Siết chặt ô tô nhập và kỳ vọng người Việt dùng hàng nội

(PLO) - Ra đời cách đây hơn 4 tháng, Nghị định 116/2017/NĐ-CP đã siết chặt các tiêu chuẩn đối với xe nhập khẩu. Mục đích xây dựng và ban hành Nghị định này đã nhiều lần được khẳng định là nhằm phát triển ngành ôtô Việt Nam, không biến Việt Nam thành "bãi rác" ô tô nhập của thế giới. 
Một trong 4 mẫu xe Honda nhập khẩu trở lại về Việt Nam theo NĐ 116
Một trong 4 mẫu xe Honda nhập khẩu trở lại về Việt Nam theo NĐ 116

Đằng sau các quy định chặt chẽ, các tiêu chuẩn cao là cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp có tâm huyết phát triển công nghiệp ôtô thực sự, làm ăn bài bản, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo việc làm. Tuy nhiên, đến nay Nghị định 116 vẫn còn gây tranh cãi. 

“Đóng cửa” với ô tô nhập?

Nghị định 116/2017/NĐ-CP  có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đặt ra các quy định chặt chẽ đối với xe nhập khẩu như: phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam hay khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp sẽ phải duy trì các điều kiện kinh doanh và bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu... 

Quy định mới có hiệu lực ngay khi Việt Nam bãi bỏ thuế nhập khẩu ô tô theo quy định chung từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ 30% về mức 0% từ ngày 1/1/2018.

Các quy định chặt chẽ của Nghị định này, cộng với Thông tư 03/2018/TT-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải ban hành được cho là "đóng cửa" đối với hoạt động nhập khẩu đơn thuần mà không cần đầu tư bài bản vào sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, tạo việc làm lâu dài ở Việt Nam của nhiều doanh nghiệp lâu nay. 

Kể từ khi Nghị định được ban hành vào tháng 10/2017, Chính phủ các nhà xuất khẩu ô tô lớn như Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại rằng doanh nghiệp của họ khó có thể tiếp tục bán vào thị trường Việt Nam. Họ cũng cho rằng Nghị định trên có thể vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là một rào cản phi thuế quan được đưa ra để bảo hộ ngành sản xuất ô tô trong nước.

Các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực ôtô tại Việt Nam liên tục thông báo ngưng mọi hoạt động xuất xe sang Việt Nam. Họ cho rằng bị làm khó trong việc đáp ứng yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe nhập khẩu và quy định kiểm tra tất cả các lô xe, thay vì chỉ kiểm tra lô đầu tiên như trước đây. Rất nhiều những vướng mắc ấy đã được phản ánh tại cuộc đối thoại cuối tháng 2 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.

Trên thực tế, lượng nhập khẩu xe nguyên chiếc trong tháng đầu năm 2018 tại Việt Nam đã rơi "thảm khốc”. Tính đến ngày 15/2/2018, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ chỉ là 32 chiếc với trị giá 1,1 triệu USD. Trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán, cũng chỉ có 1 chiếc ôtô dưới 9 chỗ được nhập khẩu. Không xuất được xe sang Việt Nam, phía Indonesia cũng lên tiếng về những điều kiện chặt chẽ của Nghị định 116.

Cần 1 chiến lược bài bản

Ở chiều ngược lại, với các điều kiện chặt chẽ về nhập khẩu của Nghị định 116, một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp ôtô đang được hình thành, từ cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp nội địa. 

Mới đây, Mitsubishi Motors đã gặp gỡ hàng loạt cơ quan hữu trách Việt Nam để thông báo đang nghiên cứu kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ôtô thứ hai tại Việt Nam với quy mô 250 triệu USD, công suất 50.000 xe/năm. 

Dự kiến, nhà máy thứ hai sẽ có thể sản xuất từ giữa năm 2020 và giải quyết được việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Ngoài ra, hãng xe này cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Chính phủ về việc phát triển ôtô điện tại Việt Nam. 

Ngay cả Ford cũng đang nung nấu ý định đẩy mạnh lắp ráp xe tại Việt Nam để đáp ứng điều kiện hưởng thuế ưu đãi 0% với linh kiện, phụ tùng ôtô theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Về phía doanh nghiệp nội địa, Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) cũng mới khởi công nhà máy mới sản xuất lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda có công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm) với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng, tương đương 520 triệu USD. 

Trước đó, Vingroup đã công bố đầu tư 3,5 tỷ USD vào dự án ôtô Vinfast với tham vọng xây dựng thương hiệu ôtô Việt. Hyundai Thành Công thì không những đổ hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư bài bản vào công nghiệp ôtô, mà còn mong muốn xuất khẩu ngược ra khu vực ASEAN. 

Trái với những dự báo rằng ngành ôtô Việt sẽ bị "nhấn chìm" khi thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0% từ đầu năm 2018, các hoạt động sản xuất hiện tại vẫn giữ vững và phát triển. 

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tính tới ngày 15/2/2018, nhập khẩu linh kiện ôtô đạt kim ngạch là 332 triệu USD. So với mức 387 triệu USD cùng kỳ năm 2017, có thể thấy, sản xuất trong nước với mặt hàng này vẫn được giữ ở mức ổn định.

Đáng chú ý, khoảng 2.000 chiếc xe ô tô miễn thuế nhập khẩu của Honda Motor đã cập cảng biển Việt Nam. Đây là lô ô tô nhập khẩu miễn thuế đầu tiên được kiểm định. Khoảng 2.000 chiếc xe Honda, với 4 mẫu xe khác nhau gồm Jazz, Accord, CR-V và Civicđã được vận chuyển từ ngày 26/2, đánh dấu chuyến hàng đầu tiên của hãng sản xuất ô tô Nhật Bản tới Việt Nam sau hơn hai tháng Nghị định 116 có hiệu lực.  

Các ý kiến phản đối Nghị định 116 cho rằng Nghị định đã tạo ra những rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ ngành ô tô trong nước. Tuy nhiên, nhìn ra khu vực, nhiều quốc gia cũng đã xây dựng và phát triển thành công ngành công nghiệp ôtô nội địa nhờ chiến lược bảo hộ bài bản, khôn khéo.

Điển hình là Thái Lan và Malaysia khi hiện nay công nghiệp ôtô Thái Lan lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 12 trên thế giới, còn ngành công nghiệp xe hơi Malaysia đang tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 122.000 lao động, đóng góp 10% GDP.

Trở lại với buổi đối thoại nói trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các cơ quan nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Việt Nam là phát triển ngành công nghiệp ôtô để dần từng bước tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa thông qua các cơ chế, chính sách và chính sách thuế. 

"Chúng tôi không kết luận tại đây mà sẽ tiếp thu nghiêm túc và sẽ đưa ra giải pháp sớm nhất. Chúng tôi đã nghe cả hai chiều, xin ghi nhận và tiếp thu toàn bộ các ý kiến. Đây là hội nghị rất quan trọng để làm rõ hơn về Nghị định 116, các yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội để chúng tôi báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng các giải pháp cụ thể" - Bộ trưởng Dũng nói.