Ô tô tăng giá bất thường, vẫn hết…

(PLO) - Tháng Tết luôn là tháng cao điểm tiêu thụ hàng hóa của tất cả các mặt hàng. Số lượng ô tô tiêu thụ cũng không là ngoại lệ, dù giá cả đang tăng bất thường. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tăng giá tất cả các dòng xe… 

Khảo sát qua các showroom cho thấy lượng khách hàng đến tìm hiểu về xe khá đông và hầu hết các đại lý đều không còn nhiều dòng xe để lựa chọn. Anh Nguyễn Quang Anh (Giám đốc một công ty bảo hiểm) cho biết, anh đã tìm mua xe khá lâu, những dòng xe anh đã định mua đều đã hết hàng, do đó là dòng xe nhập khẩu. “Xe sang giờ còn nhiều nhưng lại không nằm trong sự lựa chọn của tôi, tôi thường lựa chọn dòng trên dưới 1 tỷ đồng thôi. Giờ phải lựa chọn xe lắp ráp cũng không ưng lắm. Chắc là… phải chờ rồi”- Khách hàng này chia sẻ.

Những khách hàng mang tâm lý như anh Anh khá nhiều, đa phần đều chọn biện pháp “thuê xe chơi tạm dịp Tết” chứ không chọn các dòng xe sản xuất lắp ráp trong nước. Cá biệt, ở Toyota Long Biên, chị Phương Trang (nhân viên bán xe) cho biết, chị cũng mới gặp một khách hàng “chỉ thích Fortuner” và chấp nhận ký một hợp đồng đặt cọc xe Fortuner dù đến tận quý 3/2018 mới được nhận hàng. Chị Trang còn cho biết, giá xe trong hợp đồng mới chỉ ghi “dự kiến” vì chưa biết giá xe chính xác, các loại thuế phí sẽ ra sao. 

Cũng tại đại lý này, các dòng xe lắp ráp trong nước tiếng tăm như Altis, Vios cũng đã hết hàng dù giá đều tăng khoảng từ 10-40 triệu đồng/xe. Các đại lý của Suzuki cũng ở vào tình trạng chỉ còn 1-2 chiếc/dòng xe để khách hàng lựa chọn. Vũ Thành Tôn, nhân viên bán hàng của Suzuki Hà Thành cho biết, lượng khách đến mua xe tăng hơn so với tháng trước dù giá xe tại hãng niêm yết tăng khoảng 5-10 triệu/xe. 

Theo chị Nguyễn Thị Dung, nhân viên bán hàng của Kia Bạch Đằng, thị trường ô tô chưa bao giờ xuất hiện tình trạng ế ẩm như tháng 12/2017. Cụ thể, tại Kia Bạch Đằng, số lượng bán ra trong tháng 12 hầu như đếm trên đầu ngón tay nhưng đến tháng 01/2018, số lượng bán ra lại tăng khá nhiều, do cận Tết, nhu cầu cần xe tăng lên. 

Hiện tại Kia Bạch Đằng không còn một chiếc xe nhập khẩu nào, xe lắp ráp trong nước cũng ở trong tình trạng hết hàng dù giá có nhích hơn chút ít, rơi vào khoảng từ 5-10 triệu/xe đối với dòng xe giá thấp, còn với dòng xe giá cao hơn, giá tăng khoảng 35-40 triệu/xe. Chị Dung cho biết, hiện giờ vẫn còn nhiều khách hàng vào hỏi mua xe nhưng vì cả đại lý lẫn nhà sản xuất đều không lường trước được tình trạng nhu cầu xe tăng cao nên không còn xe để xuất bán. 

Tương tự với các dòng xe nhập khẩu của hãng này, hiện dòng xe Kia Rio cũng đã hết hàng ở hầu khắp các đại lý. Dòng xe Kia Cerato cũng không còn hàng để bán. Phân khúc tương tự như Cerato là Madza 3 cũng không còn chiếc nào trong khi giá xe cũ lại đội lên khoảng 20-30 triệu/xe. Do đó, hầu hết khách hàng vẫn trong tâm lý đợi xe, thậm chí có những người chấp nhận trả cao hơn vẫn không có xe để bán. 

Phải… chi đậm nếu muốn nhận xe ngay

Một nhân viên bán hàng của Toyota khẳng định, mùa Tết năm nay không sôi động như năm ngoái. Bởi năm ngoái, hầu hết các khách hàng phải chi thêm tiền mua phụ kiện, rơi vào khoảng từ 20-50 triệu thì lấy được xe nhưng năm nay, chi đậm cũng không có xe để xuất, ví như dòng Fortuner. Nửa tháng trước, khách hàng nào “máu”, phải xuất thêm khoảng 200 triệu/xe thì sẽ có xe mới xuất ra, còn thời điểm này, thêm 300 triệu/xe cũng không còn xe để bán. 

Nhân viên này còn khẳng định: “Nếu anh, chị lấy xe lướt, giá khoảng 1,3 tỷ, tương đương với xe mới. Xe lướt này mới đi khoảng 1 vạn cây số”. Khi chúng tôi ngập ngừng với giá xe cũ bằng xe mới, nhân viên này lên tiếng: “Chị cứ tính xem, giá Fortuner bình thường khoảng hơn 900 triệu một xe, thêm thuế phí sẽ vào khoảng 1,3 tỷ, cộng thêm tiền chênh lệch cũng lên đến 1,6 tỷ rồi”. 

Một dòng xe đang hot không kém, Honda CRV cũng đã kịp nhập cảng trước thời điểm 01/01/2018 nên đang “làm mưa làm gió” thị trường. Một chiếc xe này được hãng “tạm tính” 1,1 tỷ đồng nhưng tại hầu hết các đại lý đều yêu cầu phải chi thêm 125 triệu mới có thể lấy được xe ngay, còn nếu khách hàng lấy vào tháng 3, sẽ được mua với giá “tạm tính”. 

Một số dòng xe được ưa chuộng khác cũng bị đẩy giá lên… khoảng 80 triệu/xe khiến người mua xe “ngậm ngùi”. Nhưng ngay cả những dòng xe không phải hút khách lắm cũng bị gợi ý phải “chi thêm” mới nhận được xe trước Tết. Chị Vũ Hồng Giang (làm việc tại sân bay Nội Bài) cho biết, đầu tháng 01, chị đã đặt mua dòng xe của Suzuki, giá 359 triệu đồng, thêm 10 triệu tiền bảo hiểm thân vỏ và phụ kiện dịch vụ nữa là sẽ được nhận xe. 

Tuy nhiên mới đây, nhân viên bán xe đã liên hệ lại, đề nghị mua một gói phụ kiện khác, với trị giá lớn hơn 10 triệu đồng mới được lấy xe. Không chấp nhận bị “làm giá” kiểu ấy, chị Giang đã… bỏ xe, không đồng ý lấy chiếc xe đó nữa, dù sau đó phía đại lý đã thu hồi yêu cầu mua gói phụ kiện nêu trên. 

Đây đều là những chiêu được tung ra vào dịp Tết, đánh vào tâm lý “muốn sở hữu xe trước Tết” của đa phần khách hàng. Có thể thấy, rõ ràng chuyện “làm chiêu tăng giá” không phải chủ ý từ các hãng xe nhưng do hiện tại thị trường Việt Nam đang rơi vào tình trạng “cung ít, cầu nhiều” nên các khách hàng đều bị o ép, nhất là khi hiện nay, khả năng xe nhập khẩu có thể vào Việt Nam hay không không còn phụ thuộc vào các hãng xe.