Xét chuẩn các danh hiệu nghệ sỹ, Nghệ nhân cứng nhắc hay vô tình?

Có những nghệ sĩ, nghệ nhân sống, ra đi trong lặng lẽ trong sự vô tình lãng quên tài năng, sức lực họ đã cống hiến cho đời…

Có những nghệ sĩ, nghệ nhân sống, ra đi trong lặng lẽ trong sự vô tình lãng quên tài năng, sức lực họ đã cống hiến cho đời…

Hoạt động nghệ thuật thì không nên “cân đo” chính – phụ ?

Cách đây không lâu, tại Hà Nội và TP.HCM, lần đầu tiên Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nghệ sĩ về Dự thảo nghị định, quy định xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT).

Một vấn đề "nóng" được các đại biểu quan tâm là việc xét tặng huy chương hiện nay đa số chỉ tặng thưởng cho những diễn viên trẻ, đóng vai chính trong các vở diễn, còn nghệ sĩ đóng các vai phụ, vai phản diện, những nghệ sĩ có tuổi lại bị quên khi xét tặng.

Những báu vật nhân văn sống.

Tại hội thảo này, chính trường hợp của nghệ sĩ Văn Hiệp đã được đưa ra bàn luận bởi thực tế, ông đã tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện… nhưng chưa được xét NSƯT vì Hội đồng có ý kiến rằng ông diễn nghiệp dư, dù nghệ sĩ Văn Hiệp đã diễn từ năm 1954 trong vở “Lỳ và Sáo” ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Qua 3 lần làm hồ sơ, nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn không được phong NSƯT vì thiếu huy chương.

Các đại biểu cũng góp ý về việc xét duyệt không nên quá chú trọng hình thức để tránh xảy ra hiện tượng nghệ sĩ đạt danh hiệu nhưng không được công chúng công nhận, nhiều nghệ sĩ tài năng nhưng không nằm trong danh sách được phong tặng do không đủ huy chương theo quy định.

Khi xét tặng danh hiệu cần xét đến thời gian hoạt động nghệ thuật và tầm ảnh hưởng của người nghệ sĩ đối với công chúng. Do đó, các nghệ sỹ đề nghị mở rộng thêm việc quy đổi giải thưởng xét tặng danh hiệu từ các hội thi, hội diễn; ngoài ra, nên quy đổi cả huy chương bạc để tính vào tiêu chuẩn xét tặng (hiện tại chỉ có huy chương vàng mới được xem xét đưa vào tiêu chuẩn). Đồng thời, cần có mặt bằng chung để quy đổi giá trị các giải thưởng đạt được khi tham gia các chương trình liên hoan quốc tế.

Thực tế có nhiều nghệ sĩ Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế cao, được thế giới mến mộ, tôn vinh nhưng thành tích lại không được quy đổi hợp lý.

NSND Nguyễn Công Tiến cho rằng: “Những nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND bên cạnh những tiêu chí bình xét theo quy định của Nghị định, cần phải là những người có tầm ảnh hưởng bao quát đến lĩnh vực nghệ thuật mình hoạt động, cũng như được đông đảo công chúng biết tới. Đồng thời, người nghệ sĩ, đặc biệt là NSND trong lối sống, sinh hoạt thường ngày cũng phải là người có tâm, có đạo đức, có lối sống gương mẫu”.

NSND Lê Chức cũng chung quan điểm: “Với danh hiệu NSND, ảnh hưởng uy tín về nghề nghiệp xã hội cao hơn rất nhiều nên chúng ta phải tôn vinh ở mức độ khác. Với danh hiệu NSƯT, chúng ta không làm thấp tiêu chuẩn. Đáng lưu ý là hiện nay có rất nhiều người hiểu NSƯT còn cao hơn cả NSND”.

Đừng để ngành đặc thù thiệt thòi

Nhiều đại biểu thuộc ngành múa, xiếc, hát tuồng… bày tỏ sự lo lắng do diễn viên chỉ tỏa sáng tài năng khi tuổi đời còn rất trẻ, sau đó sẽ rất khó duy trì phong độ và đỉnh cao nghệ thuật. Cạnh đó phải khoảng 10 năm các ngành này mới tổ chức liên hoan một lần, vì vậy việc đạt huy chương vàng sẽ là chuyện vô cùng khó với các ngành nghề khác.

NSND Tâm Chính- Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam cho biết: “Tuổi đời nghệ sĩ xiếc rất ngắn, chưa kể những nghệ sĩ theo nghề được vài năm đã gặp chấn thương phải bỏ nghề, rồi đạt được một tấm huy chương cũng là rất khó.

Riêng trong nghề xiếc, muốn được xét tặng NSƯT thì phải có 2 giải Vàng, đây là việc rất khó. Trong Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ 4 vừa diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam có duy nhất một giải Vàng (Liên hoan 4 năm mới tổ chức một lần), vậy làm sao người nghệ sĩ xiếc mới được xét tặng NSƯT. Nên xét duyệt NSND từ 2 giải Vàng trở lên, NSƯT từ 1 giải Vàng, một giải Bạc trở lên thì có thể xét được”.

Về vấn đề “đặc cách”, nhiều đại biểu đều e ngại bởi chưa có hướng dẫn một cách cụ thể. Tuy nhiên cần ban hành chi tiết hơn các tiêu chuẩn được đặc cách. Bởi trên thực tế, nhiều người có công rất lớn nhưng bị thiệt thòi, có thể bị lãng quên khi xem xét như: thiết kế ánh sáng, phục trang, nhạc công, họa sĩ, nhạc sĩ viết lời, soạn giả kịch bản…

Còn trong lịch sử trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ở Việt Nam, từng có những trường hợp đặc cách. Diễn viên Phương Thanh được truy tặng danh hiệu NSƯT năm 2012, ba năm sau khi bà qua đời. Ca sĩ Y Moan được đặc cách trao danh hiệu NSND năm 2010 trong liveshow “Ngọn lửa cao nguyên”, diễn ra một tháng trước khi ông mất.

Uyên Na

Đọc thêm