Xét tuyển Đại học 2015: Thấp thỏm… canh điểm

(PLO) - Sau hơn một tuần xét tuyển đại học, cao đẳng, hầu hết thí sinh đều hồi hộp  bởi dù điểm cao cũng khó chắc chắn đã đỗ. Thời gian xét tuyển kéo dài (mỗi đợt 20 ngày, đợt 1 từ ngày 1 - 20/8), như vậy sau hơn 20 ngày xét tuyển thí sinh mới được biết mình có chính thức đỗ vào trường, ngành mình yêu thích hay không…
Xét tuyển Đại học 2015: Thấp thỏm… canh điểm
Thí sinh tập trung vào ngành “nóng”
Nếu như ở những kỳ tuyển sinh trước, tháng 8 là giai đoạn thí sinh thảnh thơi chờ kết quả xét tuyển ĐH  thì trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, sau khi biết điểm, các em phải bắt đầu “cuộc đua” nguyện vọng 1. Vì theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015, thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 bắt đầu từ 1/8, kết thúc vào ngày 20/8. 
Trong thời gian này thí sinh có quyền cân nhắc rút hồ sơ nộp vào trường hoặc ngành khác. Thời gian các trường được công bố kết quả trúng tuyển từ 21-25/8. Thời gian này, các trường ĐH cũng bận rộn không kém vì vừa phải tư vấn, hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ, vừa cập nhật rất nhiều số liệu để báo cáo theo đúng lịch trình mà Bộ GD-ĐT quy định. 
Cuối tuần qua đã có trên 100 trường công bố danh sách điểm thí sinh theo thứ tự. Song đó chỉ là thứ tự tạm thời, vì sau hơn một tuần nghe ngóng, các em không yên tâm sẽ tiếp tục rút hồ sơ để gửi sang trường khác. 
Tuy nhiên, ở nguyện vọng 1 này, đa số là những thí sinh điểm cao đăng kí vào những trường top đầu nên sự cạnh tranh cũng khá khốc liệt. 
Năm nay, do điểm thi tăng nên số thí sinh tới xét tuyển tại các trường này đều có mức điểm cao, từ 20-25 điểm. Hiện thí sinh chỉ tập trung đăng kí vào những ngành thời thượng nên lượng hồ sơ còn khá thấp so với chỉ tiêu tại các trường.
Đơn cử ĐH Y Hà Nội, đến cuối ngày 7/8, trường đã nhận được 664 hồ sơ đăng ký trên tổng số 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, Y đa khoa, ngành “hot” nhất của ĐH chiếm đến 2/3 số hồ sơ với hơn 420 bộ. Điểm của thí sinh đăng ký vào Y đa khoa chủ yếu từ 28 trở lên. Có khoảng 100 em được 27-28 điểm. Đến nay, ĐH này có 2 thí sinh được điểm cao nhất là 32,25 (đã tính cả điểm ưu tiên).
Học viện Ngoại giao có 213 hồ sơ đăng ký trên tổng số 450 chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó ngành Quan hệ quốc tế chiếm số lượng đông nhất với 82 hồ sơ. Điểm của thí sinh đăng ký vào ngành này chủ yếu từ 23 - 28,25. Năm 2014, điểm chuẩn vào ngành Quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao là 21,5-22.
ĐH Ngoại thương cơ sở Hà Nội hiện nhận được hơn 1.300 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Trong đó, ngành được chọn nhiều nhất là Kinh tế đối ngoại chiếm tới hơn 810 hồ sơ. Tại  ĐH Xây dựng Hà Nội có 1.042 thí sinh nộp hồ sơ/tổng chỉ tiêu khối A là 2.130; khối A1 là 48/670 chỉ tiêu; ngành Kiến trúc quy hoạch (khối V) có 337 thí sinh/500 chỉ tiêu. 
Còn những ngành như Thủy lợi thủy điện mới có 3 thí sinh nộp hồ sơ/75 chỉ tiêu; ngành Công trình biển mới có 1 thí sinh/75 chỉ tiêu; ngành Cơ giới hóa xây dựng có 4/40; ngành Cảng đường thủy có 6/75… Tương tự tại ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành Kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật vật liệu kim loại (KT14) chỉ tiêu là 120 nhưng những ngày đầu chỉ lác đác 6 người nộp hồ sơ.
Căng thẳng kéo dài
Sau 6 ngày, kể từ sau ngày đầu tiên các thí sinh được nộp đơn xét tuyển và đăng kí nguyện vọng vào các trường, tại Đà Nẵng tính đến ngày 6/8 có 99 thí sinh xin rút hồ sơ xét tuyển nguyện vọng, riêng ngày 6/8 có 50 thí sinh. 
Nguyên nhân rút hồ sơ chủ yếu được các thí sinh cho biết phần nhiều là do nhận thấy kết quả các môn xét tuyển của mình thấp hơn điểm sàn và điểm trúng tuyển dự kiến ngành đã đăng ký và một phần còn lại là do sai sót thông tin trong hồ sơ. 
Đồng thời, tuần qua một số trường cũng đã có thông báo về thí sinh trúng tuyển tạm thời nhưng đều đã được nhắc nhở và rút lại. Câu hỏi phổ biến nhất những ngày qua trên các diễn đàn mạng là: “Em được… điểm, liệu có đỗ vào ngành… không?”. 
Và, câu hỏi này thật khó trả lời bởi điểm chuẩn trúng tuyển phụ thuộc vào số lượng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, điều này lại chỉ được xác định sau ngày 20/8, khi đã hết hạn nộp hồ sơ. 
Thế nên, hiện nay sau khi nộp hồ sơ vào, rồi hàng ngày (hoặc 3 ngày, tùy từng trường) theo dõi cập nhật bảng xếp hạng xem mình đang ở đâu. Thí sinh thót tim đếm xem mỗi ngày mình rớt xuống bao nhiêu thứ hạng. 25-26 điểm ở các trường top trên vẫn không có gì là chắc chắn vì các bạn điểm cao đều chọn những trường này để nộp. 
Còn thí sinh đạt 20-22 điểm, muốn vào các trường tầm trung cũng mang nỗi lo: có khi các bạn 24-25 điểm người ta sợ rủi ro ở top trên, nộp vào các trường top giữa và “cuộc đua” mới lại bắt đầu.
Nhiều chuyên gia khuyên các thí sinh cân nhắc cơ hội trúng tuyển cho mình ở ngay nguyện vọng 1 vì hầu hết các trường sẽ tuyển xong trong nguyện vọng 1. Khả năng trúng tuyển đối với nguyện vọng 2 trở đi là khó vì lúc này thí sinh còn 3 giấy báo kết quả, mỗi giấy 4 nguyện vọng sẽ nộp vào các trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển, đồng nghĩa với tỷ lệ ảo rất cao. 
Nhận định về việc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển, ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa cho biết, việc rút - nộp hồ sơ sẽ diễn ra cấp tập vào tuần tới do điểm chuẩn tạm thời của các ngành, các trường sẽ tăng theo từng ngày và ngày càng có nhiều thí sinh nộp vào. 
Thí sinh hoang mang vì… phần mềm thống kê
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH sẽ phải công bố kết quả của thí sinh trên mạng để thí sinh biết mình có khả năng đỗ - trượt để rút, nộp hồ sơ sang trường khác. Hàng loạt trường ĐH, CĐ đã công khai dữ liệu xét tuyển trên website của trường, nhưng nhiều thí sinh phản ánh mỗi trường làm một kiểu, vừa khó tìm vừa khó theo dõi. 
Có trường tổng hợp thí sinh đơn thuần, không phân theo ngành, theo khối thi, cũng chẳng xếp hạng điểm số của thí sinh từ cao xuống thấp khiến thí sinh hoang mang không biết mình ở vị trí nào. 
Được biết, các trường đã chạy thử phần mềm thống kê của Bộ GD-ĐT nhưng gặp nhiều lỗi nên phải quay lại dùng phần mềm của trường. Tuy không phân loại được rõ ràng nhưng phần mềm này vẫn cung cấp được cho thí sinh đã gửi hồ sơ vào trường biết mình đang ở vị trí nào, có khả năng trúng tuyển không, đúng với yêu cầu của Bộ. 

Đọc thêm