến… Việt Nam

Hồi đầu năm, rất nhiều DN nhập khẩu ô tô vào Việt Nam đã thông báo tạm dừng nhập khẩu ô tô như Honda, Toyota. Nhiều y kiến cho hay, thực ra các hãng đều không muốn dừng nhập khẩu. Chỉ cách đây vài tháng, nhiều hãng có ý định sẽ chuyển sang nhập khẩu (thay vì lắp ráp tại Việt Nam) do quy định thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia ASEAN về 0%. Nhưng khi NĐ 116 ban hành, các hãng nói trên mới buộc phải dừng nhập khẩu để chờ xoay sở. 

Ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Cty Ford Motor cho biết, Ford vẫn đang nghiên cứu các bước tiếp theo trong việc thực hiện TT 03 nhưng theo đánh giá ban đầu, những yêu cầu chính của NĐ 116 vẫn thể hiện trong TT 03 nên DN nhập khẩu ô tô vẫn gặp nhiều vướng mắc như giấy chứng nhận xuất xưởng được cấp bởi nước xuất khẩu và yêu cầu kiểm tra theo lô đối với tất cả các lô nhập khẩu dù vẫn cùng một chủng loại và kiểu dáng xe. 

Ông Dũng khẳng định: “Đối với yêu cầu về giấy chứng nhận kiểu loại, mỗi thị trường có một giấy chứng nhận khác nhau, có đặc thù riêng, sẽ có một số DN đáp ứng được nhưng chắc chắn số DN không đáp ứng được sẽ chiếm phần đông. Còn việc kiểm tra theo lô sẽ chỉ làm tăng chi phí vận hành cho DN, ảnh hưởng đến hoạt động của DN và cả việc đáp ứng yêu cầu khách hàng”. 

Ông Dũng chia sẻ thêm: “Trong một môi trường mở, các quy định nên phù hợp với thông lệ quốc tế đang được áp dụng. Luật mới khi đi vào thực hiện cần một khoảng thời gian để thích nghi vì ô tô khác với các ngành khác, cần phải có một khoảng thời gian rất dài để điều chỉnh chiến lược, chưa kể, thời gian đặt hàng thường mất khoảng 3-6 tháng”.

Theo ông Dũng, cần phải có một khoảng thời gian tối thiểu để các DN hoạch định chiến lược. Ở các nước khác, cần ít nhất 18 tháng cho một chính sách mới đi vào hoạt động. Trong khi đó, ở Việt Nam NĐ 116 ban hành ngày 17/10/2017 và có hiệu lực ngay tức thì, còn TT 03 ban hành ngày 10/01/2018 thì đến 01/3/2018 đã có hiệu lực. 

Theo tìm hiểu của PLVN, hiện Ford có 92 xe đang nằm kẹt ở cảng của Hoa Kỳ bởi khi lô xe vừa cập cảng, Việt Nam đã ban hành NĐ 116. Không còn cửa nhập khẩu ô tô vào Việt Nam, Ford Việt Nam buộc phải báo về Mỹ và dừng việc hoàn thiện các thủ tục để đưa xe đi. Cũng theo thông tin này, Ford Việt Nam đã dừng sản xuất các dòng xe phục vụ thị trường Việt Nam tại Nhà máy Ford ở Mỹ từ tháng 10/2017 và dừng toàn bộ các hoạt động sản xuất cho thị trường Việt Nam ở nhà máy Đông Nam Á từ đầu năm 2018. 

Tại cuộc họp báo chiều 2/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời câu hỏi liên quan tới các ý kiến của doanh nghiệp cho rằng đang có những vướng mắc xung quanh Nghị định 116 của Chính phủ.

Bộ trưởng cho biết, ngày 17/11/2017, Thủ tướng đã ký Nghị định 116 về sản xuất lắp ráp và nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng xe ô tô  được các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu rất quan tâm. Đúng là hiện nay có câu chuyện là nhập xe trong tháng 1 giảm 38%. Chúng tôi cũng nhận được thư, ý kiến của cơ quan đại sứ, các tổ chức gửi Thủ tướng, đề nghị xem xét chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét lại Nghị định 116 có 3 vấn đề:  Thứ nhất là về cấp giấy chứng nhận phù hợp. Thứ hai là liên quan tới việc kiểm tra từng lô; Vấn đề thứ 3 là vấn đề đường thử.