Cổng thông tin điện tử Chính phủ dẫn phần trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Chính sách BHXH hiện hành được thực hiện theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn.
Theo đó, chính sách BHXH bắt buộc được áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên (từ 1/1/2018 là từ đủ 1 tháng trở lên) với các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất và thất nghiệp; Chính sách BHXH tự nguyện được áp dụng đối với những đối tượng còn lại (người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc) và được thực hiện với 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.
Như vậy, từ ngày 1/1/2018 (thời điểm chính sách BHXH tự nguyện có hiệu lực thi hành) thì các đối tượng người lao động thuộc khu vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động trong đó có nông dân nếu có nguyện vọng được tham gia BHXH tự nguyện.
Hiện nay, chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện và Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Theo đó, có nhiều điểm mới tạo điều kiện cho người lao động dễ dàng tham gia và thụ hưởng các chế độ như:
Quy định thêm phương thức đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho nhiều năm về sau (không quá 5 năm); đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay khi hết tuổi lao động (không quá 10 năm); Hạ mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện từ mức lương cơ sở (hiện nay là 1.300.000 đồng/tháng) xuống bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng, tương đương với mức đóng tối thiểu là 154.000 đồng/tháng).
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo chuẩn mức hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo (tương ứng với 46.200 đồng/người/tháng); Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo (tương ứng với 38.500 đồng/người/tháng); Bằng 10% đối với các đối tượng khác (tương ứng với 15.400 đồng/người/tháng).
Đồng thời, Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.