Xe Nhật lên ngôi sau khủng hoảng dầu

Trong khủng hoảng dầu mỏ, các hãng xe Nhật Bản đã lên kế hoạch xâm nhập thị trường nước ngoài

Lợi dụng tình thế các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu suy sụp do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dầu mỏ, các hãng xe Nhật Bản đã lên kế hoạch xâm nhập thị trường nước ngoài. Từ giữa thập niên 70, Nhật là một trong những quốc gia có tỷ lệ xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới.

Năm 1973, sau khi Tổ chức các quốc gia Ả Rập xuất khẩu dầu mỏ OPEC ra lệnh cấm xuất khẩu dầu thô sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur chống lại Ai Cập và Syria (trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số nước Tây Âu), giá dầu thế giới đột ngột tăng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành kinh tế và cục diện toàn ngành sản xuất ôtô.

Nissan Maxima - một trong những mẫu xe làm nên tên tuổi của Nissan

Vốn nổi danh với những loại xe sở hữu động cơ lớn “uống xăng” truyền thống, “Big Three” của Detroit những năm đó đều lâm vào cảnh “liêu xiêu”, sản lượng sụt giảm nghiêm trọng. Lợi dụng thời cơ, các nhà sản xuất xe của Nhật đã từng được biết đến trên thị trường với một số mẫu xe nhỏ ấn tượng từ những năm 1950 như Prince, Nissan Cherry, Toyota Corona Crown, Mitsubishi 500, Minica… đã lập kế hoạch vươn ra thế giới.

Họ tận dụng rất nhiều phương pháp kĩ thuật để cải tiến và cho ra đời những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu vượt trội, giá thành thấp nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời buổi giá nhiên liệu tăng cao, đồng thời, giúp ngành ôtô trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn và thu hút thị trường quốc tế. Họ liên tục hạ giá xe bằng cách sử dụng các động cơ nhỏ từ 360cc-600cc để giảm thuế. Xe còn được trang bị công nghệ tăng áp hoặc DOHC đi kèm hộp số tự động giúp tiết kiệm nhiên liệu tối đa.

Honda Accord

Cùng với những chiến dịch nâng cấp các dòng xe mới, rất nhiều nhà sản xuất đồng loạt đưa ra kế hoạch xuất khẩu xe nhỏ sang các thị trường tiềm năng như Mỹ, Úc, Anh, Ý,… Nhờ đó, đến năm 1975, trong khi ngành ôtô Mỹ và một số nước châu Âu khác vẫn đang “ngụp lặn” trong các dự án làm mới mình thì những mẫu xe nhỏ của Nhật “làm mưa làm gió” trên thị trường.

Trên đà thắng thế, từ cuối thập niên 70, hàng loạt các nhà sản xuất của Nhật đã giới thiệu thêm nhiều mẫu xe mới: Honda có Civic (1975), Acrord (1976) và Jazz/Fit (1982); Mitsubishi có Galant và Lancer; Toyota có Camry (1980), 4 Runner (1984), Corolla FX16 (1986)… Tất cả đều là những mẫu xe gây được tiếng vang lớn, giành được nhiều thành công vang dội ở cả thị trường trong nước cũng như nước ngoài.

Theo một số nghiên cứu của Cục bảo vệ môi trường thời bấy giờ, sở dĩ xe Nhật được ưa chuộng là do chúng sở hữu mức giá phải chăng, đa dạng chủng loại, khả năng vận hành mạnh mẽ và tiết kiệm nhiên liệu hơn các loại xe châu Âu.

Toyota Corana - mẫu xe góp phần khẳng định tên tuổi của Toyota trên thị trường quốc tế

Từ 1981-1983, lượng xe Nhật xuất khẩu sang Mỹ là 1,68 triệu chiếc. Năm 1984-1985 là 1,85 triệu chiếc. Từ 1986-1991 lượng xe Nhật xuất sang Mỹ đạt mốc 2,3 triệu chiếc, trong đó, Toyota chiếm đến hơn 1 triệu xe và trở thành nhà xuất khẩu xe nước ngoài lớn nhất tại Mỹ.

Cuối thập niên 80, ngoài việc xuất khẩu xe, các nhà sản xuất của Nhật còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác, liên doanh với các hãng xe nước ngoài, đồng thời thành lập nhiều nhà máy riêng tại một số thị trường tiềm năng. Isuzu và Suzuki hợp tác với GM, Toyota và GM thành lập công ty liên doanh New United Motor Manufacturing Inc. (NUMMI) tại Mỹ. Nissan khánh thành nhà máy Nissan Motor Manufacturing Corporation USA ở Tennessee. Toyo Kogyo (sau này là Mazda) mở rộng quan hệ với Ford. Honda hợp tác với British Leyland Anh Quốc. Nissan và Motor Iberica bắt tay hợp tác ở Tây Ban Nha. Mitsubishi hợp tác với Chrysler....

Kể từ năm 1985, các nhà sản xuất xe của Nhật đã không ngừng gia tăng hoạt động sản xuất để có được 7 triệu chiếc xe tung ra thị trường mỗi năm. Sau nhiều năm phấn đầu không ngừng, đến đầu những năm 2000, Nhật Bản đã trở thành thị trường sản xuất ôtô lớn nhất thế giới và nằm trong top đầu những quốc gia có thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất toàn cầu.

Đọc thêm